Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

17. Hiến Tặng Máy Cho Bộ Chính Trị.

Ngày 29/06/2020, tôi đã gửi đơn cho Chánh án Nguyễn Hòa Bình, hiến chiếc máy in C1100 cho ngành tòa án. Trong đơn, tôi cũng nói rõ là sau 30 ngày, kể từ ngày gửi đơn, nếu chúng tôi không nhận được phản hồi thì chúng tôi sẽ hiến chiếc máy in này cho Bộ Chính trị để dùng vào việc in tài liệu phục vụ đại hội đảng toàn quốc sắp tới. Nhưng vì ngày 29/07/2020, tôi bị kẹt Covid-19 ở Đà Nẵng, mất 46 ngày, chưa kịp làm đơn hiến tặng Bộ Chính trị như đã hứa. Khi về tới Sài Gòn thì đã có kháng nghị giám đốc thẩm nên tôi phải giữ lại chiếc máy in này để chờ trả lại cho Konica Minolta.
Tôi hiến máy cho ngành tòa án, và dự định sau đó, nếu ngành tòa án không nhận, thì tôi sẽ hiến cho Bộ Chính trị là có những lý do xác đáng, chứ không chơi chiêu gì cả.
Giữa lòng thành phố văn minh, đông người, có pháp luật bảo vệ mà bọn lưu manh này dám lấy của tôi 3,4 tỉ đồng, để lại một chiếc máy trùm mền như thế này thì rõ là, chúng đã uống mật gấu nên quá dữ!. Nhưng dữ hơn chúng là các thẩm phán, trong nhiệm kỳ của Chánh án Nguyễn Hòa Bình, đã phán quyết phúc thẩm rằng bọn lưu manh này đã làm đúng.
Kỳ lạ hơn là, sau khi có án phúc thẩm, suốt 4 năm qua, tôi liên tục gửi rất nhiều đơn đề nghị giám đốc thẩm nhưng không nhận được trả lời. Ngày 1/3/2019, tôi bắt đầu phát video “Hồi zero: Dừng Doanh Nghiệp – Đòi Công Lý”. Tiếp theo, tôi viết cả một website để làm sáng tỏ những bí ẩn của vụ án này nhưng cả hệ thống chính trị này vẫn im lặng.
Theo qui định tại điều 15.1b, quyết định 625/QĐ-CA ngày 06/09/2016 của Chánh án TANDTC thì thời hạn giải quyết văn bản đề nghị giám đốc thẩm, trong trường hợp “Vụ việc khiếu nại bức xúc, kéo dài hoặc có ý kiến của nhiều phương tiện thông tin đại chúng”, là 3 tháng, trường hợp đặc biệt không quá 6 tháng. Nhưng, họ đã để vụ án này kéo dài quá thời hạn 3 năm đã được qui định tại điều 334/1 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự mà không trả lời tôi về việc kháng nghị hay không kháng nghị.
Là một luật sư, tôi không thể nhảy lầu để cầu kháng nghị như trường hợp của ông Lương Hữu Phước ở tỉnh Bình Phước. Tôi phải làm theo cách của tôi và tôi phải tận lực để tri thiên mệnh. Hiến tặng chiếc máy in C1100 này cho ngành tòa án hoặc Bộ Chính trị để in tài liệu phục vụ đại hội đảng thì chỉ là một cách tiết kiệm pháp luật, tiết kiệm của cải theo thiển ý của tôi.
Chiếc máy in kỹ thuật số hiện đại nhất Đông Nam Á này có giá đến 3,873 tỉ đồng, tương đương với 180 ngàn đô la Mỹ, nhưng “không thể hoạt động được, vì không có mật khẩu mở máy, không có mực, vật tư, phụ tùng thay thế và không có dịch vụ kỹ thuật”. Tôi rất là xót của nhưng bán hoặc cho ai cũng không thể sử dụng được. Chỉ có hiến cho Bộ Chính trị thì may ra mới có thể sử dụng được. Bộ Chính trị nắm các cơ quan điều tra, an ninh, tình báo, với những con người siêu đẳng, thì biết đâu, họ sẽ đoán được mật khẩu mở máy hoặc buộc được Konica Minolta đưa máy vào sử dụng.
Trên bình diện quốc gia thì hiến máy in cho Bộ Chính trị ĐCSVN để đưa vào sử dụng cũng là cách chống lãng phí tài sản. Làm được như thế cũng là đền ơn đáp nghĩa cho những người đã chở che đùm bọc tôi, đưa tôi ra miền Bắc học tập trong những ngày khốn khó nhất của cuộc chiến tranh. Bộ Chính trị, với bộ máy giúp việc có sức mạnh vô biên, mà không mở được mật khẩu – không sử dụng được máy này, thì câu chuyện về cái máy này, với các bản án đã tuyên, mới trở thành vấn đề kinh tế chính trị của đất nước này.
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar