Sau khi bài “Túy Quyền Luật Của Năm Lúa 5.0” được đăng lên lúc 7 giờ 30 phút ngày 31/01/2021 thì lúc 13 giờ 54 phút cùng ngày, tôi nhận được tin nhắn của chị Luật sư tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vinh. Chị Vinh nhắn: “Tôi đề nghị anh Kim có ý kiến chuẩn mực về tôi, Nguyễn Thị Kim Vinh. Anh đang vơ đũa cả nắm, vì vụ này tôi hoàn toàn ko biết. Anh nêu tên tôi và quy chụp vô căn cứ. Tôi trao đổi riêng với anh vì còn tôn trọng anh. Đề nghị anh xem lại bài viết này khi nhắc đến tên tôi”. Tôi hết sức bất ngờ. Tôi đã gọi điện lại cho chị Nguyễn Thị Kim Vinh để có cuộc trao đổi thẳng thắn và chân thành.
Chị Nguyễn Thị Kim Vinh nói với tôi rằng, vụ án xảy ra vào năm 2015, lúc đó chị đang ở Mỹ. Năm 2017, chị mới về Việt Nam và có nghe qua vụ này chứ chị hoàn toàn không biết gì về vụ án này. Năm 2018, chị Nguyễn Thị Kim Vinh lập công ty riêng, là Công ty Luật TNHH TNJ, chị không còn quan hệ gì với công ty LNT&Thành viên nữa. Tôi thấy cần phải thông tin ý kiến của chị Nguyễn Thị Kim Vinh và ý kiến của tôi để rộng đường dư luận.
Công ty TNHH Luật LNT&Thành viên (LNT), do chị Nguyễn Thị Kim Vinh đồng sáng lập và làm giám đốc, đã tư vấn cho Công ty Konica Minolta Business Solution Việt Nam (KMV) ngay từ giai đoạn đàm phán thu hồi máy. Văn bản ngày 31/7/2015, Luật sư tiến sĩ Lê Nết đã nhân danh “Chúng tôi, Công ty TNHH LNT&Thành viên (“LNT”)”, gửi thư này đến ông với tư cách là cố vấn pháp lý của Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam” chứ không nhân danh cá nhân Luật sư tiến sĩ Lê Nết. Một người sáng lập công ty và là Giám đốc Công ty Luật LNT như chị Luật sư tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vinh mà không biết gì về việc nhân viên dưới quyền, đã nhân danh công ty, gửi văn bản đến báo chí như Lê Nết đã làm thì quả là quá khó hiểu. Hơn nữa, Konica Minolta chuyển khoản một số tiền rất lớn cho Công ty Luật LNT&Thành viên mà Giám đốc Nguyễn Thị Kim Vinh không biết là tiền gì, trả cho ai và trả vì cái gì thì cái công ty quái lạ này cần phải được thanh tra để giải đáp thắc mắc của công luận.
Còn đây nữa. Vụ án đang ở giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm thì một hôm, Thẩm phán Phù Quốc Tuấn nói với tôi: “Thôi, anh đừng viết bài đăng báo nữa, chờ giải quyết xong vụ án“. Tôi ngạc nhiên hỏi: “tại sao?”. Thẩm phán Phù Quốc Tuấn nói với tôi rằng “Bà Vinh và ông Sự vừa có đơn yêu cầu em áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, không cho anh đăng bài lên báo nữa nhưng vì không có trong luật nên em không làm. Họ nhờ em nói với anh thôi đừng viết nữa, chờ giải quyết xong vụ án“. Nhờ lời nói này của Thẩm phán Phù Quốc Tuấn mà tôi dự báo bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật sẽ là bản án bịt miệng tôi và báo chí Việt Nam. Dự báo của tôi đã là chính xác. Nếu chị Luật sư tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vinh không biết gì vụ án Konica Minolta thì Thẩm phán Phù Quốc Tuấn đã nói sai hoặc tôi nghe nhầm chị Vinh này thành chị Vinh kia. Thẩm phán Phù Quốc Tuấn sử dụng hai số điện thoại có đầu số là 090 và 093. Chắc chắn, các liên hệ với Thẩm phán Phù Quốc Tuấn còn lưu ở nhà mạng Mobifone.
Vì những động thái của ông cựu phó Chánh án Trần Văn Sự và bà cựu phó Chánh tòa Nguyễn Thị Kim Vinh nên tôi đã viết đơn đề nghị ngăn chặn chạy án trước khi xét xử phúc thẩm. Đơn này tôi đã gửi đến ông Đinh La Thăng, lúc đó là bí thư Thành ủy, bà Ung Thị Xuân Hương, lúc đó là Chánh án, các phó chánh án và các thẩm phán tòa kinh tế. Đơn này gửi riêng cho từng người theo đường phát chuyển nhanh có hồi báo. Các phiếu báo phát cho thấy từng người đã nhận được đơn này nhưng họ đã không ngăn chặn chạy án mà còn ‘tạm ngừng phiên tòa” để cố ý ra bản án trái pháp luật, đến mức phải bị hủy vì sai hoàn toàn. Trong đơn này, tôi có nêu lý do phải ngăn chặn chạy án là ngăn ông Trần Văn Sự và bà Nguyễn Thị Kim Vinh. Sự việc ồn ào như thế mà các thẩm phán tòa kinh tế và lãnh đạo tòa án Thành phố, đa số là đồng sự cũ của họ, mà không ai báo cho họ biết là sao?
Tôi gửi đơn đề nghị ngăn chặn chạy án là căn cứ vào điều 16 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015 “Bảo đảm sự vô tư, khách quan trong tố tụng dân sự“. Vụ án Konica Minolta, nếu xử đúng pháp luật – “hợp đồng vô hiệu do lừa dối” thì Luật sư tiến sĩ Lê Nết sẽ bị kỷ luật, Công ty Luật LNT sẽ sụp đổ thương hiệu và có thể phải đền bù thiệt hại cho Konica Minolta vì đã tư vấn sai pháp luật. Họ phải sống chết với vụ án này chứ Konica Minolta chỉ là một phần. Tôi nhận ra tính nghiêm trọng của vụ án này từ những sai lầm “xúi mua lại máy” của Luật sư Bùi Quang Nghiêm và Luật sư tiến sĩ Lê Nết.
Ai là người có thể tác động đến Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh để ra một bản án ma – tuyên án khi chưa có biên bản nghị án? Vì sao Công ty Luật LNT thu hút đến hai cựu lãnh đạo Tòa kinh tế về đó làm chỗ dựa cho các luật sư. Làm sao “bảo đảm sự vô tư, khách quan” cho các thẩm phán tòa kinh tế trong vụ án này?
Tôi cũng đã trao đổi thẳng thắn với chị Nguyễn Thị Kim Vinh là người tự trọng sẽ không bao giờ quảng cáo từng là cựu các chức danh tư pháp để thu hút khách hàng. Nghề thẩm phán là nghề rất thiêng liêng, nhân danh đồng loại để xét xử đồng loại, có thể tước đi mạng sống của đồng loại, một hiện tượng riêng có của loài người, không có ở bất cứ loài vật nào, thì không thể nhân danh sự thiêng liêng này để kiếm ăn. Dân Việt Nam rất nhạy cảm, rất kinh nghiệm với chuyện đút lót, hối lộ. Ai là người có thể tiếp cận với các thẩm phán để chạy án nếu không từng là bạn bè thân thiết với họ? Luật sư tiến sĩ Lê Nết làm cái gì cũng sai nhưng tại sao lại thắng vụ án này ở phúc thẩm? Tại sao tòa án không gửi bản án phúc thẩm cho thi hành án quận 3 để thu án phí? Tại sao ông Ngô Mạnh Cường, một người quen thân với chị Nguyễn Thị Kim Vinh lại xóa thụ lý kháng nghị tại tòa cấp cao TP.HCM mà không cho tôi biết? Sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng cứ đi lắp lại, hết chỗ này đến chỗ khác, che chắn cho đến hết thời hạn kháng nghị 3 năm theo điều 331.1 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì tất nhiên phải có nguyên nhân, có chủ đích.
Tôi cũng có bạn bè là thẩm phán, có chức sắc ở ngành tòa án nhưng khi đụng chuyện ở tòa án, tôi không bao giờ gặp bạn để nhờ giải quyết. Tôi giữ cho bạn của tôi “vô tư, khách quan” khi làm nhiệm vụ. Hôm gặp Đỗ Khắc Tuấn – Phó Chánh án TAND TP.HCM, chúng tôi nhận ra nhau sau nhiều năm không gặp. Chúng tôi cùng học K11 đại học kinh tế TP.HCM và cùng học tại chức đại học Luật Hà Nội mở tại TP.HCM, do Ung Thị Xuân Hương làm giáo vụ. Tôi lại là người hay cãi với thầy đến mức Đỗ Khắc Tuấn còn nhớ nội dung tranh luận của tôi. Vậy mà khi vụ án này đến cấp phúc thẩm năm 2016, tôi cũng không gặp Đỗ Khắc Tuấn – lúc đó là Phó Chánh án phụ trách tòa kinh tế. Tôi cũng không gặp Ung Thị Xuân Hương – lúc đó đang là Chánh án TAND TP.HCM. Tôi cứ theo pháp luật mà làm, không cậy nhờ ai. Có một vài bạn là Học Sinh Miền Nam đề nghị dắt tôi đi gặp “ông nọ bà kia” để nhờ họ can thiệp giải quyết nhưng tôi không cần làm như thế và cũng không bao giờ làm như thế. Tôi đi gặp lãnh đạo tòa án với tư cách công dân – chủ nhân đất nước này chứ không phải với tư cách ở chỗ bạn bè, quen biết.
Một chuyện hết sức thú vị để so sánh với các cựu Thẩm phán Trần Văn Sự và Cựu thẩm phán Nguyễn Thị Kim Vinh. Tôi có người bạn cùng quê, cùng là học sinh miền Nam, rất thân thiết trong những năm học trên đất Bắc, đó là Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mận – cựu Phó chánh án TAND Thành phố Đà Nẵng và là Phó giám đốc học viện tòa án, đã nghỉ hưu và gia nhập đoàn luật sư. Tôi đề nghị Nguyễn Thanh Mận làm luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Saigonbook trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới nhưng Nguyễn Thanh Mận đã từ chối vì “vào đó gặp người quen, gặp học trò, rất là khó xử”. Bạn của tôi cũng nghèo, về hưu, chỉ đi dạy để kiếm thêm chứ không hành nghề luật sư, cũng không mở công ty luật để tận dụng các quan hệ cũ như một số thẩm phán đã và đang làm. Tôi thương và quí bạn vô cùng. Đã là bậc quân tử thì “qua ruộng dưa, không sửa dép”. Là người Việt Nam thì ai cũng phải hiểu sự tích trầu cau – Em trai của chồng thì không thể ở với chị dâu. Ở lâu sinh biến. Một người có lòng tự trọng thì phải tránh xa những việc có thể gây hiểu nhầm. Xô chức danh lãnh đạo cơ quan tư pháp trên trang web như cô gái lẳng lơ khoe sắc để kiếm khách hàng, dù vô tình hay cố ý, vẫn là làm nhục cả nền tư pháp Việt Nam.
Ông Luật sư Trần Văn Sự, từng có 19 năm làm phó Chánh án TAND TP.HCM, phụ trách tòa kinh tế và bà Luật sư tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vinh từng là Phó chánh tòa kinh tế và là cựu thẩm phán TANDTC, cùng với Luật sư tiến sĩ Lê Nết hùn vào mở Công ty Luật LNT là nhằm tận dụng ưu thế gì trước khách hàng? Có quan hệ gì với bản án ma của Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh đã bị hủy? Nếu không có hai cựu lãnh đạo tòa án nằm trong công ty Luật LNT thì liệu rằng Konica Minolta và Sao Nam có tin tưởng đến mức ủy quyền cho Lê Nết gửi văn bản đến Ban Tuyên Giáo Trung Ương chối bay chối biến chuyện bán máy cho Saigonbook? Ai là người có đủ khả năng thu xếp cho Kiểm sát viên Nguyễn Thị Én thống nhất với cả 3 thẩm phán để ra bản án trái pháp luật? Dân Việt Nam vốn cần cù và thông minh, họ suy luận được mà?
Tôi cứ bày hết ra đây để rộng đường dư luận và để nhân dân giám sát công tác xét xử của tòa án theo điều 13.1 của Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015: “Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải tôn trọng Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân”./.
Mời đọc bài Túy Quyền Luật Của Năm Lúa 5.0: https://luongvinhkim.vn/54-tuy-quyen-luat-cua-nam-lua-5-0/
Bình luận