Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

7. Giải Cứu Loài Hổ Bằng Kinh Tế Học

Tám con hổ Đông Dương đã chết trong vụ giải cứu mười bảy con hổ ở Nghệ An. Chín con hổ còn sống đang được nuôi trong khu du lịch sinh thái Mường Thanh với thể trạng rất yếu. Về lâu dài, người ta cũng không thể thả chúng về với môi trường tự nhiên vì những con hổ này đã được nuôi nhốt từ lâu, mất khả năng săn mồi, mất khả năng sinh tồn trong tự nhiên nên có thể chết. Hơn nữa, rừng Việt Nam cũng bị thu hẹp đến mức không còn môi trường cho hổ sinh sống và nếu để sống gần các làng bản thì hổ có thể tấn công người. Vụ giải cứu hổ này, cuối cùng cũng chỉ là chuyển quyền nuôi hổ từ tư nhân sang nhà nước – Một giải pháp đi về hướng bi kịch, làm trầm trọng thêm nạn tuyệt chủng loài hổ.
Thế giới ngày nay, đặc biệt là châu Phi, đang diễn ra nạn săn trộm hổ để lấy “cao hổ cốt”, săn trộm voi để lấy ngà. Người ta đã ban hành những đạo luật cấm giết động vật hoang dã và bán chúng trên thị trường nhưng rất khó thực thi các đạo luật này. Các động vật hoang dã, đặc biệt là voi và hổ, ngày càng cạn kiệt. Giá trị thương mại của các động vật hoang dã càng cao thì càng kích thích kẻ săn trộm, trong đó có cả kiểm lâm – những người được giao trách nhiệm bảo vệ rừng.
Không riêng gì hổ, voi mà tất cả các động vật hoang dã có giá trị thương mại đều đối diện với mối đe dọa tuyệt chủng. Nhưng không phải loài động vật nào có giá trị thương mại cũng phải đối diện với mối đe dọa tuyệt chủng. Ví dụ như bò là nguồn thực phẩm có giá trị nhưng không có ai lo ngại loài bò sẽ sớm bị tuyệt chủng. Có vẻ như nhu cầu rất lớn đối với thịt bò lại là nguyên nhân bảo đảm rằng loài bò sẽ không bao giờ tuyệt chủng.
Tại sao giá trị thương mại của ngà voi lại đe dọa loài voi, trong khi giá trị thương mại của loài bò lại bảo vệ loài bò? Lý do voi là nguồn lực chung, trong khi bò là nguồn lực tư. Voi đi lại tự do mà không có người sở hữu. Mỗi kẻ săn trộm có động cơ giết càng nhiều voi càng tốt. Có rất nhiều kẻ săn trộm, mỗi kẻ săn trộm có rất ít động cơ để bảo vệ loài voi. Trái lại, các gia súc sống trong những trang trại sở hữu tư nhân. Mỗi chủ trang trại bỏ ra rất nhiều công sức để duy trì đàn gia súc vì họ được thu lợi từ những công sức đó. Vì thế, bò được bảo vệ và nhân giống, còn voi thì rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”.
Từ lâu, các chính phủ châu Phi đã cố gắng giải quyết vấn đề loài voi bằng cách ban hành những đạo luật cấm giết voi và bán ngà của chúng nhưng không hiệu quả. Loài voi vẫn tiếp tục bị giết. Các nhà kinh tế học đã tư vấn cho các chính phủ châu Phi thử nghiệm giải pháp khác để bảo vệ động vật hoang dã, trong đó có voi. Một số quốc gia như Botswana, Malawi, Namibia và Zimbabwe đã biến voi thành hàng hóa tư bằng cách cho phép người ta giết những con voi trên lãnh thổ của họ. Chủ đất có động cơ bảo tồn các loài vật trên mảnh đất của họ và kết quả là đàn voi bắt đầu tăng lên lại. Tình hình này cho thấy, một khi sở hữu tư nhân và động cơ lợi nhuận đứng về phía chủ đất, các động vật hoang dã có thể được hưởng số phận như loài bò, thoát khỏi họa tuyệt chủng.
Không riêng gì các động vật hoang dã mà tất cả các nguồn lực chung đều dễ bị khai thác bừa bãi, lãng phí. Các nhà kinh tế học gọi đây là bi kịch nguồn lực chung. Rừng là nguồn lực chung thì mất rừng. Cá ở dưới sông chung thì nguồn cá cạn kiệt. Ruộng lúa là của chung thì ruộng không còn lúa. Bất cứ người nào cũng có thể đi đến đại dương để đánh cá thì cá voi cũng không còn. Khi dân số càng tăng thì bi kịch nguồn lực chung càng tăng. Cuối cùng, không ai còn hưởng lợi được cả.
Việc tịch thu hổ nuôi đã từng xảy ra ở Bình Dương tháng 3/2007. Ngay lúc đó, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã lên tiếng: “Tịch thu đàn hổ nuôi của dân là hết sức vô lý. Động vật hoang dã, đặc biệt là động vật quý hiếm, một mặt phải hết sức nghiêm khắc đối với việc săn bắt và tiêu dùng, nhưng mặt khác phải khuyến khích rộng rãi nhân dân nuôi dưỡng chúng. Muốn chúng tồn tại và phát triển, phải khuyến khích người dân nuôi chúng, chăm sóc chúng. Cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước phải hướng dẫn, giúp đỡ dân, để làm sao chúng sinh sôi nảy nở vừa để bảo đảm an toàn cho người xung quanh. Đối với những việc sai trái, như việc nuôi gấu vì lợi ích thiển cận, mà bắt ép gấu để lấy mật quá nhiều, quá sức chịu đựng của nó, làm cho nó kiệt sức đi, việc này không thể chấp nhận được. Còn người ta nuôi với tất cả tình cảm, trách nhiệm để bảo tồn và phát triển động vật quý hiếm thì phải khuyến khích, phải giúp đỡ người ta. Sợ nhất là người ta không nuôi, sao lại đòi tịch thu khi người ta nuôi tốt!”. Như vậy, vấn đề tịch thu hổ nuôi của dân đã được đặt ra từ 14 năm trước nhưng đến nay vẫn còn lặp lại, dẫn đến chết 8 con hổ Đông Dương với nhiều ý kiến trái chiều.
Ý kiến của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt có phần đúng nhưng chưa đủ. Nếu cho người ta nuôi hổ mà cấm người ta bán các sản phẩm từ hổ thì hoặc là người ta sẽ giết mổ lậu hoặc là không ai nuôi. Nuôi hổ rất tốn kém. Giá mỗi con hổ Đông Dương trên thị trường chợ đen từ 50.000 đến 100.000 USD là nguyên nhân kích thích người ta làm tầng hầm để nuôi hổ, bất chấp nguy hiểm về nhiều phương diện. Nếu hổ được nuôi công khai, sản phẩm từ hổ được lưu thông thì theo nhu cầu của thị trường, loài hổ sẽ tránh được họa tuyệt chủng. Có thể đây cũng là một trong những biện pháp làm cho dân giàu nước mạnh.
Rừng càng ngày càng bị thu hẹp. Thức ăn của hổ là động vật hoang dã như heo, nai, chồn, cáo cũng bị con người tranh ăn đến mức cạn kiệt. Dù có thả hổ về rừng thì hổ cũng không còn môi trường để sống và phát triển. “Vào thời điểm cuối năm 2010, Trung tâm Giáo dục về Thiên nhiên với trụ sở tại Hà Nội ước tính số hổ rừng tại Việt Nam đã xuống còn ít hơn 30 con. Đến năm 2016, số lượng hổ ở Việt Nam chỉ còn 5 cá thể”. Cho nên, vấn đề nuôi hổ phải được đặt ra và giải quyết. Nếu không, chỉ trong thời gian ngắn nữa là loài hổ Đông Dương sẽ bị tuyệt chủng tại Việt Nam.
Thay tư duy bảo tồn loài hổ bằng giải pháp bắt bớ người nuôi bằng giải pháp của các nhà kinh tế học đang được áp dụng ở một số nước châu Phi thì có thể vấn đề bảo tồn loài hổ Đông Dương sẽ khả thi hơn và cũng dễ giải quyết hơn. Đây không chỉ giải pháp dành riêng cho loài hổ mà là giải pháp chung cho các động vật hoang dã đang bị tuyệt chủng theo đà tăng dân số và đô thị hóa tại Việt Nam./.
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar