NGƯỜI LÍNH CẬN VỆ CỦA NHÀ VUA
Ngày xưa, có một người lính cận vệ rất trung thành với nhà vua. Một đêm, anh phải vác gươm canh cho vua và hoàng hậu ngủ. Nửa đêm, có con rắn to bò vào, vươn cổ đình mổ nhà vua. Nhanh tay, anh lính phạt ngang nhát gươm, đầu rắn rụng ngay, phun ra một tia máu trúng vào vú hoàng hậu. Vua và hoàng hậu vẫn ngủ thiếp di.
Anh lính chặt rắn thành từng khúc, dọn dẹp vào một chỗ kín, định sớm mai đem vứt ra ngoài. Dọn xong, anh thấy ngực hoàng hậu có vết máu rắn. Anh ta băn khoăn lắm. Anh định lấy khăn lau đi, song không ổn vì làm như thế là xúc phạm. Nghĩ mãi, anh tìm ra một cách: ghé miệng vào liếm sạch các vết máu. Chợt hoàng hậu tỉnh giấc, gọi nhà vua dậy:
– Tâu hoàng thượng, tên lính này liếm vào vú thiếp.
Nhà vua nổi trận lôi đình, không cần xét hỏi, quát quan đao phủ đem chém anh lính ngay giữa đêm. Anh lính không thanh minh được lời nào, bọn đao phủ xô ngay anh đi.
Mấy tên đao phủ giải anh lính cận vệ ra cổng thành. Những người gác cổng nghe chuyện song không chịu mở cổng. Họ còn kể cho cáo tên đao phủ nghe một chuyện có liên quan đến sự độc đoán của nhà vua. Câu chuyện như sau:
Ngày xưa, một bà mẹ có đứa con nhỏ. Bà rất thương con. Bà nuôi một con cáo nhỏ trong nhà để chơi với con mình như dôi bạn thân. Một hôm bà đi vắng, để cáo và con mình nằm ngủ trong nôi. Có một con rắn độc từ đâu bò đến toan cắn chú bé. Cáo nhảy xổ vào đánh nhau với rắn, cắn rắn chết, máu dính bê bết vào lông cáo.
Khi bà chủ về, cáo chạy ra đón mừng. Bà nhìn thấy lông cáo đầy máu, tưởng rằng cáo đã cắn chết con mình, liền rút dao đâm chết cáo.
Vào đến nhà, bà vội vàng chạy đến bên nôi. Con bà vẫn nằm chơi một mình bên cạnh xác con rắn độc. Song con cáo trung thành thì đã chết rồi.
Kể xong, những người gác cổng nhìn thẳng vào mấy tên đao phủ nói tiếp:
– Chúng tôi liên hệ chuyện xưa với. bây giờ và thấy rằng: Ý nghĩ độc đoán của nhà vua, việc làm hấp tấp của các anh sẽ dẫn đến những sai phạm rồi hối tiếc không kịp. Việc giết người đâu phải chuyện thường! Tội gì thì tội cũng phải để ban ngày ban mặt mới xét xử được chứ!
Đòi mở cổng phía đông không được, mấy tên đao phủ dẫn anh lính cận vệ đến cổng phía nam. Những người gác cổng này nghe rõ mọi chuyện cũng không chịu mở cổng và kể câu chuyện khác:
Ngày xưa, một lão nhà giàu có gia tài khổng lồ. Lão nuôi năm trăm con chó để giữ của. Một hôm, một toán trộm rất đông kéo đến đào một đường hầm vào kho báu của lão nhà giàu. Đàn chó đánh hơi thấy bèn chui vào đường hầm cắn chết các tên trộm.
Sáng ra, lão nhà giàu thấy các kho rỗng tuếch, lão giận lắm, bèn sai người chém chết cả đàn chó, rồi ném xác vào rừng. Mấy hôm sau, xác các tên trộm thối inh, thì phát hiện ra thì thấy trên thi thể chúng đầy vết răng chó. Lão nhà giàu thu lại được của báu, song đàn chó trung thành thì đã chết hết rồi. Lão hối hận, song không làm sao cứu đàn chó lại được.
Bọn đao phủ lại dẫn anh lính qua cửa Tây. Ở đây, những người gác cổng cũng không chịu mở và kể cho bọn đao phủ nghe “con vẹt và nhà vua”:
Ngày xưa, có một ông vua nuôi một con vẹt mỏ đỏ rất xinh đẹp. Nhìn bộ lông xanh biếc và cái mỏ đỏ chót của con vẹt. Vua tấm tắc khen ngợi:
– Vẹt! Mày ăn cái gì mà bộ lông và cái mỏ của mày đẹp thế?
– Thưa nhà vua, con đẹp thế này là nhờ ăn quả xoài trên rừng Hymalaya.
Vua bèn sai vẹt vào rừng Hymalaya lấy xoài về cho mình. Vẹt cất cánh bay thẳng đến khu rừng, tha được một quả xoài chín mọng về cho vua. Vua định ăn nhưng lại nghĩ: Một quả xoài ai ăn ai nhịn? Nếu ta ăn mà chỉ xinh đẹp có mỗi mình ta, còn vợ con thì sao? Vua bèn đem quả xoài trồng trong vườn để sau này cả nhà cùng ăn.
Năm tháng trôi qua, cây xoài lớn và kết quả. Nhiều quả đã chín đỏ. Vua cẩn thận sai người hầu ăn thử. Song anh ta ăn chưa hết nửa quả đã lăn đùng ra chết. Nhà vua kinh hoàng, cho rằng vẹt đã lừa dối mình, bèn quật vẹt chết.
Từ đó, cây xoài bị lãng quên. Có một cặp vợ chồng nọ xích mích với nhau, định tự tử bằng quả xoài độc, song cả hai người. trở nên trẻ trung, xinh đẹp như tiên đồng. Nhà vua mới biết là vẹt nói đúng, hối hận nhưng vẹt đã chết từ lâu rồi. Sở dĩ quả độc, tên lính hầu ăn vào chết là vì lúc đó dưới gốc xoài có con rồng ẩn náu, phun nọc vào cây. Bây giờ rồng đã bỏ đi, cây xoài lại trở về đặc tính ban đầu.
Những người gác cổng tây kể xong chuyện này thì trời vừa sáng. Bấy giờ nhà mới thấy những khúc rắn và thanh gươm vấy máu liền hiểu rõ sự tình. Vua xóa lệnh, gọi anh lính về cung để ban thưởng.
Lời bàn:
Nếu không có những người gác cổng thì anh lính cận vệ trung thành đã chết một cách oan uổng từ bảy đời rồi. Những người lính gác cổng này đã hiểu rất rõ: Đêm tối không phải là lúc xử kiện sáng suốt. Ngày nay, pháp luật nhiều nước nghiêm cấm xét xử vào ban đêm và chỉ trong trường hợp đặc biệt mới được bắt người vào ban đêm. Đêm tối là thời khắc dễ phạm sai lầm và dễ bị lợi dụng.
Sự phán quyết của người có quyền lực dựa trên sự nhận thức chủ quan của người đó. Nếu sự nhận thức này phù hợp với hiện thực khách quan thì tránh được nhiều oan uổng cho nhân dân, nhưng nếu sự nhận thức phiếm diện không đầy đủ và bảo thủ thì có thể tước đi oan uổng sinh mạng con người. Chính sự hấp tấp, hồ đồ của kẻ có quyền mà nhiều người phải chết oan uổng. Đó là nỗi đau không chỉ của người bị hàm oan, mà còn là nỗi đau của nhân loại vì sự khiếm khuyết của công cụ pháp luật.
Câu chuyện trên không chỉ đề cập đến nỗi oan mà còn đề cập đến cái chết của những người trung thành tận tụy. Họ chết chỉ vì quá trung thành tận tụy với kẻ u mê, hành xử hồ đồ.
Bình luận