Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

Bài 8: Lừa Dân, Lừa Nước, Lừa Ai Dễ?

LỪA DÂN, LỪA NƯỚC, LỪA AI DỄ ?
Chốn công đường đang xét xử Minh Phụng-Epco lừa đảo chiếm đoạt hơn 4.000 tỉ đồng của ngân hàng nhà nước (nước), làm tôi giật mình nhớ lại các vụ án lừa đảo chiếm đoạt … đã qua.
I. Một lần lừa dân:
“Thời chưa biết”, Nguyễn Văn Mười Hai – chủ cơ sở nước hoa Thanh Hương, dùng thủ đoạn “vay vay mượn mượn” để “ẳm” của những người dân tội nghiệp 104 tỉ đồng. Trong thời này, Huỳnh Là, Lâm Cẩu cũng học sách của thầy Mười Hai “ẳm” khá bộn. Từ đó đến nay, không còn xảy ra vụ án nào tương tự như vậy nữa. Dân ta, đặc biệt là những người nhẹ dạ cả tin, đã chuyển từ “Thời chưa biết” thành “Thời khôn ra”.
II. Nhiều lần lừa nước:
1. Một vụ lừa: “Thời chưa biết”, Phạm Công Tước dùng thủ đoạn “vay vay mượn mượn” để “ẳm” của ngân hàng nhà nước gần 130 tỉ đồng rồi cao chạy xa bay. Trong vụ này, các “đầy tớ” được dân giao giữ kho tiền ở ngân hàng đã trả lời gọn hơ: “Tôi đã bị lừa”. Từ đó, ngân hàng đã chuyển từ “Thời chưa biết” thành “Thời đã biết”.
2. Vẫn bị lừa: “Thời đã biết”, người đẹp Trần Xuân Hoa cũng dùng thủ đoạn “vay vay mượn mượn” cùng với “cái quạt” của thi sĩ Hồ Xuân Hương làm “mát mặt anh hùng khi vắng gió” để lừa và “ẳm” của ngân hàng gần 250 tỉ đồng. Trước khi cao bay xa chạy … thật xa, người đẹp còn kịp dùng tiền lừa được để mua hơn 2.000 lượng vàng, rồi dùng điện thoại di động gửi lời chào “những người quân tử”, để lại những đống phân không bán được(*). Trong vụ này, những “đầy tớ” được dân giao giữ chìa khóa kho tiền cũng trả lời gọn hơ: “Tôi đã bị lừa”. Từ đó, ngân hàng vẫn chưa chịu chuyển từ “Thời đã biết” thành “Thời khôn ra”.
3. Nên vẫn bị lừa: “Thời đã biết”, Phạm Huy Phước cũng dùng thủ đoạn “vay vay mượn mượn”, có bảo kê và công chứng bảo kê để lừa lấy của ngân hàng hơn 300 tỉ đồng. Nhờ “Thời đã biết” nên công an đã canh kỹ vùng đất, vùng trời, lôi được Phạm Huy Phước và đồng bọn ra tòa và bắt chúng phải trả giá, nhưng các “đầy tớ” được dân giao giữ kho tiền thì vẫn trả lời gọn hơ: “Tôi đã bị lừa”!. Ngân hàng vẫn còn trong “Thời đã biết”.
4. Nên đã cùng lừa: Tăng Minh Phụng, Liên Khui Thìn cũng dùng thủ đoạn cũ rích của bậc đàn anh “vay vay mượn mượn” để lừa và “ẳm” của ngân hàng hơn 4.000 tỉ đồng. Nhưng lần này hơi ngộ: lừa nhưng không có con người cụ thể nào bị mắc lừa. Các đầy tớ được dân giao giữ chìa khóa kho tiền đã biết tất cả phương cách “làm ăn” của tập đoàn Minh Phụng-Epco. Hơn thế nữa, các đầy tớ này còn bày vẽ cho Minh Phụng và Liên Khui Thìn bí quyết “Vừng ơi, mở ra !” để cùng lừa. Lần này, những “đầy tớ” được dân giao giữ kho tiền bị “ngọng” và “cà lăm” nên đành dắt díu nhau ra tòa.
Theo bài học vỡ lòng của sinh viên ngành ngân hàng thì chỉ có hai phương thức cơ bản cho vay trong kinh doanh: Cho vay có thế chấp và cho vay luân chuyển. Cho vay có thế chấp thì không thể nào làm mất tiền của người cho vay nên miễn bàn. Cho vay luân chuyển thì người vay phải có kế hoạch kinh doanh và phải có vật tư, hàng hóa tương đương giá trị khoản tiền vay làm bảo đảm. Sau một chu kỳ kinh doanh thì nhất định con nợ phải trả cả vốn lẫn lời rồi mới được vay tiếp để kinh doanh cho chu kỳ sau. Nếu rủi gặp phải tay “cao thủ lừa” thì ngân hàng cũng chỉ bị mất một lần tiền của một chu kỳ cho vay. Do vậy, không thể có chuyện mất nhiều và mất hoài.
Nếu bài học vỡ lòng về tín dụng ngân hàng này không đủ cho các “đầy tớ” giữ được an toàn két tiền của dân thì đây, bài học của những con người một nắng hai sương, cúi gằm mặt xuống đất, chổng mông lên trời(**): “Thấy phơi lúa mới cho mượn gạo” và “Một lần tởn mãi tới già, đi chi nước mặn để hà ăn chân”.
Nói tóm lại, các vụ lừa đảo lớn kể trên cho thấy, người dân nhẹ dạ cả tin, không được đào tạo về cách giữ tiền và sử dụng đồng tiền, nhưng chỉ bị lừa một lần là họ đã chuyển ngay từ “Thời chưa biết” thành “Thời khôn ra”. Còn những đầy tớ của dân, được dân chở che đùm bọc, nuôi cho ăn học để giữ kho tiền thì lại cứ vẫn bị mắc lừa hoài, cứ quá độ mãi ở “Thời đã biết” chứ nhất định không chịu chuyển thành “Thời khôn ra”.
Ôi ! Những chủ nhân của đất nước cứ chắt chiu “Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá/ Mỗi hòn than mẩu sắt cân ngô/ Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ” để cho đầy tớ có “cái ăn, cái phá”!
Lần này và có thể còn nữa, nếu các “đầy tớ” được giao giữ két tiền đang đứng trước vành móng ngựa kia mà trả lời được bằng câu cũ rích và gọn hơ ấy nữa, thì những chủ nhân đã từng ” Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” sẽ chẳng có tương lai./.
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar