PHÊ ĐƠN LY DỊ
Chuyện rằng ở Thanh Hóa, có một người tên Xiển dòng dõi Trạng Quỳnh, tính khí cũng gần như thế. Đương thời vẫn thường gọi ông là Xiển Bột (vì ông người Hoằng Bột, Hoằng Hóa). Tương truyền làng của Xiển có nhà nọ, chồng rất tàn nhẫn nên chị vợ sau nhiều năm chịu đựng không nổi, bèn đưa đơn lên huyện xin ly dị. Quan huyện thấy chị ta không quà cáp, lễ lạt chi cả nên không cho, bèn phê vào đơn: “Phó hồi cái giá bất đắc phu cựu”, ý quan muốn nói: Không thể cho đi lấy chồng khác, phải trở về với chồng cũ.
Chị đành hậm hực ra về. Nghe tiếng Xiển hay chữ, chị ta đến nhờ Xiển làm cho cái đơn khác để đi kêu lần nữa. Xem đơn cũ, Xiển giả bộ ngạc nhiên:
– Chị nói thế nào chứ, quan đã phê cho chị đi lấy chồng khác rồi còn gì?
Rồi Xiển giải thích cho chị ta rõ lời phê của quan huyện. Được lời chị ta tạ ơn Xiển, ra về đi lấy chồng khác. Lại nói về người chồng cũ thấy vậy tưởng quan huyện ăn của đút của lót, xử ức ép cho mình nên liền phát đơn kiện lên quan tỉnh. Quan tỉnh đòi quan huyện và chị nọ đến hầu, đem đầu đuôi ra chất vấn. Quan huyện thưa là không hề cho chị ta đi lấy chồng khác. Nhưng chị ta lấy đơn có bút phê của quan đưa ra và nhắc lại lời giảng giải của Xiên: “Phó hồi cải giá” là cho về đi lấy chồng khác. “Bất đắc phu cựu” là “không được về với chồng cũ”. Do chữ nho không có chấm phẩy nên cùng một câu như trên nếu ngắt ra có thể hiểu thành ý khác.
Bấy giờ quan huyện mới ngã ngửa người ra. Chỉ vì một lời phê cầu kỳ, cẩu thả, không minh bạch mà bị hiểu sang nghĩa trái ngược hoàn toàn. Quan cũng biết mình bị một người sâu sắc nước đời nhân đây trị cho một vố, nhưng dành bấm bụng chịu. Rốt cuộc cả hai quan đành chịu phải để cho chị ta sống với người chồng mới.
Bình luận