Tôi đến tòa trong tâm thế chuẩn bị rút ngắn thời gian hỏi của các luật sư, giành thời gian cho hội đồng xét xử hỏi để giải quyết đúng đắn vụ án. Tôi đã trao đổi với hai luật sư của tôi, Luật sư Phùng Thanh Sơn và Luật sư Đoàn Khắc Độ, đề nghị các luật sư của tôi ưu tiên cho tôi hỏi, tranh luận và các ứng xử cần thiết tại phiên tòa chiều hôm nay. Tôi ở vào vị thế nguyên đơn, người bị thiệt hại, lại có thời gian dài nghiên cứu pháp luật liên quan đến vụ án này đến 5 năm thì không một luật sư nào có thể hiểu hơn tôi trong vụ án này. Hơn nữa, tôi là người bẩm sinh ‘ăn to nói lớn”, có răng nói rứa, nói suông sẻ giữa chốn đông người. Các luật sư của tôi đã ủng hộ ý tưởng của tôi. Suốt phiên tòa, họ ngồi im lặng, không nói thêm câu nào.
Phiên tòa tiếp tục phần hỏi của các luật sư và các đương sự. Luật sư Châu Huy Quang đã mở đầu các câu hỏi của ông dành cho nguyên đơn. Tôi đã đứng dậy trả lời rành rọt và thiện chí nhưng chỉ vài câu hỏi tiếp theo là tôi nhận thấy Luật sư Châu Huy Quang cũng không hiểu hợp đồng đặc thù mua bán 3 bên trong trường hợp cho thuê tài chính, không phân biệt được cho thuê tài chính với cho thuê tài sản. Cũng như Luật sư Đỗ Đức Vân Hồng, luật sư Châu Huy Quang cũng không hiểu vì sao tôi đòi vô hiệu hợp đồng 038. Các câu hỏi của Luật sư Châu Huy Quang có thể kéo dài, làm mất thời gian của tòa án nên tôi tuyên bố không tiếp tục trả lời các câu hỏi của Luật sư Châu Huy Quang và ngồi xuống. Hình như bị bất ngờ, sau khi khựng lại một lát thì Luật sư Châu Huy Quang vẫn tiếp tục hỏi tôi 50 câu hỏi mà ông đã chuẩn bị sẵn. Hỏi xong một câu mà tôi không trả lời thì Luật sư lại tiếp tục chuyển sang hỏi các câu hỏi tiếp theo. Lập tức, tôi đứng dậy đề nghị chủ tọa phiên tòa không để Luật sư Châu Huy Quang hỏi nữa vì tôi đã tuyên bố không trả lời bất cứ câu hỏi nào từ phía các luật sư. Chủ tọa đã chấp nhận các đề nghị của tôi. Luật sư Châu Huy Quang gỡ bí bằng cách chuyển 50 câu hỏi của ông cho Hội đồng xét xử và đề nghị hội đồng xét xử hỏi thay ông. Lập tức, chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Ngô Thanh Nhàn từ chối hỏi thay ông với lý do là các thành viên hội đồng xét xử sẽ có câu hỏi riêng. Nếu nguyên đơn không trả lời thì cứ đưa vào phần tranh luận. Thế rồi, Luật sư Châu Huy Quang chuyển qua hỏi bị đơn với các câu hỏi, mà theo lời ông, lẽ ra là dùng để hỏi nguyên đơn. Cứ thế, ông hỏi nhân viên của ông đang làm đại diện Sao Nam, cũng mất một khoản thời gian khá bộn của tòa.
Đây là lần thứ hai tôi từ chối trả lời các câu hỏi từ phía luật sư của Sao Nam và Konica Minolta. Trong phiên tòa ngày 20/4/2021, tôi đã từ chối trả lời một số câu hỏi của Luật sư Đỗ Đức Vân Hồng và từ chối hoàn toàn các câu hỏi từ Luật sư Trần Hải Đức. Luật sư Đỗ Đức Vân Hồng thì không thắc mắc gì, ông chuyển sang hỏi đại diện Sao Nam và đại diện Konica Minolta. Luật sư Trần Hải Đức thì có vẻ sốc. Luật sư Trần Hải Đức hỏi tôi: “Ông chưa biết tôi hỏi câu gì mà sao ông không trả lời?”. Tôi nói, ông hỏi câu gì tôi cũng không trả lời. Chủ tọa phiên tòa đã chấp nhận cho tôi được quyền không trả lời. Luật sư Trần Hải Đức chưng hửng. Có lẽ, ông chưa gặp một đương sự nào như tôi.
Thực ra, không cần học luật, tôi cũng biết không trả lời là quyền của tôi mà không cần phải đợi chủ tọa phiên tòa có đồng ý hay không. Quyền im lặng là quyền tuyệt đối. Từ xưa đến nay, người ta bỏ tù người nói, người viết chứ không ai bỏ tù người im lặng. Hỏi là quyền của người hỏi. Trả lời hay không là quyền của người trả lời. Giả sử, hội đồng xét xử hỏi dùm 50 câu hỏi của Luật sư Châu Huy Quang thì tôi vẫn cứ không trả lời. Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn, người điều khiển phiên tòa hôm nay, cũng đã nhắc đi nhắc lại rằng, các đương sự có quyền từ chối trả lời các câu hỏi của ông. Nhưng tôi không hiểu tại sao Luật sư Châu Huy Quang không rút kinh nghiệm mà lại nhờ hội đồng xét xử ép tôi phải trả lời 50 câu hỏi của ông. Kiến thức nền như thế thì thật là tệ hại. Nếu gặp phải thẩm phán yếu chuyên môn, hấp tấp, ép tôi phải trả lời các câu hỏi của luật sư thì sẽ chết danh của một thẩm phán.
Sau phần hỏi của Luật sư Châu Huy Quang, tôi đã hỏi đại diện Konica Minolta 2 câu nhằm rõ quan hệ giữa Sao Nam và KMV. Trước khi hỏi tôi đã nói rõ là tôi chỉ hỏi tình tiết, sự kiện liên quan đến quan hệ làm ăn 3 bên, không hỏi pháp luật nên tôi đề nghị là các luật sư của họ không được tham gia trả lời thay. Tôi giơ cao tờ bút lục số 223 – Giấy Chứng Nhận Phân Phối Ủy Quyền có chữ ký của Tadasu Ichino và hỏi: “Dòng đầu tiên trên giấy chứng nhận này có ghi “Kính gửi quý khách hàng” thì quý khách hàng là ai? Đại diện của Konica Minolta đã trả lời “Quý khách hàng là Sao Nam”. Tôi hỏi tiếp: “Tại sao gửi trực tiếp mỗi Sao Nam thì cứ ghi là gửi Sao Nam chứ sao lại ghi gửi quý khách hàng, quý khách hàng là số nhiều mà?”. Tôi hỏi tiếp: Tại điều 3 giấy chứng nhận có ghi là “Sao Nam được ủy quyền báo giá và thực hiện đơn đặt hàng trực tiếp với khách hàng” thì khách hàng này là ai, khác với khách hàng ở trên à? Họ đã không trả lời được các câu hỏi này.
Một câu hỏi mà tôi ôm ấp hỏi để họ thấy tính nghiêm trọng của việc khai báo gian dối của họ. Tôi đưa cao văn bản của đại diện Konica Minolta gửi Ban Tuyên Giáo Trung Ương ĐCSVN và hỏi: “Trong văn bản này, ngay từ trang 1, đại diện Konica Minolta Việt Nam ghi rõ “(Sao Nam) – đại lý phân phối của KMV” thì tại sao hôm nay tại tòa, KMV phủ nhận tư cách đại lý của Sao Nam. Vậy thì KMV nói dối với tòa hay nói dối với Ban Tuyên Giáo Trung Ương?”. Đại diện của Konica Minolta đã không trả lời được câu hỏi này và tôi cũng không đồng ý để luật sư họ trả lời thay như lần trước.
Sau các câu hỏi ngắn gọn của tôi, Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn hỏi các luật sư và đương sự khác, xem ai có còn câu hỏi nào không. Các luật sư và các đương sự đã chấm dứt phần hỏi của mình. Phần thời gian còn lại cho đến khi tạm dừng là thời gian hỏi của hội đồng xét xử.
Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn đã chia các câu hỏi theo từng nhóm vấn đề rất rành mạch để hỏi các đương sự. Ông cũng không cho các luật sư trả lời thay cho các đương sự. Theo lời ông thì chỉ có các đương sự tham gia vào các giao dịch này mới biết rõ các tình tiết, các sự kiện và ý chí thực của mỗi bên. Ông nói rằng “sự thật chỉ có một. Ông muốn làm rõ sự thật. Tôi đã trả lời nhanh, gãy gọn các câu hỏi của hội đồng xét xử. Cái gì là nói miệng thì tôi nói là nói miệng, cái gì có văn bản thì tôi nói rằng có văn bản, có trong bút lục hồ sơ vụ án và xuất trình ngay tại tòa. Cái gì gây thiệt hại thì tôi nói gây thiệt hại, cái gì không gây thiệt hại thì tôi nói không gây thiệt hại. Khi hỏi đến vấn đề về chất lượng máy thì tôi rút yêu cầu về lỗi lừa dối này vì tôi không muốn tạo cớ cho Konica Minolta và Sao Nam đưa ra yêu cầu giám định chất lượng máy để kéo dài vụ án.
Tôi không biết hai người phụ nữ, đại diện cho Konica Minolta, đến từ đâu. Những người tham dự phiên tòa có thể nhận ra sự lúng túng của họ trước các câu hòi chi tiết, sắc sảo của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn. Ông cầm “Hợp Đồng Nhà Phân Phối” hỏi từng chi tiết nhỏ trong hợp đồng để cho đại diện Konica Minolta giải thích. Hai Đại diện của Konica Minolta, thay nhau đứng lên ngồi xuống, trả lời mâu thuẫn, dối trá mà không biết ngượng. Câu hỏi “Khách hàng dùng cuối ghi trong Hợp Đồng Nhà Phân Phối này là ai” mà dám trả lời là “nhà phân phối Sao Nam” thì quả là quá coi thường người hỏi.
Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn đã hỏi hết phần của của ông với nhiều câu hỏi rất chi tiết, sắc sảo, xoay quanh những vấn đề cụ thể đã được nêu trong quyết định giám đốc thẩm. Phải là người am hiểu cả kinh tế và pháp luật thì mới có thể hỏi ra những câu hỏi như thế. Đến phần cuối cùng, ông hỏi về giấy phép của Konica Minolta về việc nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ các máy in này vào thị trường Việt Nam. Tôi có cảm giác ông đã chạm đến vấn đề mà tôi và Luật sư Đoàn Khắc Độ đã trao đổi về giấy phép nhập khẩu các chiếc máy in này chưa tiện đề cập.
Sau khi Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn hỏi thì Thẩm phán Hoàng Thị Bích Thảo có hỏi thêm tôi hai câu hỏi về click charge. Tôi đã trả lời nhanh gọn. Phiên tòa đã kéo dài đến 17 giờ 45 mà không một lần giải lao. Hội đồng xét xử đã hội ý và quyết định tạm ngừng phiên tòa và ấn định thời gian mở lại phiên tòa là lúc 8 giờ 30 phút ngày 06/05/2021.
Có lẽ chưa có vụ án kinh doanh thương mại nào mà phúc thẩm phải kéo dài như vụ án này. Nhưng tôi rất hài lòng vì tôi mong muốn tòa án làm rõ sự thật, thận trọng trước khi đưa ra phán quyết, vì sau bản án này là danh dự, tài sản và số phận của con người. “Sự thật chỉ có một”. Ai sai thì người đó phải chịu trách nhiệm. Đó là công lý. Câu nói “sự thật chỉ có một” của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn đã gieo trong tôi một niềm tin là tôi sẽ đòi được công lý.
Rời phiên tòa, tôi và các luật sư, cùng bè bạn ra quán Hội Ngộ để “lai rai vài ve khoe thành tích”. Đặng Mai Diệu cũng đến để hỏi kết quả. Các bạn của tôi đều khen Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn rất điềm đạm và có những câu hỏi “quá sắc bén”./.
Bình luận