CÁI GIÁ CỦA SỰ ĐÁNH ĐỔI
Nguyên lý thứ hai của kinh tế học Mankiw là “Chi phí của một thứ là tất cả những gì mà bạn phải từ bỏ để có được thứ đó”. Đây là nguyên lý mang tính ứng dụng rất cao.
Theo nguyên lý thứ nhất thì “Con người phải đối diện với sự đánh đổi”, cho nên, trước khi quyết định đánh đổi, đòi hỏi con người phải so sánh chi phí với lợi ích của sự đánh đổi đó. Tuy nhiên, không phải lúc nào, chi phí và lợi ích của các phương án đánh đổi cũng lộ ra cho người ta nhìn thấy để so sánh. Chẳng hạn, hai người ăn sáng tại cùng một quán phở. Mỗi người chỉ ăn một tô phở đồng giá nhưng chi phí cho bữa ăn sáng của mỗi người là khác nhau. Một người đi một quãng đường xa để ăn tô phở phải chịu phí tổn nhiều hơn một người ở gần quán phở. Cơ hội kiếm tiền của mỗi người cũng khác nhau nên chi phí cho cuộc đánh đổi bữa ăn sáng cũng khác nhau. Mỗi giờ của một người đang có thu nhập cao khác với mỗi giờ của một người đang thất nghiệp. Chi phí cơ hội mới là cơ sở để so sánh trước khi quyết định sự đánh đổi. Chi phí cơ hội là tất cả những gì phải mất đi để có được một thứ mà chúng ta nhận được mỗi khi đánh đổi.
Một người làm nghề phụ hồ với thu nhập thấp có thể xin nghỉ việc sớm, ngồi xe khách mất vài ngày, để về quê ăn Tết. Nhưng một doanh nhân có thu nhập cao thì mất vài ngày ngồi xe khách là sự lãng phí lớn. Doanh nhân sẽ phải chọn phương án đi máy bay hạng thương gia thì mới đó mới là sự lựa chọn tiết kiệm, vì chi phí cơ hội của thương gia lớn hơn rất nhiều so với anh phụ hồ.
Khi đưa ra bất cứ quyết định nào, chẳng hạn như có nên đi học hay không, người ta sẽ so sánh giữa chi phí cơ hội với lợi ích của việc đi học. Người cán bộ sẽ miễn cưỡng đi học nếu như đi học đã làm mất của anh ta cơ hội nhận phong bì. Những vận động viên nhà nghề, đang độ tuổi học đại học, nhưng có thu nhập cao sẽ không dại gì bỏ thu nhập để theo đuổi việc học đại học. Danh thủ bóng đá Đoàn Văn Hậu đã bỏ dỡ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông 3 năm liền để theo đuổi sự nghiệp thể thao cũng vì chi phí cơ hội cho kỳ thi của Đoàn Văn Hậu là quá lớn. Sau khi đã được miễn thi tốt nghiệp phổ thông và đặc cách tuyển thẳng vào đại học TDTT Từ Sơn, Đoàn Văn Hậu chia sẻ rằng: “Nếu được tuyển thẳng vào Đại học thì may mắn cho tôi. Tuy nhiên, tôi không biết mình có thời gian đi học không vì phải tập luyện và thi đấu liên tục. Tôi sẽ cân nhắc và sắp xếp vì đó là bước đệm cho tương lai của mình”. Điều đó, cho thấy Đoàn Văn Hậu rất trăn trở với việc đi học đại học nhưng nếu anh không đi học đại học thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Đối với doanh nghiệp thì chi phí bằng tiền mặt phản ánh qua sổ sách thì ai cũng dễ dàng nhìn thấy. Ngược lại, có một số chi phí cơ hội, không được phản ánh bằng tiền mặt, được gọi là chi phí ẩn thì ít người nhận ra. Cơ quan thuế chỉ căn cứ chi phí sổ sách để tính thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng người kinh doanh thì phải căn cứ vào chi phí cơ hội để quyết định việc kinh doanh hay không kinh doanh. Chi phí ẩn mới là vấn đề cần phải cần tới kiến thức chuyên môn. Đây là bài học cần thiết cho những ai muốn khởi nghiệp ở bất cứ lĩnh vực nào.
Trên bình diện quan hệ giữa con người với con người, hoặc quan hệ giữa các quốc gia, cũng phát sinh những chi phí cơ hội tương tự. Một cô gái đẹp cặp bồ với anh này thì mất cơ hội cặp bồ với anh khác, nhất là những anh “Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”. Trước khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Việt Nam nằm trong tình yêu ôm ấp của khối COMECON thì không thể quan hệ với EU và Mỹ như hiện nay. Làm bạn với tất cả, yêu tất cả, có tất cả chỉ là ảo tưởng. Không ai có đủ thời gian và tiền bạc để làm bạn chiến lược với quá nhiều người. Facebook cũng giới hạn kết bạn ở mức tối đa là năm ngàn. Kết bạn nhiều quá sẽ không đủ thời gian và cũng không hiệu quả. “Ngày lắm mối, tối nằm không” đã là thành ngữ lâu đời của người Việt Nam. ‘Nằm không’ là chi phí đánh đổi của một người lắm mối. Mỗi người chỉ nên dành thời gian phục vụ ‘khách hàng mục tiêu’ trong phân khúc thị trường của mình thì mới tồn tại và phát triển lâu dài.
Hiểu nguyên lý một ‘Con người phải đối diện với sự đánh đổi’ để ung dung chấp nhận sự đánh đổi. Hiểu ‘chi phí’ của mỗi cuộc đánh đổi để so sánh rồi lựa chọn. Cả hai nguyên lý này là nền tảng để chúng ta nghiên cứu các phần tiếp theo.
(Trích từ “Kinh Tế Học Ứng Dụng”- còn tiếp)
Kỳ 5: Làm Giàu Bằng Kinh Doanh.
Bình luận