Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

Bài 4: Tố Tụng Là Kẻ Thù Của Độc Tài.

TỐ TỤNG LÀ KẺ THÙ CỦA ĐỘC TÀI.

Ông Nguyễn Hòa Bình đã nêu lần lượt 4 vấn đề cụ thể để hội đồng thẩm phán TANDTC biểu quyết. Trong đó, vấn đề đầu tiên là vấn đề tố tụng: “1. Vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không?”.
Chỉ cần kết quả biểu quyết vấn đề 1 này thì người ta sẽ suy ra kết quả biểu quyết các vấn đề còn lại. Hay nói cách khác, các vấn đề 2,3,4 chỉ là hệ quả của vấn đề 1 – vấn đề tố tụng. Đã không “thay đổi bản chất của vụ án” thì Hồ Duy Hải phải bị tử hình theo bản án đã có hiệu lực pháp luật. Giơ tay biểu quyết các câu hỏi 2,3,4 chỉ là diễn trước đám đông cho thêm phần thuyết phục.
Chánh án tối cao Nguyễn Hòa Bình đã thừa nhận có vi phạm tố tụng trong vụ án Hồ Duy Hải nhưng sửa chữ “vi phạm” thành chữ “sai sót” để tiến hành biểu quyết. Đối với pháp luật nói chung và pháp luật tố tụng hình sự nói riêng thì chỉ “vi phạm pháp luật” mới phải tiến hành xem xét để xử lý. Tôi chưa tìm ra thuật ngữ “sai sót về tố tụng” trong các loại từ điển và pháp luật tố tụng Việt Nam. Và cũng không có qui định nào để huy động cả hội đồng thẩm phán tối cao xem xét xử lý các “sai sót về tố tụng”. Dùng cụm từ “sai sót về tố tụng” thay cho cụm từ “vi phạm về tố tụng” đã để lại dấu vết lèo lái theo ý chí của người soạn thảo các biểu quyết này. Đã “sai sót” thì tha thứ, là bỏ qua, là không làm thay đổi bản chất của vụ án và vì vậy cũng không cần biểu quyết. Ý chí độc đoán của một người, ngay từ đầu, đã áp đặt cho cả 17 người và qua mặt được một số người hời hợt, nhẹ dạ cả tin. Một người có hiểu biết nào cũng dễ dàng hiểu rằng sai sót là phải bỏ qua. Pháp luật chỉ xử lý vi phạm; không có pháp luật nào xử lý sai sót. Như vậy, biểu quyết của hội đồng thẩm phán cả 4 vấn đề xuất phát từ “sai sót” là không cần thiết và vô giá trị.
Viện kiểm sát chỉ kháng nghị xoay quanh các vi phạm tố tụng mà vì những vi phạm tố tụng này nên không chắc chắn Hồ Duy Hải là người phạm tội.
Không ai bênh vực kẻ thủ ác. Chủ tịch nước, Ủy ban pháp luật của quốc hội, viện kiểm sát tối cao và số đông người Việt Nam chỉ đòi hỏi phải làm rõ các chứng cứ xác định có tội hoặc vô tội theo qui định tại điều 15 Bộ luật tố tụng hình sự: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.”
Các tranh cãi đã diễn ra quyết liệt vì các chứng cứ xác định có tội chưa chắc chắn – mà tử hình một người thì đòi hỏi phải tuyệt đối chắc chắn đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các tình tiết, chứng cứ xác định vô tội do luật sư và gia đình Hồ Duy Hải đưa ra chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ. Họ đã hoàn toàn bỏ trống trách nhiệm làm rõ chứng cứ xác định vô tội và chỉ chăm chú đi theo hướng buộc tội. Đây là lối tư duy và hành xử rất nguy hiểm, thể hiện qua nhiều vụ án oan suốt mấy chục năm qua.
Giống nghề Bác sĩ ở chỗ chỉ cứu người, luật sư – người bào chữa không được làm xấu hơn tình trạng pháp lý của bị can, bị cáo. Nghĩa là, người bào chữa chỉ được quyền làm một chiều là làm rõ các chứng cứ xác định vô tội, các tình tiết giảm nhẹ. Còn các cơ quan tiến hành tố tụng thì phải có trách nhiệm tiến hành cả hai chiều: chiều buộc tội và chiều gỡ tội. Họ phải có nghĩa vụ xác minh làm rõ chứng cứ xác định vô tội và các tình tiết giảm nhẹ. Nhưng trong vụ án Hồ Duy Hải, Các điều tra viên đã không làm phần này. Bỏ một vế của quá trình chứng minh tội phạm là vi phạm nghiêm trọng tố tụng được qui định tại điều 15 này. Những vi phạm dạng này là một trong những nguyên nhân đã gây ra nhiều vụ án oan suốt mấy chục năm qua.
Loài người đã tiến một bước dài trong tiến trình xét xử. Trong thời kỳ mông muội, ý chí độc đoán của già làng, của tù trưởng hoặc của vua chúa là có thể loại trừ một người ra khỏi cộng đồng mà không cần tố tụng như ngày nay. Hệ thống tố tụng ngày nay là thành quả của sự phát triển của triết học, toán học, hóa học, sinh học và các khoa học khác, đặc biệt là khoa học giám định pháp y. Càng tuân thủ khoa học tố tụng thì các kết luận càng tiệm cận với chân lý. Không theo trình tự thủ tục tố tụng thì kẻ độc tài nào cũng dễ dàng tùy tiện bắt bớ người lương thiện. Pháp luật tố tụng áp dụng nghiêm ngặt thì công lý được sáng tỏ. Từ đó, tự do chân chính của mỗi người được bảo vệ. Mà như vậy thì kẻ độc tài sẽ không thể phán quyết tùy tiện và kẻ độc tài cũng không có chốn dung thân. Vì thế, tố tụng là kẻ thù của độc tài nhưng là anh em sinh đôi với tự do./.
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

1
Bình luận

avatar
mới nhất cũ nhất tích cực
nguyễn Tấn
Khách
nguyễn Tấn

Thật sự rất kính lễ tác giả bài viết, bởi lẽ 1. Ở phần mở đầu ông sử dụng một sự kiện có thật rồi kết hợp với cách giả định của ông để đặt vấn đề 2. Ông sử dụng các loại gia vị để thiết kế nên câu chuyện 3. Phần kết luận theo phong cách nhận định, ông làm một cú so sánh giữa Vua chúa, Tộc Trưởng và già làng với các vị “Thánh Phán” của chúng ta, của nhân dân. Tôi cảm thấy có điều gì đó Sai sai nhưng vẫn không tìm ra được… Đọc thêm »