TỔ CHỨC TƯ PHÁP DÂN SỰ
Hệ thống tổ chức tư pháp mỗi nước mỗi khác và các tòa án tư pháp chỉ là một cương vị trong hệ thống một quy giai tòa án nằm trong một đại quy mô rộng lớn hơn, bao gồm tất cả các tòa án có nhiệm vụ phân phát công lý. Hiện nay, tất cả các quốc gia trên thế giới, xét xử là là một chức năng quốc quản của nhà nước, vì lẽ luật pháp không để cho ai tự xử lấy cho mình nữa. Nhà nước thi hành nhiệm vụ xét xử các việc tranh chấp giữa hai tư nhân bằng các cơ quan tài phán tức là Tòa án – một công cụ của quốc gia có nhiệm vụ chuyên giữ việc tư pháp.
Đoàn thể quốc dân, tức là Nhà nước, qua quyền tài phán, bắt buộc tư nhân phải thừa nhận công lý của mình và có khi tự phục tùng công lý đã đặt ra. Sự phục tùng đó đến mức nào, còn tùy vào tập quán của mỗi quốc gia. Về phương diện này, không một nước nào sánh kịp với nước Anh, nơi mà các thẩm phán có quyền cho mạng lệnh (give injunctions), buộc các cơ quan hành chính phải tuân theo.
Muốn các cơ quan tư pháp thi hành sứ mệnh xét xử cho hoàn bị, luật pháp đặt ra nguyên tắc phân quyền. Muốn cho việc điều hành công lý được hợp lý và hữu hiệu, các tòa thường tụng hay tòa thường luật phải được phân biệt với tòa đặc thẩm hay tòa đặc biệt.
Muốn cho các đương sự có sự bảo đảm không bị ngộ phán, việc tổ chức tòa án phải theo nguyên tắc lưỡng cấp tài phán, tức là xét xử hai cấp, sơ thẩm và phúc thẩm. Ngoài ra, công lý phải được triệt để công bằng với tất cả mọi người và để đạt được lý tưởng này, pháp đình dân sự phải tổ chức theo nguyên tắc hội phán.
A. CÁC NGUYÊN TẮC TỔNG QUÁT CHI PHỐI SỰ TỔ CHỨC TƯ PHÁP
Quốc gia có ba nhiệm vụ chính: Lập pháp, hành pháp và tư pháp, được phân định theo nguyên tắc tam quyền phân lập, hay theo danh từ mới là nguyên tắc phân nhiệm. Đây là nguyên tắc phổ biến trong thế giới tự do dân chủ. Về phương diện tố tụng, ta cần phân biệt sự phân nhiệm giữa lập pháp và tư pháp; sự phân nhiệm giữa hành pháp và tư pháp.
1. Sự phân nhiệm giữa lập pháp và tư pháp: Trước hết, nhà lập pháp không được xâm lấn, can thiệp vào việc xét xử hoặc sửa đổi một quyết định tư pháp. Những đạo luật giải thích có mục đích đưa ra một giải pháp cho vụ kiện cụ thể đang tiến hành, phải bị cấm. Ngược lại, thẩm phán không được bước qua địa hạt của nhà làm luật. Trước kia ở bên pháp, các Pháp viện cũ (Parlement), hồi giai đoạn trước cách mạng thường tuyên các bản án lập quy, nghĩa là có điều khoản tổng quát thi hành không những cho các đương sự trong vụ án, mà cón có hiệu lực đối với tất cả mọi người. Như thế là xâm lấn vào quyền lập pháp, một hành vi bị cấm theo Điều 5 BLDS Pháp: “Nghiêm cấm thẩm phán giải quyết những vụ việc được giao xét xử bằng cách đặt ra những quy định chung và có tính chất quy phạm”. Điều 5 Bộ DLGY, điều 6 DLT, Điều 6 DLB cũng nhắc lại điều cấm này cho các Thẩm phán Việt Nam: “Cấm quan Thẩm phán không được tự đặt ra luật lệ mà xử đoán”.
2. Sự phân nhiệm giữa hành pháp và tư pháp: Một mặt hành pháp không được xử kiện, không được cản trở việc xét xử đang tiến hành và không được ngăn cản việc thi hành phán quyết, không được cho lện Tòa án. Mặc khác, tư pháp không được lấn sang công việc hành chính và chi1nhg phủ, nếu vi phạm cũng bị trừng trị theo luật hình. Sự cấm đoán này áp dụng cho cả trường hợp tư pháp cố tình lấn sang địa hạt của các tòa án hành chính là quyền tài phán thuộc một quy giai tòa án riêng biệt, độc lập với quy giai tư pháp.
B. TÒA THƯỜNG TỤNG VÀ TÒA ĐẶC THẨM: Quy giai tòa án dân sự chia làm hai loại: Các tòa thường tụng hay thường luật gồm có: tòa án dân sự sơ thẩm, tòa thượng thẩm hay phúc thẩm hay phúc án. Các tòa đặc thẩm hay đặc biệt gồm: Tòa lao động, Tòa Nhà phố, Tòa Thương mại …
1. Sự khác biệt của các Tòa thường tụng và Tòa đặc thẩm:
a. Theo nguyên tắc thì Tòa thường tụng có thẩm quyền xét xử tất cả mọi việc mà luật pháp không minh thị giao cho một tòa nào khác theo tính chất đặc biệt của việc tranh tụng.
b. Chỉ trừ một vài biệt lệ, tòa thường tụng có quyền xử tất cả các vụ khó khăn về việc thi hành án văn.
c. Hình thức tố tụng của hai loại tòa khác nhau: Tại tòa thường tụng thì có nhiều nệ thức và bảo đảm, còn trước tòa đặc thẩm thì đơn giản và mau lẹ.
d. Tòa thường tụng có quyền tòa thẩm, còn tòa đặc thẩm thì không.
2. Lý do phân biệt ra hai hạng tòa: Những sự khác biệt vừa nêu trên có thể được giải thích bằng nhiều lý do:
a. Lý do thứ nhất là các nhà lập pháp muốn giao cho các thẩm phán co những kiến thức kỹ thuật chuyên môn hơn để xét xử các việc có những tính chất khác với những vụ tranh tụng thường chỉ liên quan đến pháp lý. Chẳng hạn như vụ thương mại phải để cho các người đã lăn lộn trong giới thương trường, việc lao động phải giao cho các người trong giới chủ nhân thợ thuyền.
b. Lý do thứ hai là có khi chính quyền muốn có chính sách gần dân hơn, hay là muốn cho các đương sự đỡ phải đi xa. Vì vậy, những Tòa Hòa giải được đặt tại các Quận Huyện, xét xử những vụ tranh chấp nhỏ, kém quan trọng; còn các tòa đặc thẩm đặt ở cấp tỉnh.
C. NGUYÊN TẮC LƯỠNG CẤP TÀI PHÁN: Một vụ tranh tụng đã được xét xử rồi, phải được phúc xử lại một lần nữa tại tòa cấp trên, đó là nguyên tắc lưỡng cấp tài phán. Tòa án cấp dưới xử lần thứ nhất, sơ thẩm, nếu một trong các đương sự không hài lòng về một giải pháp có quyền chống án, hay nói theo danh từ chuyên môn là kháng cáo lên một tòa án cấp trên để được xét xử lần thứ hai gọi là phúc án hay phúc thẩm.
Căn nguyên của chế định lưỡng cấp tài phán: Thẩm phán cũng chỉ là người rất có thể lầm lẫn, vì vậy, nếu một vụ kiện khá quan trọng cần phải có phương cách sửa chữa, cần phải để cho một tòa án cấp cao hơn, trong hệ thống tổ chức gồm các vị lão thành, nhiều kinh nghiệm, đông người hơn, xa đương sự, ít bị ảnh hưởng sôi nỗi bởi dư luận lúc việc mới xảy ra, đem ra xet xử lại. Với viễn cảnh bản án sơ thẩm có thể bị hủy hoặc sửa, các thẩm phán cấp dưới cũng phải thận trọng hơn trong việc xét định. Lưỡng cấp tài phán là để công lý được bảo đảm hơn là để cho tranh tụng chỉ được xét xử có một lần.
D. SỰ BÌNH ĐẲNG CỦA CÔNG DÂN TRƯỚC PHÁP LUẬT: Nguyên tắc này khẳng định tất cả mọi người, giàu nghèo, sang hèn, mạnh yếu, tất cả đều chung số phận trước công lý theo ý nghĩa thông thường. Sự bình đẳng trong tố tụng không phải là một nhân quyền hay dân quyền mà là bình đẳng trước tòa án trong tiến trình tố tụng.
E. NGUYÊN TẮC HỘI PHÁN: Định lệ tổng quát thứ 5 cuối cùng chi phối sự tổ chức tư pháp dân sự là nguyên tắc hội phán ở cấp thượng thẩm và tại tòa phá án. Các tòa án cấp dưới sơ thẩm, hòa giải, nhà phố, trái lại theo nguyên tắc thẩm phán duy nhất.
1. Nguyên tắc hội phán có những ưu điểm sau:
a. Công lý anh minh được bảo đảm, vì trong lúc cùng thẩm nghị, ý kiến phong phú, va chạm lẫn nhau sẽ làm sáng tỏ vấn đề và đưa đến giải pháp của đa số;
b. Công lý vô tư được bảo đảm vì sự cương trực của một người, đủ kiềm chế ý muốn thiên vị của các bạn đồng liêu, và không lẽ tất cả tòa đều đồng lòng cố tâm bênh vực một bên đương sự làm thiệt hại cho bên kia. Vì vậy, dư luận quần chúng được thỏa mãn hơn, từ đó họ tôn trọng và tin tưởng vào tòa án.
c. Công lý độc lập được bảo đảm hơn vì nhiều người thì trách nhiệm được chia sẻ, thẩm phán dễ bề quyết định mà ít e dè hoặc lo âu đến những dọa nạt, oán hờn hoặc đàn áp. Nói tóm lại vì tính cách vô danh của phán quyết nên đỡ được mọi áp lực ngoại lai xuất xứ bất kể nơi đâu.
2. Nguyên tắc độc phán có những ưu điểm:
a. Thẩm phán duy nhất xét xử sẽ có ý niệm rõ rệt hơn về trách nhiệm phán quyết. Dư luận biết rõ mình là tác giả nên phải đặc biệt thận trọng, không để ai chỉ trích được về sự phán quyết ngay thẳng hay về kiến thức pháp lý. Nếu để cho thẩm phán núp sau bình phong vô danh để được trút bớt một phần trách nhiệm hoặc đỡ được sự nỗ lực cá nhân thì chưa chắc đã có lợi cho việc điều hành công lý.
b. Hệ thống thẩm phán duy nhất có ít nhân viên, quốc gia có thể đài thọ được lương hậu, tình trạng vật chất khả quan sẽ tăng thêm uy tín cho thẩm phán và phần nào cũng ảnh hưởng đến thái độ độc lập cẩn thiết.
Kết luận: 5 nguyên tắc tổng quát gồm: phân nhiệm; thường tụng và đặc thẩm; lưỡng cấp tài phán; bình đẳng trước pháp luật; hội phán; là cần thiết cho sự hiệu biết về tổ chức hệ thống tư pháp dân sự.
Bình luận