” – Nguyễn Trường Tộ.
Vì phải lo toan cho gia đình và sớm báo hiếu cho mẹ già suốt đời tần tảo mà tôi phải nín lặng, bỏ qua những điều lẽ ra cần phải nói đúng lúc. Nói và viết là nghĩa vụ của người trí thức có may mắn được học hành đến nơi, đến chốn.
Trong một lần về quê nghỉ hè, vào một buổi chiều, tôi chứng kiến cảnh trai làng Mậu Lâm đánh nhau với một số bộ đội biên phòng. Đêm hôm đó, đơn vị bộ đội đã huy động cả trung đội với súng ống đầy đủ tiến vào làng để báo thù. Tất cả nam thanh niên, dù có tham gia đánh nhau hay không và cả du kích thôn ôm súng trốn sạch. Ở lại làng chỉ còn các cụ già, em bé và phụ nữ. Tôi – một nam thanh niên thuộc diện hứng chịu báo thù – ngồi ở nhà chong đèn bình thản đọc sách với mẹ già thui thủi dọn dẹp, chuẩn bị những bó rau, mớ cà cho buổi chợ sớm mai. Bằng thái độ vô can và những lời lẽ từ tốn, tôi đã tránh được hiểm nguy và giúp các anh bộ đội bớt lửa khi tìm không ra một mống thanh niên nào để trả thù.
Mấy ngày sau thì có phiên họp dân ở nhà hội thôn, có đại diện bộ đội biên phòng và chính quyền huyện về dự để lấy lời khai người làm chứng, lời của dân. Tôi không muốn đi dự nhưng mẹ tôi mắng “Con là người có học, biết cái gì đúng, cái gì sai, lại là người chứng kiến từ đầu vụ việc, nếu con không đi, không nói thì ai nói? Ăn học để làm gì, uổng Cơm Cha, Áo Mẹ, Chữ Thầy”. Thấm lời mẹ dạy, tôi đã đi, đã phát biểu tại đình làng, làm sáng tỏ vấn đề, giải quyết mâu thuẫn, góp phần nhỏ bé vào việc biến nóng giận, hận thù thành tình yêu thương, tôn trọng.
Năm 1988, tôi cùng với một số sinh viên K11 Trường Đại Học Kinh Tế TP.HCM tổ chức đấu tranh đòi cải cách giảng dạy Kinh tế Chính trị Mác – Lê Nin với những lý lẽ và đòi hỏi rất cụ thể. Cuộc đấu tranh rất gay cấn và nguy hiểm vì hầu hết sinh viên K11 đồng lòng tẩy chay thi tốt nghiệp môn Kinh tế Chính trị Mac – Lê Nin. Môt số sinh viên đề xuất phản đối bằng cuộc tuần hành từ Trường đại học Kinh tế số 59C Nguyễn Đình Chiểu đến Thành Đoàn số 4 Phạm Ngọc Thạch. Tôi đã ngăn các bạn vì e rằng ai đó lợi dụng kích tiếng nổ là sinh viên chúng tôi lãnh đủ. Chúng tôi đã tập trung ở hội trường và đối thoại với thầy cô, có sự theo dõi sát sao của an ninh. Các bạn sinh viên đề cử nhường thời gian cho tôi phát biểu tại hội trường. Tôi đã phát biểu về các sai sót của giáo trình kinh tế chính trị, sự lạc hậu của chương trình. Đặc biệt, tôi phân tích và chứng minh tính phi khoa học của cái gọi là “các qui luật kinh tế ưu việt – riêng có của chủ nghĩa xã hội” mà chúng tôi sắp phải thi hoặc trình bày trong luận văn tốt nghiệp.
Các thầy cô tham dự kín cả hội trường để lắng nghe. Thầy Hiệu trưởng Đào Công Tiến – một hiệu trưởng đầu tiên được bầu – nói như khóc vì thầy biết “nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò” này mà dấn thêm một bước nữa là mấy cái đầu nóng ngự ở đâu đó, có thể sẽ ra lệnh tiễn sinh viên K11 đi trước sinh viên Thiên An Môn. Cuối cùng, chúng tôi thỏa thiệp đồng ý thi nhưng đề nghị nhà trường phải loại bỏ những câu hỏi vô lý khỏi chương trình ôn thi. Từ 65 câu hỏi ôn thi tốt nghiệp, nhà trường đã phải chấp nhận cắt còn 12 câu. Các bạn sinh viên nhẹ cả người. Bằng sự trong sáng, hiểu biết và dũng cảm lên tiếng, chúng tôi – những sinh viên K11 – đã góp phần thức tỉnh thầy cô và cả xã hội về sự cần thiết phải đổi mới giảng dạy môn Kinh tế Chính trị Mác – Lê Nin.
Sau nhiều năm gặp lại, thiếu tá an ninh Bùi Minh Hải – một trong 3 an ninh theo vụ này – cho tôi biết rằng, một số vị cấp trên của anh nghi ngờ sau lưng vụ này có ai đó mớm, giật dây vì “Sinh viên thì không thể hiểu thấu đáo kinh tế chính trị Mác – Lê Nin như thế”. Hú vía!
Giờ đây, mẹ tôi đã qua đời, cơm áo gạo tiền cũng không còn bức bách, lo toan như xưa. Nhưng “Con là người có học, biết cái gì đúng, cái gì sai, lại là người chứng kiến từ đầu vụ việc, nếu con không đi, không nói thì ai nói? Ăn học để làm gì, uổng Cơm Cha, Áo Mẹ, Chữ Thầy” vẫn còn ám ảnh và vang vọng đâu đây.
Bình luận