Tôi đang vui với đời sống du kích thì một hôm anh Trương Đình Nam – chủ tịch xã và anh Nguyễn Như – bí thư xã, gọi tôi ngồi lại, nói chuyện nghiêm túc. Các anh hỏi tôi: “Em thích đi học không?”. Tôi trả lời: “Đi học là em thích lắm”. Rồi các anh nói một thôi một hồi về chính sách của Đảng đào tạo thế hệ Cách mạng cho đời sau. Tôi nghe không hiểu lắm nhưng nhớ ý các anh là tôi sẽ phải đi học để sau này về xây dựng lại quê hương. Đi miền Bắc xa lắm. Đêm hôm ấy tôi không ngủ. Hai mùa rẫy nữa là tôi sẽ trưởng thành, các anh giao súng, tôi đánh giặc không thua gì các anh. Bạn tôi, chẳng đứa nào đi học. Một số đứa giữ trâu, cắt cỏ. Một số đứa theo du kích làm giao liên. Ra miền Bắc làm gì. Nhiều người đi tập kết đã gần hai mươi năm rồi mà chưa về. Đi xa, tôi nhớ mẹ, nhớ quê lắm. Ở đây với du kích, sống chết chi cũng vui. Tôi không muốn đi nhưng các Anh bảo phải đi. Đi học cũng là nhiệm vụ.
Với đôi dép su và túi rút gọn nhẹ, tôi đi ghe và lội bộ men sông Côn vào Hiệp, rồi theo đường giao liên băng rừng, lội suối qua Thác Cạn, Đá Trắng, lên tỉnh để vượt Trường Sơn ra Bắc. Tôi đi nhưng lòng không vui, nước mắt như mưa. Lên đến Thạnh Mỹ, chờ ra Bắc thì tôi trốn. Nhưng tôi trốn đi không lọt nên phải trốn đến lần thứ sáu mới thoát về đến khu sản xuất của du kích ở Hiệp, thuộc huyện Hiên. Anh Trương Đình Nam nghe tôi đào ngũ, không ra Bắc để học, liền bỏ việc xã, tức tốc từ khu du kích xã lên Hiệp gặp tôi. Chiều hôm ấy, anh Nam dẫn tôi ra suối ngồi tâm tình. Anh nói: “Em à! con nguỵ quân, nguỵ quyền được học, còn con em gia đình Cách mạng vì hoàn cảnh, bị thất học. Chỉ có em là học được đến lớp Nhất. Em phải tiếp tục học để sau này về xây dựng lại quê hương. Đây là nhiệm vụ. Em phải đi miền Bắc và ra miền Bắc phải cố gắng học thật giỏi. Ở nhà, đánh giặc đã có các anh lo”. Anh còn gọi tôi là đồng chí – đồng chí cọt cọt (nhỏ) và ra lệnh: “Đồng chí phải đi”.
Tôi lau nước mắt, thẹn thùng, miễn cưỡng đồng ý chuẩn bị ngày mai lên đường. Tôi bướng lắm, nếu không phải là anh Nam thì tôi không nghe đâu. Anh Trương Đình Nam trực tiếp dẫn tôi lên đường giao liên Trường Sơn để tôi ra Bắc. Anh Nam quay về làm nhiệm vụ rồi hy sinh. Anh bị lính bắt sống rồi bắn chứ không xét xử, không cho làm tù binh. Tôi đang học ở trường 16, thì một hôm nhận được tin anh Nam hy sinh. Tôi khóc. Mấy ngày liền, đắng họng, không ăn được cơm. Đến bữa, tôi thửng thờ bưng chén cơm, chan đầy nước canh (mà chúng tôi gọi là canh toàn quốc), lèo tèo vài cọng rau, rồi húp. Trong lòng tôi trào dâng nỗi đau và thù hận.
Từ đấy, tôi ngộ ra, mỗi con chữ trong tôi đã phải trả giá bằng mồ hôi và cả xương máu của nhiều người. Tôi tự nhủ: không thể sống hèn, phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn để học giỏi. Và can đảm – trách nhiệm. Hoàn cảnh đã hình thành tính cách HSMN trong tôi và hình thành số phận của tôi. Tôi nguyện dành những năm tháng còn lại để trả món nợ chữ nghĩa này./.
Bình luận