Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

2. Bàn Tay Vô Hình

Có lẽ chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi tác phẩm vĩ đại “Bàn về bản chất và nguồn gốc của cải của các dân tộc” của Adam Smith ra đời năm 1776, đúng vào năm mà các nhà cách mạng Hoa Kỳ ký vào bản tuyên ngôn độc lập. Cả hai văn bản này đều chia sẻ cùng một quan điểm rất thịnh hành thời bấy giờ, đó là, thông thường sẽ tốt hơn nếu để mặc cho các cá nhân tự xoay xở mà không cần đến bàn tay cứng rắn của chính phủ chỉ đạo cho hành động của họ. Triết lý chính trị này là cơ sở cho nền kinh tế thị trường và rộng hơn là cho một xã hội tự do.

Tại sao nền kinh tế thị trường lại vận hành tốt như vậy? Phải chăng là vì con người chắc chắn sẽ đối xử với nhau bằng tình yêu và sự rộng lượng? Hoàn toàn không phải như vậy. Những dòng dưới đây là lời của Adam Smith bàn về cách thức con người tác động qua lại trong nền kinh tế thị trường:

“Con người hầu như thường xuyên cần tới sự giúp đỡ của anh em và bạn bè, và sẽ phí công nếu như anh ta trông chờ vào sự rộng lượng của họ. Có lẽ anh ta sẽ giành được nhiều lợi ích cho mình hơn khi anh ta quan tâm đến sự ưu ái của mỗi cá nhân đối với chính bản thân họ và làm cho họ tin rằng việc họ làm theo yêu cầu của anh ta sẽ có lợi cho chính bản thân họ… Hãy cho tôi những thứ mà tôi cần, anh cũng sẽ có những thứ mà anh cần là ý nghĩa của mọi lời chào mời và theo cách này, chúng ta nhận được từ một người khác lượng hàng hóa nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của chúng ta.

Không phải nhờ lòng nhân từ của người bán thịt, chủ cửa hàng rượu hay người bán bánh mì mà chúng ta có được bữa tối mà chính là vì họ quan tâm đến lợi ích của riêng họ … Chúng ta khiến họ quan tâm đến chúng ta không phải bằng cách khơi gợi lòng nhân từ ở họ, mà khơi gợi ở họ lòng thương yêu chính bản thân họ. Và đừng bao giờ nói về nhu cầu bức thiết của chúng ta mà hãy nói về lợi ích của chính họ. Trừ người ăn xin, không ai chọn cách sống dựa dẫm vào lòng nhân từ của người khác.

Mỗi cá nhân thường không có ý định phục vụ lợi ích cộng đồng, và cũng không biết mình cống hiến cho cộng đồng bao nhiêu. Anh ta chỉ muốn hoạt động mang lại lợi ích cho bản thân mình, và trong khi làm như vậy, cũng như trong nhiều trường hợp khác, anh ta được dẫn dắt bằng một bàn tay vô hình hướng tới một kết cục nằm ngoài dự định của anh ta. Song cho dù điều đó nằm ngoài dự định của anh ta, không phải lúc nào điều đó cũng mang lại mất mát đối với xã hội. Khi theo đuổi lợi ích riêng của mình, anh ta thường mang lại lợi ích xã hội một cách hiệu quả hơn so với khi anh ta thật sự muốn làm như vậy”.

Khi viết những câu trên đây, Smith muốn nhấn mạnh rằng những người tham gia vào nền kinh tế thị trường bị thúc đẩy bởi lợi ích riêng và “rằng bàn tay vô hình” của thị trường hướng lợi ích này vào việc phụng sự cho phúc lợi kinh tế chung.

Nhiều nhận thức của Smith vẫn đóng vai trò trung tâm của kinh tế học hiện đại. Phân tích trong các phần tiếp theo sẽ cho phép chúng ta diễn giải những kết luận của Smith một cách chính xác hơn. Và chúng ta cũng sẽ hiểu rõ hơn những điểm mạnh và điểm yếu của bàn tay vô hình của thị trường.

Nguồn: Kinh Tế Học Vĩ Mô của ManKiw (Trang 14)

Lời bàn của Năm lúa: “Triết lý chính trị này là cơ sở cho nền kinh tế thị trường và rộng lớn hơn là cho một xã hội tự do”. Ngay từ đầu bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Việt Nam đã trích dẫn ngay triết lý tự do của tuyên ngôn độc lập của Mỹ. Rất tiếc, nền kinh tế thị trường tự do đã bị lờ đi, mà theo tôi, có lẽ phần nhiều là do không thấu hiểu TOÀN BỘ TRIẾT LÝ này. Phải mất hơn nửa thế kỷ, Việt Nam mới chuyển sang nền kinh tế thị trường. Bàn tay vô hình của thị trường đã giúp chúng ta giải quyết những vấn đề mà trước đó, không một nhà kế hoạch nào làm nổi. Từ chỗ “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” với các kế hoạch 5 năm, chúng ta đã bẻ lái sang kinh tế thị trường để mỗi người tự tiến đi đâu tùy ý. Hú vía. Các bố mà cứ tiếp tục FM “tiến lên trên con đường tiến xuống” chừng mươi năm nữa thì dân này “làm ăn không nổi để cu ra ngoài”. Thành Cu Ba luôn. Quả là “Nhiệt tình + dốt nát = phá hoại”. Phá hoại khủng khiếp và thiệt hại rất dài dẳng.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar