Cuộc chiến vì tiền là cuộc chiến không thể chối từ. Tuy nhiên, người ta có thể chọn vị trí để chiến đấu. Thế giới giống như kim tự tháp được xếp bởi những con người chiến đấu với nhau để mưu sinh. Ở dưới đáy kim tự tháp rất đông đúc. Vì thế, càng xuống đáy, cuộc chiến vì tiền càng khốc liệt. Càng lên cao, càng dễ thở hơn. Người ta dễ dàng sa thải nhân viên có mức lương thấp nhưng rất khó thay thế nhân sự ở cấp cao. Càng xuống thấp thì việc làm càng vất vả và dễ bị sa thải. Thu nhập càng cao, việc làm càng nhẹ.
Năm đầu vào Sài Gòn để học đại học kinh tế, tôi thường đi tàu hoặc xe đò rất vất vả. Một lần, bị hà hiếp để tranh chỗ ngồi trên tàu, tôi phải “thượng mã đề thương”. Nhưng sau khi ra đòn thì tôi phải xuống tàu “tẩu vi thượng sách” để tránh một cuộc trả thù, rất nguy hiểm.
Sau chuyến đi đó, tôi không bao giờ đi tàu hoặc xe đò nữa. Tôi nhận ra rằng, kiếm đủ tiền để đi máy bay sẽ nhẹ nhàng hơn, ít nguy hiểm hơn là tranh với mấy ông buôn chuyến này. Thời đó, giá bao cấp, rất rẻ nhưng có tiền thì cũng không chắc mua được vé máy bay. Phải là cán bộ bự “cỡ ông cố nội người ta” mới có tiêu chuẩn đi máy bay. Tôi đến gặp bạn Vũ Ngọc Quang, đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Nhà xuất bản Đà Nẵng tại TP.HCM, là khách thường xuyên ở T.78, để nhờ Quang nói với các cô văn phòng đón tiếp trung ương đảng mua dùm vé máy bay. Có qua có lại mới toại lòng nhau. Từ đó, tôi trở thành sinh viên hưởng tiêu chuẩn trung ương đảng, đi học bằng máy bay.
Khi bước vào kinh doanh sách, tôi cũng đã nghĩ ngay đến chuyện phải nhanh chóng đứng vào vị trí top ten. Nếu không, tôi sẽ phải cạnh tranh với lốc cốc leng keng, rất đông đảo. Khi đã sở hữu một nhà sách rộng gần 14 mét mặt tiền đường Nguyễn Thị Mình Khai và một nhà in lớn thì tôi quản lý doanh nghiệp rất nhẹ nhàng. Tôi có thể ung dung đi đánh tennis hết buổi sáng hoặc đi đâu đó cả tháng mà không sợ mất hũ tiền.
Khi chuyển từ “chuyên nghiệp bán sách và chỉ có bán sách” sang chuyên nghiệp nghề in, tôi cũng chủ trương nhanh chóng xác lập vị trí ở đỉnh của nghề này. Tôi đầu tư làm Printing Shop, mua máy hiện đại, giá cao, đầu tư cho phần mềm quản trị nhà in là một chủ trương xuyên suốt của tôi từ trẻ chứ không phải là tư duy nhất thời. Đấu với Konica Minolta và các luật sư của họ để đòi 10 triệu USD là sự lựa chọn của tôi – dừng doanh nghiệp, đòi công lý – chứ không kêu cứu như nhiều người nhầm tưởng. Cuộc đấu đòi tiền tỉ này dễ dàng hơn, ít nguy hiểm hơn cuộc đấu đòi 10 triệu đồng đối với một ông xe ôm. Đòi ông Chánh án tối cao Nguyễn Hòa Bình làm đúng pháp luật dễ hơn là đòi một thẩm phán vô danh tiểu tốt làm đúng pháp luật. Đòi tòa án Singapore hoặc Nhật Bản xử theo lẽ công bằng dễ hơn đòi tòa án Thành phố Hồ Chí Mình của Việt Nam xử theo lẽ công bằng. Konica Minolta nâng khống giá, lừa lấy của tôi 158 ngàn đô la Mỹ, để lại một chiếc máy trùm mền là không thể chấp nhận được đối với bất cứ nền công lý nào. Tôi đang chiến đấu ở tầm cao và hăm hở bước những bước cuối cùng lên đỉnh của kim tự tháp.
Bình luận