Trong tiến trình chinh phạt châu Âu, Napoléon Bonaparte luôn điều khiến con người theo hai tiêu chí: mối lợi hoặc sự sợ hãi. Đối với mối lợi thì người ta có thể chần chừ, tính toán thiệt hơn nhưng khi đối diện với sự sợ hãi thì người ta tuân thủ ngay tắp lự, răm rắp. Nếu áp được cả hai tiêu chí – vừa lợi vừa sợ, thì việc điều khiến con người trở nên dễ dàng và lâu bền hơn. Napoléon đã thu về những món tiền khổng lồ từ các quốc gia bị chinh phạt. Ông dùng phần lớn số tiền này để trang trải chi phí chiến tranh, trong đó, trọng thưởng rất hậu cho những ai góp công vào các cuộc chinh phạt này. Bằng mối lợi hoặc sự sợ hãi, hoặc cả hai, Napoléon đã thành công trong việc điều khiển kẻ thù và cả bầy tôi.
Trên đất nước Việt Nam cũng đã và đang diễn ra cách điều khiến con người theo hai tiêu chí tương tự như Napoléon. Ông Nguyễn Bá Thanh cũng là người thành thục điều khiến cấp dưới và cả cấp trên theo hai tiêu chí này. Bằng nhiều cách, ông rộng rãi với cấp trên và ban phát cho cấp dưới, tạo cho họ đạt được những lợi ích hết sức quyến rũ. Đồng thời, ông Nguyễn Bá Thanh cũng đặt họ vào tình cảnh nguy hiểm, phải sợ hãi nếu như không có sự che chở của ông. Do vậy, họ ủng hộ ông Nguyễn Bá Thanh lên làm Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương và vận động bầu ông Thanh vào Bộ Chính trị chính là để bảo vệ họ khỏi vòng lao lý. Ông Nguyễn Bá Thanh được điều làm Trưởng Ban Nội Chính Trung ương đã làm yên lòng các đồng sự đang còn nắm quyền ở Đà Nẵng. Ông Thanh càng lên cao thì họ càng an toàn, không phải sợ ai. Chiều ngày 17/01/2013, Thanh tra Chính phủ đã công khai Thông báo số 160/TB-TTCP kết luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật. Lập tức, bộ máy chính quyền Đà Nẵng, dưới cái bóng của ông Nguyễn Bá Thanh, đã chuyển động. Ngày 19/01/2013, tức chỉ hai ngày sau khi có kết luận thanh tra, ông Văn Hữu Chiến – chủ tịch Đà Nẵng, đã ký thông báo số 12/TB-UBND, mạnh mẽ phản bác kết luận thanh tra. Nhưng khi không còn cây cao bóng cả của ông Nguyễn Bá Thanh che chắn, ông Văn Hữu Chiến, Trần Văn Minh và các đồng sự bị kính chiếu yêu soi trực diện từ Ba Đình, phải chịu lặng lẽ dắt díu nhau vào tù.
Trên bình diện quốc gia, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng điều khiến con người theo hai tiêu chí tương tự như ông Nguyễn Bá Thanh. Ông ban phát cho nhiều người và cũng đặt họ vào vị thế sợ hãi. Tại hội nghị TW6 khóa 11, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải lau nước mắt vì không kỷ luật được ông Nguyễn Tấn Dũng. Điều này cho thấy, đàn em của ông Dũng còn rất mạnh. Họ bảo vệ ông Dũng chính là bảo vệ họ khỏi sự sợ hãi. Nếu ông Nguyễn Tấn Dũng còn làm thủ tướng hoặc lên làm Tổng bí thư thì khó có ai dám đụng đến cái lông chân của các ông Nguyễn Bắc Son, Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng.
Ông Lê Thanh Hải cũng điều khiến con người theo hai tiêu chí trên. Trước khi nghỉ hưu, anh Hai Nhựt(*) cũng đã cố gắng sắp xếp cho đàn em kế tục sự nghiệp cát cứ của anh tại Tổng trấn Sài Gòn – Gia Định này, nhưng có lẽ bất thành. Ông Lê Tấn Hùng, em ruột của anh Hai Nhựt đã bị bắt. Một số đồng sự và đàn em thân tín của anh Hai Nhựt cũng đã bị khởi tố, bị bắt hoặc đang rơi vào vòng sợ hãi.
Quản lý và điều khiển con người theo mối lợi và sự sợ hãi đã được Napoleon nghiên cứu và lạnh lùng áp dụng hiệu quả trong cuộc chiến cướp bóc Ai Cập và châu Âu. Nhưng cuối cùng Napoleon cũng đã thất bại, bị lưu đày tới đảo Saint Helena, Đại Tây Dương.
Lê Văn Viễn, tức Bảy Viễn, Tư Lệnh Bình Xuyên cũng sử dụng mồi nhử và sự sợ hãi để điều hành đàn em, dùng vũ khí để làm mưa làm gió một thời. Nhưng cuối cùng, Bảy Viễn cũng phải chịu thất bại trước sức mạnh của bộ máy được tổ chức theo hiến pháp của nền đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa, dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Giang hồ múa gươm, khua súng đã thất bại trước kẻ sĩ múa bút – soạn hiến pháp. Gần đây nhất, Năm Cam cũng dùng mối lợi và sự sợ hãi để chế ngự đám giang hồ và một số cán bộ. Tuy có thành công trong thời gian khá dài nhưng rốt cuộc đã thất bại vì chúng tư duy theo kiểu anh chị, chia chát của cướp bóc.
Làm chính trị mà như làm anh chị. Không thể quản lý và điều hành một thành phố, một quốc gia theo lối anh chị – dùng mối lợi và sự sợ hãi làm vũ khí để sai khiến con người. Thực tiễn cho thấy, lề lối anh chị đã thất bại, gây nguy hiểm cho cả những người sử dụng nó. Điều hành quốc gia phải theo hiến pháp, pháp luật. Phải hoàn chỉnh pháp luật và phải làm theo luật chứ không nên làm theo một anh chị nào. Có như thế mới tránh được tình cảnh: Đàn anh chết – đàn em băng hà; đàn anh rớt ghế – đàn em vô tù.
Bình luận