Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

2. Từ Làm Tới Giàu

TỪ LÀM TỚI GIÀU

Có nhiều con đường để trở thành người có nhiều tiền. Trúng số độc đắc hoặc phân lô bán đất do tổ tiên để lại cũng có thể có được nhiều tiền. Nhưng người có nhiều tiền, chưa hẳn đã là người giàu. Để có đời sống của người giàu với đầy đủ ý nghĩa của sự giàu có thì còn phải đi một quãng đường khá xa; có khi phải đi hết cả cuộc đời vẫn chưa đạt đến sự giàu có. Cuộc sống của người giàu là cả một quá trình hình thành, gia nhập đẳng cấp của thế giới giàu. Họ có môi trường sống của người giàu, có suy nghĩ, nếp sinh hoạt, bạn bè và văn hóa của người giàu. Đời sống vật chất có thể bất chợt hoặc nhanh chóng được cải thiện nhưng đời sống tinh thần và văn hóa thì đòi hỏi phải mất một thời gian khá dài, có khi phải mất đến vài thế hệ mới có thể lột xác trở thành người giàu với tư cách là một đẳng cấp. Hơn nữa, giàu và làm giàu cũng rất khác nhau. Có người nhờ thừa kế tài sản, tước vị – như giới quý tộc châu Âu chẳng hạn – mà trở thành người giàu. Tham nhũng, móc ngoặc hạng nặng, đủ lâu cũng gia nhập tầng lớp giàu. Tuy nhiên, người giàu mà không làm thì không có những trải nghiệm của người làm giàu. Nếu gặp biến cố, phá sản, người giàu mà không làm sẽ vĩnh viễn rơi xuống đáy, vô phương gượng dậy; còn người đã từng tự làm giàu thì sẽ dựng lại cơ nghiệp dễ như lấy đồ trong túi.

Sau chiến tranh thế giới thứ Hai, nước Nhật bị thua trận tan hoang nhưng trong khoảng thời gian ngắn, họ đã dựng lại một nước Nhật giàu có, hùng cường. Bởi lẽ, trước chiến tranh, họ đã biết làm giàu. Họ đã chế tạo được máy bay, tàu chiến để chọi nhau với Mỹ, với Nga. Họ có những con người đã làm qua.

Năm 1949, Đài Loan tiếp nhận một lượng lớn những người đã từng làm giàu từ Hoa Lục. Chính những người đã từng làm giàu chạy trốn Mao, với hai bàn tay trắng, mang theo chất xám, đã góp phần quyết định vào việc xây dựng Đài Loan thành một trong bốn con rồng châu Á. Nhiều người đã từng làm giàu, rồi vì một lý do nào đó, bị mất sạch của cải, nhưng sau một thời gian ngắn, họ khôi phục lại sự giàu có khá nhanh. Ông Lê Ân ở Vũng Tàu, Vua lốp ở Hà Nội là một vài ví dụ điển hình của những người làm giàu lại, sau bao biến cố tù tội và mất sạch.

Việt Nam thống nhất, hoà bình đã hơn 44 năm nhưng vẫn nghèo với một xã hội được tổ chức và quản lý rất kém. Không phải vì chiến tranh sinh ra tụt hậu mà chủ yếu là vì ta chưa bao giờ làm qua, chưa bao giờ giàu qua, và chưa bao giờ tổ chức được một xã hội dân chủ, văn minh như thế giới G.7. Tụt hậu, là từ đời ông cha ta cho đến đời ta. Quê ta, chỉ biết trồng lúa, đi lính, ăn xin viện trợ, thì sau chiến tranh, chúng ta lại quay về núp lũy tre làng, quờ quạng trồng lúa, hoặc “tay bị tay gậy”, tứ táng trông chờ ngoại bang. Chúng ta chưa chế tạo được sản phẩm nào mang tầm vóc thương hiệu quốc gia.
Nước Nhật gặp thảm hoạ động đất, sóng thần, gây nên cảnh đổ nát tan hoang. Cả thế giới dõi theo với sự cảm thông, chia sẻ; đồng thời ngưỡng mộ dân tộc Nhật. “Gia bần tri hiếu tử”; trong bối cảnh hoạn nạn này, người Nhật càng bộc lộ những phẩm chất mà chúng ta phải phấn đấu bền bỉ, mất nhiều thế hệ mới có thể hy vọng vươn tới được. Tiền bay lả tả, không ai nhặt. Em bé chín tuổi, mất cha mất mẹ, đói lã, sắp hàng để chờ lãnh phần ăn, nhưng khi chưa đến lượt mình mà có người đột nhiên cho phần ăn thì em mang lên nộp phần ăn ấy, để phân phát chung, rồi quay về vị trí cũ, tiếp tục xếp hàng chờ. Với những con người như thế, dân tộc Nhật đã vượt qua thảm họa bom nguyên tử và sóng thần dễ hơn chúng ta giải quyết nạn khạc nhổ, vứt rác bừa bãi, lấn đường kẹt xe! Dân tộc Nhật không chỉ giàu về của cải mà họ còn rất giàu về văn hoá. Nhờ văn hoá, họ làm giàu và đồng thời, nhờ làm giàu mà họ hình thành văn hoá của người làm giàu đã mấy trăm năm nay.
Phải làm giàu thì mới tạo ra thói quen làm giàu. Phải làm thì mới tìm ra cách làm và sản sinh ra văn hoá làm. Điều quan trọng nhất là phải để lại cho thế hệ sau cách làm giàu và văn hoá làm giàu. Không làm mà giàu thì chỉ một cơn gió nhẹ là quét sạch của cải, vĩnh viễn không gượng dậy được. Ông Đặng Tiểu Bình là người có câu nói nổi tiếng “Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột” nhưng khi đến Thẩm Quyến lại quảng bá “làm giàu là vinh quang” chứ không nói “giàu là vinh quang”.

Với tôi, cách kiếm tiền là quan trọng hơn số tiền kiếm được. Khi ở vào tình thế bức bách thì tôi cũng có thể như nàng Kiều, “Cũng liều nhắm mắt đưa chân/ Mà xem con tạo xoay vần đến đâu”. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, tôi hướng thiện. Tôi đã nhanh chóng tìm cách thoát khỏi tình thế khốn khó để từ chối làm những việc không hữu ích cho ai mà vẫn có tiền. Đặc biệt, tôi đã đoạn tuyệt với những nơi, muốn có ăn phải phá tung tóe như phá tổ ong thì mới ăn được. Nó nhẫn tâm, tanh tưởi và vô ơn với nhân dân này quá. Tôi bỏ biên chế nhà nước, dừng bước kiếm tiền “Trên Nẻo Đường Luật Sư” và phi như điên cuồng ra chợ để mưu sinh bằng một công việc hữu ích cho xã hội là vì vậy.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar