Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

1. Căn cứ khởi tố Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn về tội ra bản án trái pháp luật

HĐXX, DO THẨM PHÁN NGÔ THANH NHÀN LÀM CHỦ TỌA, ĐÃ CỐ Ý RA BẢN ÁN TRÁI PHÁP LUẬT

Quyết định giám đốc thẩm số 49/2020/KDTM-GĐT ngày 06/11/2020 của UBTP TANDCC tại TP. Hồ Chí Minh “có hiệu lực pháp luật từ ngày ra quyết định này“. Theo Điều 106 Hiến pháp 2013 thì “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành“. Và Điều 19 BLTTDS 2015 cũng thể hiện lại quy định của Hiến pháp: “Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. HĐXX phúc thẩm, do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, có trách nhiệm ‘phải nghiêm chỉnh chấp hành’ quyết định giám đốc thẩm của TANDCC. Nếu phát hiện quyết định giám đốc thẩm này bị sai, không thể thi hành, thì TAND Thành phố Hồ Chí Minh và các cá nhân, tổ chức có liên quan, phải đề nghị với Chánh án TANDTC, kháng nghị quyết định giám đốc thẩm này, để HĐTP TANDTC sửa sai theo thẩm quyền, được qui định tại Điều 337 BLTTDS 2015 . TAND Thành phố Hồ Chí Minh, VKSND Thành phố Hồ Chí Minh, HĐXX phúc thẩm và những người được giao tiến hành tố tụng vụ án này là cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành’  theo quy định tại Điều 106 Hiến pháp 2013Điều 19 BLTTDS 2015. Họ không có quyền sửa sai quyết định giám đốc thẩm và cũng không có quyền làm khác với quyết định giám đốc thẩm. Đây là vấn đề về tuân theo pháp luật, áp dụng thống nhất pháp luật, rất sơ đẳng, rất dễ hiểu. Thế nhưng, HĐXX, do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, đã ra bản án phúc thẩm, trái với quyết định giám đốc thẩm. Đây là hiện tượng lạ lùng trong lịch sử tố tụng Việt Nam và thế giới: Tòa án cấp phúc thẩm phá hiệu lực pháp luật của quyết định giám đốc thẩm!

Diễn biến phiên tòa và bản án phúc thẩm số 528/2021/KDTM-PT ngày 15/6/2021 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, HĐXX do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, đã cố ý tạo ra một kịch bản xét xử bất thường, để hủy bản án sơ thẩm một cách vô căn cứ, làm mất tính hiệu lực của quyết định giám đốc thẩm. Bản án phúc thẩm số 528/2021/KDTM-PT ngày 15/6/2021 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh là sai cả về mặt tố tụng và mặt nội dung. Hậu quả là vụ án bị kéo dài, bế tắc về mặt tố tụng. TAND Quận 3, không phải là cơ quan thi hành quyết định giám đốc thẩm, và họ cũng không phải là “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”  quyết định giám đốc thẩm. HĐXX sơ thẩm có quyền độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật. Họ có quyền căn cứ vào diễn biến của giai đoạn tố tụng sơ thẩm để tuyên án, và có thể tuyên án khác với quyết định giám đốc thẩm. Quyết định giám đốc thẩm số 49/2020/KDTM-GĐT ngày 06/11/2020 của UBTP TANDCC tại TP. Hồ Chí Minh, đã bị mất hiệu lực pháp luật, bởi thủ đoạn tố tụng trái pháp luật của HĐXX phúc thẩm, do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa.

HĐXX, do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa đã cố ý ra bản án trái pháp luật, thể hiện qua các tình tiết, sự kiện sau đây:

  1. Cố ý làm mất hiệu lực của quyết định giám đốc thẩm:
    Quyết định giám đốc thẩm số 49/2020/KDTM-GĐT ngày 06/11/2020 của UBTP TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh có hiệu lực cả phần nhận định và phần tuyên án. Nếu có phần nào bị sai thì các thẩm phán Nguyễn Thu Chinh, Thẩm phán Nguyễn Thị Lang, Thẩm phán Bùi Ngọc Anh và Thẩm phán Phù Quốc Tuấn, là những thẩm phán có bản án bị hủy, phải phản đối theo qui định tại Điều 18 Quyết định 120 của Chánh án TANDTC. Nhưng các thẩm phán này đã hoàn toàn không phản đối quyết định giám đốc thẩm. Nghĩa là, họ thừa nhận rằng, họ đã xử sai và Quyết định giám đốc thẩm số 49/2020/KDTM-GĐT ngày 06/11/2020 của UBTP TANDCC tại TP. Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng. Tại trang 2 biên bản tiếp công dân ngày 04-3-2021, ông Phó Chánh án Đỗ Khắc Tuấn, thay mặt Chánh án TAND Thành phố Hồ Chí Minh, đã thông báo về việc “Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn sẽ nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm và giải quyết theo đúng quy định của pháp luật“. Như vậy là, các thẩm phán có bản án bị hủy, bị sửa và lãnh đạo TAND Thành phố Hồ Chí Minh, không ai phản đối quyết định giám đốc thẩm. Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn được phân công tiến hành tố tụng, theo quyết định số 2/KDTM-PT ngày 05-01-2021 của Chánh án TAND TP.Hồ Chí Minh. Trong suốt thời gian chuẩn bị xét xử, từ ngày 05-01-2021 đến ngày 20-04-2021, Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn cũng không phản đối quyết định giám đốc thẩm. Từ khi có quyết định giám đốc thẩm cho đến hôm nay, TAND Thành phố Hồ Chí Minh, VKSND Thành phố Hồ Chí Minh và các cá nhân được giao tiến hành tố tụng vụ án này, không ai phản đối Quyết định giám đốc thẩm số 49/2020/KDTM-GĐT ngày 06/11/2020, dù chỉ là một chi tiết nhỏ. Vì thế, họ có nghĩa vụ thi hành quyết định giám đốc thẩm và ‘phải nghiêm chỉnh chấp hành’ quyết định giám đốc thẩm của TANDCC, trong đó có nội dung không hủy bản án sơ thẩm. Tại trang 10 Quyết định giám đốc thẩm số 49/2020/KDTM-GĐT đã ghi rõ “Tuy nhiên, để tránh vụ án kéo dài, nên chỉ cần hủy bản án phúc thẩm để xét xử lại phúc thẩm“. Hội đồng xét xử phúc thẩm lần thứ hai, do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về cho TAND quận 3 để xét xử lại sơ thẩm, là cố ý làm trái với quyết định giám đốc thẩm. TAND Quận 3 là cơ quan có trách nhiệm thi hành và “phải nghiêm chỉnh chấp hành’  Bản án phúc thẩm số 528/2021/KDTM-PT ngày 15/6/2021 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh, chứ họ không có nghĩa vụ thi hành và ‘phải nghiêm chỉnh chấp hành’  Quyết định giám đốc thẩm số 49/2020/KDTM-GĐT ngày 06/11/2020, Quyết định giám đốc thẩm số 49/2020/KDTM-GĐT ngày 06/11/2020 không giao cho TAND Quận 3 thi hành và chấp hành. Quyết định giám đốc thẩm số 49/2020/KDTM-GĐT ngày 06/11/2020 của UBTP TANDCC tại TP. Hồ Chí Minh đã bị mất hiệu lực pháp luật, vì đã có Bản án phúc thẩm số 528/2021/KDTM-PT thay thế.
    Trang 16 bản án phúc thẩm số 528/2021/KDTM-PT ngày 15/6/2021 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh có nhận định hợp đồng 038, hợp đồng 03 vô hiệu theo qui định tại Điều 132 BLDS 2005, như nhận định của quyết định giám đốc thẩm, nhưng không nêu các hành vi lừa dối cụ thể. Cuối cùng cũng không tuyên hợp đồng 038, hợp đồng 03 vô hiệu do lừa dối. Nếu HĐXX cấp sơ thẩm, căn cứ theo phần nhận định của Bản án phúc thẩm số 528/2021/KDTM-PT ngày 15/6/2021 để tuyên án, thì họ sẽ bị mất đi sự độc lập xét xử, được qui định tại Điều 12 BLTTDS 2015. Nếu HĐXX cấp sơ thẩm tuyên án khác với nhận định của bản án phúc thẩm, và khác với nhận định của quyết định giám đốc thẩm, thì có nghĩa là HĐXX sơ thẩm, đã sửa bản án phúc thẩm và sửa quyết định giám đốc thẩm, làm mất hiệu lực bản án phúc thẩm và quyết định giám đốc thẩm. Đây là điều hết sức vô lý, vì cấp sơ thẩm không có quyền sửa bản án phúc thẩm, không có quyền làm mất hiệu lực của bản án phúc thẩm và cũng không có quyền làm mất hiệu lực của quyết định giám đốc thẩm. Bản án phúc thẩm số 528/2021/KDTM-PT ngày 15/6/2021 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy TAND Quận 3 vào tình thế bế tắc về mặt tố tụng. Vụ án đang bị kéo dài, vì hành vi cố ý ra bản án trái pháp luật của các Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn, Thẩm phán Lê Thọ Viên và Thẩm phán Hoàng Thị Bích Thảo.
  2. Cố ý kéo dài thời gian xét xử không đúng qui định pháp luật:
    Đây là vụ án kinh doanh thương mại, rất đơn giản, đã có đủ tài liệu chứng cứ để tuyên hợp đồng vô hiệu do lừa dối theo Điều 132 BLDS 2005, như quyết định giám đốc thẩm đã nêu rõ ở phần nhận định. Thế nhưng, HĐXX phúc thẩm, do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, đã cố ý kéo dài phiên tòa từ ngày 20-04-2021 đến ngày 15-06-2021, với ba quyết định tạm ngừng phiên tòa, rất bất thường:
    a. Cố ý tạm ngừng phiên tòa ngày 22-4-2021: Phiên tòa phúc thẩm bắt đầu lúc 13 giờ 40 phút ngày 20-04-2021. Công tác tổ chức, lịch xét xử của tòa án cho thấy, hội đồng xét xử dự kiến kết thúc phiên tòa trong ngày 20-04-2021. Tại trang 18 biên bản phiên tòa ngày 20-04-2021, thể hiện, hội đồng xét xử dự kiến kết thúc phiên tòa trong ngày 20-04-2021, nhưng vì ‘do hết thời gian làm việc và xét thấy phiên tòa còn rất nhiều nội dung, không thể kết thúc trong ngày‘, nên Hội đồng xét xử tuyên bố tạm ngừng phiên tòa. Ngày hôm sau, 21-04-2021, trùng với ngày nghỉ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, nên Hội đồng xét xử quyết định tiếp tục xét xử vào lúc 13 giờ 30 ngày 22-04-2021. Diễn biến phiên tòa, quyết định tạm ngừng phiên tòa và tiếp tục phiên tòa vào 13 giờ 30 ngày 22-04-2021 là hợp lý, chưa có biểu hiện kéo dài việc xét xử. Biên bản phiên tòa trong ngày 20-4-2021 đã được lập theo đúng qui định, có chữ ký của thư ký Hồ Thị Kim Oanh và Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn, nhưng vì thư ký ghi không kịp, chưa phản ánh đầy đủ diễn biến phiên tòa, nên tôi đã căn cứ vào băng ghi âm tại phiên tòa ngày 20-4-2021, yêu cầu tòa án bổ sung 13 trang biên bản phiên tòa ngày 20-04-2021 và đã được tòa án chấp nhận.
    Phiên tòa được tiếp tục vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 22-4-2021. Chủ tọa tuyên bố phiên tòa tiếp tục ở phần đặt câu hỏi của các đương sự. Tuy nhiên, lúc này, các đương sự và luật sư còn rất ít câu hỏi, thể hiện từ trang 1 đến trang 4 biên bản phiên tòa ngày 22-04-2021. Thời gian còn lại là các câu hỏi của HĐXX, mà phần lớn là của chủ tọa phiên tòa, được phản ánh từ trang 4 đến trang 16 biên bản phiên tòa ngày 22-4-2021, do thư ký Hồ Thị Kim Oanh ghi. Tuy nhiên, 16 trang biên bản phiên tòa ngày 22-4-2021 của tòa án, chưa phản ánh đầy đủ diễn biến phiên tòa, nên tôi, căn cứ vào băng ghi âm phiên tòa ngày 22-4-2021, đã yêu cầu bổ sung 57 trang vào biên bản phiên tòa ngày 22-4-2021 của tòa án và đã được tòa án chấp nhận.
    Diễn biến phiên tòa ngày 20-4-2021 và ngày 22-4-2021, thể hiện qua các biên bản phiên tòa và băng ghi âm, cho thấy, Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn đã “nghiêm chỉnh chấp hành” quyết định giám đốc thẩm, làm rõ 6 hành vi lừa dối mà cấp giám đốc thẩm đã nhận định: Về giá bán, về khuyến mại, về thời hạn bảo hành, về click charge, về xuất xứ hàng hóa và về chất lượng máy. Các câu hỏi của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn, thể hiện qua biên bản phiên tòa và băng ghi âm, cho thấy, ông có sự hiểu biết khá sâu sắc về pháp luật và áp dụng pháp luật, đặc biệt là Điều 132 BLDS 2005 và các hình thức khuyến mại được qui định tại Điều 92 Luật Thương mại 2005. Các hành vi lừa dối, được tòa án xem xét, để áp dụng Điều 132 BLDS 2005, chỉ bao gồm các hành vi có trước khi xác lập hợp đồng 038 hoặc Hợp đồng 03, mà vì nó, Saigonbook “hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của hợp đồng“, và dẫn đến ký kết hợp đồng. Hành vi giảm giá của Sao NamKMV cũng được Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm rõ để áp dụng Điều 92 Luật Thương mại 2005. Tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng đã được cấp giám đốc thẩm xem xét và khẳng định Saigonbook khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên bố Hợp đồng kinh tế 038, Hợp đồng mua bán tài sản số 03 vô hiệu do lừa dối là hoàn toàn có căn cứ“. Như vậy, không có lý do gì để HĐXX, do thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, quyết định tạm ngừng phiên tòa để các đương sự cung cấp tài liệu chứng cứ vào lúc 17 giờ 45 phút ngày 22-04-2021. Các tài liệu do KMVSao Nam nộp trong giai đoạn này, đã bị Saigonbook bác bỏ trong phần tranh luận, vì nó không được giao nộp đúng với qui định tại Điều 96 BLTTDS 2015. Tại trang 11 Bản án phúc thẩm số 528/2021/KDTM-PT ngày 15/6/2021 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh, HĐXX cũng đã bác bỏ các tài liệu do Sao NamKMV giao nộp trong thời gian này. Điều này chứng tỏ, quyết định tạm ngừng phiên tòa số 3865/2021/QĐPT-KDTM ngày 22-4-2021 là không cần thiết, và không đúng với Quyết định giám đốc thẩm số 49/2020/KDTM-GĐT ngày 06/11/2020 của UBTP TANDCC tại TP. Hồ Chí Minh.
    b. Hiện tượng bất thường của Quyết định tạm ngừng phiên tòa ngày 06-5-2021: Sáng ngày 6-5-2021, các đương sự và luật sư có mặt đầy đủ tại phiên tòa, trừ Luật sư Châu Huy Quang. HĐXX đột ngột tuyên bố tạm ngưng phiên tòa vì Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn bị ốm đột xuất, không thể có mặt để tiếp tục phiên tòa. Đối với các vụ án khác thì Kiểm sát viên bị ốm là hiện tượng bình thường, nhưng đối với vụ án Konica Minolta thì đây là hiện tượng rất bất thường, vì nó trùng với ý đồ kéo dài vụ án, tìm cớ để hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về cho TAND Quận 3 để xét xử lại từ đầu, theo đề nghị của phía KMVSao Nam. Ý chí kéo dài vụ án, tìm cớ để hủy bản án sơ thẩm, làm mất hiệu lực của quyết định giám đốc thẩm, thể hiện tại trang 13 bài phát biểu của Kiểm sát viên Trần Tuấn Anh tại phiên tòa phúc thẩm ngày 15-6-2021: “Do cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng tố tụng nên không xem xét giải quyết về mặt nội dung“. Đây là lý do bịa đặt để kéo dài vụ án, sẽ được tôi phân tích, sau khi làm rõ các hành vi cố ý tạm ngừng phiên tòa lần thứ ba, không đúng qui định của pháp luật
    c. Quyết định tạm ngừng phiên tòa ngày 26-5-2021 là không đúng qui định tại điểm c khoản 1 Điều 259 BLTTDS 2015:
    Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 5454/2021/QĐPT-KDTM ngày 26-5-2021 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh là không đúng qui định tại điểm c khoản 1 Điều 259 BLTTDS 2015 mà quyết định này viện dẫn lý do. Điểm c khoản 1 Điều 259 BLTTDS 2015 qui định tạm ngừng phiên tòa vì lý do “Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa” chứ không phải lý doCần có thời gian kiểm tra, đánh giá tài liệu chứng cứ do bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nộp tại phiên tòa“, như quyết định tạm ngừng phiên tòa số 5454 viện dẫn. Hơn nữa, các tài liệu chứng cứ, mà bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nộp tại phiên tòa, đã bị Saigonbook bác bỏ, vì nộp không đúng qui định tại Điều 96 BLTTDS 2015, nên không có lý do gì để HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa để Kiểm sát viên kiểm tra, đánh giá tài liệu chứng cứ này. Việc Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn yêu cầu các đương sự nộp tài liệu chứng cứ cho Viện kiểm sát là nằm ngoài qui định tại Điều 96 BLTTDS 2015. Không có qui định nào, cho phép HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa để Kiểm sát viên “có thời gian kiểm tra, đánh giá tài liệu chứng cứ“. Các tài liệu chứng cứ, do Sao NamKMV nộp, đã bị HĐXX không thừa nhận là chứng cứ mà bản án phúc thẩm vẫn được ban hành. Điều này chứng tỏ, lý do tạm ngừng phiên tòa ngày 22-4-2021 để thu thập chứng cứ là lý do giả tạo nhằm kéo dài vụ án. Lý do tạm ngừng phiên tòa ngày 26-5-2021 để  “có thời gian kiểm tra, đánh giá tài liệu chứng cứ do bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nộp tại phiên tòa” cũng là lý do giả tạo và cũng không đúng với qui định tại điểm c khoản 1 Điều 259 BLTTDS 2015
    Ba lần tạm ngừng phiên tòa rất bất thường, với lý do giả tạo, không đúng qui định của pháp luật và cũng không nằm trong nội dung, yêu cầu của Quyết định giám đốc thẩm số 49/2020/KDTM-GĐT ngày 06/11/2020 của TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ba lần tạm ngừng phiên tòa bất thường, với lý do giả tạo, chứng tỏ, Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn và HĐXX do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, đã cố ý kéo dài vụ án, tìm cớ hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ về TAND Quận 3 để làm mất hiệu lực của quyết định giám đốc thẩm.
  3. Hủy bản án sơ thẩm theo đề nghị của Đại diện viện kiểm sát là sai hoàn toàn:
    Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn đã tham gia xét hỏi và yêu cầu các đương sự nộp tài liệu chứng cứ để ông nghiên cứu trước khi phát biểu. Ngày 15-6-2021, Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn đã có bài phát biểu, với độ dài 13 trang và nội dung như là bản án phúc thẩm số 528/2021/KDTM-PT của TAND Thành phố Hồ Chí Minh. Tại trang 13 bài phát biểu của Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn đã đưa ra nhận định “Do cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, nên không xem xét giải quyết về mặt nội dung”. Đây là phát biểu hồ đồ, bịa đặt vì các lý do sau đây:
    Một là, nếu “cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên không xem xét về mặt nội dung” thì Kiểm sát viên Nguyễn Thị Én phải đề xuất và HĐXX do Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh làm chủ tọa, phải hủy bản án sơ thẩm số 439/2016/KDTM-ST ngày 19-4-2016 của TAND Quận 3 từ năm 2016, chứ không đợi đến Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn phát hiện, đề xuất tại thời điểm năm 2021. Chẳng lẽ Kiểm sát viên Nguyễn Thị Én và các Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh, Thẩm phán Nguyễn Thị Lang, Thẩm phán Bùi Ngọc Anh lại kém đến mức, không phát hiện “cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” phải hủy án sơ thẩm?
    Hai là, nếu “cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên không xem xét về mặt nội dung” thì UBTP TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh phải hủy án sơ thẩm, trả về hồ sơ cho TAND Quận 3, xét xử lại từ đầu, chứ không đợi đến Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn phát hiện. Chẳng lẽ, các thẩm tra viên, Chánh án TANDCCUBTP TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh, cũng kém đến mức, không phát hiện “cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng“?
    Ba là, nếu “cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên không xem xét về mặt nội dung” thì Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn phải phát hiện trong thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án để chuẩn bị xét xử phúc thẩm, chứ không đợi đến ngày 15-6-2021, theo đề xuất của Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn mới hủy án sơ thẩm. Chẳng lẽ, Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn, đã từng kinh qua chức vụ Chánh án TAND huyện Củ Chi và hiện đang là phó Chánh tòa Kinh tế – TAND Thành phố Hồ Chí Minh, mà cũng kém đến mức, không phát hiện “cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” để hủy án sơ thẩm mà “không xem xét về mặt nội dung”?.
    Bốn là, nếu “cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên không xem xét về mặt nội dung“, thì Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn, phải phát hiện trong khoảng thời gian “chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nghiên cứu” theo Điều 292 BLTTDS 2015. Chậm nhất là đến khi mở phiên tòa ngày 20-4-2021, Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn phải có trách nhiệm đề xuất với Hội đồng xét xử “không xem xét về mặt nội dung“, chứ không thể để phiên tòa kéo dài gần hai tháng, với ba quyết định tạm ngừng phiên tòa, hồ sơ tài liệu của riêng cấp phúc thẩm lần thứ hai này, tăng lên đến 578 bút lục, từ bút lục số 723 đến bút lục số 1301.
    Năm là, HĐXX phúc thẩm, do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, trong suốt quá trình xét xử cũng không phát hiện “cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”. Chẳng lẽ, các ông bà Thẩm phán Thành phố Hồ Chí Minh này mà tệ đến mức, chờ cho Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn phát hiện, đề xuất, rồi mới “không xem xét về mặt nội dung“?
    Sáu là, nếu “cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên không xem xét về mặt nội dung”, bản án sơ thẩm bị hủy với lý do này thì Thẩm phán Phù Quốc Tuấn không thể làm Chánh án Huyện Cần Giờ như hiện nay.
    Sáu lý do trên cho thấy, phát biểu “cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”  của Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn là bịa đặt, hồ đồ.
  4. Cấp sơ thẩm đã làm đúng và đủ trước khi giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu theo Điều 137 BLDS 2005:
    Sự thật, cấp sơ thẩm không “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” như đánh giá của Kiểm sát viên của Trần Anh Tuấn. Tại trang 15 biên bản phiên tòa sơ thẩm ngày 14-4-2016, chủ tọa hỏi đại diện Sao Nam: Sao Nam có yêu cầu Tòa án giải quyết hậu quả của việc tuyên bố Hợp đồng 038, hợp đồng 03 vô hiệu không?“. Đại diện Sao Nam đã trả lời: “Đề nghị Tòa án giải quyết theo qui định của pháp luật”. Và tại trang 16 biên bản phiên tòa sơ thẩm ngày 14-4-2016, chủ tọa hỏi đại diện KMV: “KMV có yêu cầu Tòa án giải quyết hậu quả của việc tuyên bố Hợp đồng 038, hợp đồng 03 vô hiệu không?”. Đại diện KMV đã trả lời: “Đề nghị Tòa án giải quyết theo qui định của pháp luật”. Như vậy, việc giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, đã được Thẩm phán Phù Quốc Tuấn, chủ tọa phiên tòa, hỏi đại diện Sao Nam và đại diện KMV. Họ đề nghị tòa án giải quyết theo qui định của pháp luật, mà theo qui định của pháp luật là giải quyết hậu quả theo Điều 137 BLDS 2005 là “Khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận“, đã được Saigonbook tính khấu hao, trừ tiền cho Sao NamKMV tại đơn khởi kiện ngày 10-11-2015Sao Nam, KMV đã không phản đối mức khấu hao này. Trước đó, Thẩm phán Phù Quốc Tuấn đã yêu cầu Saigonbook thuê thừa phát lại lập vi bằng, ghi nhận hiện trạng máy in C1100 để trả lại cho Sao NamKMV. Trang 5 vi bằng số 89/2016/VB-TPLQGV, do Thừa Phát lại Quận Gò Vấp lập lúc 16 giờ ngày 11 tháng 01 năm 2016, ghi nhận hiện trạng máy in mua của Công ty Sao Nam: [“Total Counter” hiển thị “00225771”], trùng với số trang in được tính khấu hao theo đơn khởi kiện ngày 10-11-2015 của Saigonbook. Tại trang 3 biên bản hòa giải không thành ngày 15-01-2016, “Sao Nam không có ý kiến gì đối với việc Saigonbook lập vi bằng và nộp vi bằng cho Tòa án”. Tại trang 4 biên bản hòa giải không thành ngày 15-01-2016, “Công ty TNHH Konica Minolta Business Solution Việt Nam không có ý kiến gì đối với việc Saigonbook lập vi bằng và nộp vi bằng cho Tòa án”. Như vậy, việc trả lại máy in cho Sao NamKMV theo hiện trạng của vi bằng số 89/2016/VB-TPLQGVvi bằng số 90/2016/VB-TPLQGV, đã không bị Sao Nam hoặc KMV phản đối. Tại trang 20 bản án sơ thẩm số 439, HĐXX cấp sơ thẩm cũng đã đề cập đến việc giải quyết hậu quả pháp lý của việc tuyên hợp đồng vô hiệu: “Xét, tại phiên tòa sơ thẩm, Saigonbook tự nguyện chịu khấu hao là 19.190.535 đồng và Sao Nam, KMV không có ý kiến phản bác gì đối với mức khấu hao này. Do đó, ghi nhận sự tự nguyện của Saigonbook. Tất cả điều này cho thấy, cấp sơ thẩm đã giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu là theo yêu cầu của các đương sự, trong đó có KMVSao Nam. Cấp sơ thẩm cũng chỉ có quyền giải quyết “trong phạm vi yêu cầu” của đương sự theo qui định tại Điều 5 BLTTDS 2004.
  5. HĐXX phúc thẩm cố ý xem xét ngoài phạm vi kháng cáo của Sao NamKMV:
    Sao NamKMV chỉ kháng cáo một phần của bản án sơ thẩm. KMVSao Nam không kháng cáo phần giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu của bản án sơ thẩm. Theo Điều 293 BLTTDS 2015 thì “Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị“. HĐXX, do thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, “xem xét giải quyết lại hậu quả của hợp đồng vô hiệu” là vượt quá phạm vi xét xử phúc thẩm, được qui định tại Điều 293 BLTTDS 2015. Việc xem xét ngoài phạm vi kháng cáo của Sao NamKMV, tìm cớ để hủy bản án sơ thẩm, là hành vi cố ý HĐXX phúc thẩm, do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa phiên tòa.
  6. Buộc cấp sơ thẩm phải xem xét thẩm định tại chỗ là sai:
    – Theo Điều 5 BLTTDS 2004 thì Tòa án chỉ được xem xét trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự. Ơ cấp sơ thẩm, các đương sự không yêu cầu “Xem xét, thẩm định tại chỗ” theo Điều 89 BLTTDS 2004, không yêu cầu “Trưng cầu giám định” theo Điều 90 BLTTDS 2004 và cũng không yêu cầu “Định giá tài sản” theo Điều 92 BLTTDS 2004. Cho nên tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành “Xem xét thẩm định tại chỗ”, không tiến hành “Trưng cầu giám định” và không tiến hành “Định giá tài sản” là hoàn toàn đúng pháp luật. Nếu các đương sự có yêu cầu thì tóa án mới tạm tính chi phí để các đương sự nộp tạm ứng. Đối với vụ án Konica Minolta, KMVSao Nam đã đồng ý nhận lại máy in C1100 theo hiện trạng. Vấn đề chỉ còn là thu hồi hoặc mua lại. Vì họ cho rằng, họ bán máy cho ACBL chứ không bán cho Saigonbook nên họ chỉ mua lại. Các vấn đề khác các bên không tranh chấp, không yêu cầu tòa án xem xét. Thế nhưng, tại trang 12 bài phát biểu của Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn lại cho rằng “cấp sơ thẩm không tiến hành xem xét tại thẩm định tại chỗ và trưng cầu giám định, định giá tài sản do cơ quan có chuyên môn thực hiện, để làm căn cứ giải quyết vụ án khi tuyên bố hợp đồng vô hiệu theo qui định tại Điều 137 BLDS 2005 về hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu“; tại trang 13 bài phát biểu, Kiểm sát viên đưa ra kết luận rằng “Do cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, nên không xem xét giải quyết về mặt nội dung”. Phát biểu hồ đồ và bịa đặt của Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn đã được HĐXX, do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, lấy làm căn cứ để ra bản án trái pháp luật.Tình trạng máy, cũ hoặc mới, hư hỏng hay không, không đặt ra trong suốt vụ án này. Do hai cấp tòa án, sơ thẩm và phúc thẩm, xử sai nên vụ án kéo dài, máy bị già và hỏng hóc. Chiếc máy dừng hoạt động ở số Total = 225.771 Click Charge, đã thể hiện trong đơn khởi kiện ngày 10-11-2015 của Saigonbookvi bằng số 89/2016/VB-TPLGV ngày 10-1-2016 của Thừa phát lại Quận Gò Vấp. Phiếu công tác số 0001911 ngày 29-11-2016 của Sao Nam cũng ghi nhận máy in C1100 dừng hoạt động ở số Total = 225.771 Click Charge. Vi bằng số 2397/2017/VB-TPLQ5 lập ngày 26-4-2017 cũng ghi nhận tình trạng máy không hoạt động. Như vậy, tình trạng máy không thể hoạt động là hiện trạng từ khi tranh chấp đến nay. Máy không hoạt động, mà để lâu cũng phải bị “già” như con người. Già đi và hỏng hóc, không phải là “tình tiết phát sinh mới” như nhận định của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn tại trang 17 bản án phúc thẩm số 528. Một đứa con nít cũng phải biết, con người hoặc máy móc, để lâu cũng phải “già đi” và “hỏng hóc”, là tất nhiên, chứ không có gì là “tình tiết phát sinh mới”, như nhận định của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn tại trang 17 bản án phúc thẩm số 528.
    – Vấn đề đặt ra là, tai thời điểm năm 2021, nếu “xem xét, thẩm định tại chỗ”  là cần thiết thì cấp phúc thẩm có thể thực hiện được hay không? Cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm đều có khả năng thực hiện các yêu cầu “Xem xét, thẩm định tại chỗ”, “Trưng cầu giám định” hoặc “Định giá tài sản” với điều kiện là đương sự có yêu cầu phải nộp tiền tạm ứng theo qui định tại Điều 156 BLTTDS 2015, Điều 160 BLTTDS 2015, Điều 164 BLTTDS 2015. Tại phiên tòa phúc thẩm lần thứ hai, năm 2021, đại diện của Sao NamKMV có đưa ra các yêu cầu “Xem xét thẩm định tại chỗ”, “Trưng cầu giám định” và Định giá tài sản” nhưng các yêu cầu này là không nằm trong phạm vi đơn kháng cáo và họ cũng không nộp tiền tạm ứng chi phí theo qui định. Thế nhưng, HĐXX, do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, cũng chấp nhận yêu cầu của họ, hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về cho TAND Quận 3 xét xử lại từ đầu. Hậu quả là, từ ngày có bản án phúc thẩm số 528/2021/KDTM-PT ngày 15-6-2021 đến nay, là gần một năm, nhưng KMVSao Nam cũng không có đơn yêu cầu nào và cũng không tạm ứng chi phí. Vụ án đang ở tình trạng bế tắc về mặt tố tụng. Giả sử, sắp tới đây, Sao NamKMV cũng tiếp tục không tạm ứng chi phí thì không biết ông Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn có bỏ tiền túi ra đóng thay cho bọn này hay không? Theo bản án phúc thẩm số 528 của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn thì TAND quận 3 giải quyết vụ án này bằng cách nào cho đúng?
    – Tôi là người trong cuộc, tôi biết KMV, Sao Nam và đồng bọn chỉ sợ bản án tuyên hợp đồng vô hiệu do lừa dối chứ chúng không sợ trả lại số tiền hơn ba tỉ đồng mà chúng đã lấy của tôi. Số tiền 3,4 tỉ đồng mà chúng lấy của tôi từ năm 2014 đến nay là 8 năm. Nếu để trong ngân hàng thì bây giờ số tiền lãi kép cũng đã hơn 3 tỉ đồng. Trong khi đó, giá bán chiếc máy in C1100, nay đổi Model thành C6100, chỉ hơn một tỉ đồng. Chúng lừa lấy tiền của tôi, để lại chiếc máy in không sử dụng được. Chúng chạy án, kéo dài vụ án, rồi bây giờ đổ tội cho tôi không bảo quản chiếc máy in, làm cũ chiếc máy in của chúng, nên phải “Xem xét thẩm định tại chỗ”, định giá để trừ tiền lại cho chúng. Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn và HĐXX do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, nhân danh nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, cũng chấp nhận yêu cầu của bọn lưu manh này. Thật là không có gì đáng hổ thẹn hơn.
  7. HĐXX do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, đã cố ý không tuyên hợp đồng vô hiệu do lừa dối:
    – Tại trang 16 bản án phúc thẩm số 528, “Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định căn cứ pháp luật để giải quyết là những qui định tại các Điều 132 và 137 Bộ luật Dân sự 2005“. Tức là, HĐXX đã nhận định Hợp đồng vô hiệu do lừa dối theo qui định tại Điều 132 BLDS 2005 và giải quyết hậu quả theo qui định tại Điều 137 BLDS 2005. Cũng tại trang 16 bản án phúc thẩm số 528, HĐXX xác định Saigonboo có hai cầu: (1) Yêu cầu tuyên bố các hợp đồng 038, hợp đồng 03 và phục lục hợp đồng vô hiệu do lừa dối; (2) Giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Trong hai yêu cầu này thì yêu cầu (1) là độc lập, yêu cầu (2) là hệ quả của yêu cầu (1). Nếu có yêu cầu (1) mà không có yêu cầu (2) thì HĐXX vẫn phải xem xét yêu cầu (1). Nhưng nếu không có yêu cầu (1) hoặc HĐXX không chấp nhận yêu cầu (1) thì không xem xét yêu cầu (2). Vì thế, HĐXX phải có trách nhiệm xem xét yêu cầu (1) trước và phải có kết luận về yêu cầu (1) trước khi đề cập đến yêu cầu (2). Nếu hợp đồng không vô hiệu do lừa dối thì không cần phải xem xét hậu quả của hợp đồng vô hiệu do lừa dối. Thế nhưng, HĐXX do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, chỉ xem xét yêu cầu (2) là hệ quả của yêu cầu (1), để hủy bản án sơ thẩm, chứ không đề cập đến yêu cầu (1). Cuối cùng, bản án cũng không tuyên xử “chấp nhận hay không chấp nhận” yêu cầu (1) hoặc yêu cầu (2) của Saigonbook. Bản án phúc thẩm đã đưa ra nhận định hợp đồng vô hiệu do lừa dối theo Điều 132 BLDS 2005 nhưng tránh né phần tuyên xử Hợp đồng vô hiệu do lừa dối. Trong khi đó, hợp đồng vô hiệu do lừa dối theo qui định tại Điều 132 BLDS 2005 là độc lập, không phụ thuộc vào việc có hậu quả hay gây hậu quả, và cũng không phụ thuộc vào việc yêu cầu giải quyết hậu được qui định tại Điều 137 BLDS 2005. Pháp luật qui định không bắt buộc phải giải quyết yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu và giải quyết hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu trong cùng một vụ án. Khoản 3 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội qui định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án quy định:
    “3. Đối với tranh chấp về hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm như sau:
    a. Trường hợp một bên yêu cầu công nhận hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và một bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và đều không có yêu cầu gì khác; nếu tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì bên yêu cầu công nhận hợp đồng phải chịu án phí như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch; nếu Tòa án tuyên bố công nhận hợp đồng thì bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu phải chịu án phí như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch.
    b. Trường hợp một bên yêu cầu công nhận hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và một bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và có yêu cầu tòa án giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu thì ngoài việc chịu án phí không giá ngạch được qui định tại điểm a khoản 3 này, người phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản hoặc bồi thường thiệt hại phải chịu án phí như trường hợp vụ án dân sự có giá ngạch đối với giá trị tài sản phải thực hiện nghĩa vụ.
    Theo qui định tại khoản 3 Điều 27 Nghị quyết 326 vừa nêu trên, thì có vụ án Tòa án chỉ giải quyết yêu cầu tuyên hợp đồng vô hiệu mà không giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Quy định này của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là pháp điển hóa khoản 3 Điều 17 Nghị quyết 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của HĐTP TANDTC, nên HĐXX, do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, phải biết rất sớm các qui định này để đối chiếu với “Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự” được qui định tại Điều 5 BLTTDS 2004. HĐXX không thể viện dẫn Điều 137 BLDS 2005 là điều luật hệ quả của Hợp đồng vô hiệu, để né tránh trách nhiệm tuyên xử hợp đồng vô hiệu theo Điều 132 BLDS 2005. Việc tuyên xử hợp đồng vô hiệu mà không có phần giải quyết hậu quả cũng tương tự bản án ly hôn mà không có phần phân chia tài sản.
    Đối với yêu cầu của Saigonbook về bồi thường thiệt hại số tiền là 354.502.178 đồng thì tòa án có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận, chứ đó không thể viện dẫn lý do “tại cấp sơ thẩm chưa thu thập, điều tra, làm rõ”  như nhận định tại trang 17 bản án phúc thẩm số 528. Không có qui định nào buộc tòa án cấp sơ thẩm phải có trách nhiệm “thu thập, điều tra, làm rõ” thiệt hại của nguyên đơn để lấy đó làm lý do hủy án sơ thẩm. Nếu HĐXX phúc thẩm nhận thấy, Saigonbook không chứng minh được thiệt hại thì không chấp nhận khoản bồi thường này, còn hợp đồng vô hiệu do lừa dối thì vẫn phải tuyên.
    – Việc né tuyên hợp đồng 038, hợp đồng 03 vô hiệu do lừa dối dẫn đến hậu quả vô cùng bế tắc về mặt tố tụng. Bản án phúc thẩm số 528/2021/KDTM-PT đang có hiệu lực pháp luật cả hai phần gắn liền nhau: phần nhận định và phần tuyên án. Phần nhận định thì Hội đồng xét xử đã căn cứ giải quyết là theo Điều 132 BLDS 2005 và 137 BLDS 2005, nghĩa là cấp sơ thẩm phải căn cứ theo điều luật này để giả quyết vụ án. Thế nhưng, cấp sơ thẩm không có nghĩa vụ tuyên án theo nhận định của cấp phúc thẩm vì họ phải được độc lập xét xử theo qui định tại Điều 12 BLTTDS 2015. Nếu cấp sơ thẩm nhận định và tuyên án khác với nhận định của cấp phúc thẩm, thì họ làm mất hiệu lực của phần nhận định của bản án phúc thẩm, mà cấp sơ thẩm thì không có quyền làm mất hiệu lực bất cứ phần nào của bản án phúc thẩm. Cho nên nhận định mà không tuyên xử là đẩy cấp sơ thẩm rơi vào tình huống bế tắc về mặt tố tụng. Bản án phúc thẩm số 528/2021/KDTM-PT bị sai như thế này thì thẩm quyền sửa sai là của TANDCC hoặc TANDTC, chứ TAND Quận 3 không phải là cấp sửa sai, hoặc cấp có thể làm khác với bản án phúc thẩm.
  8. Thẩm quyền đối với đầu vào của vụ án:
    Ở vào vị thế cấp phúc thẩm, có hai loại vụ án đến từ hai nguồn. Một là, vụ án từ cấp sơ thẩm chuyển lên; hai là vụ án từ TANDCC hoặc TANDTC chuyển về, xử lại phúc thẩm. Đối với vụ án từ cấp sơ thẩm chuyển lên thì, tuy vẫn phải tuân theo pháp luật, nhưng về mặt thẩm quyền, tòa án cấp phúc thẩm có toàn quyền theo qui định tại Điều 308 BLTTDS 2015. Nhưng nếu vụ án từ TANDCC hoặc TANDTC chuyển về, xét xử lại phúc thẩm, thì thẩm quyền của hội đồng xét xử cấp phúc thẩm bị hạn chế bởi nội dung quyết định giám đốc thẩm. Nếu quyết định giám đốc thẩm để mở thì cấp phúc thẩm được quyền làm theo lối mở này. Nhưng nếu quyết định giám đốc thẩm đóng kín, như quyết định số 49/2020/KDTM-GĐT, thì cấp phúc thẩm, chỉ có thể theo đó mà làm. Vụ án Konica Minolta được khởi kiện từ năm 2015 với đầy đủ tài liệu chứng cứ. Chỉ vì tòa án cấp phúc thẩm xử sai, nên bản án phúc thẩm bị hủy. Và vì bản án sơ thẩm bị thiếu sót trong việc giải quyết hợp đồng 038, nên cấp giám đốc thẩm yêu cầu cấp phúc thẩm khắc phục. Cấp giám đốc thẩm cũng chỉ ra các tài liệu cụ thể, có trong hồ sơ vụ án, đã đủ kết luận hợp đồng vô hiệu do lừa dối thì không có lý do gì mà Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn phải tạm ngừng phiên tòa để thu thập thêm tài liệu chứng cứ, để rồi cuối cùng, không có tài liệu chứng cứ nào được dùng.
    Tại phiên tòa, tôi đã nhiều lần nhắc lại, đầu vào của hồ sơ vụ án này là từ TANDCC, với quyết định giám đốc thẩm đang có hiệu lực pháp luật. Tôi đề nghị tuân thủ chỉ dẫn từ quyết định giám đốc thẩm để tiến hành. Hai ngày đầu, 20-4-2021 và 22-4-2021, tôi thấy phiên tòa diễn ra đúng như chỉ dẫn từ cấp giám đốc thẩm. Nhưng đến cuối ngày 22-4-2021, khi nghe HĐXX công bố quyết định tạm ngừng phiên tòa, để thu thập thêm tài liệu chứng cứ, là tôi nhận ra, họ đã không tuân thủ quyết định giám đốc thẩm. Hiện nay, quyết định giám đốc thẩm mất hiệu lực pháp luật vì bản án phúc thẩm, khác với quyết định giám đốc thẩm. Đây là thủ đoạn rất tinh vi nhằm làm mất hiệu lực pháp luật của một bản án quyết định cấp cao hơn.
  9. Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn không phân biệt được xét xử lại phúc thẩm khác với xet xử phúc thẩm lần đầu:
    Những gì diễn ra cho thấy, HĐXX do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, đã không phân biệt được xét xử lại phúc thẩm khác với xét xử phúc thẩm lần đầu. Mặc dù, thời điểm xét xử lại phúc thẩm diễn ra năm 2021, nhưng về mặt nội dung vụ án, thì Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn phải trả về thời điểm xét xử phúc thẩm lần đầu, năm 2016, mà HĐXX do Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh làm chủ tọa, đã xét xử sai. Pháp luật nội dung thì vẫn áp dụng các qui định tại thời điểm các bên ký kết hợp đồng, tức là BLDS 2005, Luật thương mại 2005, Nghị định 39/2014/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan tại thời điểm mà các hành vi này diễn ra. Pháp luật hình thức thì áp dụng BLTTDS 2015. Hồ sơ vẫn như cũ. Tài liệu chứng cứ đã có trong hồ sơ, lời khai, lời trình bày và biên bản phiên tòa vẫn như cũ, không bị hủy hoặc phải làm lại chứng cứ. Quyết định giám đốc thẩm chỉ hủy bản án phúc thẩm số 1106/2016/KDTM-PT chứ không hủy hồ sơ vụ án và cũng không ghi nhận tài liệu nào là giả mạo, phải thẩm tra lại. Vì thế, tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vẫn giữ nguyên giá trị. Trang 10 Quyết định giám đốc thẩm số 49/2020/KDTM-GĐT ngày 06/11/2020, cũng nêu rõ: “Tòa án cấp phúc thẩm xét xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Saigonbook là không có căn cứ, không phản ánh đúng các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án” nên hủy bản án phúc thẩm để xét xử lại phúc thẩm. Tức là, cũng chỉ với tài liệu chứng cứ đã có trong hồ sơ, nhưng vì HĐXX, do Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh làm chủ tọa, đã xử sai. Bây giờ, HĐXX, do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, phải xử lại cho đúng. Các tài liệu nộp thêm cũng chỉ để tham khảo, không làm thay đổi bản chất của việc lừa dối hay không lừa dối theo qui định tại Điều 132 BLDS 2005. Nếu có tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án thì Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn có nghĩa vụ báo cáo với Chánh án TAND Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Chánh án TANDTC để giải quyết theo thủ tục tái thẩm. Việc đưa ra nhận định “tình tiết phát sinh mới”, tại trang 17 bản án phúc thẩm số 528, để hủy bản án sơ thẩm là do hiểu sai thời điểm xét xử. Tại thời điểm khởi kiện, chiếc máy in C1100 chưa già, chưa cũ, chưa hỏng hóc. Các bên tranh chấp theo những nội dung đã có sẵn trong hồ sơ vụ án. Bây giờ chiếc máy đã cũ, hỏng hóc là tất nhiên. Nó không phải là “tình tiết phát sinh mới” như nhận định của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn. Phải trả về thời điểm xét xử năm 2016 thì mới tránh được “tình tiết phát sinh mới” sau ngày 22-9-2016, là ngày bản án phúc thẩm số 1106/2021/KDTM-PT có hiệu lực pháp luật.
    Yêu cầu của các đương sự thì phải trả về thời điểm xét xử sơ thẩm để bảo đảm tính thời hiệu của các yêu cầu này. Ví dụ yêu cầu tuyên hợp đồng vô hiệu, yêu cầu về định giá, yêu cầu về thẩm định tại chỗ, trưng cầu giám định, đều phải là những yêu cầu từ cấp sơ thẩm và phải đóng phí. Cấp phúc thẩm là cấp xét xử lại theo qui định tại Điều 270 BLTTDS 2015, chứ không phải là cấp xét xử lần đầu. Cái gì đã chưa xét xử lần đầu thì không thể xét xử lại. Nếu Tòa án cấp sơ thẩm bỏ sót, không xem xét yêu cầu của đương sự ở cấp sơ thẩm, thì cấp phúc thẩm phải hủy bản án sơ thẩm để cấp sơ thẩm xem xét lần đầu, bảo đảm nguyên tắc xét xử hai cấp, chứ không được xem xét lại, nếu như cấp sơ thẩm chưa xem xét lần đầu. Ở cấp sơ thẩm mà đương sự không yêu cầu, thì tòa án cấp sơ thẩm không xem xét, coi như đương sự từ bỏ quyền lợi của họ. Cấp phúc thẩm không thể căn cứ vào yêu cầu phát sinh tại cấp phúc thẩm để hủy bản án sơ thẩm như Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn đã làm. Yêu cầu “xem xét thẩm định tại chỗ” chiếc máy in C1100 là yêu cầu mới của Sao NamKMV tại thời điểm năm 2021. Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào yêu cầu mới này, để hủy bản án sơ thẩm là sai hoàn toàn. Đây là lỗi tố tụng không thể chấp nhận được đối với một thẩm phán được bố trí ở cấp phúc thẩm.
    Việc tạm ngừng phiên tòa để thu thập thêm tài liệu chứng cứ, đã chứng tỏ, HĐXX, do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, đã không phân biệt được xét xử lại phúc thẩm khác với xét xử lần đầu. Sao NamKMV đem nộp cho Tòa và viện kiểm sát những tài liệu mới, như Hợp đồng mua bán số 01/HĐMB/7/2017, Hợp đồng Mua bán số T12/2017/HVQY-SN, ký với ông Thiếu tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y, để chứng minh rằng, họ không lừa dối. HĐXX, do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, đã Quyết định tạm ngừng phiên tòa ngày 26-5-2021 để Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn và các thẩm phán có thời gian nghiên cứu các tài liệu mới này.Tôi không hiểu các hợp đồng của họ diễn ra năm 2017, thì chứng minh được gì cho những hành vi của họ đã diễn ra từ năm 2014, trước khi xác lập hợp đồng 038 và hợp đồng 03. Và giả sử, bọn KMV hoặc Sao Nam không lừa ông Thiếu tướng Đỗ Quyết – Giám đốc Học viện Quân y, thì đâu có gì bảo đảm rằng, bọn chúng cũng không lừa tôi. Thu thập những tài liệu chứng cứ mới như thế, mà cũng tạm ngừng phiên tòa đến hơn nửa tháng, để nghiên cứu, thì tôi không thể hiểu nổi các ông bà Thẩm phán và Kiểm sát viên này nghiên cứu để làm gì.
    Có thể, HĐXX do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, đã không phân biệt được xét xử phúc thẩm lần đầu, khác với xét xử lại phúc thẩm. Nhưng có thể, HĐXX do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, đã cố ý lờ đi hiệu lực của Quyết định giám đốc thẩm số 49/2020/KDTM-GĐT, tổ chức xét xử như là phúc thẩm lần đầu, tìm “tình tiết phát sinh mới“, nhằm hủy bản án sơ thẩm, làm mất hiệu lực quyết định giám đốc thẩm.
  10. Ngày 23/05/2023, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 11/2023/KDTM-GĐT hủy bản án phúc thẩm số 528/2021/KDTM-PT của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa. Đây là căn cứ quan trọng nhất, đủ để khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn, Thẩm phán Hoàng Thị Bích Thảo và Thẩm phán Lê Thọ Viên về tội “ra bản án trái pháp luật” theo Điều 370 BLHS 2015.

    10  nội dung nêu trên là căn cứ chứng minh
    HĐXX, do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, đã cố ý ra bản án trái pháp luật”./.
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar