Mỗi cá nhân, doanh nghiệp hoặc một quốc gia đều gặp phải những vấn nạn va chạm đến mức tức tối một mất một còn nhưng không phải lúc nào cũng chọn chiến tranh. Khi buộc phải chọn chiến tranh thì phải biết bắt đầu chiến tranh và phải biết kết thúc chiến tranh. Khi lâm trận cũng phải biết nhẫn để chọn trận quyết chiến chiến lược có ý nghĩa chính trị và kinh tế, làm thối động kẻ thù thì mới có thể kết thúc cuộc chiến.
Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo đã chọn trận Bạch Đằng. Lý Thường Kiệt chọn trận quyết chiến với quân Tống trên bờ sông Như Nguyệt. Nguyễn Huệ chọn trận Rạch Gầm-Xoài Mút để tiêu diệt quân Xiêm và chọn Ngọc Hồi – Đống Đa để quét sạch quân Thanh. Gần đây nhất là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đã chọn Điện Biên Phủ để kết thúc tham vọng của tướng Charles de Gaulle và thực dân Pháp. Nhưng trên hết, tôi đặc biệt ấn tượng và yêu mến về việc Trần Khánh Dư chọn trận Vân Đồn. Quân Nguyên hùng mạnh đến nổi vua tôi Nhà Trần phải bỏ Thăng Long lui về Thiên Trường. Trận Khánh Dư – từ một kẻ bị đày phải đi đốt than mưu sinh – nghĩ ra cách chọn trận Vân Đồn để đốt và nhận chìm toàn bộ thuyền lương của giặc. Đánh vào cái bao tử – dạ dày là trận đánh hiểm hóc vào loại kinh điển bậc nhất của dân tộc ta. Quân Nguyên không có gì ăn – đói khát, phải bỏ Thăng Long rút về nước, để rồi sa vào bẫy Bạch Đằng. Biết chọn trận để thắng trận là thắng trước khi đánh; biết không thể thắng thì tốt nhất là không nên đánh. Các vị tướng tài ba đều biết chọn trận quyết chiến chứ không nổ tùm lum.
Từ những bài học của tổ tiên, chúng ta có thể suy ngẫm để vận dụng vào mỗi hoàn cảnh của mình. Không sợ kẻ thù hùng mạnh, chỉ sợ chúng ta không đủ trí tuệ để chọn trận và quyết đánh.
Năm Lúa biết chọn trận và đã chọn trận. Nhưng trận nào và đánh thế nào thì xin bạn Mai Thị Lương Duyên xem hồi sau sẽ rõ nhé .
* Kỳ tới: (Bàn cờ Năm Lúa: “Tướng-Sĩ-Tượng bền” thắng “Xe-Pháo-Mã + hai Tốt”. Hay là “Thắng mà không cần qua sông”).
Bình luận