Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

6 Lần Đầu Ra Đến Thiên Đường.

Chúng tôi đi ngược chiều với những con người “Xẻ dọc trường sơn đi cứu nước”, ra đến trạm 4 Quảng Bình thì dừng chân. Đây là binh trạm đầu tiên nằm trên đất Bắc. Do binh trạm thiếu chỗ nghỉ nên một số chúng tôi được phân tán ra, gửi vào ở trong nhà dân để chờ xe đón về Hà Nội. Tôi và một vài bạn được phân vào ở trong nhà của một chị hội trưởng phụ nữ xã. Nhà chỉ có hai mẹ con, cuộc sống rất thanh bần, nhưng chị đã lo cho chúng tôi những bữa ăn tươm tất.

Bữa tối xong sớm, tôi rủ thằng Ba đi về phía binh trạm 4 để tìm gặp người quen. Gần đến nơi thì tôi thấy có một số người trong binh trạm ngồi ăn hàng rong bên vệ đường. Tôi được một bà cụ “mời các cháu xơi ạ”. Tôi và thằng Ba nghĩ rằng mình được dân miền Bắc mời nên ngồi xuống ăn mỗi đứa 5 trứng vịt lộn. Ăn xong mới biết mình ngố – “mời” miền Bắc khác với “mời” miền Nam. Ở quê tôi, mời bộ đội ăn là mời thật; không có chuyện mời xơi mà phải trả tiền. Hơn nữa, trước khi ra Bắc, tôi được động viên lên đường ra “miền Bắc xã hội chủ nghĩa là thiên đường, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu – nghĩa là, ai muốn ăn bao nhiêu thì ăn tùy ý”. Bây giờ, lần đầu tiên đặt chân lên đất Bắc, đụng chuyện ăn, phải trả tiền mới biết mình “quê một cục”. Khổ nổi, hai đứa, không đứa nào có tiền. Tôi ra đi từ khu du kích nên không có gì để mang theo. Thằng Ba thì được chị ruột cho một chiếc nhẫn vàng đeo tay để làm của hộ thân. Sự việc ồn ào. Thằng Ba đang loay hoay tháo chiếc nhẫn vàng định bán và trả tiền cho bà cụ thì gặp một anh thương binh, cũng từ miền Nam ra Bắc an dưỡng. Sau khi nghe mọi chuyện, anh cười, móc ví trả tiền cho bà cụ rồi xoa đầu chúng tôi và giải thích “mời miền Bắc khác với mời miền Nam”.
Tối hôm ấy, tôi và thằng Ba bị đau bụng, bị tào tháo rượt. Đêm tối, điều kiện vệ sinh thiếu thốn, chúng tôi đã làm khổ chị chủ nhà. Tôi không biết vì sao tào tháo lại rượt mình. Có thể trứng vịt đã để lâu ngày, cũng có thể cái bụng du kích của tôi chưa thích hợp với 5 quả trứng vịt lộn của miền Bắc. Phải mất mấy ngày, tào tháo hết truy kích, tôi mới lên đường ra Hà Nội.
Đến T.64, tôi được bố trí vào B12, ở trong một căn phòng chật chội, đã rất đông người. Ngay chiều hôm ấy, tôi đi nhận trang phục: 1 cái vali, 2 bộ quần áo dài (áo sơ mi, quần kaki), 1 áo bông, 1 áo vệ sinh, 1 quần vệ sinh, 1 chăn bông, 1 màn vải, 1 khăn quảng cổ, 1 thắt lưng, 1 khăn mặt, 1 bát ăn cơm, 2 đôi tất, 1 đôi dép nhựa, … Tất cả đều rất thô, chỉ có bát ăn bằng sắt tráng men của Trung Quốc là đẹp. Đang mùa hè oi bức, được lĩnh chiếc áo bông, chăn bông dày cộm, cồng kềnh, tôi không biết sẽ dùng nó vào việc gì. Tôi đâu ngờ miền Bắc lạnh đến mức tím tái, khô nứt môi.
Cơm tối xong, chúng tôi được tập trung để nghe chú Nguyễn Hậu và cô Chờ phát biểu chào mừng các cháu hoàn thành chặng đường gian khó vượt trường sơn, ra đến miền Bắc XHCN để học tập. Sau đó, chú Tư – trưởng ban bảo vệ T64 – phổ biến nội quy, dặn dò và hù dọa* “chú Tư là công an mật đây” để chúng tôi sợ công an mật, không dám trốn trại. Nhiều lần, tôi đi khảo sát vòng quanh T.64 và thấy rằng mình khó vượt qua các ao cá rộng, có nhiều sen và hoa lục bình, bọc quanh khu T.64. Con đường duy nhất để thoát ra khỏi T.64 là phải đi qua cổng bảo vệ, được canh gát rất nghiêm ngặt. Thế mà, sau một thời gian, tôi cũng tìm cách trốn được ra khỏi T.64 để đi bụi. Lần đầu đi bụi, uống bia hơi ở vỉa hè đường Tây Sơn, ăn phở quốc doanh ở Bờ Hồ, chiêm ngưỡng vẻ mặt lạnh lùng của các cô mậu dịch viên, với khẩu hiệu “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” dán quanh tường, thì tôi mới hình dung lờ mờ về thiên đường XHCN.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar