Tôi nghĩ, không ai lại dại dột đến mức, bán cho người ta 2 cái máy, lấy về một cái, để lại một cái, chịu trận. Thà không lấy, là không lấy cái nào hết. Lấy về một cái là đã thừa nhận lỗi lừa dối khách hàng. Để lại một cái, mà cái máy C1100 này, lại có đối chứng, bằng chứng còn rõ hơn cái máy C1070P kia. Hơn nữa, máy cũng không thể hoạt động được, vì không có hợp đồng dịch vụ click charge. Nghĩa là, do hợp đồng không đồng bộ phần thương mại với phần dịch vụ – một đặc trưng bắt buộc của dòng máy in kỹ thuật số này. Tôi cũng không hiểu tại sao, được cả hai công ty luật danh tiếng tư vấn, đại diện cho họ mà để họ rơi vào tình huống trớ trêu này. Tôi cũng là một luật sư, thiệt tình tôi không hiểu nổi.
Giữa lòng thành phố văn minh, đông người, mà lấy của tôi đến 3,4 tỉ, để lại chiếc máy không thể hoạt động được, rồi đi, mà ngủ ngon được thì tôi cho rằng, bọn này uống mật gấu, quá dữ ! Tôi không tin. Vì thế, tôi vẫn đợi, nhất là khi được ông Phan Quang Phú động viên, báo tin: “Vụ việc đã vượt quá thẩm quyền của Konica Minolta Việt Nam và Konica Minolta Singapore, phải đợi tập đoàn giải quyết”.
Tôi vẫn phải đi về phía trước. Vừa đi vừa đợi. Tôi phải lo việc làm cho nhân viên và chịu trách nhiệm về đời sống cho nhiều người. Tôi mua chiếc máy in 7110X của hãng Ricoh để thay cho chiếc máy C1100 đang trùm mền. Tôi cũng mua sắm nhiều máy móc thiết bị khác để đồng bộ giữa in nhanh, in offset và thành phẩm. Tôi tiến hành tin học hóa toàn bộ doanh nghiệp in, kết nối nhà in offset ở Quận Bình Thạnh với Printing Shop ở quận 3. Nghĩa là, tôi vẫn tiếp tục như dòng nước len lỏi, vượt qua mọi thác ghềnh, lao hết mình vào biển cả.
Nhưng cái máy trùm mền nằm đó, như ma quái, nó cứ ám ảnh tôi. Đi đâu tôi cũng nghĩ về nó. Nó theo tôi vào cả bữa ăn, vào từng giấc ngủ, vào từng cuộc trò chuyện và cả những lúc ái tình. Khi thì gặp người này, khi gặp người khác để hỏi han tìm hiểu. Không biết chuyện gì đã xảy ra với hiện tượng quái dị như thế này? Thậm chí, tôi mua máy in của hãng Ricoh, có một phần mục đích là để tìm hiểu, so sánh với máy in C1100 của Konica Minolta.
Mỗi ngày một ít, tôi nhận ra vấn đề. Nhờ dấn thân vào cuộc tranh đấu này, tôi mới hiểu ra những vấn đề như vậy. Một hiện tượng rất lạ là tôi đã vạch mặt chỉ tên họ gian dối như thế mà họ vẫn im lặng, chấp nhận chịu trận. Tôi có gọi điện cho anh Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra Sở TT&TT TPHCM, hỏi xem có ai khiếu nại tôi về các video và bài viết trên facebook không, thì tôi nhận được trả lời là không. Thậm chí, kỳ 13, tôi đã viết những dòng về Luật sư Lê Nết, cũng không kém phần nặng nề, nhưng tôi tin là Luật sư Lê Nết cũng sẽ rất khó phản bác các cáo buộc của tôi.
Tôi tin là họ biết, họ đã sai, đã gây đau khổ cho tôi, nên họ không thể làm gì hơn là im lặng chịu trận. Nhưng mà họ sai cái gì, ai sai? Cái gì là của Konica Minolta, cái gì là của Sao Nam, cái gì là của người Nhật, cái gì là của người Việt Nam, cũng phải hết sức rõ ràng để mà còn rút kinh nghiệm về sau. Tôi đã nhận ra là, Konica Minolta không thể thu hồi máy mà không có lý do như người Việt Nam vẫn thường làm. Họ phải chờ bản án có hiệu lực của tòa án, rồi mới thi hành, để khỏi phải chịu trách nhiệm.
Tôi đã ngộ ra những vấn đề, mà nếu không ở trong cuộc, không dấn thân, thì không thể nào biết được và cũng không giải thích được các hiện tượng mà tôi đã trình bày trong các phần trước. Tadasu Ichino có trách nhiệm trong vụ bán máy in này. Nhưng phải nói rằng, mấy ông người Việt Nam của mình, làm thuê cho KMV, có những thủ đoạn kiếm ăn hết sức ba trợn. Bí ẩn là, sóng ở đáy sông.
Bình luận