Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

12. Tiếng Súng Nền Cộng Hòa

Năm 1946, cũng vào ngày 19 tháng 12 này, tiếng súng chống quân xâm lược Pháp vang lên trên khắp đất nước ta. Khác với tất cả những tiếng súng Cần Vương kháng Pháp đã từng vang lên trước đó, tiếng súng vang lên lần này là tiếng súng của nền cộng hòa dưới sự dẫn dắt của chính phủ đa đảng, tập hợp những trí thức tinh hoa thời ấy, do Hồ Chí Minh đứng đầu.

Cũng với những vũ khí thô sơ và sự chênh lệch lực lượng như các phong trào kháng Pháp trước đó, nhưng người Việt Nam dưới chính thể cộng hòa, tuy chưa được quốc tế công nhận, vẫn đơn độc cầm cự và càng đánh càng mạnh cho đến năm 1950, trước khi cuộc chiến rơi vào tình thế quốc tế hóa cùng với sự ra đời của nước Trung Hoa đỏ.

Lịch sử diễn ra đã cho thấy hệ tư tưởng dân chủ cộng hòa đã tập hợp được đông đảo lực lượng và khai thác lực lượng ấy rất hiệu quả. Thậm chí, các hảo hán như tướng cướp Bảy Viễn cũng đi theo nền cộng hòa để kháng Pháp. Từ chỗ chủ quan coi khinh dân Việt Nam lạc hậu, thực dân Pháp phải nhượng bộ dần, tìm lối thoát bằng giải pháp Bảo Đại, để rồi sau đó phải trả lại nước Việt Nam cho người Việt Nam.
Ai là người Việt Nam đầu tiên phát hiện ra sức mạnh nền cộng hòa? Xin thưa, đó là nhà tư tưởng – nhà cách mạng Phan Châu Trinh. Khác với những bộ óc lớn cùng thời – cho rằng nguyên nhân thất bại do sự chênh lệch vũ khí – Phan Châu Trinh tìm ra nguyên nhân mất nước ở sự lạc hậu của thể chế phong kiến trước thể chế cộng hòa. Phan Châu Trinh đã tiến hành khảo sát nghiên cứu công phu trước khi đưa ra chủ trương đánh đổ phong kiến – xây dựng nền cộng hòa.

Bắt đầu từ chiến khu Vụ Quang – Ngàn Trươi ở Hà Tĩnh. Cho rằng nguyên nhân thất bại ở khẩu súng, Cao Thắng đã tìm cách chế tạo khẩu súng trường có tính năng tương tự khẩu Gras Model 1874 của Pháp; nhưng rồi, súng trường có tính năng hiện đại cũng không thể cứu Cao Thắng thoát khỏi tử trận, không ngăn được sự thất bại chạy dài của các sĩ phu Cần Vương dưới sự dẫn dắt của Phan Đình Phùng. Hoàng Hoa Thám – con hùm xám của núi rừng Yên Thế – chỉ tập hợp được một nhóm nhỏ những anh chị nông dân lưu tán, đánh như gãi ngứa quân Pháp, cũng nguyện dựng nên ngai vàng mới. Phan Bội Châu – một nhà yêu nước thắm thiết bậc nhất, một trí tuệ lớn cùng thời với Phan Châu Trinh, cũng chủ trương khôi phục chế độ quân chủ với chiêu bài phò Kỳ Ngoại Hầu Cường Để đông du cầu viện Nhật Bản. Trong bối cảnh xã hội coi vua là thiên tử, quan là cha mẹ dân, các sĩ phu đều xướng ngọn cờ Cần Vương để cứu nước cứu dân thì Phan Châu Trinh lại chủ trương đánh đổ vua quan phong kiến, tạo ra một sự rung lắc xã hội rất dữ dội, “chưa hề thấy trong lịch sử người An Nam”. Nhất quán với đường lối duy tân đất nước – “khai dân trí, chấn dân khí, xướng dân quyền”; năm 1925, Phan Châu Trinh, trước khi mất, đã thuyết trình “Quân Trị Chủ Nghĩa Và Dân Trị Chủ Nghĩa” tại Sài Gòn để cổ súy cho một nước Việt Nam dân chủ với thể chế cộng hòa.

Người Pháp xâm lược và thống trị nước ta gần 80 năm không chỉ bằng những khẩu súng tinh xảo hơn mà còn bằng cả nền cộng hòa do Na-pô-lê-ông để lại. Người Pháp xây dựng nền công lý đô hộ ngay từ khi đặt chân lên đất nước ta, mà tiêu biểu là Tòa Công Lý ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa hiện nay. Người Pháp mang bộ luật Na-pô-lê-ông và bộ máy cai trị tinh gọn vào nước ta, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế và thống trị có hiệu quả. Pháp thắng ta là thắng toàn diện ở sự hiệu quả của nền cộng hòa.

Phải nhìn rõ bối cảnh lịch sử Việt Nam, đối chiếu với những gì đã và đang diễn trên thế giới này mới ngộ ra tầm nhìn xa trông rộng, trí tuệ khổng lồ của Phan Châu Trinh. Tổng bí thư Goóc-ba-chốp đã tuyệt vọng với bộ máy quan liêu, phải dùng Perestroyka (cải tổ) và Glasnost (công khai hóa) để chữa trị nhưng bất thành, buộc phải ngồi vào ghế tổng thống là sự phản ánh của cuộc khủng hoảng thể chế tổng bí thư. Các nước Đông Âu cũng xây dựng thể chế tổng thống thay cho thể chế tổng bí thư. Tổng bí thư Tập Cận Bình cũng ngồi vào ghế Chủ tịch nước để khắc phục hậu quả khủng hoảng thể chế trước bối cảnh dân chủ hóa toàn cầu, với đặc trưng phổ quát là tổng thống do dân trực tiếp bầu ra.

Nếu như hiện nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngồi vào ghế Chủ tịch nước là đúng thì việc chậm ngồi vào ghế này trước đây là sai. Một tổ ong không thể có hai ONG CHÚA. Một nước không thể có hai VUA. Một nền cộng hòa chân chính không thể có hai Nguyên thủ Quốc Gia. Hiến Pháp Việt Nam đã qui định Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia thì không vì bất cứ lý do gì để tổng bí thư thực quyền hơn chủ tịch của một nước Việt Nam dân chủ – pháp quyền.
Chúng ta bị mất nước vào tay người Pháp vì chúng ta lạc hậu về thể chế. Rồi chúng ta lấy lại nước từ tay người Pháp là nhờ thể chế Cộng Hòa. Sau lưng mỗi người lính là sức mạnh vật chất và tinh thần của một nền cộng hòa vững chắc với hàng loạt chính sách hậu phương quân đội. Các bộ sức mạnh như Quốc Phòng – An Ninh không thể hoạt động hiệu quả nếu như không có Bộ Thương Binh và các bộ khác chăm lo cho người lính.
Thương trường như chiến trường. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các doanh nghiệp và công dân Việt Nam cũng như người lính năm xưa, cần một nền cộng hòa có hiệu quả để cạnh tranh sinh tồn và vươn ra thế giới để sánh vai với các cường quốc năm châu.

Sự tụt hậu về thể chế là cực kỳ nguy hiểm cho sự tồn vong của quốc gia, dân tộc, doanh nghiệp và mỗi cá nhân. Xây dựng thể chế cộng hòa văn minh là đòi hỏi và là xu thế tất yếu của dân tộc Việt Nam trên con đường hội nhập với văn minh Âu – Mỹ.

Viết ngày 19 tháng 12 năm 2018 – TPHCM.

 

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar