Sáng nay, lúc 10 giờ ngày 7/7/2021, tôi cùng Luật sư Phùng Thanh Sơn đến TAND Thành phố Hồ Chí Minh, gặp cô Thư ký Hồ Thị Kim Oanh để làm thủ tục bổ sung, chỉnh sửa biên bản phiên tòa.
Tôi đã giao nộp 113 trang bổ sung biên bản phiên tòa vào các ngày 20/4/2021, ngày 22/4/2021 và ngày 26/4/2021 do tôi xuất nguyên băng ghi âm tại phiên tòa cho cô Thư ký Hồ Thị Kim Oanh để lưu vào hồ sơ vụ án.
Tôi đã được cô Hồ Thị Kim Oanh cung cấp bản phô tô biên bản phiên tòa. Nhưng tôi muốn xem lại bản chính và chụp tài liệu này, đồng thời đòi cô Hồ Thị Kim Oanh cho đánh dấu, ghi ý kiến bổ sung của tôi vào biên bản phiên tòa để tôi ký xác nhận theo đúng qui định tại điều 236.4 BLTTDS 2015, nhưng cô Thư ký Kim Oanh không thực hiện. Cô trả lời rằng do hồ sơ đã đóng nên cô không thể ghi bổ sung.
Trước khi đến gặp cô Thư ký Hồ Thị Kim Oanh, tôi đã gọi điện nói trước là tôi cần ghi ý kiến bổ sung vào biên bản phiên tòa và ký xác nhận. Tôi đề nghị cô, khi gặp tôi thì nhớ mang theo bản chính biên bản phiên tòa để đánh dấu vào bên lề, chỗ tôi cần bổ sung, để người xem sau biết chỗ đó là có bổ sung. Tôi cũng e ngại là có thể các thư ký sẽ bỏ các trang bổ sung của tôi ra ngoài hồ sơ vụ án nên tôi cẩn thận đòi ghi chú trong bản chính biên bản phiên tòa. Cô Kim Oanh nói rằng “anh cứ đến, em sẽ hỏi Thẩm phán”. Nhưng khi gặp cô Hồ Thị Kim Oanh thì tôi không thấy cô cầm theo bản chính biên bản phiên tòa nên tôi nghĩ rằng Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn đã không đồng ý cho tôi ghi vào biên bản ý kiến bổ sung của tôi.
Biên bản phiên tòa là tài liệu chứng cứ rất quan trọng, có thể nói là quan trọng nhất, được tòa án thu thập tại phiên tòa. Nó phản ánh không chỉ chứng cứ, tranh luận mà còn phản ánh sắc thái, biểu cảm của các đương sự khi trả lời các câu hỏi. Qua các câu trả lời với những biểu cảm, ngập ngừng hay gãy gọn, hội đồng xét xử có thể nhận ra sự thành thật hay gian dối của đương sự. Niềm tin nội tâm của Thẩm phán góp phần rất quan trọng khi biểu quyết bản án. Vì thế, bản án bao giờ cũng phải được quyết định căn cứ vào xét hỏi tại phiên tòa. Qui định tại điều 12.2: “Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, việc giải quyết việc dân sự của Thẩm phán dưới bất kỳ hình thức nào” là để bảo đảm cho việc chỉ tuân theo pháp luật dựa trên cơ sở xét hỏi tại phiên tòa.
Biên bản phiên tòa cũng là cơ sở rất quan trọng cho các bước tố tụng tiếp theo. Cho nên, tôi phải đòi bổ sung đúng biên bản phiên tòa. Và tôi đã bổ sung được đúng như diễn biến phiên tòa.
Có một điều khá thú vị là khi tôi đòi chụp bản chính biên bản phiên tòa thì cô thư ký Hồ Thị Kim Oanh nói rằng, thôi, em gửi về sơ thẩm, anh xuống đó chụp cũng không muộn. Tôi nói rằng, không về sơ thẩm đâu. Anh đã có đơn đề nghị giám đốc thẩm. Cô ngớ người, ngạc nhiên một lúc, rồi nói rằng: “em chuyển về sơ thẩm”. Tôi nói rằng em chuyển đi đâu là quyền của em nhưng anh thì khiếu nại giám đốc thẩm.
Thực ra, ngày 1/7/2021, tôi đã gửi đơn đề nghị, mà thực chất là yêu cầu chứ không phải đề nghị, giám đốc thẩm. Bởi vì, bản án phúc thẩm của hội đồng xét xử, do thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, đã sai với lỗi cố ý. Bản án phúc thẩm sai thì cấp giám đốc thẩm phải xem xét chứ trả về cấp sơ thẩm thì không ai có quyền xem xét sự sai trái này. Với nhận định “cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng tố tụng” một cách hồ đồ như thế, có thể ảnh hưởng đến danh dự, uy tín chuyên môn của hội đồng xét xử sơ thẩm do Thẩm phán Phù Quốc Tuấn làm chủ tọa. Từ ngày xét xử sơ thẩm ngày 19/4/2016 đến nay, Thẩm phán Phù Quốc Tuấn đã thăng tiến một bước dài. Từ một thẩm phán sơ cấp, ông đã được bổ nhiệm Phó Chánh án TAND Quận 3. Ngày 5/3/2021, Thẩm phán Phù Quốc Tuấn được Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình bổ nhiệm làm Chánh án TAND huyện Cần Giờ. Nhân dân huyện Cần Giờ không thể dễ dàng để một thẩm phán xử sai bản án với “vi phạm tố tụng nghiêm trọng” lại có thể điều hành cả bộ máy cầm cân công lý của huyện Cần Giờ. Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng không chịu như vậy. Cho nên, chuyện bản án sơ thẩm của Thẩm phán Phù Quốc Tuấn bị hủy là đúng hay sai thì cũng cần phải làm cho rõ.
Tôi đã gửi một lá đơn đến Chánh án Tối cao Nguyễn Hòa Bình, một đơn và thư riêng đến cho ông Nguyễn Xuân Kỳ – Thư ký của Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhờ ông trình lại cho ông Nguyễn Hòa Bình. Tôi cũng gửi đơn đến ông Trần Văn Châu – Chánh án TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm số 528/2021/KDTM-PT ngày 15/6/2021 của TAND TP.HCM vì bản án này đã sai. Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn đã né tránh trách nhiệm, không tuyên hợp đồng vô hiệu do lừa dối mà lẽ ra ông phải tuyên như thế. Hội đồng xét xử do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa đã cố ý ra bản án trái pháp luật. Đơn của tôi gửi theo đường bưu điện, phát chuyển nhanh, có hồi báo xác nhận là họ đã nhận được đơn của tôi. Cuộc chiến đấu đang hồi tiếp diễn dần dần lên cấp cao hơn. “Dừng Doanh nghiệp – Đòi Công Lý”-Tôi đi tới, giữa ban ngày, “bắp chân đầu gối vẫn săn gân”, tiếp diễn sôi động./.
Bình luận