Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

Phần một : Chuẩn Bị Đi

Nếu không đi chỉ vì sợ gãy chân thì
chẳng khác nào đôi chân đã gãy.

Hắn không có một mối liên hệ nào bên Mỹ. Không nghe nói được tiếng Anh, không bà con, không quen biết ai bên Mỹ. Đời hắn đi tới Sài Gòn đã là xa lắm rồi. Quê hắn, nếu không có chiến tranh phải chạy tránh cái chết, cái đói thì không mấy ai tới được Sài Gòn. Lần đầu, hắn nhảy tàu đu bám vào được Sài Gòn, hắn cũng không quen biết ai. Vậy mà rồi hắn cũng lập nghiệp được ở Sài Gòn. Bây giờ hắn đi Mỹ, cách nửa vòng trái đất, mà hắn coi dễ hơn lần đầu đi Sài Gòn. Hỏi hắn đi Mỹ làm chi? Hắn nói như giảng bài: “Một là tau dẫn con qua Mỹ đi tìm trường cho nó học; hai là coi ở Mỹ có gì hay, có gì mua, có gì bán, có gì làm, có gì bắt chước. Tóm lại, tau muốn tìm cách bán cái gì đó cho Mỹ và mua đồ Mỹ về bán ở Việt Nam, qua đó học Mỹ, nói cho con cháu biết là nên chơi với Mỹ, học Mỹ”. Các lý do mà hắn đưa ra nghe rất ngộ!

Hắn nói muốn giỏi, muốn làm giàu thì trước hết không được ghét người giỏi, người giàu. Đi học, muốn học giỏi mà ghét thằng học giỏi thì khó mà học giỏi. Chơi với thằng kém thì mình cũng kém như nó, có khi còn bị nó xúi làm bậy. Muốn giàu mạnh mà lại ghét thằng giàu mạnh thì chỉ có yếu! Không ai phấn đấu để trở thành kẻ mà mình ghét. Mình muốn “sánh vai với các cường quốc năm Châu” thì không được ghét “cường quốc năm Châu”. Mỹ là cường quốc số Một. Chơi với Mỹ, gần Mỹ để học Mỹ. Cách chơi tốt nhất, lâu bền nhất vẫn là cách chơi sòng phẳng: Kinh tế hàng hóa. Đã là hàng hóa thì phải trao đổi. Trao cái gì để đổi cái gì chứ không thể lấy không. Giả sử, họ có thương tình cho không, biếu không thì lâu ngày quen thói ăn của bổng, làm biếng thành gà công nghiệp. Cởi trói, tháo chuồng là khiếp vì không tự bươn chải kiếm ăn được, phải xin trở lại vào chuồng. Hắn tìm cách buôn bán với Mỹ, học Mỹ và cho con qua Mỹ học.

Hôm đọc báo tuổi trẻ thấy tin “Trung Quốc xuất khẩu nông dân qua châu Phi”, mỗi năm, một nông dân gửi về nước được mười ngàn đô-la, hắn để ý lắm. Hắn đã nghĩ đến chuyện qua châu Phi trồng lúa, trồng khoai bán cho dân châu Phi. Đất châu Phi rộng, phì nhiêu, nhưng dân châu Phi không biết trồng. Đói. Nông dân Trung Quốc trồng được thì mình cũng trồng được. Hắn còn vẽ viễn cảnh qua Ca-mơ-run trồng lúa, gieo tình yêu với con cháu Rô-giê Mi-la, sinh con trai, dẫn về Việt Nam gửi vào lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai để tập đá banh thì nhiều khả năng sẽ vô địch châu Á. Nhưng rồi hắn không đi châu Phi mà đi Mỹ. Hắn nói ưu tiên phát triển quan hệ với Mỹ. Rồi hắn giải thích một thôi một hồi chuyện kinh doanh, vì sao yên tâm buôn bán với thằng giàu.

Theo kinh nghiệm mưu sinh của hắn thì buôn bán là chuyện giản dị. Hồi nhỏ, hắn thấy mấy bà buôn từ chợ thôn ra chợ xã, chợ xã ra chợ huyện, chợ huyện ra chợ tỉnh, người ở chợ tỉnh thì đi chợ Sài Gòn; người nào mà ra được cái chợ càng lớn thì càng giàu, buôn bán được với chợ Sài Gòn là giàu nhất.

Bây giờ hắn ở  Sài Gòn thì hắn phải đi cái chợ ở Mỹ. Không thể làm gà què ăn quẩn cối xay.

Hắn nói chuyện đi chợ, chuyện cấm đi chợ, hay cấm vận cứ tự nhiên như lúa. Quê hắn có câu: “Nóc nhà xa hơn chợ, L. vợ gần hơn mả cha”. Rồi hắn giải thích: “Nhà dột từ nóc nhưng cứ hẹn lần hẹn lữa, không ai chịu trèo lên nóc để chống dột. Khi mưa bị dột thì hẹn trời nắng; khi nắng không dột thì hẹn để từ từ! Nhưng chợ thì ngày nào cũng đi, bất kể mưa hay nắng. Vợ thì tối nào cũng R, còn mả cha thì cả năm không viếng”. Từ đó hắn kết luận: “Bị cấm đi chợ là đau khổ nhất, sợ nhất”. Buồn buồn là Mỹ ra chiêu cấm đi chợ. Chợ Vê-đúp-tê-ô (WTO) là chợ thế giới, lắm kẻ mua người bán mà không được vô thì trăm năm Kiều vẫn là Kiều. Bây giờ Việt Nam không còn bị cấm vận nữa, hắn vào Mỹ để tìm cách mua bán với chợ lớn, chợ của người giàu, nhộn nhịp nhất thế giới. Nếu chưa làm được gì để bán thì hắn bán rau muống, bán trà đá để sống rồi từ từ tính tiếp. Ở gần thằng giàu, mua bán với thằng giàu hắn không thiệt. Chịu đựng một thời gian thì đời con hắn cũng bình đẳng với họ. Hắn tin là vậy.

Chợ Mỹ là chợ khó tính à nghen! Hắn biết. Vô cái chợ đó là phải tuân thủ đủ điều. “Tất nhiên” – hắn phán. Hồi trước, các bà đi chợ thôn, chợ làng thường mặc váy mà không mặc quần lót như bây giờ. Ra đến chợ, đứng trao đổi một vài món rồi về khi mặt trời chưa mọc. Nhưng rồi, cũng có người mặc váy ra đến chợ kinh đô mua bán, ngồi suốt buổi. Ngồi xuống là quan thấy, quan tâu. Vua Minh Mạng phải ra chiếu “cấm quần không đáy”, dân than:

Chiếu vua Minh Mạng ban ra,

Cấm quần không đáy người ta hãi hùng!

Không đi thì chợ không đông,

Đi thì phải mượn quần chồng sao đang?

Vua Minh Mạng cấm quần không đáy là đúng nhưng vẫn cứ bị dân than oán không phải vì mượn quần chồng sao đang mà vì đã quen hưởng cái tự do để hiu hiu gió thổi!

Khó khăn lắm dân mình mới chấp hành chiếu vua, mặc quần có đáy để đi chợ. Dân chấp hành một thời gian rồi quen thanh lịch như người Tràng An. Hắn sẽ cố gắng thanh lịch để đi chợ Mỹ. Dễ mà! Thế là hắn chuẩn bị đi Mỹ.

Hắn gõ vào Gu-gồ (Google) hai chữ “đi Mỹ” để tìm hiểu. Gu-gồ cho hắn biết kinh nghiệm, thủ tục đi Mỹ, nơi có dịch vụ du lịch Mỹ. Hỏi qua, hỏi lại một số nơi rồi hắn chọn Sài-gòn-tua-rít (Saigontourist: có khi hắn nghe đọc là Sài-gòn-tau-rít) để đăng ký chuyến đi từ miền Đông qua miền Tây nước Mỹ vào dịp lễ Nô-en đến tết Tây. Hắn đến gặp cô Quỳnh Như  – nhân viên đăng ký tua (tour). Cô hỏi hắn đủ thứ, hắn nói thiệt nhưng cô hỏi nhiều quá làm hắn bực: “Bỏ tiền đi du lịch chứ có làm gì đâu mà khó dữ zdậy?”. Cô tròn mắt nhìn hắn rồi nói: “Đi Mỹ khó lắm anh ơi, em nhận cọc của anh một ngàn đô, nếu phỏng vấn mà không được vi-da (visa) thì anh mất một trăm bảy chục đô,  ráng chịu nghen?”.

– Tại sao không được? – Hắn hỏi.

– Tại vì Mỹ sợ dân mình vào Mỹ ở lại luôn! – Cô từ tốn trả lời.

– Nhưng anh là người thật sự không cần ở lại Mỹ mà.

– Vậy anh phải chứng minh.

– Chứng minh thế nào?

– Anh có giấy chủ quyền nhà không? Có giấy kinh doanh không? Có sổ tiết kiệm gửi ngân hàng không?

– Có. Có vài cái nhưng đem cầm ở ngân hàng hết rồi. Giấy đăng ký kinh doanh thì có nhiều hơn giấy nhà. Tiền thì có nhưng không gửi ngân hàng, nếu cần thì gửi vào để làm sổ.

– Thôi, có gì tùy anh nhưng anh phải chứng tỏ cho Mỹ thấy là anh có nhu cầu quay về sau chuyến đi. Mỹ nó cảm tính lắm anh ơi. Nó muốn cho ai vào Mỹ là quyền của nó. Nó không giải thích lý do đâu.

– Anh thật sự đi du lịch rồi về. Nếu Mỹ không cấp vi-da cho anh mà không nêu rõ lý do là anh kiện.

Những người có mặt nghe vậy cười ồ! Chắc họ nhận ra hắn là dân hay cãi!

Cô phát cho hắn tờ khai đăng ký đi tua rồi nói: “Em chưa thấy ai kiện Mỹ chuyện này bao giờ!”. Hắn thầm théc méc “Mỹ văn minh thì phải có cơ chế cho khiếu kiện chứ không thể tù mù như hắn”.

Hắn điền vào hai bộ tờ khai cho hắn và con hắn, nộp hai ngàn đô-la tiền cọc rồi bước ra sảnh. Rút điện thoại, hắn rủ bạn ra quán Cánh Buồm (Ở số 8 Lê Ngô Cát – Q.3) lai rai vài ve để khoe “sắp tới tau đi Mỹ”.

Bạn hắn, một người là Ba, sinh ở miệt Vĩnh Long – Trà Vinh, sống ở Sài Gòn đã gần bốn mươi năm nhưng vẫn giữ nguyên gốc lúa.

Một người là Bình, họ Dương Công, biệt danh là Phỉnh. Trong lúc trà dư tửu hậu, bạn bè gọi là Dương Công Phỉnh; Phỉnh cười!

Một người là Tuấn Kiệt, họ Lưu, quê ở Vĩnh Long, dáng người ô dề, râu tóc bờm xờm, da ngăm đen, ít khi chịu chăm chút quần áo, chỉ nhìn thoáng đã nhận ra ngay đây là Lưu Hai Lúa.

Một người là Nhân. Trần Văn Nhân gốc lúa Quảng Trị. Nói cho chính xác thì Nhân là lính, lính khùng, còn hắn là sếp. Lính nói giọng Quảng Trị, trọ trẹ nghe không rõ, nhưng được cái là rất chịu học bán hàng. Không biết rồi đây anh lính khùng này có trở thành người bán hàng vĩ đại hay không nhưng bây giờ thì thấy lính khùng quyết tâm lắm.

Những con người gốc lúa đó đã ngồi với nhau lai rai bàn chuyện Mỹ, kể chuyện Mỹ, nhưng chưa ai đến Mỹ. Và hắn nói cho bạn biết là “ngày mười bảy tháng mười Hai này, tau đi Mỹ”. Nghe nói vi-da vào Mỹ khó lắm nhưng hắn tin là Mỹ sẽ cho cha con hắn vào Mỹ.

*

*     *

Một tuần sau, cô Quỳnh Như gọi hắn đến văn phòng Sài-gòn-tua-rít để hướng dẫn trả lời phỏng vấn xin vi-da vào Mỹ. Cô yêu cầu mang giấy hồng chủ quyền nhà, giấy đăng ký kinh doanh, biên lai thuế, hợp đồng, chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, sơ yếu lý lịch, bằng cấp, giấy phép hành nghề. Cô nói: “Có gì mang hết theo để chứng minh Việt Nam là nơi có nhiều ràng buộc để anh phải trở về !”. Cái gì chứ giấy tờ thì hắn có nhiều. Hắn sống bao nhiêu năm nay trong môi trường gọi là quan liêu giấy tờ nên hắn có dư. Bằng cấp và sơ yếu lý lịch thì đã lâu không dùng đến nhưng hắn vẫn lưu giữ. Hắn lục lọi được một đống giấy tờ để đem khoe với Sài-gòn-tua-rít; chuẩn bị được khoe với Mỹ!

Cô Quỳnh Như xem, lọc loại một số giấy tờ, xếp thành tập rồi dặn hắn mang tập giấy tờ này để đi phỏng vấn. Cô đóng vai người phỏng vấn hỏi thử hắn trả lời xem có trôi chảy không, rồi dặn: “Anh không được nói với Mỹ là anh dẫn con anh đi tìm trường vì Mỹ sợ anh xin vi-da du lịch nhưng đưa con du học. Nhiều người Việt Nam mình làm như vậy rồi nên bây giờ Mỹ cảnh giác”. Cãi qua, cãi lại một hồi rồi hắn cũng đồng ý sẽ dặn con nói dối “đi du lịch, chứ không được nói đi tìm trường”. Cô nói thêm: “Em tin là hai cha con anh được cấp vi-da vào Mỹ. Em nhận bán tua nhưng cũng nhắm ai có khả năng được cấp vi-da em mới nhận; nếu không thì khách mất tiền còn em cũng mất uy tín lắm”.

Mười bốn giờ chiều thứ Tư, cha con hắn đến phỏng vấn ở Tổng lãnh sự Mỹ tại số 4 đường Lê Duẩn. Người phỏng vấn xin vi-da vào Mỹ khá đông, phải sắp hàng đợi. Hắn nhẩm tính số người rồi suy ra Mỹ thu được rất nhiều tiền. Nhiều người phải phỏng vấn đến lần thứ hai, có người đến lần thứ năm mà cũng không được cấp vi-da. Mỗi lần là một trăm bốn muơi đô-la, qui ra gần sáu trăm ký thóc, nộp Mỹ. Hắn nghĩ: “Thu được tiền thế này thì giàu là phải, không biết đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ thu được thế này không?”. Đang suy nghĩ miên man thì loa gọi hắn. Theo lời dặn của cô Quỳnh Như, hai cha con hắn tiến đến quầy. Hắn đưa tay, mở mắt to cho Mỹ rọi lấy dấu, lấy hình. Con hắn được miễn vì mới mười ba tuổi. Rồi hai cha con hắn ôm tập hồ sơ ngồi đợi phỏng vấn. Gần ba mươi phút sau thì hắn được gọi. Mỹ chỉ hỏi hắn một câu bằng tiếng Việt: “Anh là chủ công ty à?”. Hắn tự tin trả lời: “Đúng, tôi là chủ”. Rồi Mỹ xoay qua hỏi con gái hắn. Mỹ hỏi con hắn chuyện gia đình, chuyện làm ăn của hắn, chuyện học hành của con hắn, cha con hắn vào Mỹ làm gì. Con gái hắn trả lời không chút ngập ngừng. Mỹ ô-kê (O.K), rồi dặn: “Cha con anh được vào Mỹ, anh về đợi nhận vi-da”. Hắn bước ra khỏi tổng lãnh sự rồi thầm khen Mỹ khôn thiệt: “Ra đường hỏi người già, vô nhà hỏi con nít”. Mỹ hỏi con hắn, con bé không biết nói dối. Cái đống giấy tờ mang theo với bao lời dặn dò của cô Quỳnh Như là vô dụng, Mỹ không đụng đến. Hắn mừng là Mỹ không làm oan hắn. Hắn vào Mỹ rồi trở về chứ có cầu cạnh gì ở Mỹ đâu. Không cho vi-da là hắn kiện thiệt. Mỹ yêu cầu thủ tục gì thì Mỹ phải công khai minh bạch chứ làm gì có chuyện mang theo giấy tờ tù mù thế này? Mỹ nó khôn chứ có dại đâu? Hắn tin Mỹ.

Hai cha con hắn trả gần bảy ngàn đô-la cho Sài-gòn-tua-rít để đi theo tua. Hắn dự định sau mười một ngày kết thúc tua là hắn tách tua, cha con hắn sẽ tự do chu du trên đất Mỹ. Nước Mỹ xa xăm, không ai quen biết nên hắn chuẩn bị kỹ. Hắn đổi được mười ba ngàn đô-la tiền mặt để cha con hắn chia nhau mang theo cho đúng qui định hải quan. Hắn nhờ cô Vân ở ngân hàng A-Cê-Bê (ACB: Ngân hàng TMCP Á CHÂU) làm cho hắn cái Vi-da Cạc (visa card) với mức được chi tiêu hai trăm triệu, tức là khoảng mười ngàn đô-la nữa. Hắn mua bảo hiểm du lịch toàn cầu mức cao cấp nhất, trong đó có điều khoản qui định là nếu hắn chết thì bảo hiểm lo mang xác hắn về Việt Nam. Hắn chuẩn bị kỹ. Có tiền, có con hắn làm phiên dịch, hắn yên tâm lội khắp nước Mỹ rồi. Hắn thầm nghĩ “đâu có việc gì khó, chỉ sợ mình thiếu tiền”.

Hắn thu xếp công việc, chuyện gia đình để thực hiện chuyến đi xa lâu ngày. Mọi việc đều dễ dàng, nhưng có một việc làm hắn lo lắng. Mẹ hắn đã già yếu, nằm đã lâu, chưa biết ngày về trời. Hắn qua Mỹ, lỡ ở nhà mẹ hắn đi, hắn về không kịp thì hắn ân hận lắm. Chỉ vì chuyện này mà hắn nấn ná không đi đâu xa lâu ngày. Hắn hỏi bác sĩ Bình: “Anh đi một tháng thì mẹ anh có sao không?”. Bác sĩ bảo: “Không sao đâu, anh đi đi”. Hắn tính, nếu lỡ bà cụ qua đời mà không có hắn ở nhà thì phải chịu thôi. Chỗ chôn đã có. Không đi thì không biết khi nào. Hắn nay ở vào độ “gió heo mây đã về”, chưa chín nhưng đã hườm hườm; để đến tuổi đi vệ sinh phải có người dìu thì còn đi đâu.

Hắn nói với mẹ: “Mẹ ở nhà, con đi Mỹ nghe, con đi một tháng”. Bà cụ chảy nước mắt. Bà biết, đi Mỹ là xa lắm. Hắn qua tới Mỹ, bà lo.

Mấy ngày sau thì hắn nhận được hộ chiếu đã được Mỹ thị thực. Tổng lãnh sự Mỹ gửi hộ chiếu cho hắn qua đường bưu điện phát chuyển nhanh có hồi báo. Thời hạn vi-da là một năm, tức là hắn được vào ra khỏi nước Mỹ trong khoảng thời gian ấy.

Hắn báo cho cô Quỳnh Như mua vé vào Mỹ, ngày đi thì theo tua nhưng ngày về thì do hắn ấn định. Rồi hắn được Sài-gòn-tua-rít họp nhắc nhở các qui định khi vào ra nước Mỹ. Hải quan Việt Nam cho mỗi người mang theo bảy ngàn đô-la tiền mặt mà không cần khai báo. Hãng hàng không Mỹ cho miễn cước tối đa hai kiện hành lý, mỗi kiện không được nặng quá 28kg để dễ bề khuân vác.

Hai cha con hắn lên sân bay Tân Sơn Nhất từ hai hai giờ đêm ngày mười bảy, ngồi đợi chuyến bay một giờ sáng ngày mười tám. Đoàn du lịch có hai mươi mốt người và một hướng dẫn viên tên Đạt – Nguyễn Hữu Đạt. Trông ai cũng hớn hở, cười nói râm ran. Hắn làm quen. Hắn không ngờ cô Quỳnh Như – người bán tua cho cha con hắn – cũng mua vé đi tua chuyến này.

Đạt nhanh nhẹn cầm cây cờ Sài-gòn-tua-rít phất phất: “Nào! Mọi người theo Đạt vào làm thủ tục nhé”. Hắn bám theo. Thủ tục thì không có gì nhưng kiểm soát an ninh thì gắt gao. Hắn đi máy bay của hãng Mỹ e-lai (American Airlines) chứ không phải của hãng Vietnam e-lai (Vietnam Airlines) đâu nhé. Mỹ kiểm tra, soi rọi kỹ lắm. Nhưng không sao, hắn là Năm Lúa chứ có phải Năm Bin-la-đen đâu mà sợ.

Hắn và con lên máy bay. Con hắn được ngồi với hắn gần cửa sổ. Trời tối. Ổn định chỗ ngồi một lúc rồi mọi người ngủ. Con hắn cũng ngủ nhưng hắn không ngủ được. Hắn nghĩ ngợi về chuyến đi đến nước Mỹ xa xăm, về tuổi thơ, về hình ảnh những người lính Mỹ năm xưa đã từng in đậm trong ký ức hắn.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar