Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

Phần bốn : Trăn Trở Sau Chuyến Đi

Nếu ông từ nơi đau khổ ấy bước ra với tư tưởng hằn thù và căm giận đối với người đời, ông là người đáng thương; nhưng nếu ông từ đó bước ra với những tư tưởng độ lượng và hiền hòa, thì chúng tôi không ai bằng ông được.

(Lời giám mục Mirien nói với Giăng Vangiăng – người vừa chịu 19 năm khổ sai.)

  1. CON ĐƯỜNG MÀ HẮN ĐÃ ĐI QUA

Năm 1996, trong một chuyến đi tìm kế mưu sinh ở tỉnh Bình Phước, hắn từ Đồng Xoài về Sài Gòn qua ngã Chơn Thành bằng xe gắn máy. Giữa cảnh núi đồi trùng điệp hiu quạnh, xa xa bên tay trái có một ngôi nhà dài. Hắn tò mò rẽ vào. Đang trưa, trời nắng chang chang, có ba người đàn ông và sáu phụ nữ đang hì hục khai mương dẫn nước. Hỏi ra, hắn được biết đây là công trình dẫn nước để trồng mãng cầu Xiêm và nhãn của một người đàn ông Đài Loan, trong số ba người đàn ông này. Những gì họ đang làm là rất đơn giản, vốn đầu tư không quá vài chục ngàn đô la, nhưng đã để lại trong lòng hắn câu hỏi lớn.

Tại sao người Việt lại làm thuê trên chính mảnh đất của mình? Ban đầu, hắn nghĩ rằng người Đài Loan này trồng cây trái để xuất khẩu mà dân hắn thì không biết xuất đi đâu nên phải cho thuê đất, rồi lại làm thuê trên chính mảnh đất của họ. Chuyến sau, rồi chuyến sau nữa, hắn quay lại tìm hiểu thì biết rằng người Đài Loan kia đã xuất trái cây đến “Hồng Kông bên hông Chợ Lớn”, nghĩa là anh ta chỉ bán những trái cây kia cho người Việt Nam, chủ yếu là bán ở Sài Gòn. Không riêng gì trường hợp người đàn ông Đài Loan này, nhiều người nước ngoài đến quê hương hắn, thuê đất, thuê đồng bào hắn làm, rồi bán lại sản phẩm trên quê hương hắn. Sau khi trả đủ các chi phí, họ chuyển một phần về nước. Phần dư khác, họ mua vui trên quê hương hắn. Chứng kiến những trường hợp này, hắn trăn trở. Quan sát, hắn thấy một số người cho thuê mặt bằng để người khác kinh doanh rồi làm thuê trong chính ngôi nhà của mình. Có thể có nhiều lý do giải thích nhưng không có lý do nào thuyết phục bằng lý do là bà con hắn không biết làm chủ trên mảnh đất của họ. Hắn cũng vậy thôi.

Hắn được dạy dỗ để “đi bất cứ nơi đâu khi tổ quốc cần”, chứ cần mần cái chi thì hắn không biết. Sau nhiều năm mài đũng quần trên ghế nhà trường, hắn được đi làm bằng một quyết định phân công của trường. Hắn được phân làm công tác nghiên cứu. Nghe thì oai như viện sĩ nhưng suốt ngày chủ yếu chỉ tán dóc, hót, rồi quần tam tụ ngũ, sát cẩu hại kê, la cà ở quán cho hết giờ. Kinh tế thị trường là cái giản dị, người ta đã qua mấy trăm năm, nhưng ở viện của hắn thì phải làm thành kế hoạch đề tài nghiên cứu với kinh phí hàng tỷ đồng. Lương ít lắm nhưng không tiêu cực được. Hắn muốn tiêu sướng nên bỏ đi. Đi kiếm chỗ nào có màu. Nhưng ruồi ít mật nhiều, cá tính hắn không tranh nổi những chỗ như thế. Hắn ra chợ. Mua mua bán bán một hồi, khá. Hắn ngộ ra: “Ngó vậy mà hay”. Hắn vừa làm vừa học, tự thay đổi bản thân thành thương gia lúc nào không biết. Cái tính hống hách, nộ nạt hình thành từ những ngày là viên chức, làm ông cố nội người ta, giờ đây bỗng dưng biến mất. Coi khách hàng là thượng đế, hắn dịu dàng lúc nào chẳng hay. Từ buôn bán, hắn đã đi đến sản xuất ra cái để bán. Hắn gọi con đường mà hắn đã đi qua là từ thương gia đến doanh gia. Bây giờ, đến Mỹ, hắn cũng tính làm hai loại gia. Gia trước đi trước, gia sau đi sau. Hắn đã có mười năm kinh nghiệm đau thương. Phải mua bán thì mới biết thị trường cần cái gì để từ đó sản xuất theo cho phù hợp. Muốn sản xuất vải phù hợp thị hiếu phải có đại lý vải ở chợ Soái Kình Lâm. Muốn sản xuất vật liệu xây dựng phù hợp, phải có đại lý ở đường Lý Thường Kiệt. Không ra chợ, sẽ không biết sản xuất cái gì có thể bán được. Ông Tân – Thành Nghĩa rất khôn. Ông mở siêu thị, nhận hàng về bán rồi coi mặt hàng nào bán chạy, tổ chức sản xuất để bán. Với cách làm đó, không có đường thua. Giàu là phải. Hắn cũng tính bắt đầu từ mua mua bán bán với chợ Mỹ.

Hơn thế nữa, hắn còn nhận ra rằng, bằng cách buôn bán này, cha con hắn sẽ học được cái khôn của “con đường tơ lụa” ngày xưa. Những thương gia, với đàn lạc đà thồ những lô hàng, đã xuyên thủng qua tất cả các pháo đài phong kiến cát cứ từ Âu sang Á – mà những pháo đài này – không một binh đoàn nào có thể vượt qua nổi. Người thương gia đã mang những tiến bộ khoa học và ánh sáng văn minh gieo trồng trên khắp mọi miền mà họ đã đặt chân qua. Chính vì thiếu bước chân thương gia mà cha ông hắn không có nhiều thông tin để chọn cái gì khác cây lúa.

Hắn vô tình làm thương gia sau khi đã làm “gà công nghiệp” trong một thời gian quá dài. Bây giờ nhận ra đã là rất muộn. Nhưng muộn còn hơn không.

Hắn đã hỏi nhiều sinh viên về lý do chọn ngành học rồi rút ra kết luận: “Sinh viên chọn ngành nào là nhằm mục đích làm thuê cho nước ngoài hoặc làm công chức ở những cơ quan nào có thể tham nhũng”. Rất ít em chọn học làm doanh gia. Tương lai đất nước dựa vào thế hệ trẻ, đặc biệt là sinh viên. Vậy mà, phần lớn sinh viên lại chọn con đường “vinh thân phì da” thì những người lam lũ, ít học biết dựa vào đâu?

Hắn nghĩ rằng, quê hương rất cần có tầng lớp doanh gia để làm đối tác với doanh gia nước ngoài. Nhìn thấy Hon-Đa, Tô-zô-ta (Toyota) người ta nghĩ ngay đến nước Nhật. Nói đến Sam sung, người ta nghĩ ngay đến Hàn Quốc. Mỗi quốc gia có những sản phẩm thế mạnh để trao đổi bình đẳng với thế giới còn lại. Sản phẩm trở thành thương hiệu quốc gia. Việt Nam có lực lượng lao động làm thuê, rẻ! Thương hiệu “lực lượng lao động làm thuê rẻ” làm hắn rất buồn và ưu tư. Một vấn đề làm hắn nhức nhối là gia công cho nước ngoài. Nhiều ngành hàng – như may mặc chẳng hạn, giá gia công rất thấp; vải, phụ liệu may cũng không bao nhiêu so với giá bán thành phẩm trên thị trường quốc tế. Việc đơn giản, không thiếu vốn nhưng sau rất nhiều năm quê hương hắn cũng không thoát được cảnh quần quật gia công. Rõ ràng, xứ sở hắn rất thiếu thương gia – đặc biệt là thương gia quốc tế. Gỉa sử, có thương gia nào tìm cách bán được kẹo dừa Bến Tre ra thị trường thế giới, đặc biệt thị trường Mỹ hay Trung Quốc thì sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm, thu nhập cao cho cả vùng rộng lớn. Có cái để làm để bán thì không ai phải bán cái đau lòng.

Vấn đề không chỉ ở chỗ mưu sinh mà qua con đường doanh gia, thế hệ trẻ sẽ tiếp thu văn minh nhân loại dễ dàng hơn, thực tiễn hơn, ít bảo thủ hơn. Con đường tơ lụa trong thời đại mới không chỉ là con đường mưu sinh mà còn là con đường giao lưu văn hóa, khoa học, góp phần rất lớn vào sự nghiệp “khai dân trí, chấn dân khí” mà Phan Châu Trinh đã tiến hành dang dở. Không được giao lưu, chỉ sống trong ao tù nước đọng thì sớm hay muộn cũng bị bỏ lại phía sau, lùi dần vào nơi hang sâu cùng cốc để rồi chịu số phận bị tiêu diệt. Tất nhiên, con đường doanh gia là con đường gian nan, vất vả, lắm khi mệt mỏi, nhắm mắt xuôi tay. Nhưng mỗi cuộc đời là một con đường. Con đường mở ra không phải để cho ta an giấc mà để cho ta bước đi trên đó. Đây là con đường không tiếng súng nhưng là con đường đòi hỏi sự kiên trì dấn thân bền bỉ với tư duy “thương trường như chiến trường”.

Nếu cha ông hắn sớm làm doanh gia chứ không chỉ “làm thơ và đánh giặc” thì không đến nỗi giờ này, đi ra thế giới, hầu hết con cháu phải làm thuê mướn.

  1. TỪ LÀM TỚI GIÀU

Có nhiều con đường để trở thành người Nhiều Tiền. Nhưng người Nhiều Tiền cũng chưa hẳn đã thành người Giàu. Trúng số hoặc “phân lô bán nền” cũng sẽ có nhiều tiền. Nhưng để trở thành người Giàu với đầy đủ ý nghĩa của từ này thì còn phải đi con đường khá xa, có khi chưa hết đời mà ta đã hết tiền, chứ không thể thành người Giàu. Người Giàu có nếp nghĩ, cách sinh hoạt, cách hành xử lâu ngày thành bản năng. Họ sinh sống trong cộng đồng người Giàu, có những bạn bè người Giàu để học và chơi. Họ sinh sống trong sự giàu có như là trong môi trường tự nhiên của họ. Người bổng dưng Nhiều Tiền không thể có được môi trường của người Giàu. Nếp nghĩ, cách hành xử cũng khác. Tiền nhiều bất chợt làm họ mất ngủ, có khi còn mang tai họa đến cho họ.

Người Giàu cũng rất khác với người Làm Giàu. Có người nhờ thừa kế tài sản – như giới quý tộc châu Âu chẳng hạn – mà trở thành người Giàu. Tuy nhiên, người Giàu mà không Làm thì không có những trải nghiệm của người Làm Giàu. Nếu gặp biến cố, phá sản, người Giàu mà không Làm sẽ vĩnh viễn rơi xuống đáy, vô phương gượng dậy; người Làm Giàu sẽ dựng lại cơ nghiệp dễ như lấy đồ trong túi.

Sau chiến tranh thế giới thứ Hai, nước Nhật bị thua trận tan hoang nhưng trong khoảng thời gian ngắn, họ đã dựng lại một nước Nhật giàu có, hùng cường. Bởi lẽ, trước chiến tranh, họ đã biết làm giàu. Họ đã chế tạo được máy bay, tàu chiến để chọi nhau với Mỹ, với Nga. Họ có những con người đã làm qua.

Năm 1949, Đài Loan tiếp nhận một lượng lớn những người đã từng làm giàu từ Hoa Lục. Chính những người đã từng làm giàu chạy trốn Mao, với hai bàn tay trắng, mang theo chất xám, đã góp phần quyết định vào việc xây dựng Đài Loan thành một trong bốn con rồng châu Á.

Việt Nam thống nhất, hòa bình đã ba mươi sáu năm nhưng vẫn nghèo với một xã hội được tổ chức và quản lý rất kém. Không phải vì chiến tranh sinh ra tụt hậu mà vì ta chưa bao giờ Làm qua, chưa bao giờ Giàu qua. Tụt hậu là từ đời ông cha ta cho đến đời ta. Quê ta chỉ biết trồng lúa, ăn của viện trợ thì sau chiến tranh cũng chỉ đi xa hơn trồng lúa một tí. Vì vậy, cái cần nhất để lại cho thế hệ sau là cách Làm Giàu chứ không phải Của Cải.

Mấy ngày nay nước Nhật gặp thảm họa động đất, song thần, gây nên cảnh đổ nát tan hoang. Cả thế giới dõi theo với sự cảm thông, chia sẻ, đồng thời ngưỡng mộ dân tộc Nhật. “ Gia bần tri hiếu tử, nước loạn mới biết trung thần”. Trong bối cảnh hoạn nạn này, người Nhật càng bộc lộ những phẩm chất mà chúng ta phải phấn đấu bền bỉ, mất nhiều thế hệ mới hy vọng có thể vươn tới. Tiền bay lả tả không ai nhặt. Em bé chín tuổi mất cha, mất mẹ, đói lả, xếp hàng lãnh phần ăn, nhưng khi chưa đến lượt mà có người đột nhiên cho phần ăn thì em mang lên nộp để phân phát chung, rồi quay về vị trí cũ xếp hàng chờ. Với những con người ấy, dân tộc Nhật vượt qua thảm họa dễ hơn chúng ta giải quyết nạn kẹt xe, vứt rác bừa bãi! Dân tộc Nhật không chỉ giàu về của cải mà họ còn rất giàu về văn hóa. Nhờ văn hóa, họ làm giàu và đồng thời nhờ làm giàu mà họ hình thành văn hóa của người làm giàu đã mấy trăm năm nay.

Phải Làm Giàu thì mới tạo ra thói quen của người Làm Giàu. Phải Làm thì mới tìm ra cách Làm và sản sinh ra văn hóa Làm. Điều quan trọng là phải để lại cho thế hệ sau cách Làm Giàu và văn hóa Làm Giàu. Không Làm mà Giàu thì chỉ cần một cơn gió nhỏ là quét sạch của cải, vĩnh viễn không gượng dậy được. Ông Đặng Tiểu Bình là người có câu nói nổi tiếng “Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”, nhưng khi đến Thẩm Quyến lại quảng bá “Làm Giàu là vinh quang” chứ không nói “Giàu là vinh quang”.

  1. NĂM LÚA GIẬN PHAN CHÂU TRINH
Cụ Phan Châu Trinh đề ra khẩu hiệu “khai dân trí”. Hắn hỏi tại sao phải “khai dân Trí”, rồi tự trả lời “tại mi Ngu”. Tại sao phải “chấn dân Khí”?, “tại mi Hèn”. Tại sao phải “hậu dân Sinh”? “Tại mi Đói”. Hắn giận cụ Phan Châu Trinh này đã xúc phạm đến tổ tông nhà hắn là “Ngu, Hèn, Đói.”, nên hắn phải suy nghĩ để cãi và để đừng bao giờ bị xúc phạm như thế này nữa. Hắn lần lại lịch sử.
Năm 1858, người Pháp tấn công vào Đà Nẵng. Không bất ngờ. Tuy ông cha hắn cầm cự được ở Đà Nẵng, nhưng không giữ được Gia Định, sau đó, vẫn phải chịu mất nước như là một định mệnh. Với trí tuệ người làm lúa, thấm nhuần tứ thư ngũ kinh, Cụ Phan Thanh Giản khổ đau ký hòa ước, lần lượt nhượng hết ba tỉnh miền Đông, rồi miền Tây cho Pháp.
Chỉ với hơn một đại đội mà Gac-ni-ê đánh Hà Thành, Nguyễn Tri Phương bị thương rồi phải nhịn ăn mà chết. Cũng chỉ chưa đến một tiểu đoàn mà Ri-vi-ê lấy được Hà Thành lần hai, Hoàng Diệu vô phương chống đỡ, phải thắt cổ tự tử. Ông cha hắn đã dùng cung tên để đối chọi với đạn đồng, đại bác; lấy tình yêu để đối chọi với khoa học, văn minh phương Tây. Chỉ chết nhiều chứ chẳng làm được gì ai thì hoảng quá “vái lạy tứ phương”. Cụ Nguyễn Thiện Thuật rời chiến khu Bãi Sậy để qua Tàu. Cụ Phan Bội Châu qua Nhật. Ai cũng mong có chỗ bấu víu, giúp đỡ dân tộc Việt Nam giành lại nước. Nhưng không ai đủ sáng suốt để nhận ra nguyên nhân mất nước và cách lấy lại nước.
Cụ Phan Châu Trinh đã lặn lội gặp hầu hết các sĩ phu thời bấy giờ để đàm đạo, ngõ hầu tìm ra con đường sống cho dân tộc Việt Nam. Cụ Phan lặn lội lên chiến khu Yên Thế để tìm hiểu về công cuộc kháng Pháp của cụ Hoàng Hoa Thám rồi kết luận: “Cụ Thám không thể thắng Pháp, nhưng nếu đánh đuổi được người Pháp rồi thì cụ cũng làm vua, dân tộc Việt Nam vẫn phải chịu ách phong kiến”. Cụ Phan Chu Trinh lặn lội qua Nhật gặp Cụ Phan Bội Châu, rồi rút ra kết luận: “Cầu viện Nhật để đánh Pháp là đuổi voi cửa trước, rước hùm cửa sau, cầu làm gì. Khi có đủ điều kiện thì Nhật cũng qua lấy nước mình thôi”. Quả thật, những gì diễn ra sau đó, chứng tỏ Cụ Phan Châu Trinh cực kỳ sáng suốt. Ông có cái nhìn vượt thời đại. Năm 1945, Nhật đã hất cẳng Pháp để độc chiếm nước ta.
Cụ Phan Châu Trinh đi tìm nguyên nhân mất nước, nguyên nhân nô lệ trong cơ thể dân tộc. Cụ gọi đó là bệnh dân tộc. Điều trị bệnh, phải tìm nguyên nhân và điều trị nguyên nhân chứ không thể chữa trị triệu chứng như bao nhiêu sĩ phu khác đã hô hào. Dân mình dốt nên phải Khai dân trí. Dân mình hèn nên Chấn dân khí. Dân mình đói nên phải Hậu dân sinh – Tức là, phải làm cho dân sinh giàu có, hùng hậu. Với dân tộc kém cõi thế này thì chưa đánh nhau được với Pháp. Đánh là chết hết dân. Chết hết dân thì nước đâu còn ý nghĩa gì. Mà nếu thành công thì sẽ ngồi lại với nhau giành ăn chứ khó mà xây được xã hội mới lấp vào sự tụt hậu. Cụ xướng Duy Tân, cắt tóc ngắn, mặc âu phục, lập hội buôn, đánh đổ quân chủ, xây dựng cộng hòa. Phong trào Duy Tân đã tạo nên thế hệ vàng mà giờ đây nhìn lại như là những cây cao bóng cả, con cháu chưa đủ phúc để vượt qua.
Mặc cho bão táp mưa sa; mặc cho búa rìu dư luận; mặc cho tù tội và án tử cận kề; bất chấp mọi thủ đoạn của mọi loại kẻ thù; “cái trách nhậm nòi giống của dân tộc Việt Nam, tôi không nhường cho ai được cả” (trích thư trả lời Anh Đông). Con người ấy, với tình yêu ấy, dành cả đời để viết ra khẩu hiệu “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh” thì phải đáng để con cháu đem ra bàn luận rồi theo đó mà làm. Ai đã trải qua đau thương, ‘được mất bại thành bỗng chốc hóa hư không’ thì sẽ nhận ra từ chuyện cá nhân đến chuyện đại sự quốc gia, cụ Phan Châu Trinh đã đúng. Cụ Phan Châu Trinh đã kịch liệt phê phán tệ sùng bái ngoại quốc của người Việt Nam đương thời. Việc của mình không lo suy tính tự làm mà cứ chăm ngắm vào “vái lạy tứ phương” để cầu viện; Cụ đã lo lắng cảnh báo những người có lòng với nước đang học châu Âu lúc bấy giờ: “Hay là trước học Tàu là ông đồ hủ nho, nay học Tây là ông đồ hủ Âu mà thôi”, “Các anh bước tới một bước là dân nhờ một bước, các anh lạc một khoảng đường, thì nước nhà lại bị nhận chìm mấy lần địa ngục!”. Mặc khác, cụ cũng chỉ ra nguyên nhân của bệnh bài ngoại hoặc ỷ ngoại cực đoan: “Người nước Nam ngu yếu mà thích tự cho là lớn, lại coi người khác là ngu, cho nên thích bài ngoại;…Người nước Nam ngu yếu mà không biết sửa sang bên trong, phần nhiều cậy sức người khác để được mạnh, cho nên thích ỷ ngoại”.
Cụ Phan Châu Trinh không nịnh dân như một số nhà chính trị khác. Chỉ có Phan Châu Trinh nói “dân mình dốt”, “dân mình hèn” mà dân không giận. Đám tang cụ Phan Châu Trinh là quốc tang lớn đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Quốc tang của cụ Phan diễn ra không theo chỉ thị của bất cứ ai ngoài lòng yêu nước thu7o7ngno2i của mỗi người dân Việt Nam.
Hắn giận cụ Phan Châu Trinh và bây giờ vẫn còn giận. Vì giận nên hắn cố gắng không để cho người ta “Khai’ hay “Chấn” hắn nữa. Giận thì giận mà thương thì thương. Hắn đang thờ Cụ Phan Chu Trinh. Thờ trong lòng hắn và thờ ở nơi nào mà hắn có thể. Hắn đang thờ cụ ở nơi đang mua mua bán bán của hắn.
Mặc dù cúi đầu bái phục cụ Phan Châu Trinh nhưng hắn vẫn tìm ra chỗ để cãi với cụ.
Cụ Phan Châu Trinh đưa ra thứ tự ưu tiên: “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh”, còn hắn thì nghĩ phải ngược lại: “Hậu dân sinh, Chấn dân khí, Khai dân trí”. Cụ Phan không phải sống trong thời kỳ bao cấp như hắn nên không biết thế nào là “mất sổ gạo”. Hắn đã từng bị cắt sổ gạo, phải bỏ học đi lang thang, kiếm ăn không ra, nên hắn biết lâm vào tình cảnh này thì miễn bàn chuyện “trí” hay “khí”. Vì vậy, hắn đề xuất trước hết phải “hậu dân sinh” (Hậu là dày). Hắn cũng đã gặp nhiều cây đa, cây đề, học hành đủ mọi loại bằng cấp nhưng khi đụng chuyện đáng nói thì không dám nói; đụng chuyện đáng làm thì không dám làm. Có khi nói nịnh, làm bậy để được vinh thân phì gia. Học làm gì? Trí làm gì? Hơn nữa, ông bà ta nói khai tâm mở trí – tức là khai tâm trước, mở trí sau. Nguyễn Du cũng đã đúc kết trong truyện Kiều “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Từ tâm mà sinh ra khí. Tài sinh ra trí. Vì vậy, hắn đề xuất “Chấn dân khí” phải ưu tiên trước “Khai dân trí”.
Đốt hương, khấu đầu kính bái trước vong linh cụ Phan, cho con – hậu duệ sinh ra trên đất lúa Khu Năm, tự xưng là Năm Lúa có tính vùng miền – sửa lại câu khẩu hiệu của cụ thành “Hậu dân sinh, Chấn dân khí, Khai dân trí” cho phù hợp với đời con. Chắc dưới suối vàng cụ cũng an lòng, mỉm cười gật đầu thầm mong: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Con nguyện tiếp tục sứ mạng của cụ đối với giống nòi bằng con đường phù hợp với hoàn cảnh của thế hệ chúng con.
  1. BIẾN HỌA THÀNH PHÚC

Một lần mang họa

Trịnh Nguyễn phân tranh gây ra cảnh “nồi da nấu thịt”. Gần hai trăm năm chia cắt, Chúa Trịnh đã sáu lần đem quân vào Nam, Chúa Nguyễn đã một lần đem quân ra Bắc với cùng khẩu  hiệu “phò Lê” để tiêu diệt lẫn nhau. Không bên nào dám xưng vương và cũng không bên nào thắng. Chỉ có nhân dân là phải chịu nhiều đau khổ, chết chóc. Tai họa này đã đẩy một bộ phận lớn dân tộc Việt đi vào phía Nam để khai phá vùng đất mới. Giờ đây, ông cha ta để lại cho cháu con vùng đất Nam Bộ trù phú làm thế ỷ dốc cho sự tồn vong của giống nòi. Mỗi năm xuất khẩu được hơn năm triệu tấn gạo là chủ yếu nhờ có vùng đất trời phú  mới khai phá này. Họa đã biến thành Phúc.

Hai lần mang họa

Số  phận thật trớ true, một lần nữa chiến tranh đã xô đẩy gần ba triệu người Việt ra đi đến những nước văn minh, đặc biệt khoảng hai triệu người Việt đến cường quốc Mỹ. Đau khổ là không kể xiết nhưng nhìn về lâu dài thì đây là phúc cho con cháu. Tác động của kiều bào đối với người Việt trong nước là không thể ngăn cản và không thể cân đong đo đếm. Sau năm 1945 với số người Việt ít ỏi du học ở Pháp về, cha anh hắn đã giành được độc lập rồi đi vào cuộc kháng chiến đầy tự tin. Trần Đại Nghĩa đã mang kiến thức Pháp về giúp dân Việt Nam chế tạo Ba-dô-ca bắn chìm tàu Pháp trên sông Lô. Kỹ sư Lê Tâm đã giúp cho Nam Bộ có xưởng vũ khí. Nhờ du học, cha anh hắn đã thay cung tên giáo mác bằng tiểu liên, đại bác. Ngày nay  với số người Việt đông đảo ở nước ngoài, Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc hội nhập với thế giới văn minh hiện đại để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Những ngày chu du trên đất Mỹ là những ngày hắn cảm nhận được cái phúc mà con cháu sẽ được hưởng sau tai họa chiến tranh, ly hương. Hắn chưa biết gì về thị trường Mỹ, văn hóa Mỹ và cách làm ăn ở Mỹ. Khởi điểm là dựa vào người Việt đang sinh sống và làm việc trên đất Mỹ. Biến hoạ thành phúc. Hắn và con cháu đang hưởng phúc và sẽ hưởng phúc.

  1. Trải nghiệm của Năm Lúa
  1. Trải nghiệm một: Tình yêu là dòm không thấy.

Hồi nhỏ, lần đầu tiên nhìn qua ống dòm, hắn không biết ống dòm là cái chi nên gọi là cái xa thấy gần, xa thấy gần. Rồi hắn gọi cái ống dòm là dòm đâu cũng thấy, cái gì cũng thấy. Sau chuyến đi Mỹ về, kiểm tra lại thì hắn nhận ra, bây giờ Mỹ hiện đại hơn xưa nhiều lắm. Mỹ rọi thấy được tim gan phèo phổi của hắn. Mỹ có thể dùng vệ tinh quan sát thấy hắn đứng đái bên vệ đường xuyên sa mạc Nê-va-đa. Mỹ có thể bắn một phát bể đít một tên khủng bố ở tận Châu Phi. Nhưng Mỹ không thể dòm thấy được tình yêu trong lòng hắn. Vì không dòm thấy được tình yêu trong lòng hắn nên Mỹ chơi với hắn, cho hắn quà mà không ngờ hắn lấy ống dòm cho du kích. Bin-La-Đen thực hiện được vụ khủng bố bằng cách cử người  không mang theo vũ khí vào Mỹ, cướp máy bay Mỹ, thực hiện vụ khủng bố vô tiền khoáng hậu. Máy móc Mỹ không rọi được tình yêu trong lòng những người cảm tử này. Từ trải nghiệm thực tế này, hắn phát minh ra: dòm đâu cũng thấy, cái gì cũng thấy nhưng dòm tình yêu là không thấy!

  1. Trải nghiệm hai: Tình yêu là free

FREEDOM IS NOT FREE. Sự tự do là không free. Vậy cái gì là free?. Chuyến đi Mỹ vừa rồi cho hắn thấy rõ không cái gì là free. Phỏng vấn, xin vi-da vào Mỹ phải mất một trăm bốn chục đô. Đến đâu tiền đó. Không trả trực tiếp- tiền trao cháo múc- thì trả qua thuế hay bảo hiểm. Trả đủ, sòng phẳng, thậm chí là trả nhiều đến phát ngợp. Xài tiền như Mỹ mà! Xứ hắn, bây giờ đã chuyển sang kinh tế thị trường nên cũng chơi theo Vê-đúp-tê-ô. “Không cái gì là free”. Nhưng hắn ngộ ra: “Tình yêu là free’’. Bài hát “…Tình cho không biếu không…không bán mua tình yêu…” đã xác nhận tình yêu là free. Vì tình yêu là free nên người ta có thể xài thoải mái “như nước trong nguồn chảy ra’’.

Khi đem trải nghiệm này trao đổi với nhà thơ Phi Long thì bị anh phản bác ngay. Anh cho rằng tình yêu đôi lứa là nhìn thấy, thậm chí dễ thấy. Dòm vào mắt là thấy ngay. Người đẹp xuất hiện là mắt chớp ngang, liếc ngữa thì khó gì mà dòm không thấy. Chỉ có tình yêu nước là dòm không thấy. Tình yêu nước là thâm trầm. Nhiều người đang sống bình thường, không thấy họ yêu nước chỗ mô, nhưng khi đụng chuyện là họ “ra đi, ra đi, bảo toàn sông núi”.

Tình yêu đôi lứa cũng không free. “Ông kiểm tra lại đi. Các người đẹp đều phải có tiền” – Anh Phi Long vừa nói, vừa cười.

Từ trải nghiệm bản thân và lời phản biện của anh Phi Long, hắn rút ra:

1.Tình yêu nước là dòm không thấy

2.Tình yêu nước là free.

Nhà thơ Phi Long đã đồng ý với hai kết luận này.

  1. Thư gửi Vương Thúy Kiều

Ngày tháng trôi qua, trong lòng ta mang nhiều kỷ niệm về tình yêu đằm thắm mà ta đã dành cho nàng suốt năm chục năm qua. Giờ đây, “gió heo may đã về”, tình yêu bồng bột thuở ban đầu đã nhường chỗ cho lý trí của con người đã “tri thiên mệnh”. Nhưng ta với nàng là tình nghĩa trăm năm. Ta trăn trở ngồi viết cho nàng. Ta không biết nên trách nàng hay trách trời đất sinh chi ra nàng để ta phải đau khổ vì yêu.

Dù qua bao bão táp mưa sa, giờ đây ta vẫn còn nhớ như in cái ngày định mệnh, nàng mang sắc đẹp một hai nghiêng nước nghiêng thành bỗng đâu lù lù xung phong Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha. Phải chi hôm đó, nàng không bán mình chuộc cha thì đâu đến nỗi gây bao tai họa cho muôn người.

Ta rất thông cảm với nỗi oan của cha nàng, khiến gia đình nàng phải lâm vào cảnh “người nách thước, kẻ tay dao/đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi” nhưng ta không chịu được việc nàng chủ mưu đưa hối lộ  để chuộc cha. Đối với bọn tham quan mà nàng đưa hối lộ là nàng góp phần kích thích sự thèm khát của chúng. Càng thèm khát, chúng càng vơ vét. Càng vơ vét, chúng càng làm oan kẻ khác. Chúng như chuột. Cách tốt nhất để chống chuột là phải làm sạch môi trường, không để thức ăn rơi vãi. Không có gì để ăn thì chuột  không vào nhà. Không có biện pháp nào chống chuột hiệu quả hơn cách: “Ở đây, không có gì ăn”. Chủ mưu “Bán mình chuộc cha”, nàng đã không chỉ gây tai họa cho nàng và gia đình mà còn gây tai họa cho cả xã hội. Nàng đã phạm tội “đưa hối lộ” với vai trò chủ mưu, cầm đầu.

Nàng xung phong bán mình chuộc cha mà không hề suy xét. Thuý Vân trẻ đẹp, lại chưa nợ tình. Nếu nàng im lặng, có thể Thuý Vân sẽ xung phong. Thuý Vân không xung phong, nàng không xung phong thì bất quá chúng bỏ tù cha nàng, cũng chả sao. Từ từ tháo gỡ. Mà không tháo gỡ được, nhỡ cha nàng có chết trong tù cũng chả sao. Cha nàng sẽ mãn nguyện nhắm mắt khi biết chị em nàng hạnh phúc. Nàng chủ mưu đưa hối lộ nhằm mục đích cứu cha nàng khỏi tù tội mà không biết rằng “Mục đích đòi hỏi phải đạt đến nó bằng phương tiện bất công thì đó là mục đích không chính đáng” (C.Mác).

“Bán mình chuộc cha” đã là tội lớn. Vậy mà nàng còn bán hớ với giá bèo. Nàng hãy nhớ lại cái ngày nàng đến gặp Mã Giám Sinh, “Mối rằng: – Giá đáng nghìn vàng/Rớp nhà nhờ lượng người thương dám nài” Nhưng sau một hồi “Cò kè, bớt một thêm hai/Giờ lâu  ngã giá, vàng ngoài bốn trăm” Của một nghìn vàng mà nàng đem bán có bốn trăm. Thử  hỏi nàng bán như vậy thì nàng đâu có hơn chi Thằng Bờm. Chính nàng đã thốt lên chữ trinh đáng giá nghìn vàng khi gặp lại Kim Trọng kia mà. Nàng đã biết giá của mình, đã gián tiếp thừa nhận là nàng bán chưa được nửa giá!

Nàng hãy nhớ lại cái ngày mà Kim Trọng với nàng bên nhau “Sóng tình dường đã xiêu xiêu/Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”, nàng đã không cùng Kim Trọng hưởng niềm hạnh phúc hoan lạc tột đỉnh mà bỗng dưng thốt lên:

Thưa rằng: “đừng lấy làm chơi,

Dẽ cho thưa hết một lời đã nao.

Vẻ chi một đóa yêu đào,

Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh.

Đã cho vào bậc bố kinh,

Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.

Ra tuồng trên Bộc trong dâu,

Lọ con người ấy ai cầu làm chi.

Phải điều ăn xổi ở thì,

Tiết trăm năm, nỡ bỏ đi một ngày”.

Khi đó, Kim Trọng còn trẻ người non dạ, nghe theo nàng để sau này khi nàng bán mình, phải ngủ với Mã Giám Sinh xong thì nàng phải hối tiếc, mà ai cũng mười phần hối tiếc hơn nàng:

Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai.

Biết thân đến bước lạc loài,

Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.

Vì ai ngăn đón gió đông?

Thiệt lòng khi ở, đau lòng khi đi.

Nhưng rồi nghĩ lại, ta cũng khuyên nàng không nên hối tiếc. Dù sao, Mã Giám Sinh cũng mua nàng. Nàng nên sòng phẳng. Nàng bán mà?

Ta không hiểu vì sao, với tâm hồn lương thiện như nàng, hiểu biết đến mức “Sắc đành đòi một, tài đành họa hai” mà nàng lại báo oán, trả thù rất tàn độc:

Nàng rằng: – Xin hãy rốn ngồi,

Xem cho rõ mặt, biết tôi báo thù.

Kíp truyền chư tướng hiến phù,

Lại đem các tích phạm đồ hậu tra.

Dưới cờ, gươm tuốt nắp ra,

Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư.

Cửa viên lại dắt một dây dẫn vào.

Nằng rằng: – Lòng lộng trời cao!

Hại nhân, nhân hại, sự nào tại ta

Trước là Bạc Hạnh, Bạc Hà,

Bên là Ưng, Khuyển, bên là Sở Khanh.

Tú bà với Mã Giám Sinh,

Các tên tội ấy đáng tình còn sao?

Lệnh quân truyền xuống nội đao:

Thề sao thì lại  cứ sao gia hình!

Máu rơi thịt nát tan tành,

Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời!

Nếu xét kỹ, tội lỗi thuộc về nàng. Khởi đầu do nàng. Hết nạn nọ đến nạn kia cũng do nàng. Vậy mà nàng gây thêm thảm khốc báo thù này! Hỡi Thuý Kiều, con cháu bắt chước nàng, “lấy oán báo oán, oán oán chất chồng” biết bao giờ dứt đây!

Cuối cùng, ta muốn nói với nàng rằng “nàng là người đáng thương” nhưng không xứng đáng ngợi ca “một hai nghiêng nước nghiêng thành/sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai”. Ta mong rằng con cháu ta không lấy chồng với cái lý “Như nàng lấy hiếu làm trinh/Bụi nào cho đục được mình ấy vay?”.

Đọc xong lá thư này, nhà thơ Phi Long bảo Năm Lúa viết cái gì mà trớt quớt. Tự nhiên đi Mỹ về bỗng dưng nỗi hứng viết thư chê trách Thúy Kiều. Chuyến đi Mỹ không liên quan gì với việc trăn trở chuyện Vương Thúy Kiều. Anh đề nghị bỏ bài này ra khỏi Năm Lúa Đi Mỹ.

Hắn không chịu bỏ. Hắn trăn trở là có lý do.

Chuyện Thúy Kiều bán mình chuộc cha đã ăn vào máu bao thế hệ qua những bài học ở chương trình phổ thông. Hắn phải tìm nguyên nhân của những hiện tượng diễn ra trên quê hương hắn ở tầng văn hóa. Một là, hắn muốn con cháu hắn hiểu rõ cái gì bán được và cái gì là không thể bán. Hai là, phải bỏ cái tâm lý báo thù để nhìn về tương lai.

  1. Có răng rồi mới rứa

Sống được với nhau

Nước Mỹ là quốc gia đa chủng tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo. Hai vấn đề lớn và khó khăn nhất trong việc đoàn kết quốc gia là vấn đề sắc tộc và tôn giáo. Liên Xô thất bại trong đường lối đoàn kết sắc tộc trên tinh thần giai cấp, dẫn đến xung đột và tan rã Liên Bang Xô Viết. Nhiều nước trên thế giới đã và đang đối diện với những bất ổn do chính sách tôn giáo và sắc tộc. Nước Mỹ không vướng vào các vấn nạn này. Nước Mỹ đã tổ chức được xã hội để trong đó người giàu sống được với người nghèo, thiểu số sống được với đa số mà không bận tâm đến vấn đề sắc tộc hay tôn giáo. Hễ là người thì được quyền sống hòa bình, mưu cầu hạnh phúc. Nước Mỹ bảo vệ hoàn hảo sự tự do của mỗi người, của mọi tổ chức trong khuôn khổ không xâm phạm đến sự tự do của người khác. Hiến Pháp Mỹ là một hợp đồng đặc biệt, được soạn thảo và ký kết trên tinh thần bảo đảm tự do cá nhân.

Nước Mỹ không thiên vị tôn giáo hay sắc tộc nào, vì vậy không có tôn giáo nào là quốc giáo, không có thần linh nào là biểu tượng của nước Mỹ. Nước Mỹ cũng không lấy học thuyết nào làm nền tảng xây dựng quốc gia. Nước Mỹ chỉ tôn thờ tự do và xin bức tượng Nữ thần Tự do của Pháp đem về làm biểu tượng của nước Mỹ. Thực chất, thờ tượng Nữ thần Tự do là thờ một hợp đồng- hợp đồng thể hiện rõ quyền sống với nhau trên một đất nước đa chuẩn tộc, đa tôn giáo và đa văn hóa. Nước Mỹ đã bảo vệ chế định hợp đồng rất nghiêm ngặt bằng hệ thống ngày càng hoàn hảo theo đà tiến của khoa học và công nghệ. Theo thời gian, “quyền sống với nhau” đã hằn sâu và hình thành văn hóa Mỹ. Vụ khủng bố 11 tháng 09 năm 2001 đã thách thức văn hóa Mỹ, qua đó thử thách độ bền vững của chế định hợp đồng. Ngay sau khi xảy ra vụ khủng bố, một bộ phận người Mỹ đã trút cơn giận  bằng cách tấn công người Hồi giáo hoặc người Trung Đông đang sinh sống  trên đất Mỹ. Một số nơi diễn ra cảnh tấn công cửa hiệu người Hồi giáo bằng bom xăng. Cảnh sát không kịp ngăn chặn nhưng chính những người dân Mỹ, phần nhiều là người da trắng, đã tạo thành đội ngũ, thay nhau canh gác, bảo vệ cho cửa hiệu Hồi giáo này ngăn cản mọi sự trả thù của bất cứ nhóm người hay bất cứ tổ chức nào. Ngay sau vụ khủng bố, hầu hết các cơ sở kinh doanh của người Hồi giáo hoặc người Trung Đông gặp khó khăn do bị thù ghét, tẩy chay. Nhưng chỉ sau thời gian rất ngắn, mọi việc đã trở lại bình thường. Thậm chí, đền Hồi giáo được quyền xây cất bên cạn tòa tháp đôi. “ Bin-la-đen làm việc của ông ấy- chúng tôi không liên quan”. Nhiều người Hồi giáo đã lên tiếng như vậy để bảo vệ quyền tự do chung sống hòa bình trên đất Mỹ.  Chế định hợp đồng Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã thắng vì chế định này đã ăn sâu vào tiềm thức người dân Mỹ.

Sống được với nhau” là cơ sở để giải quyết mọi vấn đề. Nếu vợ chồng không “sống được với nhau” thì hôn nhân tan vỡ- phá hủy hợp đồng kết hôn. Cha mẹ, con cái, anh em không “sống được với nhau” thì phá vỡ gia đình. Người lao động và người sử dụng lao động  mà không “ sống được với nhau” thì phá vỡ doanh nghiệp. Các tôn giáo, sắc tộc, thiểu số, đa số mà không “sống được với nhau” thì phá vỡ quôc gia. “Lấn tuyến bịt đường”, “phùng mang trợn mắt”, “dao lê mã tấu”, “ỷ đông hiếp cô, ỷ mạnh hiếp yếu”, “thượng đội hạ đạp”, “ỷ thế cậy quyền; một người làm quan, cả họ được  nhờ” là rất xa lạ với văn hóa để “sống được với nhau”.

Giải quyết quan hệ “sống được với nhau” là cơ sở để giải quyết quan hệ giữa con người với tự nhiên. Bảo vệ môi trường sống chính là thể hiện văn hóa “sống được với nhau”. Đánh cá bằng thuốc nổ, phá rừng, hủy diệt tự nhiên, chỉ biết lợi mình mà không nghĩ đến người khác, không nghĩ đến thế hệ sau đều là biểu hiện của tầng sâu không “sống được với nhau”. 

Thờ mà không cúng

Tượng Nữ thần Tự do là quà của nhân dân Pháp tặng cho Hoa Kỳ. Bước tượng có hình dáng một phụ nữ mặc áo choàng, tay phải giơ cao ngọn đuốc, tay trái ôm bản khắc ngày tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ. Chân tượng có một sợi xích bị đứt. Bức tượng rất giản dị nhưng đã trở thành biểu tượng mẫu mực của sự tự do và của nước Mỹ. Xung quanh tượng không có đô la âm phủ, không rượi thịt, hương đèn nghi ngút như một số đền thờ khác trên thế giới. Từ Nữ thần Tự do đến Chuông Tự do, nước Mỹ chỉ thờ chứ không cúng.

Năm 1978, giữa lúc đang đói khổ, phải ăn bo bo thay cơm. Ông Mạnh già hơn bảy mươi lăm tuổi, dành dụm mua được con gà, lụm cụm luộc chín, để trong một cái mâm cùng với hương đèn, mang ra trước sân đứng váy lạy tứ phương; lạy từ cô hồn, kẻ khuất mày, người khuất mặt, cho đến trời phật “phù hộ cho ông bà sống lâu trăm tuổi, tai qua nạn khỏi”. Sau một hồi lầm rầm khấn vái, nhìn xuống mâm, không thấy con gà, ông Mạnh hoảng hốt kêu lên: “Thôi rồi, gà đâu rồi? Trời ơi, gà đâu rồi? Thằng cô hồn nào ăn cướp gà tau rồi? Mới đây mà!?” Ông Mạnh đã chửi mất gà suốt nhiều ngày cho đến khi ông kiệt sức. Ông Mạnh đã cúng chứ không thờ. Ông cúng như là sự đút lót thần linh để cầu lợi, để đừng bị phá phách, chứ trong lòng ông không hề thương xót hay kính trọng gì bọn cô hồn này. Điều làm ông bất ngờ là cô hồn sống đã giật lấy miếng ăn sắp vào miệng ông trong lúc đói khổ. Cô hồn sống lợi hại hơn cô hồn chết. Vì vậy, nhiều người đã rất tốn kém trong việc cúng bái cô hồn sống hơn là cô hồn chết. Lâu đời thành thói quen, hình thành văn hóa “cúng cho yên”. Lợi dụng tâm lý “cúng cho yên” một số ông bà xưng đồng xưng cốt, lấy đất sét nặn thành ông râu ria mắt xanh má đỏ, miệng cười toe tét, bụng to ngực lép, cầm giáo chống nạnh, dạng chân đòi ăn gà ăn vịt. Báo khổ cho những người nhẹ dạ cả tin, “thấy cục thấy hòn, tưởng thần tưởng địa” lạy sống lạy chết, móc hầu bao mà không để ý rằng cúng người sống chứ đâu cúng người chết. Ai đụng đến những cục, những hòn đã sơn son thiếp vàng này coi chừng có ngày mất mạng. Những đứa trẻ ăn đồ cúng bái lâu ngày biến thành cô hồn sống phá phách xã hội và phá hoại chính đời chúng. Em Đ, em M- ngày xưa ăn con gà của ông già Mạnh- ngày nay đã trở thành những người suốt ngày rượu chè, chờ ăn “của xóa đói giảm nghèo”, của “con cái đi tha phương cầu thưc” gửi về. Một vài đứa trẻ trưởng thành quen thói cô hồn rồi sinh ra những cô hồn sống khác.

Thờ và cúng là những chuyện lớn hình thành nếp nghĩ và hành xử của con người, rồi từ đó hình thành văn hóa cộng đồng, truyền từ đời này sang đời khác; góp phần quyết định sự tiến hóa hay tụt hậu của cộng đồng đó trước thế giới đổi thay. Hiện tượng đút lót, chạy chức chạy quyền có nguồn gốc sâu xa “cúng” ông nọ bà kia để trục lợi nhưng trong lòng đầy sự khinh bỉ. Cúng mà không thờ đã ăn sâu vào cộng đồng đến mức không còn biết xấu hổ.

Có thể có rất nhiều yếu tố làm nền tảng cho sự giàu mạnh của nước Mỹ. Nhưng hai yếu tố “sống được với nhau” và “thờ mà không cúng” là đáng được xem xét hơn cả. Nước Mỹ có răng rồi mới có rứa; chúng ta cũng có răng rồi mới có rứa; Năm Lúa này cũng đã có răng rồi mới có rứa.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar