BÀ THỦ KHOA NGHĨA MINH OAN CHO CHỒNG
Bùi Hữu Nghĩa sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo làm nghề chài lưới tại làng Long Truyền, Bình Thủy, Cần Thơ. Từ nhỏ ông học giỏi, nổi tiếng là người thông minh hay chữ, song vì quá nghèo nên đành bỏ dở việc học. Trong làng có gia đình họ Ngô mến tài, trọng đức nên đã giúp cho ông lên Biên Hòa học trường thầy đồ Hoành và ở trọ nhà hộ trưởng Nguyễn Văn Lý.
Năm 1835 ông đỗ thủ khoa trường thi Gia Định (nên thường gọi là Thủ Khoa Nghĩa) rồi ra Huế thi Hội nhưng bị rớt. Tuy vậy, ông cũng được bổ vào tập sự ở Bộ Lễ chờ ngày nhậm chức chính thức. Ít lâu sau, ông được bổ nhiệm chính thức chức tri phủ Phước Long (Biên Hòa). Trên đường về quê, ông ghé chào thầy Đồ Hoành nhưng quên không ghé nhà hộ trưởng Nguyễn Văn Lý. Cô Nguyễn Thị Tốn – con gái ông Nguyễn Văn Lý – giận lắm. Khi Tri phủ Phước Long sắp ra khỏi làng, cô Tốn vội chạy theo, rẽ đám tùy tùng níu võng ông Tri phủ lại mà dạy cho bài học về nghĩa thủy chung. Cảm phục cử chỉ khảng khái này, nên sau khi nhậm chức, ông sắm lễ cầu hôn với cô Tốn. Cô Tốn cho đây là hành động của người quân tử nên đã ưng thuận và xin cha mẹ cho theo chàng nâng khăn sửa túi.
Ở Biên Hòa một thời gian, Thủ Khoa Nghĩa được điều đi nhậm chức ở phủ Trà Vang (Trà Vinh), tỉnh Vĩnh Long, tùng sự dưới quyền Tổng đốc Trương Văn Uyển và Bố chánh Truyện. Tính tình Thủ Khoa Nghĩa cương trực, không thiên vị luồn cúi ai. Thời gian làm tri phủ Trà Vinh, em vợ quan Bố chánh hỗn xược, ông thẳng tay trừng trị, cho đánh đòn nên quan Bố chánh thù oán rắp tâm hãm hại.
Tương truyền, người Miên đã cứu giúp lương thực cho Nguyễn Ánh trong lúc chống nhau với Tây Sơn, cho nên khi lên ngôi, nhà vua đã xuống chiếu miễn thuế thủy lợi cho dân Miên để đền ơn. Thấy công trình thủy lợi đó quan trọng và thu được nhiều lợi, có một số người Tàu lo lót với Tổng đốc Uyển và Bố chánh Truyện để giành lấy độc quyền sử dụng và đắp đập khai thác. Các hương mục Miên kéo nhau đến kiện ở dinh Tri phủ Bùi Hữu Nghĩa. Tri phủ Nghĩa xử rằng: “Việc tha thuế thủy lợi là ơn riêng của vua Thế Tổ ban cho dân Miên, nay ai nhỏ hơn vua Thế Tổ mà đứng ra bán rạch ấy thì có chém đầu cũng không sao!”. Được lời như cởi tấm lòng, dân Miên bèn kéo đến phá đập của người Tàu. Giữa hai bên xảy ra quyết chiến, bên nào cũng có kẻ chết, người bị thương, đặc biệt phía người Tàu bị nhiều thiệt hại về nhân mạng. Nhiều dân Miên bị bắt khai ra lời xử án của Tri phủ Bùi Hữu Nghĩa. Tổng đốc Uyển và Bố chánh Truyện vốn có tư thù với ông Nghĩa nên nhân cơ hội này bắt ông Nghĩa giải về Gia Định rồi đệ sớ lên triều đình tâu buộc ông Nghĩa vào tội xúi giết người và làm loạn, ý muốn nói vì ông Nghĩa nên mới có đánh nhau gây án mạng.
Đứng trước oan ức của chồng, bà Thủ Khoa Nghĩa quyết lặn lội ra Huế kêu oan.
Bấy giờ, Phan Thanh Giản đang làm Thượng thư Bộ Lại. Bà Thủ Khoa Nghĩa tìm đến tư dinh cụ Phan Thanh Giản để trình bày sự lộng quyền của các quan Vĩnh Long, rồi đến Tam Pháp Ty khua ba hồi trống “kích cổ đăng văn” (Tam Pháp Ty gồm có nhân viên cao cấp của Bộ Hình, Đô Sát viện và Đại lý tự họp xử bất thường đối với những vụ đặc biệt, có người đánh trống kêu oan).
Bà Thủ Khoa vừa khua trống thì một thầy đội chạy đến thu tờ trạng đem vào cho viên quan trực trong Nội. Ông này dâng lên vua. Vua giao cho Tam Pháp Ty nghị án rồi chính vua chung thẩm như sau:
“Tha tội tử hình cho Bùi Hữu Nghĩa, song phải quân tiền hiệu lực, lập công chuộc tội”.
Bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức, nghe tin này lấy làm cảm thương cho người liệt phụ đồng hương, bèn cho mời vào, ban cho tấm biển chạm bốn chữ vàng: “Liệt phụ khả gia”. Cứu được chồng, bà Thủ Khoa Nghĩa từ giã kinh đô, thẳng đường về quê hương ở tỉnh Biên Hòa.
Khi bà mất, ông Nghĩa đang xung quân ở vùng Châu Đốc, nghe tin vội xin về, nhưng tới nhà thì mọi sự ma chay đã xong. Vô cùng thương tiếc, ông làm một bài văn tế và đốt bên mộ vợ. Bài văn có những câu thống thiết:
“Nơi kinh quốc mấy hồi trống gióng, biện bạch này oan, nọ ức, đấng hiền lương mắt mắt thảy đau lòng. Chốn tỉnh đường một tiếng hét vang, hẳn hòi lẽ chánh, lời nghiêm, lũ băng đảng tai nghe đều mất vía.”
Ông Nghĩa còn có đôi liễn thờ vợ bằng chữ Hán:
“Ngã bần, khanh năng trợ, ngã oan khanh năng minh, triều dã giai xưng khanh thị phụ.
Khanh bệnh, ngã bất dược, khanh tử ngã bất táng, giang sơn ưng tiếu ngã phi phu.
Nghĩa là:
“Tớ nghèo mình lo giúp, tớ oan mình lo kêu, chòm xóm đều khen mình đáng vợ.
Mình đau tớ chẳng nuôi, mình chết tớ chẳng táng, non sông thẹn phận tớ làm chồng”.
Lời bàn:
Ngày xưa, dân rất sợ quan. Thế mà một cô gái quê dám níu võng ông Tri phủ để dạy đạo làm người – sự thủy chung – thật đáng ca ngợi biết bao. Ông Bùi Hữu Nghĩa biết nhận lỗi và chọn cô Tốn làm vợ thì quả là sáng suốt, đáng khen. Ông chọn được vợ hiền, bản lĩnh nên nhờ đó mà về sau thoát nạn.
Bà Tốn dám níu võng quan phủ để dạy cho bài học thì tất nhiên bà cũng dám lặn lội ra Huế gióng trống kêu oan cho chồng, không lấy gì làm ngạc nhiên. Nhưng ngạc nhiên ở chỗ: Sao mà cái trống của Tam Pháp Ty dễ đến đánh quá vậy? Nếu bây giờ mà có cái trống từa tựa như trống ấy thì sẽ có bao nhiêu là… lãng mạn.
Bình luận