Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

16. Nhìn Mắt Bắt Trộm.

NHÌN MẮT BẮT TRỘM

Ngày xưa, có một người trẻ tuổi tên Nhốp có tài nhìn mặt đoán người. Cứ mỗi khi nhìn vào mặt một người là anh biết ngay người ấy lành hay dữ. Gặp phải thời loạn lạc, trộm cắp nổi lên như rươi, các quan lại không sao dẹp nổi. Một phần vì bọn trộm rất xảo quyệt, xóa sạch các dấu vết sau mỗi lần ăn trộm. Nhà vua cũng thấy khó khăn trong việc trừ khử bọn đạo tặc để yên dân. Trộm cắp cứ mỗi ngày mỗi tăng, hoành hành như chỗ không người. Vua bèn triệu tập các quần thần để bàn kế dẹp yên nạn trộm cắp. Có vị quan tiến cử một chàng trẻ tuổi cho nhà vua, đề nghị nhà vua phong chức và cho chàng toàn quyền hành xử trong việc trừ khử bọn trộm cướp. Nhà vua thuận tình, hạ chiếu chỉ mời Nhốp vào triều, giao cho chàng nhiệm vụ bắt trộm cướp.

Nhốp xin nhà vua cho mình được tuyển chọn một số quân lính khỏe mạnh, có võ nghệ cao cường. Thế rồi chàng dẫn quân lính, đóng giả thường dân đi khắp các chợ búa, ngõ ngách của các miền từ thôn quê tới thành thị. Mỗi khi đến vùng nào là Nhốp chăm chú quan sát nét mặt, dáng đi, quần áo của từng người. Nếu ai có dấu hiệu khả nghi là kẻ đạo tặc thì Nhốp nhìn kỹ vào mắt hắn. Và Nhốp đã tóm dược tất cả bọn trộm cướp mà Nhốp gặp trên đường chu du. Khi đưa bọn trộm cướp về tra khảo, quả nhiên chúng khai ra nghề nghiệp của chúng là nghề trộm cướp. Nhà vua và các quan lại kiểm chứng thấy không sai một trường hợp nào.

Vua bèn trọng thưởng cho Nhốp, khen ngợi Nhốp trong buổi chầu trước bá quan văn võ, rồi vua hỏi:

– Khanh hãy cho Trẫm biết, làm thế nào mà khanh biết chắc đấy là những tên trộm cướp?

– Muôn tâu bệ hạ! Chỉ cần nhìn vào mắt chúng là thần rõ cả ạ. – Nhốp lễ phép bẩm.

– Mắt của chúng có gì mà khanh nhận biết?

– Tâu bệ hạ! Mắt của bọn trộm cướp có ba biểu hiện khác dân lương thiện. Một là, nhìn thấy hàng hóa thì trong mắt chúng có biểu hiện thèm thuồng; hai là, nhìn thấy người lương thiện thì trong mắt chúng có biểu hiện thẹn; ba là, nhìn thấy thần thì trong mắt chúng có biểu hiện sợ. Nhìn vào mắt chúng, thấy có ba biểu hiện thèm, thẹn, sợ là thần bắt, không thể sai được.

Nhà vua và các quan tham dự buổi chầu đều tấm tắc khen chàng Nhốp tài giỏi. Vua ban thưởng, phong chức cho Nhốp và giao cho chàng nhiệm vụ để dẹp loạn trộm cướp trên khắp mọi miền. Từ đó, Nhốp nổi tiếng về tài bắt trộm cướp. Nhốp đi đến đâu bọn trộm đều bị bắt hoặc trốn sạch. Nhưng không bao lâu sau Nhốp bị bọn trộm cắp thủ tiêu, không tìm thấy xác.

Lời bàn:

“Con mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Không có gì thể hiện bản chất của con người rõ bằng đôi mắt. Chỉ có điều nhìn vào mắt mà nhận ra được như Nhốp thì quả là tinh đời đến mức thượng thặng. Nhưng dẹp loạn trộm cướp bằng cách tiêu diệt từng tên một như cách làm của Nhốp thì không những không dẹp được nạn mà còn có ngày nguy đến thân. Nhốp phải chết vì Nhốp tài giỏi, mà cái tài giỏi của Nhốp lại gây bất lợi cho một số người – dù người đó là bọn trộm cắp. Muốn tiêu diệt bọn trộm cướp phải có cách khác – một phương cách của nhà chính trị – chứ không thể theo cách của Nhốp. Dù có hàng trăm người tài giỏi như Nhốp cũng sẽ bị bọn trộm cướp trả thù.

Từ cái chết của Nhốp, có thể rút ra bài học về việc bài trừ các tệ nạn trộm cắp và tham nhũng. Không thể chỉ đơn thuần dùng đội ngũ thừa hành pháp luật tài giỏi mà cần phải bằng tất cả sức mạnh tổng hợp với chính sách mang tính toàn diện để ổn định xã hội. Cán bộ điều tra, thanh tra tài giỏi cũng chỉ làm được việc tạm thời như chàng Nhốp và có khi giỏi quá bị bọn cường đạo, tham nhũng giết hại, mua chuộc, vô hiệu hóa.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar