Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

7. Ngày Bắc, Đêm Nam.

Đường ra Bắc vất vả làm cho tôi quên nổi nhớ quê nhà. Hơn nữa, tôi bị sốt rét, sợ bị chết dọc đường, nên mong ra đến miền Bắc để được chữa bệnh. Nhưng khi ra đến T.64, yên ổn vài ngày là nổi nhớ quê nhà trong tôi trỗi dậy. Ban ngày, tôi rộn ràng với sinh hoạt như một người lính cho đến 21 giờ. Ban đêm, tôi thao thức nhớ nhà, úp mặt vào chăn, ứa nước mắt.

T.64 là trạm đón tiếp học sinh miền Nam nhưng được tổ chức như một trại lính. Học sinh được phân về các B với quân số như một trung đội. Mỗi B, có một B trưởng và hai B phó. Tôi được phân về B12. B trưởng là anh Nhạn, lớn hơn tôi chừng 4-5 tuổi, người gọn, cằm nhọn, hơi móm, “da ngăm ngăm như làn nước mặn”. Anh là người nghiêm túc, rất gương mẫu. Lần họp nào, anh cũng phê bình tôi với những khuyết điểm giống nhau, nghĩa là, tôi không sửa được lỗi. Tôi như người rừng, chưa quen với sinh hoạt theo kiểu trại lính.

Keng … Keng … Keng .. , ngày nào cũng vậy, tiếng kẻng vang lên đúng 5 giờ sáng. Chúng tôi nhanh chóng ra sân xếp hàng để tập thể dục. B trưởng và cờ đỏ phải quan sát các giường ngủ, để bảo đảm không còn ai ngủ nướng, rồi mới ra sân. Ai ra chậm cũng bị phê bình. Có hôm, vì quá buồn ngủ nên khi nghe tiếng kẻng, tôi lăn xuống gầm giường ngủ tiếp. Chờ cho đến khi mọi người chộn rộn với vệ sinh và ăn sáng thì tôi mới nhẹ nhàng chui ra khỏi gầm giường, coi như không có chuyện gì xảy ra. Chuyện này chỉ diễn ra một vài lần thì bị phát hiện, bị phê bình.
Sáng, ăn nửa ổ bánh mì tại B rồi tập trung đi đều. Đi đều mà không có trống thì theo nhịp đếm “một hai – một hai” của B trưởng. Khi có trống thì đi theo nhịp “rục tùng” như tình huống rục tùng của bài cát tê: “Rục tùng, rục tùng, rục tùng tùng”. Khi kết thúc buổi tập thì hai tiếng trống rục tùng vang lên rồi im luôn, chưng hửng. Chúng tôi coi như đã tiêu tùng rồi về nơi an nghỉ.

Trưa, xếp hàng đi đến bếp ăn tập thể. B trưởng đếm đủ 6 người rồi phân vào một mâm. Giữ vệ sinh theo nguyên tắc đã được truyền tụng: “Cách mạng ăn đũa hai đầu/Lấy chồng bộ đội là dâu Bác Hồ”. Ăn xong, ngủ trưa. Ai không ngủ cũng phải vào chỗ nằm, yên lặng.
Buổi chiều thì học hát. Bài được hát nhiều nhất là “Kết đoàn, chúng ta là sức mạnh”, kế đến là bài “Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước”. Buổi tối thì họp kiểm điểm phê bình, hoặc xem phim. Không có việc này, thì bày việc nọ, rộn ràng để chúng tôi quên đi nổi nhớ quê nhà.

Cũng có lúc rảnh. Hễ rảnh rỗi là tôi đi tìm đồng hương, trước hết là đồng hương xã, rồi đồng hương huyện để tâm tình cho đỡ nhớ. Chúng tôi coi bạn đồng hương như anh em ruột thịt. Cứ tụ lại với nhau là nói chuyện quê hương, chuyện gia đình, chuyện từng đoạn sông, bờ suối với những diễn biến chiến tranh mà mỗi đứa đã từng chứng kiến hoặc đã được nghe kể lại. Chúng tôi động viên nhau và tự hứa sẽ cố gắng “học tập tốt, rèn luyện tốt” để sau này trở về góp phần xây dựng lại quê hương. Có lúc nhớ quá, chúng tôi cũng bàn cách trốn về Nam. Trên đường ra Bắc, một số bạn đã từng trốn mà không thoát thì ra đến đây, việc trốn về quê là khó hơn cả “vượt ngục Côn Đảo” nên ý nghĩ trốn về Nam bị lu mờ dần trong tâm trí tôi.
Buổi tối hôm ấy, tôi được xem bộ phim “Đường Về Quê Mẹ”. Thấy anh Núi lăn bom để về Quảng Trị thì ý nghĩ về Nam trong tôi trỗi dậy. Tôi nghĩ, một ngày nào đó, tôi cũng sẽ về Nam theo cách của anh Núi. Cho nên, khi xem các bộ phim chiến đấu, tôi để ý đến từng thao tác để học hỏi, dự bị cho một ngày về Nam.

Ở T64 chưa được bao lâu thì tôi lên cơn sốt rét lạnh run người, phải đi cấp cứu ở bệnh viện E2. Các bác sĩ cho biết, tôi bị sốt rét ác tính. Nếu cấp cứu chậm là chết. Bệnh cứ tái đi tái lại, tôi phải điều trị dài ngày ở E2 rồi về E1. Cái mông bị tiêm thuốc ký ninh, sưng vù, phải chườm sáp nóng mới tan.
Vì đi nằm viện nên tôi xa các bạn đồng hương và lỡ dịp về Hưng Yên để học trường 18. Nhưng ở bệnh viện E thì tôi lại được dịp gần gủi các cô chú miền Nam đang được điều trị ở đây. Gặp ai, tôi cũng được nghe nói chuyện miền Nam và mong nước nhà thống nhất để được về Nam. Tình cảm, nguyện vọng và ý chí thống nhất Bắc Nam đã đi vào huyết quản của mỗi người. Ai cũng “ngày Bắc – đêm Nam” như tôi.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar