Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

8. Trở Về Một Túp Lều Tranh.

Chúng tôi đi tàu hỏa đến Vinh thì dừng vì cụt đường, chuyển sang đi xe liên vận. Tôi cũng không biết vì sao lại gọi những chiếc xe ô tô Trường Sơn này là xe liên vận. Có lẽ, do nó được dùng để chạy nối đường tàu hỏa từ Vinh vào Nam. Tôi bị say xăng xe nhưng không tranh nhau ngồi phía trước hóng gió mà vẫn cố thủ ngồi trong thùng xe để được ở bên em Ngô Thị M.Q. Tôi ngồi làm gối tựa cho em ngủ. Tôi như được sống trong mộng, cảm nhận mình đã trưởng thành, và lờ mờ hình dung về một đời sống lứa đôi. Tôi hy vọng rằng, chúng tôi sẽ cùng vào học nội trú, sống gần nhau như những ngày trên đất Bắc. Xe về đến Nam Ô thì dừng. Tôi có cảm giác xe chạy quá nhanh mà đường thì quá ngắn. Tôi bịn rịn chia tay em và tự nhủ “Tam tứ núi cũng trèo, ngủ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua”.
Huyện Đại Lộc cử anh Hùng lái chiếc xe GMC ra Nam Ô để đón mỗi mình tôi với gia tài là một chiếc vali đựng vài bộ quần áo cũ. Tôi ở lại huyện gần cả tuần. Nóng ruột, trông về nhà nhưng phải chờ đi nhờ xe GMC chạy chuyến An Điềm.
Về đến quê, vừa xuống xe, chưa kịp vào nhà, tôi đã gặp ngay em Thái Thị Niên – con gái của của cô ruột tôi, đang trên đường đi chợ về. Gặp tôi, em Niên thả cái mủng xuống đất, vừa khóc vừa nói: “Chu choa anh Năm! anh đi chi mà đi dữ ác rứa anh Năm?. Em nghe nói anh theo Việt Cọng ra tới miền Bét hả anh Năm?”. Hắn vừa nói, vừa sờ vào người tôi, như là để xem tôi có bị sao không. Rồi em Niên theo tôi vào nhà.
Nhà là một túp lều với 8 tấm tranh dựng tạm trên những cột cây ngâu(*). Vách là những tấm nứa tạm bợ. Nó chưa đạt đến tầm mức gọi là “nhà tranh, vách nứa”. Mẹ tôi đi vắng. Nhà trống quơ, không có một thứ gì. Trận Thượng Đức đã tàn phá tan tành, cháy sạch, xóa sạch cả nồi niêu xoong chảo. Mẹ tôi nhặt được một cái nồi làm nồi nấu cơm và cái ấm nhôm làm nổi nấu nước. Từ khu dồn bị cháy sạch, trở về làng cũ sau 10 năm bỏ hoang vu, nhà tôi không có gạo nấu. Để nhanh chóng có cái ăn, mẹ tôi phải trồng cà và khoai lang để trừ bữa.
Tôi để vali vào cái sạp tre rồi đi tìm mẹ. Ra gần đến ruộng thì gặp mẹ tôi trên đường về. Tôi kêu “mẹ!, con đây! Kim đây”. Mẹ tôi vừa khóc, vừa nói “Em Dũng chết rồi con ơi!”. Tôi cũng khóc. Mẹ nghĩ rằng tôi chưa biết tin em Dũng mất. Nhưng từ ngoài Bắc, tôi đã nhận được hung tin, em của tôi chết sốt rét vì chạy vào rừng sau trận Thượng Đức. Tôi đã khóc rất nhiều. Tôi nghiệp. Nó là đứa em út, đẹp trai nhất nhà, thông minh và hiếu thảo nữa. Em Dũng chết, mẹ tôi như người bị điên dại khá lâu.
Bữa tối đầu tiên ngày trở về với mẹ là bữa cơm bắp có độn sắn. Sau khi bới cơm ra một cái thau thì mẹ tôi mới lấy nồi ấy để nấu một nồi canh cà dĩa với lá lốt. Nhà chỉ có muối, không có mắm. Tôi hình dung nhà tôi nghèo nhất thôn Mậu Lâm. Mà thôn Mậu Lâm thì nghèo nhất xã Đại Lãnh. Xã Đại Lãnh này, vì trận Thượng Đức nên nghèo nhất nước. Nếu có cuộc thi nhà ai nghèo nhất nước thì nhà tôi sẽ đoạt giải nghèo nhất nước Việt Nam.
Với hoàn cảnh gia đình và quê hương như thế, tôi gần như không thể đi học. Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng là Đảng, Nhà nước sẽ sắp xếp cho chúng tôi vào trường nội trú như thầy Vĩnh Thọ đã thông báo cho chúng tôi trước ngày về Nam. Chúng tôi là hạt giống đỏ của miền Nam gieo trên đất Bắc, nhà nước sẽ tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng chứ không thể bỏ phí.
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar