Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

31. Thanh Tra bị đánh

QUAN THANH TRA BỊ ĐÁNH

Thời Tam quốc có ba anh em Lưu, Quan, Trương kết nghĩa ở vườn đào, thề cùng đồng tâm hiệp lực để cứu người khốn, giúp kẻ nguy; trên báo đền nợ nước, dưới giúp đỡ cho dân, tuy không sinh cùng năm cùng tháng cùng ngày nhưng chỉ nguyện ước chết cùng năm cùng tháng cùng ngày. Thế rồi họ cùng ra đi đánh giặc Khăn Vàng, lập được nhiều chiến công, nhưng không được khen thưởng và ban chức vì họ không có thầy chú đỡ đầu. Một ngày kia, trong lúc vô tình, Lưu Bị than vãn với Trương Quân là mình có công mà không được ban thưởng gì. Trương Quân lập tức vào chầu tâu lại với vua và nhờ đó Lưu Bị được bổ nhiệm làm quan úy ở huyện An Hỷ, phủ Trung Sơn.

Làm quan được bốn tháng, Lưu Bị không tơ hào một tí gì của dân, trong hạt trị hạ ai cũng lấy làm cảm phục. Thế rồi một hôm bỗng dưng triều đình giáng chiếu xuống rằng: “Những người có công đánh giặc mà làm trưởng lại, bây giờ nên thải bớt đi”.

Lưu Bị nghi mình cũng ở trong số phải thải ra ấy. Trong lúc còn đang nghi hoặc, thì có quan thanh tra tên là Đốc Bưu đến huyện mình.

Lưu Bị thân hành ra khỏi thành đón rước. Lúc gặp Đốc Bưu chào một cách rất tôn kính. Bưu ngồi trên ngựa, cầm roi phe phẩy đáp lễ.

Quan, Trương thấy vậy tức quá. Khi đến chỗ quán dịch (nhà để tiếp các quan to đi qua), Đốc Bưu ngất ngưởng ngồi trên cao; Lưu Bị đứng hầu dưới thềm mấy trống canh, Bưu mới hỏi:

– Chớ thầy huyện úy do chân gì xuất thân?

Lưu Bị đáp:

– Tôi là dòng dõi Trung Sơn Tĩnh Vương. Từ khi ở quận Trác, dẹp giặc Khăn Vàng, lớn nhỏ đánh hơn ba mươi trận. Hơi có công một chút, cho nên được cất làm chức này.

Đốc Bưu thét to lên rằng:

– Mày trá xưng là hoàng thân, kể công trạng hão gì? Hiện bây giờ triều đình giáng chiếu xuống để trừ bớt những đồ ô quan nhũng lại như mày đó.

Lưu Bị dạ dạ vài tiếng rồi rón rén lẻn ra.

Về đến huyện, Lưu Bị bàn với nha lại.

Lại nói:

– Đốc Bưu chẳng qua chỉ vòi tiền đó mà thôi.

Lưu Bị nói:

– Ta không tơ hào của dân tí nào, lấy đâu mà cho nó.

Hôm sau, Đốc Bưu bắt ép một người huyện lại, buộc họ vu khống rằng quan huyện hại dân. Lưu Bị mấy phen đi lại để vào kêu van, bận nào cũng gặp phải lính canh không cho vào.

Một bữa, Trương Phi buồn bực uống vài chén rượu để giải trí. Chén xong rồi cưỡi ngựa đi chơi. Đi qua quán dịch, thấy năm sáu mươi ông già đứng ở trước cửa kêu khóc.

Trương Phi thấy vậy dừng cương ngựa lại hỏi cớ làm sao, thì các cụ ông nói rằng:

– Đốc Bưu cố ép người huyện lại để hại Lưu hoàng thúc Chúng tôi đến để kêu oan cho ông ấy, không được vào thì chớ, lại bị quân canh cửa đuổi đánh.

Trương Phi giận quá, mắt tròn trừng trợn, hàm răng nghiến rít lại, vùng nhảy ngay xuống ngựa, đi thẳng vào quán dịch; những quân canh cửa ngăn lại không được. Trương Phi xông thẳng vào hậu đường, thấy Đốc Bưu đương ngồi trên sảnh, người huyện lại bị trói dưới đất. Trương Phi quát lên rằng:

– Thằng mọt dân kia! Mày có biết ta là ai không?

Bưu chưa kịp trả lời, Trương nắm ngay tóc, lôi tuột ra ngoài quán dịch, đem trói chặt vào cái cọc buộc ngựa, bẻ một cành liễu, rồi cứ hai bên mông Đốc Bưu đánh mãi, đánh kỳ sái cánh, một lúc gảy cả thảy mười mấy cành dương liễu.

Lưu Bị đang khi buồn bã, nghe có tiếng xôn xao ở cửa huyện, hỏi đầy tớ việc gì. Đầy tớ nói rằng:

– Trương tướng quân trói một người nào ở cửa huyện đánh đau.

Lưu vội vàng ra xem, lại gần trông, ngỡ là ai, hóa ra chính quan thanh tra bị trói.

Lưu hỏi Trương:

– Cớ làm sao thế?

Trương nói:

– Thằng giặc hại dân, chẳng đánh cho chết để làm gì?

Bưu thấy quan huyện ra, trăm nghìn van lạy:

– Ông Huyền Đức ơi! Cứu tôi với!

Lưu Bị vốn là người nhân từ, vội vàng thét ngay Trương Phi dừng tay lại. Đương lúc ấy, Quan Công ở đâu vừa đến, nói với Lưu Bị rằng:

– Huynh trưởng làm nên bao nhiêu công nghiệp, triều đình mới thí cho chức huyện úy này. Bây giờ để nghĩ rằng, cái bụi gai này không phải là chốn loan hoàng đậu. Thôi thì ta giết quách nó đi, bỏ phăng chức quan chức đó mà đi về, kiếm kế viễn đại khác còn hơn.

Lưu Bị bèn đem cả ấn thụ treo vào cổ Đốc Bưu rồi mắng nó rằng:

– Như mày là thằng mọt dân, đáng lẽ tao giết đi mới phải, nhưng tao tha cho mày làm phúc. Ấn dây, thụ đây, tao trả cho chúng bay, tao đi.

Đốc Bưu khỏi chết, lập tức đi cáo với quan thái thú Định Châu. Bọn quan lại sai người đi tìm bắt ba anh em Lưu, Quan, Trương.

Lời bàn:

Xưa nay, theo thói thường, nghe quan thanh tra đến là kẻ bị thanh tra sợ tái mặt, lo giết bò, mổ lợn làm tiệc đãi đằng, chứ có mấy ai dám đánh quan thanh tra bao giờ. Quan thanh tra Đốc Bưu bị đòn là vì tham mà dại. Quan thanh tra mà muốn kiếm ăn thì chỉ có cách chia lại của bọn tham nhũng, chứ gặp quan thanh liêm mà ép họ cho ăn thì chỉ có cách ép ra nước… chứ lấy gì mà chung. Gặp phải quan liêm như Lưu Bị, không tơ hào của dân thì lấy gì cho Đốc Bưu? Nhưng làm quan như Lưu Bị thì chẳng mấy chốc bị thanh tra ra lắm tội và mất chức quan là cái chắc.

Vì sao mà thanh tra là ra tội?

– Một là, làm quan thì phải hành xử nhiều việc, dù có liêm chính, công tâm tài giỏi cỡ nào cũng gặp phải cái sai. Thanh tra mà soi mói thì tất ra chỗ sai ấy, nó cũng giống như thức ăn mua ngoài chợ, đem soi kính hiển vi thì thế nào cũng tìm ra chút bụi bặm, tạp chất hoặc vi trùng. Thanh tra cũng vậy. Hễ cứ hạch sách, soi mói là thế nào cũng tìm ra chuyện.

– Hai là, làm quan thì tất có người đem của nhét vào mồm. Dù không muốn ăn, không đòi hỏi cũng có kẻ đem dâng của ngon vật lạ để trục lợi, cầu xin. Ban đầu còn ngượng không dám nhận nhiều, chỉ nhận đáp lễ nhưng sau quen dần, không có quà cáp thấy thiếu. Mà đã ăn thì làm việc thiên vị, để lại nhiều sơ hở, tất phải sợ thanh tra.

Bởi vậy, xưa nay nghe thanh tra đến thì ngoài mặt làm vui đón tiếp nhưng trong bụng buồn lo nơm nớp.

Lưu Bị tuy không phạm vào trường hợp thứ hai nhưng cũng e có thể phạm vào trường hợp thứ nhất nên cũng phải lễ phép với quan thanh tra để khỏi phiền phức. Cứ tưởng rằng mình liêm chính chẳng sợ thanh tra, chỉ cần lễ phép là đủ. Ai dè, gặp quan thanh tra Đốc Bưu chỉ cần tiền chứ không cần liêm chính nên Lưu Bị mới mất chức.

Thời buổi loạn lạc, quyền bính nằm trong tay bọn Thập thường thị thì tất sản sinh ra toàn loại quan thanh tra Đốc Bưu.

Người ta thường bảo: Nóng tính làm hỏng việc. Thế mà Trương Phi nhờ tính nóng mà làm đặng cái việc “không nóng không dám làm”. Do vậy biết nổi giận đúng lúc cũng là điều cần thiết trong xử thế.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar