TÔ KÝ THẢ TỬ TÙ
Tô Ký là một vị quan võ, thông minh, tài trí và có lòng nhân đạo, liêm chính, cần mẫn, được vua Túc Tôn nhà Đường trọng dụng. Sau khi dẹp loạn An Lộc Sơn, số người bị bắt giam có đến hàng trăm ngàn người. Nhà vua liền cử Tô Ký đến Lư Châu, một trấn quan trọng có nhiều hình án để thanh tra xem xét lại. Trước khi Tô Ký đi, vua Túc Tôn có lời dụ: “Nhân dân đều là con đỏ của triều đình, vì đói rét hoặc vì ngu dốt hoặc vì cưỡng ép mà phạm tội, trẫm lấy làm thương xót, vậy trừ những kẻ cùng hung cực ác ra, còn thì nên khoan thứ, khiến cho chúng có dịp sửa mình, ăn năn hối cải”. Tô Ký vâng lệnh lạy tạ vua rồi lui về sửa soạn lên đường.
Tới Lư Châu, Tô Ký từ chối tất cả những cuộc chiêu đãi tiệc tùng, mua chuộc của các quan, dân địa phương. Tô Ký bắt tay vào xét ngay các việc hình án.
Sau một tháng xem lại hồ sơ của hơn một ngàn tù nhân tại nhà giam ở Lư Châu và cân nhắc; Tô Ký thả cho về gần tám trăm người, chỉ giữ lại hơn hai trăm người bị khép vào án tử. Sau đó, Tô Ký lại xem xét kỹ một lần nữa và cho giảm hơn một trăm án tử thành án đi đày, số còn lại đều là những kẻ gian ác có bằng chứng rõ ràng, phải y án xử tử, chỉ chờ ngày hành quyết.
Gặp ngày 30 tết, cả nhà Tô Ký sum họp, chuyện trò vui vầy. Đang uống rượu vui, bỗng một ý nghĩ thoáng qua, làm cho Tô Ký dừng chén lại và tỏ ý không vui. Bà mẹ lấy làm lạ, hỏi vì cớ gì. Tô Ký cung kính bẩm lại với mẹ:
– Thưa mẹ, người đời ai chẳng muốn được sống trong cảnh đoàn viên sum họp, nhất là ngày Tết, cảnh ấy lại càng nên có. Con được ngồi hầu mẹ và vợ con vui vẻ thế này nên con sực nghĩ đến bọn tử tù kia, đang chịu cảnh gông cùm xiềng xích, đã không mong gì sống, đến cả cánh vui vầy hôm nay ai cũng được hưởng, mà chúng phải khổ sở, nhớ thương cha mẹ vợ con, thật đáng nên thương xót.
Bà mẹ nghe nói xiết bao cảm động, bèn sai quản gia đem các thứ bánh trái chi phát cho các tử tù. Tiệc xong, Tô Ký lên công đường, truyền lệnh cho cai ngục giải tết cả tử tù đến cho quỳ trước mặt. Bọn tù đang chờ ngày hành quyết, nay bỗng có lệnh giải đến trình quan, ngỡ bị đem hành hình nên cả bọn đều sợ xanh mặt. Nhưng khi đến nơi thấy nét mặt Tô Ký hiền hậu vui vẻ thì ai nấy yên lòng. Tô Ký ra lệnh tháo hết xiềng xích gông cùm ở tay chân tử tù rạ, rồi ôn tồn hỏi bọn tù:
– Các người bị giam nơi ngục tối có còn nhớ ngày tháng không?
Mấy tên quỳ ở hàng đầu nói:
– Bẩm quan, chúng tôi cần phải nhớ ngày tháng để xem ngày nào chịu chết đặng nhờ báo vợ con cúng giỗ.
Tô Ký hỏi:
– Thế hôm nay là ngày gì?
Cả bọn đồng thanh nói:
– Hôm nay là ngày trừ tịch hết năm cũ, sang năm mới!
– Vậy các ngươi có muốn về nhà cùng vợ con ăn tết không?
Nghe câu hỏi lạ lùng của một vị quan, cả bọn tù ngơ ngác nhìn nhau, họ nghĩ ràng vị quan ấy dùa cợt, mỉa mai mình nên ai nấy làm thinh. Tô Ký giục:
– Thế nào? Sao các ngươi không trả lời?
Một tên ấp úng nói:
– Bẩm quan! Chúng tôi đây cũng như mọi người, có cha mẹ, vợ con, chỉ vì lâm vào vòng tù tội nên phải dứt tình với những người thân yêu trong gia đình nên bây giờ có muốn hưởng cái diễm phúc sum họp ấy cũng không thể nào được nữa.
Câu nói đó làm cả bọn cảm động ứa nước mắt. Tô Ký nói:
– Nếu các ngươi muốn, ta sẽ cho về ăn tết đủ ba ngày với gia đình, nhưng có giữ lời trở lại đây đúng hẹn không?
Như còn nửa tin nửa ngờ, cả bọn đều ngơ ngác, chưa biết đáp ra sao thì Tô Ký nói:
– Giữ đúng lời hẹn, ta cho về ngay mà!
Cả bọn đồng thanh nói:
– Nếu quan lớn mở lòng trời bể cho chúng tôi được hưởng ba ngày đoàn viên gia đình thì không khác gì chúng tôi được sống thêm mấy chục tuổi nữa, có bao giờ chúng tôi lại phụ lòng đại đức, đại ân của ngài.
Chẳng ngần ngại, Tô Ký truyền thả cả bọn về nhà ăn tết và dặn sáng ngày mồng bốn thì tất cả phải tự đến trại chịu giam lại.
Thấy Tô Ký làm việc lộng quyền và nguy hiểm ấy các thuộc viên đều lấy làm lo sợ, cho rằng bọn tử tù ấy đều là bọn cướp của giết người, nay thả cho ra khác nào thả hổ về rừng. Thật là việc nguy hiểm, chỉ một đứa không trở lại cũng đủ mệt rồi, huống gì gần hai trăm đứa.
Nghe tiếng than phiền lo lắng của thuộc hạ, Tô Ký chỉ mỉm cười không nói gì, nhưng trong lòng cũng hơi lo. Nhưng ông nghĩ ràng không lẽ ông làm một việc thi ân báo đức như vậy mà kẻ thọ ơn nỡ phụ lòng, và ông cũng tin tướng chắc chắn rằng lòng nhân từ của ông được trời phật độ trì.
Hết ba ngày tết, đến sáng mùng bốn, ai nấy đều nôn nao trông đợi xem bọn tử tù có trở lại đủ số không. Cả nha môn mọi người như tỉnh như mê trước cảnh tượng gần hai trăm tử tù, kẻ gần người xa đều tấp nập kéo đến công nha, xếp hàng trật tự, đi vào trước công đường lạy tạ.
Tô Ký cho điểm lại, thấy thiếu mất một người. Tra lại họ tên thì đó là một tên cường đạo. Chờ đến nửa ngày mà chẳng thấy tên này đến, ai nấy đều chắc nó đã cao chạy xa bay rồi và hắn sẽ nhiễu hại lương dân như trước, trừ phi quân lính bắt lại được. Chính Tô Ký cũng lấy làm lo.
Đương lúc mọi người lo lắng thì bỗng một người cao lớn đi vào vùn vụt như bay, cúi đầu nhận tội:
– Bẩm quan lớn, kẻ tiểu nhân này chậm trễ, làm cho quan lớn phải bận lòng. Đó là vì trong lúc đến đây, dọc đường qua một cánh rừng, tiểu nhân thấy một con cọp xám bắt một thiếu nữ cõng chạy. Nghe tiếng kêu khóc của nạn nhân, tôi phải xông vào cứu. Không ngờ lại có một con nữa nhảy chồm ra, một mình tôi phải liều mạng chống với hai ác thú, đến gần nửa ngày mới giết được cả hai. Sau đó tôi còn phải cứu thiếu nữ kia, đưa cô ấy về nhà nên mới đến chậm, xin quan lớn lượng thứ cho.
Tô Ký nhìn ngắm, thấy tên tử tù thật là một tay anh hùng hảo hớn, thân hình vạm vỡ mạnh mẽ khác thường, lại can đảm và nghĩa hiệp như vậy thì trong lòng cảm phục lắm. Ông làm sớ tâu lên vua đầu đuôi sự việc là thả tù cho về ăn tết, tù nhân nào cũng trở về y hẹn, cùng việc đánh cọp cứu người của Lưu Đại Chữ.
Sớ được dâng lên, Vua xem và ban khen rồi chiếu chỉ cho cả bọn tử tù ấy được miễn ở tù, giao họ cho Lưu Đại Chữ tổ chức lập một đội ấp, lo khai hoang trồng trọt, làm ruộng chăn nuôi để gia đình họ sống tự túc Nếu có giặc giã, họ sẽ là đội quân của triều đình, cùng chiến đấu như những đội quân khác.
Từ dó tất cả tử tù trở thành công dân lương thiện và trung thành với ông vua đức độ và quan Tô Ký nhân từ.
Bình luận