Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

4. Tôi Đi Bụi Đời.

Khi các anh Giải Phóng Quân “Chặt Buôn Mê Thuột, rụng cả Tây Nguyên/ Quét Huế – Thừa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng”, thì thầy Vĩnh Thọ đã thông báo cho chúng tôi khả năng, chúng tôi sẽ được về Nam sớm. Tôi mừng, tung vali lên trời. Lấy áo bông, chăn bông đem đổi ổi, đổi bánh để ăn vì mùa đông đến, tôi không còn ở miền Bắc nên không cần chăn bông, áo bông nữa.
Đến sau 30/4/1975, thì tôi háo hức chờ ngày về – về luôn. Một vài bạn thì đã nhảy xe về Nam ngay lúc vừa nhận được tin:
“Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên/
Và Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Nha Trang, lũ ngụy cuống cuồng/
Rũ rượi một màu tang cờ trắng/
Đường tiến quân ào ào chiến thắng./
Phía trước chờ Anh, người mẹ mong con” (Tố Hữu).

Lớp trưởng Lê Văn Tuất nói với tôi là “mầy chớ vội mừng. Coi chừng, cho về luôn là không còn điều kiện đi học. Tau muốn về thăm rồi ra lại học cho xong”. Bây giờ nghĩ lại, mới nhận ra, khi ấy, Lê Văn Tuất khôn hơn mình, khôn trước tuổi của nó.

Lúc này đã vào kỳ nghỉ hè. Ai có người thân ở miền Bắc bảo lãnh thì được nghỉ phép, về cùng gia đình. Tôi đợi ngày về Nam. Trong lúc chờ ngày về Nam thì tôi nảy ra ý đi chu du miền Bắc. Đi được đâu, cứ đi, sợ ngày về Nam rồi, không còn dịp đi nữa. Tôi không có ai thân thuộc ở miền Bắc để bảo lãnh nên trường không cho đi. Chỉ có cách trốn trường đi bụi. Nhưng đi bụi thì không được lãnh tem phiếu và tiền ăn. Tôi bèn nhờ một thằng bạn – đã được người nhà bảo lãnh ra Hà Nội nghỉ hè trước đó – làm cho tôi thư bảo lãnh, gửi từ bưu điện Bờ Hồ vào trường. Nhờ thư bảo lãnh này, tôi cùng Bốn Đoàn nhận được tiền sinh hoạt phí, tem lương thực và bán thêm một số đồ đạc – gia tài HSMN cuối cùng của tôi – rồi rời trường, đi lung tung.

Đi tàu xe thì chúng tôi như ông cố nội thiên hạ – không cần vé mà không ai dám đuổi. Thỉnh thoảng có người hỏi vé thì Bốn Đoàn trả lời ngang “Hỏi Thủ tướng Phạm Văn Đồng”. Không ai hiểu ý gì nhưng cứ nghe giọng miền Nam thì các anh soát vé không hỏi nữa. Có chỗ trống thì chúng tôi chen vào ngồi, nhưng không còn chỗ thì chúng tôi đứng. Gặp xe tàu nào, muốn đi thì cứ leo lên đi. Đi đâu thì đi.

Tôi đến T.72, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa – nơi có các cô chú đồng hương đang nghỉ dưỡng sau đợt trao trả tù binh năm 1973. Cô chú thương, nấu cho ăn, có gì ăn nấy, và được tắm biển Sầm Sơn, thật là thú vị.
Rồi tôi lên tàu lửa tại ga Thanh Hóa, xuống ga Trình Xuyên để ghé thăm các bạn ở trường số 7 – Nam Hà. Tôi rủ thêm một số bạn đi bụi, về thăm lại T.64.
Về Hà Nội, thăm lại T.64, rồi chúng tôi đi Hưng Yên để thăm các bạn trường cũ – trường 18.
Về lại Hà Nội. Ngày lang thang khắp phố phường, cơm hàng cháo chợ, tắm vòi nước công cộng, tối ngủ ghế đá Bờ Hồ. Trời mưa thì vào mái hiên, mái đình ngủ tạm. Cũng có khi tìm đến nhà của một người đồng hương nào đó nhưng thường thì không ở quá một đêm. Tiền ít, nên ăn uống cũng phải dè xẻn.
Rồi đêm hôm ấy, trời mưa to, tôi và các bạn chui vào rạp xiếc để ngủ. Đang đêm, tôi dò dẫm đi trên sàn diễn xiếc thì ục – thốn dái ! Tôi bị sụp chân vào lỗ hổng, dái đập vào sàn, bất tỉnh.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar