Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

28. Đánh Chặn Chạy Án Phúc Thẩm Bất Thành.

Biết trận để thắng trận là thắng trước khi đánh. Biết không thể thắng thì tốt hơn hết là không nên đánh. Tuy nhiên với trận này, tôi đã dự liệu không thể thắng cấp phúc thẩm nhưng tôi vẫn đánh. Tôi có lý do mà dần dần tôi sẽ tiết lộ.
Bọn Konica Minolta và Sao Nam sợ tôi đến mức phải thuê đến hai công ty luật, Công ty Luật LNT&Thành viên và Công ty Luật Nghiêm&Chính, làm thủ tục để thu hồi máy và giữ bí mật thì tất nhiên là chúng phải biết tội của chúng đến mức quá sợ hãi. Ngay từ đầu, mục đích của chúng trong việc thuê hai công ty luật danh tiếng này là để thu hồi máy và giữ bí mật chứ không phải để xảy ra kiện tụng và truyền thông. Nhưng chúng đã hố hàng. Có thể, chúng đánh giá tôi, người Việt Nam, nghèo, xót của. Của đổ hốt lại được là đã mừng, chắc là dễ dàng bán lại cho chúng. Chúng có ngờ đâu “tôi trả máy chứ không bán máy”. Trong lịch sử thương trường quốc tế, chắc chúng chưa từng gặp một người khách hàng nào như tôi.
Bản án sơ thẩm đã tuyên hợp đồng “vô hiệu do nhầm lẫn” là cơ hội để chúng lấy máy về trong hòa bình nhưng chúng vẫn ngoan cố kháng cáo. Tôi cũng không muốn chiến tranh. Tôi chủ trương là nếu KMVSao Nam không kháng cáo thì tôi cũng sẽ không kháng cáo. Nhưng để tránh bị động mất quyền kháng cáo nên ngày 22/4/2016, sau 3 ngày tuyên án sơ thẩm, tôi đã gửi đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, trước cả KMVSao Nam. Tôi dặn cô thư ký Bùi Nhật Vi Phượng rằng “Anh gửi đơn kháng cáo nhưng nếu hết thời hạn kháng cáo mà KMVSao Nam không kháng cáo thì anh sẽ rút đơn kháng cáo. Nếu họ lên nộp đơn kháng cáo thì em cũng nói cho họ biết thiện ý này của anh để tránh trường hợp vì anh kháng cáo nên họ kháng cáo”. Nghĩa là, bất cứ thời điểm nào tôi cũng thiện chí để tránh chiến tranh. Nhưng cả Sao NamKMV đồng thời kháng cáo vào ngày 28/04/2016.
Hết thời hạn kháng cáo, tôi đến tòa án quận 3 để hỏi thông tin kháng cáo. Nếu KMVSao Nam không kháng cáo thì tôi sẽ rút đơn kháng cáo như đã hứa. Nhưng KMVSao Nam đã kháng cáo một phần bản án sơ thẩm. KMV thì kháng cáo cho rằng họ không liên quan, còn Sao Nam thì kháng cáo cho rằng các bên mua máy không cần xuất xứ nên không nhầm lẫn.
Hôm đó, có cả Thẩm phán Phù Quốc Tuấn ngồi ở phòng thư ký nên tôi chào chia tay với Tuấn và cô Vi Phượng. Bỗng dưng Tuấn thốt lên với tôi: “Nếu họ không chịu nhầm thì là lừa. Đáng lẽ, em phải tổ chức cho hội đồng xét xử đi đến chỗ anh xem, lập biên bản xác định tình trạng chiếc máy không hoạt động được trước khi xét xử”. Có lẽ, Thấm phán Phù Quốc Tuấn cho rằng có biên bản này trong hồ sơ vụ án thì cấp phúc thẩm không thể sửa án của ông. Tôi chia tay Thẩm phán Phù Quốc Tuấn và cô thư ký Vi Phượng với tình cảm chân thành. Vừa rồi, khi có kháng nghị giám đốc thẩm, tôi gọi điện báo cho Thẩm phán Phù Quốc Tuấn biết và hỏi thăm sức khỏe, gia cảnh. Lúc thụ lý vụ án này, Tuấn chưa có vợ mà bây giờ Tuấn đã có 2 con. Mới đó mà đã hơn 5 năm. Chiếc máy C1100 nằm đó như thân xác tôi bị tử hình nằm đó cũng đã 5 năm 5 tháng 10 ngày. Tức là, linh hồn tôi đã dõi dõi theo quanh quẩn chiếc máy này đã gần 2000 ngày.
Tôi đã dự đoán là vì có sự hứa hẹn ở phúc thẩm nên bọn này mới yên tâm kháng cáo. Cửa thua của tôi ở phúc thẩm đã rõ. Tuy nhiên, tôi phải tận lực để tri thiên mệnh. Tôi phải tìm biện pháp đánh chặn, không để cho bọn này chạy án.
Ngày 27/05/2016, lúc chưa biết thẩm phán nào được phân công thụ lý vụ án, tôi đã gửi đơn đến bà Chánh án Ung Thị Xuân Hương, Phòng 12 Viện Kiểm sát Thành phố, các vị lãnh đạo thành phố và trung ương, đề nghị “ngăn chặn tác động đến tòa án của các cựu chánh án – thẩm phán”. Trong đơn này, tôi đã nêu rõ lý do và khẩn thiết kiến nghị với các vị lãnh đạo tòa án và thành phố: “Có biện pháp bảo đảm ngăn chặn, phòng ngừa sự tác động, ảnh hưởng của một số các nhân, đặc biệt là bà Nguyễn Thị Kim Vinh và Ông Trần Văn Sự lên phiên tòa phúc thẩm tại Tòa kinh tế TAND TP.HCM sắp đến”. Đồng thời, lá đơn này, tôi cũng đã gửi cho tất cả các thẩm phán tòa kinh tế để báo động họ cảnh giác, phải nghiên cứu hồ sơ cho kỹ – xét xử đúng pháp luật.
Khi đã biết thẩm phán Nguyễn Thu Chinh đã thụ lý vụ này, tôi đã lên tòa gặp hai lần. Tôi nộp thêm tài liệu và trình bày tóm lược vụ án. Tôi đưa “Giấy Chứng Nhận Phân Phối Ủy Quyền” để khẳng định trách nhiệm của KMV là bên ủy quyền. Sau khi xem “Giấy Chứng Nhận Phân Phối Ủy Quyền”, Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh đã hỏi tôi “Kính gửi quí khách hàng thì khách hàng là ai?”. Tôi giải thích “Khách hàng là chúng tôi – những người mua máy này, nhưng Sao Nam đã giấu giấy này, mới xuất trình ở cuối giai đoạn xét xử sơ thẩm để KMV phải chịu trách nhiệm”.
Tất cả những gì tôi đã làm là có ý cảnh báo, răn đe các thẩm phán này ra bản án trái pháp luật. Nhưng rồi, Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh đã làm những việc “trời không dung, đất không tha”. Phiên tòa diễn ra ngày 24/8/2016 cho đến trưa thì ngừng đột ngột mà không đưa ra lý do. Đến ngày 22/9/2016, phiên tòa mở lại, Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh đọc bản án trong sự ngỡ ngàng của tất cả phóng viên và bạn bè tôi. Suốt phiên tòa, các thẩm phán không hỏi một câu nào. Tôi nghĩ rằng, họ đã dừng một tháng để mafia viết bản án này trong bóng tối. Nếu không thì bản án phúc thẩm này không thể sai toàn diện đến mức như cấp giám đốc thẩm đã chỉ ra và tuyên hủy án.
Như vậy là Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh đã biết tất cả các vấn đề của vụ án nhưng vẫn cố ý ra bản án có nội dung trái pháp luật như tòa cấp giám đốc thẩm đã khẳng định. Điều nghiêm trọng là Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh đã dùng chứng từ bất hợp pháp để sửa bản án sơ thẩm. Giấy chứng nhận của Công ty Konica Minolta Nhật Bản ngày 10/8/2016 là một bản phô tô không rõ nguồn gốc, có thể là chứng từ giả, chưa được xuất trình kiểm tra chứng cứ ở cấp sơ thẩm. Sửa án như thế là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tôi phải mất hơn 4 năm, thiệt hại đến hơn 10 triệu USD, tôi mới phá được bản án phúc thẩm này. Vì thế, ngay sau khi nhận được quyết định giám đốc thẩm, việc đầu tiên mà tôi đã làm là gửi đơn cho Cơ Quan Điều Tra Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, yêu cầu khởi tố hình sự về “Tội cố ý ra bản án trái pháp luật” để bắt giam Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh. Tôi cũng đã gửi đơn yêu cầu gặp Chánh án Nguyễn Hoà Bình để cung cấp thêm thông tin và yêu cầu giải quyết nhanh vụ án này. Phải trừng trị các ông bà Thẩm phán đã “cố ý ra bản án trái pháp luật” như thế này để răn đe các thẩm phán khác. Nếu không, đất nước này có nguy cơ sẽ bị loạn xét xử.
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar