Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

3. Hai Hành Vi Lừa Dối Bị Phát Hiện Đầu Tiên

HAI HÀNH VI LỪA DỐI BỊ PHÁT HIỆN ĐẦU TIÊN

Khoảng đầu tháng 02 năm 2015, anh Hoàng Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Ca An, ghé thăm Printing Shop của tôi. Sau khi trò chuyện một lúc lâu, anh mới tiết lộ với tôi là dòng máy in C1070P bị lỗi kỹ thuật, bị sướt màu đen. Anh có mua một chiếc và đã trả lại cho Sao Nam. Khi đó, đã có một số khách hàng phàn nàn về chất lượng bài in trên máy C1070P, nên tôi giật mình. Đặc biệt, có một khách hàng ở Quận 8 đã trả cả lô hàng, với lý do màu sắc không đều. Tôi phải xin lỗi khách và hoàn tiền lại cho họ. Thông tin mà anh Hoàng Văn Dũng cung cấp làm tôi lo lắng. Kết hợp các thông tin từ khách hàng, nhớ lại tình tiết cô Lưu Ngọc Thúy Vân đột ngột đổi hợp đồng và tình tiết bàn giao máy trong tình trạng không còn nguyên đai nguyên kiện, tôi nhận ra mình đã bị lừa, phải mua máy cũ, bị lỗi kỹ thuật do anh Hoàng Văn Dũng trả lại. Nhưng để có kết luận chính xác không phải là chuyện dễ. Tôi phải tiến hành xác minh cẩn thận, chứ không thể hồ đồ, kết luận là họ đã lừa tôi. Có một điều hết sức thuận lợi cho việc xác minh, là vào lúc này, máy C1100 chưa được ký nghiệm thu, chưa thanh toán tiền đợt cuối. Tôi gọi điện cho ông Đào Việt Linh và ông Trần Kim Chung, đòi bộ hồ sơ nhập khẩu và giấy chứng nhận chất lượng, với lý do là làm lý lịch máy nhập khẩu, vì thời hạn khấu hao đến 5 năm thì tôi phải cần có bộ hồ sơ này để lưu giữ, làm việc với cơ quan thuế.
Sau chừng một tuần bị tôi hối thúc, ông Đào Việt Linh và ông Trần Vũ chuyển đến tôi Giấy Chứng Nhận Chất Lượng Của Nhà Sản Xuất (C/Q), đề ngày 5/2/2015, có chữ ký của Tổng giám đốc Tadasu Ichino và dấu của KMV. Kèm theo giấy chứng nhận này là bản sao hai bộ hồ sơ nhập khẩu của hai máy, C1070PC1100. Kiểm tra thời điểm nhập khẩu thì tôi thấy máy C1100 làm thủ tục thông quan ngày 1/12/2014, sau ngày tôi ký hợp đồng 038/HĐKT-14, là ngày 20/10/2014. Tôi kết luận máy C1100 là máy mới 100%. Họ đã nhập khẩu sau ngày tôi ký hợp đồng và đặt cọc. Đối với máy C1070P thì thời điểm thông quan là ngày 30/6/2014, trước ngày tôi ký hợp đồng 018/HĐKT-14, là ngày 15/8/2014. Lúc này, tôi mới nói cho các họ biết là tôi đã nhận được thông tin máy C1070PSao Nam bán cho tôi là máy cũ, do anh Hoàng Văn Dũng trả lại. Ông Trần Vũ tỏ ra bực dọc, cho rằng tôi đã có máy C1100, đủ dùng nên kiếm chuyện để trả máy C1070P. Nhưng tôi nói với ông Trần Vũ rằng, tôi không kiếm chuyện mà vì tôi nhận được tin này từ anh Hoàng Văn Dũng. Mấy ngày sau, ông Đào Việt Linh lại mang đến cho tôi bản phô tô hóa đơn tài chính, thể hiện KMV đã nhận lại máy C1070P từ Sao Nam. Ông Đào Việt Linh giải thích rằng, máy do anh Hoàng Văn Dũng trả lại cho Sao Nam, đã được KMV nhận về, nên Sao Nam không còn máy C1070P này để bán cho Saigonbook. Nhưng giải thích như thế là không thuyết phục được tôi. Như vậy hành vi bán máy cũ đã bị phát hiện đầu tiên.

Lúc này, một số bạn làm nghề in cũng đã báo cho tôi biết là tôi đã bị “thuốc” giá trong các thương vụ mua bán máy in này. Nhưng giá máy mà KMV bán ra cho họ là bao nhiêu thì không ai tiết lộ. Tôi có hỏi anh Hoàng Văn Dũng và anh Đặng Mai Diệu, nhưng các anh cũng không tiết lộ, vì lý do là Sao Nam đã thỏa thuận với các anh, phải bí mật về giá. Khi vụ án Konica Minolta bị tôi phanh phui thì nhiều người mới nhận ra, “bí mật giá, bí mật hợp đồng” chỉ là cái bẫy của KMVSao Nam giăng ra, để lừa khách hàng người Việt Nam. Cứ người này giấu người kia, tạo điều kiện cho họ lừa về giá. Bí mật giá là chiêu để họ kê hoa hồng khi bán vào các cơ quan nhà nước. Tôi cứ ngẫm nghĩ, dân mình sao ngu quá. Giữ bí mật như thế là tự hại dân mình và làm giàu cho các tập đoàn nước ngoài. Nghèo khổ và nô lệ là cũng từ những cái ngu như thế này dồn lại.
Với những thông tin mà tôi nhận được, tôi khẳng định máy in C1070 là máy cũ, đã qua sử dụng, bị lỗi kỹ thuật, nhưng trả lại máy cho họ không phải là chuyện dễ. Lúc này tôi mới biết là KMVSao Nam độc quyền cung cấp mực, vật tư tiêu hao và dịch vụ kỹ thuật đối với các loại máy in do họ bán ra. Nếu xích mích với họ thì tôi ôm máy, chịu thiệt. Tiền bán máy, họ đã lấy xong. Toàn bộ Trung Tâm Sách Sài Gòn đã bị tháo dỡ để sửa thành Printing Shop, với hai chiếc máy in của Konica Minolta. Rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc, đã bỏ ra để xây dựng Printing Shop này. Muốn có máy mới của hãng khác thì phải mất thời gian chờ đợi nhập khẩu và huấn luyện vận hành. Tôi đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, tiếp tục sử dụng mực, vật tư tiêu hao của Sao Nam để nhân viên của tôi có việc làm.
Ngày 26/3/2015, Sao Nam gửi văn bản “cam kết khắc phục lỗi kỹ thuật” và đề nghị tôi ký nghiệm thu máy C1100, vì đã sắp hết thời hạn nghiệm thu nhưng máy vẫn còn bị lỗi kỹ thuật. Theo văn bản này thì “lỗi này cần thời gian để nhà sản xuất Konica Minolta có phương án giải quyết”. Tôi đã ký biên bản nghiệm thu ngày 26-03-2015khế ước nhận nợ để thanh toán tiền cho Sao Nam, với mong muốn giữ hòa khí để làm ăn lâu dài. Nhưng vì trang in của tôi bị đội giá quá cao, tôi không nhận được hàng in nên tôi phải bỏ công điều tra, tìm cho ra nguyên nhân vì sao giá trang in của tôi quá cao.

Tôi không nhận được phiếu bảo hành và cũng không có thông số kỹ thuật để tính khấu hao theo sản phẩm. Tôi hỏi ông Trần Minh Nhật thì được cho biết là tuổi thọ của máy C1100 là 20.000.000 số đếm trang in A4. Tuổi thọ của máy C1070P là 12.500.000 số đếm trang in A4. Căn cứ trên số liệu nói miệng của ông Trần Minh Nhật, tôi đã tính khấu hao và hạch toán vào giá thành sản phẩm. Mực, vật tư tiêu hao cũng được tính, phân bổ vào trang in, dựa trên số tiền thanh toán cho Sao Nam theo hộp mực của từng hóa đơn. Tôi bỏ qua tiền mặt bằng, không hạch toán vào giá thành trang in, nhưng giá trang in của tôi cũng vẫn cao, bị khách hàng chê đắt. Tôi tham khảo giá của các nhà in khác thì thấy rằng trang in của chúng tôi cũng quá cao, khó mà cạnh tranh. Tôi cũng không thể hạ giá vì đã hạ hết mức rồi. Tôi phải tìm nguyên nhân, nếu không, toàn bộ công cuộc kinh doanh của tôi sẽ bị phá sản.
Ban đầu, tôi cứ nghĩ rằng, các nhà in khác có chiêu gì đó, làm cho trang in của họ có giá rẻ hơn mình. Tôi suy nghĩ và tìm giải pháp kỹ thuật để hạ giá thành. Tôi nhận thấy khâu tính giá, báo giá này là khâu tốn nhiều thời gian và là khâu thường gây nhầm lẫn. Tôi đặt một trang web, rồi trực tiếp khảo giá, viết báo giá online, để khách hàng và nhân viên của tôi cứ theo đó mà nhận hàng in. Tôi tập trung tính giá, so sánh giá trang in để tìm nguyên nhân. Cuối cùng, tôi nhận ra nguyên nhân là tôi đã mua máy, mực và vật tư tiêu hao với giá quá cao, lại phải trả lãi vay ngân hàng, nên trang in của tôi đã bị đội giá. Tôi không thể nhận được hàng in nếu hạch toán đầy đủ các chi phí vào giá thành. Tôi không thể bán trang in theo mô hình Printing ShopKMVSao Nam đã tư vấn cho tôi. Sự tức giận trong tôi cứ tăng dần nhưng tôi vẫn giữ hòa khí để làm ăn. Tôi không để lộ sự tức giận. Như vậy, hành vi lừa giá đã được phát hiện, nhưng lúc này, chưa có bằng chứng. Tôi âm thầm tìm hiểu cho đến ngày thu thập đủ bằng chứng.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar