ĐỔI MỚI VÀ GẶP NẠN
Từ khi có nhà in, việc liên kết xuất bản, in và phát hành sách của chúng tôi có nhiều thuận lợi. Hai công ty đều do tôi trực tiếp điều hành, phối hợp nhịp nhàng. Chúng tôi hoạt động khép kín, từ khâu “Viết, biên soạn, dịch thuật” cho đến khi ra thành phẩm một quyển sách, rồi bán và thu tiền. Chúng tôi làm nhiều sách, trong đó có Bộ sách tiếng Anh, đứng tên tác giả Mai Lan Hương, do tôi tổ chức biên soạn, là bộ sách rất quen thuộc với các em học sinh và thầy cô trong suốt hai mươi năm qua. Ngoài sách do chúng tôi biên soạn và dịch thuật, chúng tôi còn liên kết với các nhà xuất bản để khai thác bản thảo, xuất bản các loại sách văn học, sách pháp luật, sách kinh tế, sách tham khảo dùng cho học sinh và các loại sách khác. Khi Internet phát triển thì dung lượng thị trường sách giấy bị thu hẹp. Hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đã phải dẹp bỏ các nhà sách. Các thư viện cũng đóng cửa. Nhà sách của tôi cũng dần dần vắng khách. Nhà in cũng thiếu việc làm. Tình thế buộc tôi phải nhanh chóng đổi mới.
Sở hữu một nhà in với gần 3.000 mét vuông diện tích sàn, tại một quận trung tâm thành phố, là lợi thế của tôi. Phân khúc thị trường của tôi là, nhận in số lượng nhỏ hoặc trung bình. Với số lượng lớn, khách hàng có thể đặt in ở khu công nghiệp để được giá rẻ hơn. Nhưng với số lượng in nhỏ, thì việc đi đến các khu công nghiệp xa xôi là rất lãng phí thời gian. Hơn nữa, với số lượng in nhỏ, các nhà máy in ở khu công nghiệp cũng ít khi chịu nhận hàng. Tôi phải khai thác lợi thế này. Như vậy, việc mua sắm máy móc là có sự tính toán và chuẩn bị vốn trước khi gặp Konica Minolta khá lâu.
Từ năm 2012 đến năm 2014, tôi đã đầu tư sắm nhiều thiết bị phục vụ cho việc in và làm thành phẩm bao bì. Bước đầu, đã có một số khách hàng và nuôi sống được nhân viên. Tuy nhiên, máy móc chỉ hoạt động chừng 20% – 30% công suất, do khó khăn ở khâu tiếp nhận đơn hàng và thiết kế in.
Để giải quyết khó khăn này, tôi quyết định sử dụng một phần diện tích tại Trung Tâm Sách Sài Gòn 474-476 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, để làm nơi thiết kế và nhận hàng in. Mà như vậy thì tôi cần một chiếc máy in kỹ thuật số đặt tại đây để đáp ứng nhu cầu in mẫu, in nhanh. Khi tiếp nhận đơn hàng của khách thì chúng tôi cần in ra một bản mẫu để khách xem và nếu đồng ý thì ký xác nhận, để nhân viên của tôi dựa vào bản mẫu này làm đúng yêu cầu của khách. Với những đơn hàng có số lượng ít, chúng tôi có thể in nhanh, để giao ngay cho khách. Chỉ có máy in kỹ thuật số mới đáp ứng được yêu cầu này. Vì thế, tôi mới tìm mua máy in kỹ thuật số của Konica Minolta.
Trước khi mua máy của Konica Minolta, tôi dành nhiều thời gian để tìm hiểu lĩnh vực in nhanh bằng máy in kỹ thuật số công nghiệp. Lúc này, máy in kỹ thuật số công nghiệp mới du nhập vào nước ta vài năm nên ít ai có kinh nghiệm. Hơn nữa, những người đang kinh doanh bằng máy in kỹ thuật số công nghiệp thì họ giấu nghề. Thậm chí, tôi đóng vai khách hàng, đến đặt hàng in, nhưng cũng không thể tiếp xúc được với chiếc máy in kỹ thuật số mà tôi cần tìm hiểu. Sau này, hỏi một thợ in làm ở đó, tôi mới biết, là chủ doanh nghiệp này giấu máy, vì họ sử dụng máy cũ và máy mới để in xen kẽ. Đối với những bài in đòi hỏi màu sắc chất lượng cao, họ phải dùng mực chính hãng và in trên máy mới. Đối với những bài in ‘dễ tính’, họ in trên máy cũ, với những ống mực loại hai, nhưng vẫn tính giá như in trên máy mới. Đây là mánh lới của một số người làm nghề in nhanh lúc đó, nhưng tôi thì không thể học theo họ. Tôi quyết định chỉ in trên máy mới, hiện đại, với giá cả công khai, sòng phẳng. Hơn nữa, tại địa điểm đắt địa 474-476 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3 thì không thể đặt máy in đã qua sử dụng. Vì thế, tôi tìm mua máy mới 100% và tôi đã gặp cú lừa định mệnh, làm phá sản cả hai doanh nghiệp.
Trước khi xây dựng nhà in vào năm 2007, tôi đã đến trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh để tìm mua giáo trình dành cho sinh viên ngành in để tự nghiên cứu, sau đó hỏi các thầy để xây dựng một nhà in cho phù hợp. Khi bắt đầu làm in kỹ thuật số, tôi cũng đến Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, để mua giáo trình, nhưng không có giáo trình về máy in kỹ thuật số. Tôi dành nhiều thời gian để dọ giá và tìm hiểu in kỹ thuật số. Bạn Nguyễn Văn Nhuận, một kỹ sư ngành in, đã gửi cho tôi bảng thuyết trình về “Xu hướng thị trường in ấn, những ưu điểm của in kỹ thuật số so với in offset’. Bảng thuyết trình này phù hợp với suy nghĩ của tôi về việc đầu tư để đổi mới doanh nghiệp. Tôi vẫn còn lưu giữ bảng thuyết trình này để hôm nay đưa vào sách để một số người có thể tham khảo.
Với lợi thế của một doanh nghiệp đã có nhà in offset, lại được chuẩn bị khá công phu trước khi bước vào đầu tư thêm máy in kỹ thuật số, tôi tin tưởng mình sẽ thành công. Nhưng cú lừa và sau đó là lòng thù hận với bản án bất công, đã đưa tôi đi theo vụ án này suốt hơn sáu năm qua. Và có thể sẽ còn phải tiếp tục theo đuổi cho đến khi đòi được công lý./.
Bình luận