Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

Lời Bạt

LỜI BẠT

Năm 1994, tôi trực tiếp điều hành thợ xây dựng ngôi nhà tại 290/11 Nơ Trang Long, Bình Thạnh. Tôi chọn thợ hồ và phụ hồ là người cùng quê. Có một người tên Địch làm thợ mộc, đóng tủ bếp. Anh là con của ông Năm Trận – một người mà các anh du kích quê tôi gọi là ác ôn. Cha anh Địch đã chết không mồ mả trong trận Thượng Đức vào năm 1974. Mẹ anh Địch bị chết trước đó do quả lựu đạn của cơ sở du kích gài diệt ông Năm Trận. Sau 1975, anh là người mồ côi cha mẹ với thành phần ác ôn, nợ máu. Anh phiêu bạt giang hồ rồi đến chỗ tôi làm thợ. Gặp anh Địch, tôi nhớ ngay đến lời mẹ tôi kể rằng “Ngày mà mẹ tản cư ra khu Dồn Thượng Đức ngửa nón xin gạo phát chẩn để nuôi con, chen lấn  trong tuyệt vọng thì bỗng dưng có người đàn ông chen vào giựt nón lá, lấy cho mẹ một nón gạo. Người đó là ông Năm Trận”.

Tôi đã lặn lội lên nơi anh Địch thuê nhà ở Quận Gò Vấp hỏi han tình hình sinh sống của anh sau 1975. Anh rất khó khăn. Tôi vẽ chuyện rồi mua tặng anh ba mươi ký gạo và cho anh mượn hai chỉ vàng mà không bao giờ lấy lại. Nhiều người ở trọ cùng nhà với anh Địch rất ngạc nhiên. Anh Địch cũng không bao giờ biết rằng cha anh – ông Năm Trận – đã cho mẹ con tôi một nón gạo trong những ngày khốn khó nhất của cuộc chiến tranh. Ông Giôn đã đối xử với tôi bằng tình người. Du kích đã nuôi dưỡng tôi, đưa tôi lên đường đi học để sau này về xây dựng quê hương. Nhân dân miền Bắc đã đùm bọc, nuôi nấng tôi với sự nhường cơm sẻ áo trong hoàn cảnh “người nuôi thiếu thốn hơn người được nuôi” . Anh chị Mai-cồ-My sẵn sàng giúp đỡ cho bé Titi được thuận lợi học tập trên đất Mỹ. Dù không quen biết, không bà con họ hàng, nhưng đi đâu, tôi cũng nhận được sự ân cần, giúp đỡ. Ơn nghĩa là không kể xiết. Lương thiện, yêu thương và sẳn sàng giúp  người khác – đặc biệt là kẻ khốn khó – vốn là bản chất của con người.

Sau chuyến đi Mỹ, tôi dành thời gian để viết quyển sách này với mong mỏi lấy tình thương xóa bỏ hận thù để cùng nhau chung tay xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, ngỏ hầu con cháu được sống trong tình yêu thương của hòa bình. Có những lúc, những giai đoạn, tôi chìm ngập trong khốn khó của mưu sinh hằng ngày nên tạm quên sứ mạng “đi học là để góp phần xây dựng lại quê hương”. Nhưng hôm nay, bằng những trang viết này, tôi nhớ lại tất cả và chảy nước mắt.

Trong lúc đang viết những dòng cuối của quyển sách này, tôi đã nhận được thông báo của trường Đờ Quép Sờ-cun chấp nhận bé Titi là thành viên của trường, nhập học vào mùa thu năm 2011 với kỳ vọng cháu sẽ tốt nghiệp phổ thông vào năm 2015, để từ đấy có thể bước vào một trường đại học danh tiếng trên đất Mỹ. Thủ tục nhập học hết sức đơn giản, cha con tôi tự làm, không tốn đồng nào cho việc tư vấn du học. Bảo hiểm toàn cầu cũng đã trả lại toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho bé Titi trên đất Mỹ, kể cả tiền đi tắc xi đưa đến bệnh viện. Số tiền là hơn mười sáu triệu đồng.

Đàm phán mua trại gà cũng gặp nhiều thuận lợi. Anh Bình – chủ trại gà – hẹn đón tôi ở sân bay Át-lan-ta trong chuyến đi sắp đến. Anh hứa sẽ hướng dẫn, chuyển giao cho người của tôi quản lý, chăm sóc trại gà này. Tôi khoán toàn bộ việc quản lý và chăm sóc trại gà này cho người Việt ở Mỹ. Việc kinh doanh trại gà này trước hết là để bảo đảm trang trải chi phí học tập của bé Titi trên đất Mỹ; sau nữa bằng việc kinh doanh này, tôi sẽ hiểu hơn việc nuôi gà ở Mỹ ngỏ hầu hướng dẫn người Việt ở quê nhà nuôi gà theo công nghệ của Mỹ. Qui mô trại gà này phù hợp với khả năng và trình độ của tôi, đồng thời cũng phù hợp với tính cần cù chịu khó và trình độ của đa số người Việt Nam. Tôi viết điều này là để thay cho lời giải thích câu hỏi của một người bạn : “Duyên cớ nào mà ông qua đến Mỹ mua trại gà?”.

Tôi cảm ơn nhà thơ Phi Long đã đọc và cho những ý kiến quý báu để tôi sớm hoàn thành quyển sách này. Tôi rất cảm ơn cô Hà Thanh Uyên, Lý Thanh Trúc và Thảo Nguyên – ba biên tập viên của Saigonbook – đã biên tập, chú thích, sửa cho tôi những lỗi Năm Lúa nhưng vẫn giữ được hồn của Năm Lúa qua ngôn ngữ viết.

Ngày 15 tháng 04 năm 2011
Tác giả.

Năm Lúa Lương Vĩnh Kim

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar