'Đọc Năm Lúa Đi Mỹ' của Lương Vĩnh Kim
Trung Trung Đỉnh
Kể chuyện đi đây đi đó, nhất là đi tới những vùng đất nổi tiếng thì đã nhiều người kể và cũng có quá nhiều cách kể hấp dẫn. Thể văn “đi đâu kể đó, gặp gì viết đó” được chuộng vì nó tươi mới bởi cách nhìn mới vào những chuyện đã cũ…nhưng là ‘cũ người mới ta’.
Kể từ sau khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam, cũng có nhiều nhà văn nổi tiếng viết bài báo, viết bứt ký, phóng sự, thậm chí viết cả một cuốn sách, rồi cả đi nói chuyện sau các chuyến đi, kể nhiều chuyện ly kỳ khi tới Mỹ, khi “ra khỏi Mỹ” và cái đất nước của tự do, của thịnh vượng, giàu có cả về vật chất lẫn tinh thần, cả về sức sống hiện tại, lẫn tương lai, cứ có cái gì đó vừa gần, rất gần, lại cũng vừa xa, thật là xa. Gần vì nước Mỹ người Mỹ đâu có xa lạ gì đối với dân Việt ta, hồi năm 1965 Mỹ đã đem quân viễn chinh sang Việt Nam và năm 1975 Mỹ tháo chạy khỏi Nam Việt Nam … Xa vì lối sống Mỹ, thể chế Mỹ và văn hóa Mỹ vừa giàu có vừa tự do khác xa với xứ mình… Năm Lúa là nột anh nhà nông điển hình của miền Trung, của đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm. anh kể chuyện đi Mỹ của mình như là một cuộc khám phá – mà đích thị là một sự khám phá. Khám phá theo kiểu Năm Lúa, theo kiểu nông dân miền Trung quê anh. Nó không giống như nhà văn Lê Lựu, cũng thì đi Mỹ, cũng thì nhà nông, nhà quê, nhưng Lê Lựu là anh nhà quê Bắc Bộ đi Mỹ với tư cách là một nhà văn thời mở cửa, vì vậy qua lời kể của ông, ta thấy ông có một “vai trò” rất lớn cho cái sự mở cửa bang giao, nên ông rất khoái kể các ‘pha’ đối thoại “nẩy lửa’ của ông với các nhà trí thức Mỹ, thậm chí còn ‘sung’ hơn cả các cuộc tay đôi giữa các nhà chính trị. Ông kể các các câu chuyện thật hấp dẫn có tính chất của một chính khách, một tri thức, một sứ giả với những ‘vấn đề’ quốc gia đại sự, tuy vẫn mang cái giọng kể đăc sệt nông dân.
Tôi cũng đã được sang Mỹ một chuyến, nhưng nghe Năm Lúa kể chuyến đi của anh thì tôi phải ngả mũ, vì anh kể rất có duyên, có lẽ anh đi không phải như một vài người nhăm nhăm ghi chép để về nước viết bài. Anh đi để khám phá, để tìm đường làm ăn và lo cho con gái ăn học đặng lỡ nó có làm to ở liên hiệp Quốc thì cái vốn của sự học “lận đầy thắt lưng”, khỏi lo kém chúng kém bạn. Anh bỏ tiền túi ra đi không phải lấy danh làm oai mà vẫn với cái cách tần tảo sớm hôm, khảo sát, tầm giá, bắt thân, tìm mối cho công cuộc hành nghề buôn bán mai sau. Phải nói cái chí nhà anh Năm Lúa nầy thiệt bự, mà cái gan nhà anh Năm Lúa nầy cũng lớn. Với phương châm tìm hiểu khám phá học hỏi và “cầu tiến”, Năm Lúa đã tự mình mở cho mình một con đường làm ăn “tiểu ngạch’ nhưng đàng hoàng, chánh nhân quân tử. Đàng hoàng là bởi anh tìm hiểu pháp luật Mỹ, tìm hiểu văn hóa Mỹ trước khi tìm hiểu công chuyện làm ăn lề thói làm ăn. Anh ướm qua ướm lại coi có công chuyện gì hạp với xứ mình mà bán qua được cho xứ Mỹ thì anh làm. Trong Nam Bộ nổi tiếng có anh Hai Lúa, nay tôi mới biết miền Trung có anh Năm Lúa rất dễ thương. Anh vừa dễ thương, thiệt thà, cái thiệt thà dễ thương đậm sắc thái của người bươn chải tần tảo. Chuyện chi láng qua cái đầu lanh lợi giàu liên tưởng, giàu suy tưởng của anh là nó suy ra liền. bởi từng trải nên anh điềm tĩnh suy tính làm ăn chắc nịch mà sống thì vẫn tươi mát lãng mạn, hóm hỉnh không khác người nhưng không giống ai.
Có thể nói Năm Lúa là nhân vật mới của văn học Việt Nam thời hội nhập. Vì mới, nên đọc ‘Năm Lúa đi Mỹ” ta thấy đây là một cuốn truyện kể vui, một thiên phóng sự, lại cũng như một cuốn truyện du ký, một tự truyện của một doanh nhân.Vì mới nên nó có rất nhiều cái mới trong cách thể hiện, vừa tươi nguyên hấp dẫn, vừa giúp ta ‘rút ra được nhiều bài học’ trong cuộc sống hiện đại. Dù gọi “Năm Lúa đi Mỹ” là thể loại gì, thì “Năm Lúa vẫn là Năm Lúa’, anh Năm thời hội nhập không thể thỏa mãn quẩn quanh chỉ với cánh đồng ba vụ mà Năm Lúa bắt đầu hiện diện nơi thương trường WTO hoành tráng, tự tin, xứng danh là DOANH NHÂN ĐẤT VIỆT.
TTĐ
Bình luận