Giả sử chỉ có hai vùng phải chọn một để sinh sống. Vùng A có đủ lương thực, thực phẩm nhưng bị dịch Vũ Hán và vùng B là vùng không có dịch Vũ Hán nhưng không có gì để ăn. Tôi không biết người khác chọn lựa thế nào, riêng tôi thì tôi chọn sống ở vùng A. Vì nếu ở vùng B thì chắc chắn tôi sẽ bị chết đói; còn ở vùng A thì tôi có cơ may không bị nhiễm dịch hoặc nếu bị nhiễm dịch thì cơ may sống sót cũng khá lớn.
Do vậy, khi nhận được tin dịch Vũ Hán đang lan rộng, tôi tạm thời ngừng thuê chị giúp việc nhà theo giờ. Nhưng khi vừa thông báo cho chị tạm ngừng việc thì tôi thấy đôi mắt chị rất u buồn. Chị cho biết, nếu phải mất việc 2 tuần thì chị hết tiền nuôi con. Tôi rất lo âu vì chị di chuyển giúp việc theo giờ cho nhiều gia đình. Hơn nữa, gia đình chị có nhiều người vừa trở lại Sài Gòn sau kỳ nghỉ tết cũng là nguy cơ lây bệnh. Sau khi cân nhắc, tôi vẫn để chị lao công tiếp tục làm việc với những hướng dẫn phòng ngừa. Nhưng với chị lao công này thì lây bệnh là chuyện xa vời, mất việc – không có ăn mới là chuyện cấp bách, rất lo âu.
Ở nước ta, số người chạy ăn từng bữa, lãnh lương theo tuần như chị lao công này là khá nhiều. Do vậy, việc đóng cửa biên giới, tạm ngừng các hoạt động doanh nghiệp, cũng không phải là chuyện dễ.
Việc chính phủ phải cho học sinh nghỉ học ở phút 89 và chậm đóng cửa biên giới đã cho thấy sự khó khăn, trách nhiệm trước cơn khủng hoảng hiện nay.
Nếu đóng cửa biên giới thì đóng cửa được bao lâu? Và nếu tạm dừng doanh nghiệp thì dừng được bao lâu? Nếu dịch bệnh lan rộng và kéo đủ dài thì chọn cố thủ trong nhà chịu chết đói hoặc ra đường kiếm việc, kiếm thức ăn để có thể bị chết dịch?. Suy ngẫm thật kỹ thì sẽ thấy sự khó khăn vô cùng lớn của dân, của doanh nghiệp và của chính phủ hiện nay./.
Bình luận