Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

9. Tôi Như Con Nhạn Xa Bầy.

Ở nhà với mẹ chừng một tuần, tôi cảm thấy bứt rứt. Cuộc sống muôn vàn khó khăn đang bày ra trước mắt. Té ra, hòa bình rồi mà việc kiếm sống còn khó khăn hơn cả hồi chiến tranh. Những năm tháng chiến tranh, dân tản cư tứ tán, bỏ lại một vùng quê hoang hóa thành rừng. Sông suối, ao hồ sinh sôi nhiều cá, không ai đánh bắt. Các động vật hoang dã tràn về sống ở làng quê nhiều vô kể. Trái cây chín rụng nhưng không ai nhặt. Măng rau cũng nhiều. Tôi chỉ cần đi một buổi là có thể hái lượm, săn bắt, kiếm đủ thức ăn cho hàng chục người. Bây giờ hòa bình rồi, người dân tản cư khắp mọi miền đều háo hức trở về làng cũ, ngày càng đông – đông hơn cả hồi trước khi Mỹ qua. Đang thời kỳ tháo gỡ bom mìn, khai hoang vỡ hóa, dựng lại nhà cửa; chăn nuôi, trồng trọt chưa kịp đủ cái ăn nên người dân tranh nhau săn bắt, hái lượm. Chẳng mấy chốc, rừng bị phá, sông sạch cá vì người ta dùng thuốc nổ, lựu đạn để đánh cá. Tôi không biết làm gì để có cái ăn. Thêm một miệng ăn trong lúc khốn khó như thế này là gánh nặng cho mẹ tôi. Tôi áy náy vô cùng.
Tôi lại càng nhớ bạn, nhớ môi trường tập thể mà chúng tôi đã sống cùng nhau trên đất Bắc. Ở đó, tuy thiếu thốn nhưng chúng tôi không phải lo bữa ăn. Hàng ngày, buổi sáng, chúng tôi lên lớp nghe giảng bài. Buổi chiều, chúng tôi tự học theo giờ giấc cố định, có sự giám sát của tập thể lớp. Hết giờ học, chúng tôi tập văn nghệ hoặc chơi thể thao. Có những hôm trời mưa rả rích, giá lạnh, chúng tôi, đứa nằm đứa ngồi, bốc phét đủ thứ chuyện trên đời để quên cơn đói và chờ đến bữa. Cuộc sống cũng thật là thú vị. Sống tập thể, học hỏi từ bạn bè tứ phương nên chúng tôi khôn ra khá nhanh. Giờ đây, sống xa tập thể, không có bạn, tôi như con nai lạc đàn, ngơ ngác giữa chốn đồng bằng.
Do vậy, tôi bỏ nhà ra đi. Đi bụi để tìm gặp lại những thằng bạn học sinh miền Nam của tôi. Không có phương tiện, không có tiền nên tôi chỉ có thể đi bộ để tìm bạn. Tôi đã có kinh nghiệm đi bụi cấp miền – miền Bắc. Lần này, đi bộ, tôi chỉ có thể đi bụi cấp huyện, nghĩa là quanh quẩn trong huyện hoặc ra khỏi huyện một tí, nên cũng dễ dàng hơn.
Tôi đi bộ xuống Hà Thanh gặp thằng Hiển, ở lại với nó một đêm, nghe hết hoàn cảnh của nó sau ngày trở về Nam. Qua Đại Thắng thăm thằng Mận, ở với nó mấy ngày, cùng với nó đi cuốc đất khô. Đến thôn Ô Gia Bắc, xã Đại Cường thăm thằng Trung. Trung mồ côi cha mẹ, về Nam ở với bà nội đã già, rất khó khăn. Tôi ở nhà nó, đi cuốc đất với nó vài hôm rồi đi. Qua bến đò Quảng Đợi, đi ngược lên đến Xuyên Hòa, vào nhà Phan Năm. Phan Năm còn gọi là Năm Già vì lớn tuổi nhất lớp tôi. Hồi ở K90, tôi và Phan Năm cùng bị xếp vào diện “thiếu ý thức tổ chức kỷ luật” nên chúng tôi dễ cảm thông với nhau, thương nhau. Ở với Phan Năm vài ngày, đi tát cá, rồi tôi đi tới nhà các bạn khác. Cứ thế, tôi đi được khá nhiều, chứng kiến được hoàn cảnh khó khăn của học sinh miền Nam thế hệ chúng tôi sau ngày trở về Nam.
Đi bụi cấp huyện như thế đâu chừng một tháng thì trôi trở về nhà. Lúc này, biết rằng, chúng tôi không còn được học tập trung nữa nên tôi đi nộp hồ sơ xin nhập học vào trường cấp 2 ở quê nhà. Khi về Nam, tôi đã học hết lớp 6 hệ 10 năm của miền Bắc, chỉ còn một năm học lớp 7 nữa là tôi sẽ hết cấp 2 nên tôi đăng ký học lớp 9 – lớp cuối cùng của cấp 2 hệ 12 năm. Nghĩa là, từ lớp 6 lên lớp 9, tôi đã phải học băng 2 lớp. Hầu hết các bạn tôi, từ lớp 6 vào lớp 8, mà học cũng đã đuối sức vì mất căn bản ở nhiều môn. Còn tôi, từ lớp 6 lên lớp 9, phải khó khăn hơn rất nhiều. Nhưng tôi không muốn học lớp 8, vì tôi mong học xong cấp 2 cho nhanh rồi xin đi làm cái gì đó để kiếm ăn, để báo hiếu cho mẹ. Mẹ tôi đã rất khổ vì chúng tôi.
Hằng ngày, tôi đi học, nhiều lúc như đứa trẻ vô hồn vì chiều nay nhà hết gạo. Nhiều hôm, tôi phải nghỉ học để đi rừng đốn củi, chặt cây, đóng bè thả trôi sông xuống Hà Nha, có khi xuống đến thị trấn Ái Nghĩa, để bán lấy tiền mua gạo, mua mắm. Tôi thường nghỉ học, thường bị cô Thái, cô giáo dạy toán và là cô giáo chủ nhiệm lớp 9 của tôi, phê bình vì tôi không biết vẽ đồ thị và không biết lập và giải bài toán bằng phương trình bậc hai. Mất căn bản ở tất cả các môn tự nhiên như toán, lý, hóa, lại phải vừa học vừa mưu sinh, tôi không có thời gian tự học để lấp kiến thức bị trống. Trong lớp, có hai anh học sinh miền Nam đã hết lớp 7 miền Bắc, vào học lớp 9 cùng với tôi nhưng chỉ học chừng một tháng là bị đuối, phải bỏ học, để đăng ký đi công an. Nhiều bạn xầm xì “Bọn học sinh miền Bắc học dốt lắm”. Mà không dốt sao được. Đã thất học vì chiến tranh, ra miền Bắc học gấp, mỗi năm học 2 lớp, có bạn phải học mỗi năm 3 lớp. Về Nam lại học lên theo hệ 12 năm. Chương trình khác, môi trường khác, bạn bè khác, làm cho nhiều bạn học sinh miền Nam thế hệ chúng tôi đã bỏ học, rẽ ngoặc cuộc đời.
Tôi trở thành người trơ trọi, học kém, hụt hẫng giữa các bạn học hệ 12 năm của chương trình Việt Nam Cộng Hòa. Lúc này, các bạn cùng lớp gọi tôi là học sinh miền Bắc. Ở miền Bắc thì chúng tôi được gọi là học sinh miền Nam. Còn bây giờ, trở về miền Nam thì chúng tôi được gọi là học sinh miền Bắc. Không có bạn cùng hoàn cảnh, tôi đã trở thành kẻ cô đơn, trơ trọi như con chim xa bầy trong cơn giông bão của cuộc đời. Tôi lại càng thấm thía những dòng thơ mà Nguyễn Văn Thành, bạn cùng lớp 6B, quê ở Bình Định, đã viết vào quyển lưu bút của tôi trước ngày tiễn tôi về Nam:
“Sống không bạn như diều không gặp gió
Như vần thơ trong mạch máu cạn dần
Như con thuyền giữa biển cả mênh mông
Sóng xô mãi có ngày tan vỡ !
* *
Tình bạn chúng ta đẹp biết bao
Trong trắng hồn nhiên tựa cành đào
Tình bạn bao năm xây lý tưởng
Tình bạn chan hòa tựa ánh sao…”
Không còn được học tập trong môi trường ưu việt của HSMN, không có bạn cùng hoàn cảnh, tôi vẫn phải tiến lên phía trước bằng con đường đi học. Tôi phải cố gắng học giỏi để mẹ tôi được hãnh diện. Tôi phải học giỏi để xứng đáng với những người đã chở che đùm bọc tôi, đã hy sinh cả mạng sống để tôi được đi học. Và tôi cũng phải học giỏi để xoá đi sự dị nghị xầm xì “học sinh miền Bắc học dốt lắm” của các bạn mới này.
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar