Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

20. Giá – Vấn Đề Nhạy Cảm.

Giá luôn là vấn đề thời sự nhạy cảm đối với mỗi người. Một người nội trợ đi chợ, mua một món hàng, bị hớ giá, cao hơn người khác chừng vài chục ngàn đồng là đã nhảy dựng lên rồi. Huống gì, tôi bị mắc lừa từ A đến Z, phải mua 2 chiếc máy, giá cao hơn người khác đến 2,66 tỉ đồng. Tôi không nhảy dựng như các bà nội trợ, nhưng trong lòng tôi thì đầy dông bão suốt hơn 5 năm qua.
Ra tòa, Sao NamKMV nói bừa rằng “việc thỏa thuận giá mua bán máy C1100 là tự nguyện”. Tôi không phải là đối tượng được chung chi đút lót để mà tự nguyện mua máy với giá đó. Mà nếu đã tự nguyện mua như thế thì tôi phải tránh ồn ào. Tôi đã lôi họ ra tòa, theo họ suốt 5 năm qua, chứng tỏ là tôi đã không được tự nguyện.
Tự nguyện là một trong số các điều kiện bắt buộc để giao dịch dân sự có hiệu lực pháp luật, đã được qui định tại điều 117.b Bộ Luật Dân Sự (BLDS). Để một người được hoàn toàn tự nguyện thì người đó phải được thỏa đủ các điều kiện được qui định tại các điều 125, 126, 127, 128 BLDS. Nghĩa là, người đó phải có đủ năng lực hành vi dân sự; không bị nhầm lẫn; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép. Trong vụ mua bán máy in này, các vấn đề về năng lực hành vi dân sự, bị đe dọa hoặc bị cưỡng ép đã được loại trừ. Vấn đề chỉ còn là nhầm lẫn hay lừa dối, như kháng nghị giám đốc thẩm đã chỉ ra.
Đối với giá mà lệch nhau đến 2,1 tỉ đồng thì không thể là sự nhầm lẫn của bất cứ bên nào. Là một một chủ doanh nghiệp, tư duy thường trực của tôi là mua với giá thấp nhất, có thể, để tìm kiếm lợi nhuận. Sao NamKMV cũng biết tôi mua máy để kinh doanh, đặc biệt là để kinh doanh theo mô hình Printing Shop. Tức là, giá mua bán phải rẻ hơn giá thị trường thì mới đủ bù vào tiền mặt bằng đắc địa tại 474-476 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, TP.HCM. Họ biết mục đích giao kết hợp đồng với tôi nên họ đã ghi rõ trong bảng chào giá số 128/CVT/14 ngày 14/10/2014 là “Giảm giá đặc biệt 20%=774.798.037 đồng”. Vì nhận được báo giá có lợi thế kinh doanh, so với các đối thủ cạnh tranh cùng ngành nghề, đến 20% nên tôi đã nhanh chóng ký hợp đồng mua máy C1100. Không chỉ là chiếc máy mà là công cuộc hợp tác làm ăn lâu dài với Konica Minolta đã mở ra trước mắt. Tôi mừng đến mức, sau khi đặt cọc mua máy C1100, tôi cho nhân viên tập luyện để tham gia hầu hết các môn của hội thao ngành in – xuất bản và phát hành sách năm 2014. Kết thúc hội thao, tôi tổ chức một bữa tiệc liên hoan để chia tay với anh em ngành sách để chuyên nghiệp với nghề in. Trong buổi tiệc này, tôi mời cả người của Công ty Sao Nam tham dự.
Nhưng tôi đã bị lừa, mà lừa về giá. Giá là vấn đề nhạy cảm, sống còn đối với bất cứ người kinh doanh nào. Một chiếc xe ô tô, nếu bán cho người tiêu dùng, có thể giá cao hơn người khác gấp đôi. Người tiêu dùng vẫn đạt được mục đích giao kết hợp đồng là dùng xe để đi lại, phục vụ cho mục đích cá nhân. Và họ cũng chỉ mua 1 chiếc để dùng. Mất mát một lần, tuy đau, nhưng không thường trực. Nhưng nếu cũng chiếc xe ấy, bán giá như thế cho người kinh doanh taxi thì là úp nồi nhà người ta. Trả vốn trả lãi vay sao nổi? Gặp phải người vay mượn để khởi nghiệp thì đây thực sự là một tội ác.
Mục đích của giao kết hợp đồng là tiêu chí quan trọng nhất của bất cứ hợp đồng nào. Không đạt được mục đích của giao kết hợp đồng là căn cứ cho phép hủy hợp đồng được qui định tại điều 423 BLDS. Điều 3.13 Luật Thương Mại thì định nghĩa “Vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên, gây thiệt hại cho bên kia đến mức, làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng” và hợp đồng này bị hủy bỏ theo điều 312/4b. Giả sử KMVSao Nam không lừa tôi, mà vì lý do nào đó, họ không giữ được thỏa thuận bảo đảm mức giảm giá 20% so với thị trường thì họ cũng đã vi phạm cơ bản hợp đồng, làm cho tôi không đạt được mục đích kinh doanh Printing Shop. Trong biên bản trả máy C1070P và tại tòa, Sao Nam đều thừa nhận lý do hoàn trả máy in là “không phù hợp kinh doanh, mặc dù đã ký nghiệm thu”.
Mỗi người, trong hoàn cảnh khác nhau, thời điểm khác nhau, sẽ có mục đích khác nhau khi giao kết hợp đồng. Mua thịt để ăn, dù đắt dù rẻ gì thì cũng phải ăn được. Nếu không ăn được thì người ta có quyền trả lại. Lấy vợ, lấy chồng thì phải làm được chuyện cơ bản là làm tình. Nếu không làm được thì người ta phải ly hôn. Ông không đòi ly hôn thì bà cũng đòi ly. Những chuyện cơ bản như thế là phải biết. Tôi là người kinh doanh. Mua máy là để kinh doanh mà chúng bán cho tôi máy “không phù hợp kinh doanh” thì tôi mua làm gì? Vì thế, KMVSao Nam phải chấp nhận hủy hợp đồng và thu hồi máy là đúng pháp luật. Nhưng mấy ông luật sư của họ không hiểu gì về đạo lý và pháp luật nên đã tư vấn và cãi bậy bạ. Hậu quả, là giờ này, đã 4 năm, bản án bị kháng nghị, các bên hết sức lao đao.
Thực ra, nâng khống giá máy, báo giá cuội để lừa bán cho các cơ quan nhà nước là thủ đoạn đã diễn ra từ lâu của một số công ty bán máy móc, thiết bị mới. Có trường hợp, chúng chung chi một ít, lừa một ít. Nhưng cũng có thể, chúng nâng khống giá, lừa ăn trọn gói. Các công chức nhà nước lại càng dễ bị mắc lừa hơn tôi. Do là người đã bị lừa nên tôi rất dễ nhận ra vấn đề. Qua theo dõi vụ nâng khống giá bán máy xét nghiệm Covid-19, có chỗ bị bắt, có chỗ không, tôi nhận ra ngay là có thể một số chỗ chỉ bị lừa chứ chẳng xơ múi gì. Thái độ khảng khái của ông Nguyễn Văn Hai – Giám đốc Sở Y tế và ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam, trước đoàn thanh tra và cấp trên, cho thấy, có thể các ông đã bị lừa. Mà đã bị lừa thì phải bắt bọn bán máy, truy tố chúng về “tội lừa dối khách hàng” theo điều 198 BLHS .
Ông bà ta có câu: “Mua lầm, chứ người bán không lầm”. Bọn bán máy này, thì tất nhiên, chúng phải rành món hàng mà chúng đã sản xuất ra hoặc mua đi bán lại nhiều lần. Giá là vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất mà chúng phải biết khi mua bán. Mua ở đâu, giá bao nhiêu? Chi phí bao nhiêu? Bán cho ai, ở đâu, giá bao nhiêu thì chúng phải biết. Thậm chí, chúng còn biết cả tâm lý và trình độ thẩm định của khách hàng. Chúng còn tổ chức ra bộ máy báo giá-đấu giá cuội, để hợp pháp hóa thẩm định giá. Mua bán trung thực thì không thể có chuyện giá máy lệch nhau đến hơn 5 tỉ đồng. Phải có người chịu trách nhiệm hình sự trong vụ nâng khống giá máy như thế này. Vì thế, tỉnh Quảng Nam phải khởi tố, điều tra đối với bà Bà Lê Thị Tuyến, Giám đốc Công ty Giải pháp Việt, về “tội lừa dối khách hàng” thì mới không bỏ lọt tội phạm.
Người bán hàng phải công khai giá và niêm yết giá theo qui định tại điều 6, điều 12 của Luật Giá. Trong một không gian xác định và thời điểm cụ thể, giá của mỗi hàng hóa là duy nhất. Không công khai giá, không niêm yết giá rõ ràng thì bị xử phạt theo điều 12 của Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/09/2013 của Chính phủ. Thế nhưng, KMV và các đại lý của họ lại không công khai giá mà bí mật báo giá để lừa khách hàng. Nhưng chúng nói dối với khách hàng, là giá của chúng được thống nhất trong toàn quốc.
Theo điều II.2, Hợp Đồng Nhà Phân Phối, giữa KMV với Sao Nam, thì “Giá của sản phẩm Konica Minolta tại thị trường Việt Nam do bên A ban hành và được thống nhất trong toàn quốc” và “Nhà Phân Phối của bên A phải niêm yết và chào giá các sản phẩm của Konica Minolta cho khách hàng sử dụng cuối cùng với mức giá chào bán lẻ thống nhất do bên A ban hành”. Thế nhưng, trong kỳ nhập khẩu này, có 3 chiếc máy C1100, chúng ủy quyền cho đại lý Sao Nam để bán cho Saigonbook một chiếc giá 3,409 tỉ đồng; ủy quyền cho đại lý STS, bán cho In Hồ Gươm một chiếc giá 1,7 tỉ đồng; còn một chiếc, bị tôi dùng Công ty in 474 để mua làm máy đối chứng, với giá 1,289 tỉ đồng.
Như vậy, KMV và các đại lý ủy quyền của họ đã không chấp hành pháp luật về Giá và cũng không thực hiện đúng cam kết của họ trong hợp đồng Nhà Phân Phối. Họ đã không công khai giá mà bí mật báo giá để lừa khách hàng và bán giá cao cho các cơ quan nhà nước. Các cơ quan nhà nước, nếu phải mua giá cao thì vẫn đạt mục đích giao kết hợp đồng là dùng để in tài liệu cho nội bộ cơ quan. Nhưng người kinh doanh, dùng để bán trang in thì sẽ không thể đạt được mục đích giao kết hợp đồng. Vì thế, giá luôn là vấn đề nhạy cảm nhất đối với người kinh doanh. Bán như thế là đưa người ta vào chỗ phá sản. Đây là tội ác không thể tha thứ.
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar