Sau khi đăng bài “Konica Minolta Coi Mặt Đặt Giá” trên báo pháp luật Viêt Nam, tôi tiếp tục cho đăng nguyên vẹn bài này trên một số báo khác. Đặc biệt, tôi cho đăng trên báo Công Lý của Tòa án nhân dân tối cao và báo Bảo Vệ Pháp Luật của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nhằm đặt các cơ quan bảo vệ pháp luật này vào tranh chấp, nếu bị Konica Minolta khởi kiện, buộc phải đính chính.
Tôi đã sẵn sàng cho cuộc chiến trên mặt trận pháp lý nhưng chưa ra đòn. Tôi vẫn duy trì liên lạc thường xuyên với KMV và Sao Nam, động viên họ thu hồi máy để tránh một cuộc chiến lan rộng, không biết bao giờ dừng.
Thường thì sau một ngày làm việc bận rộn, tôi dắt vài nhân viên hoặc mời bạn bè ra quán để uống vài lon bia, xả stress. Nhưng giai đoạn này thì tôi chỉ ngồi riêng với ông Đào Việt Linh hoặc ông Trần Văn Nhật để lắng nghe và bàn cách giải quyết vấn đề. Thỉnh thoảng, tôi cũng ngồi với ông Phan Quang Phú, phó Giám đốc Công ty STS, một đại lý khác của Konica Minolta, để được nghe ý kiến từ nhiều phía.
Trong lúc uống bia, trò chuyện riêng với ông Đào Việt Linh, tôi hỏi:
– Tại sao trước đây tụi em đã đồng ý lấy máy về, mà nay lại đổi ý, “mua lại chứ không nhận lại”? Tụi bay gài bẫy anh à?
– Anh thông cảm. Bọn em trước sau như một, muốn lấy máy về, trả lại tiền lại cho anh, nhưng luật sư họ không chịu.
– Tại sao máy C1070P lấy về được mà máy C1100 phải mua?
– Dạ, máy C1070P đã cũ, dùng lâu, lấy lý do lỗi kỹ thuật thì thu hồi được. Còn máy C1100 là máy mới lắp đặt, vừa ký nghiệm thu nên không thể lấy lý do lỗi kỹ thuật, mà cũng không tìm ra lý do để thu hồi.
– Ồ! Sao tụi em không nói sớm với anh.?
Lúc này, tôi mới nói với ông Đào Việt Linh là “thôi, nói anh Chung làm hợp đồng mua bán, tau ký cho”. Quả thật, ký hợp đồng mua bán trong hợp này, đối với tôi là rất khó khăn nhưng tôi sẽ nghĩ cách tháo gỡ vấn đề. Ông Đào Việt Linh hứa sẽ báo ông Chung làm hợp đồng mua lại máy.
Tôi đợi hợp đồng. Nhưng. Lại nhưng. Bạn thấy có hồi hộp không?
Thay vì gửi hợp đồng mua bán, ông Trần Kim Chung lại gửi đến tôi văn bản số 025, song ngữ Anh – Việt, với những yêu cầu khùng điên: “2. SGB phải gửi văn bản (có ký tên đóng dấu) đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ quan truyền thông và khách hàng của KMV.v.v đính chính lại những thông tin sai sự thật mà SGB đã gửi đi; 3. SGB phải gửi văn bản xin lỗi (có ký tên đóng dấu) đến Sao Nam và KMV về những phát ngôn không đúng sự thật và không đúng luật với Sao Nam và KMV trong các văn bản gửi đi; … Ngay sau khi SGB thực hiện đầy đủ các điều kiện nói trên, Sao Nam sẽ tiến hành soạn thảo hợp đồng”.
Đọc xong văn bản này, tôi chửi thầm: “ĐM, nó lừa mình, nó không xin lỗi mình mà nó bắt mình phải xin lỗi nó, xong thì nó mới làm hợp đồng mua lại. Chắc bọn luật sư này coi ông Kim như con nít, có thể xúi ăn cứt gà !”. Hết biết!
Tôi mở rộng trận đánh, từ truyền thông sang tố cáo để xử lý hành chính hoặc hình sự. Tôi cũng sắp xếp cho vụ kiện dân sự. Tôi biết, các lá đơn của tôi rồi cũng sẽ chẳng đi đến đâu. Chúng sẽ úp được hết, nhưng cứ để chúng tốn kém. Đặc biệt, tôi gửi đơn yêu cầu thanh tra thuế vào cuộc và trả lời tôi vì sao KMV không xuất hóa đơn tài chính khi giao tặng tôi bộ UPS.?
Quả nhiên, chúng úp sạch. Nhưng tôi cũng nhận được những chứng từ cần thiết cho vụ kiện dân sự và khi cần thì tố cáo chúng trước công luận. Cục thuế TP.HCM đã ra quyết định số 2592/QĐ-CT-KT ngày 27/10/2015 về việc kiểm tra chấp hành pháp luật thuế tại Công ty Konica Minolta Việt Nam trong 3 năm tài chính 2012, 2013, 2014. Cục thuế đã truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quyết định số 402/QĐ-CT-XP ngày 29/01/2016 đối với KMV. Hành vi không xuất hóa đơn tài chính khi giao bộ UPS cũng bị phạt trong quyết định này.(*)
Tôi bỏ bê doanh nghiệp, dành thời gian nghiên cứu những đòn đánh thối động, làm cho chúng mất ăn mất ngủ. Tôi viết bài “Nhận Diện Konica Minolta”, dịch ra tiếng Anh, để sẵn nhưng chưa đăng báo. Tôi vẫn giữ liên lạc với KMV, Sao Nam và STS. Thỉnh thoảng, hẹn hò ông Đào Việt Linh, ông Trần Minh Nhật hoặc ông Phan Quang Phú để dò xét tình hình, đối sách của KMV và luật sư của họ. Tôi luôn mở đường để họ nhận lại chiếc máy C1100 mà họ đã bán cho tôi với giá 3,4 tỉ. Thậm chí, tôi còn đồng ý giữ lại chiếc máy này với điều kiện là KMV phải giảm giá cho tôi bằng với giá máy C1100 mà tôi đã mua từ STS, Nghĩa là, tôi mua 2 chiếc C1100 với giá bằng nhau, mỗi chiếc giá 1,289 tỉ.
Nếu tôi không làm như những gì mà tôi đã cảnh báo thì hóa ra, tôi chỉ hù dọa họ chứ không có khả năng đánh cho họ “lên bờ xuống ruộng”. Tôi phải giữ lời hứa nhưng vừa đánh vừa đàm để tìm giải pháp có lợi cho tất cả các bên. Ông Đào Việt Linh nói với tôi:
– Anh đánh tụi em túi bụi. Cuối năm, thuế nó quần tụi em quá, chắc mất ăn tết quá.
Tôi cười và nói:
– Sao không lấy máy về?
– Ichino giao cho luật sư, em làm gì còn thẩm quyền.
– Bọn em nghĩ sao mà bắt anh ký văn bản xin lỗi KMV và Sao Nam?
– Luật sư họ làm. Đúng là khó cho anh thiệt.
Một thời gian sau thì ông Đào Viêt Linh nói rằng, bên KMV bỏ các điều kiện xin lỗi theo văn bản 025 nhưng anh phải ký văn bản xác nhận là KMV và Sao Nam không lừa dối thì bên em sẽ mua lại máy. Tôi đoán bọn luật sư này chơi chiêu, cài bẫy nhưng tôi vẫn đồng ý để bọn chúng soạn văn bản, rồi tôi xem lại, sẽ ký. Tôi xem lại, sửa chữa cẩn thận theo ý của chúng nhưng không ký với lý do là “sợ sau này, Sao Nam và KMV kiện anh và báo chí”.
Ông Trần Kim Chung lại gửi văn bản ra những điều kiện mới, thấp hơn, để tôi đồng ý ký nội dung xác nhận là KMV và Sao Nam không lừa dối. Còn ông Đào Việt Linh thì gửi email “Theo chia sẻ của anh Chung, anh không cần phải lo lắng việc Sao Nam sẽ kiện anh … Bên KMV lại càng không vì anh đang treo bảng KM, sử dụng máy KM để kinh doanh …”.
Sau này, tại phiên tòa phúc thẩm, Lê Nết cũng đưa ra tờ giấy có nội dung mà tôi đã sửa, gửi lại cho họ qua email như là một bằng chứng, rằng tôi đã xác nhận là KMV và Sao Nam không lừa dối. Nhưng tôi nói ở tòa, Lê Nết bẫy tôi nhưng tôi không ký. Làm gì có chữ ký hoặc nét bút của tôi? Lê Nết chới với.
Tôi không ký.
Bài Nhận Diện Konica Minolta đã được ban biên tập báo Pháp luật Việt Nam duyệt, nhưng tôi xin khất lại, chưa đăng. Tôi hẹn gặp ông Đào Việt Linh vào lúc 16 giờ ngày 2/11/2015 tại quán Cánh Buồm để dò xét động tĩnh của KMV và Sao Nam. Tại đây, ông Đào Việt Linh đưa ra tờ giấy mà theo ông là bên em O.K và năn nỉ tôi ký. Nói qua nói lại một hồi, uống hết 4 lon bia, tôi ra nhà vệ sinh, rút điện thoại gọi cho người phụ trách báo, cho đăng bài “Nhận Diện Konica Minolta”(**) ngay trong đêm nay. Trong bài này, tôi có chỉ đích danh Tadasu Ichino đã ủy quyền cho Luật sư Lê Nết làm những việc không biết hổ thẹn.
Đến bây giờ, tôi vẫn giữ chiến lược vừa đánh vừa đàm cho đến khi nào, Konica Minolta nhận lại chiếc máy in C1100 mà họ đã lừa bán cho tôi. Hoặc là bằng con đường thương lượng hoặc là bằng con đường tòa án, tòa án Việt Nam không xong thì tòa án Singapore hoặc tòa án Nhật Bản. Tôi cho họ chọn. Máy đang được trùm mền, đợi họ.
(Trích từ “Kế Hoạch Bắt Đền 10 Triệu USD”, còn tiếp)
Bình luận