BẢN TỰ KHAI NGÀY 05-09-2022 CÙA SAIGONBOOK
Kính gửi: Tòa án nhân dân Quận 3 – Thành phố Hồ Chí Minh
Chúng tôi là Công ty TNHH Phát Hành Sách Sài Gòn (Viết tắt là Saigonbook) – Nguyên đơn dân sự theo thông báo thụ lý số 486/2021/TLST-KDTM, ngày 11/10//2021 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đơn khởi kiện ngày 10-11-2015, bút lục số 39, và bản án phúc thẩm số 528/2021/KDTM-PT ngày 15-6-2021 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh, Saigonbook trình bày chi tiết, đầy đủ nội dung tranh chấp như sau:
A. Quan Hệ Tranh Chấp Và Pháp Luật Cần Áp Dụng: Trang 16 bản án phúc thẩm số 528/2021/KDTM-PT ngày 15-6-2021 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định quan hệ tranh chấp là tranh chấp vô hiệu hợp đồng 038, bút lục 14, và hợp đồng 03, bút lục 542, và pháp luật cần áp dụng là Điều 132 BLDS 2005 và Điều 137 BLDS 2005. Saigonbook hoàn toàn đồng ý với nhận định tại Trang 16 bản án phúc thẩm số 528/2021/KDTM-PT ngày 15-6-2021 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ trình bày lại cho rõ ràng và cụ thể hơn như sau:
– Tranh chấp hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối theo Điều 132 BLDS 2005, đối với các hợp đồng kinh tế số 038/HĐKT-14, bút lục số 141, và hợp đồng mua bán tài sản số 03.12.14/HĐMB-SG, bút lục số 542 và phụ lục hợp đồng mua bán tài sản số 03.12.14/HĐMB-SG, bút lục số 131.
– Tranh chấp một phần hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu, theo qui định tại Điều 137 BLDS 2005, được tính đến ngày 10-11-2015 theo đơn khởi kiện và đã được Saigonbook đóng án phí, biên lai đóng án phí số 09951, bút lục số 01.
– Trước hết, Saigonbook yêu cầu Tòa án xem xét các hành vi lừa dối của KMV và Sao Nam, nhằm làm cho Saigonbook “hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung” hợp đồng kinh tế số 038/HĐKT-14, nên đã xác hợp đồng kinh tế số 038/HĐKT-14, theo đúng qui định tại Điều 132 BLDS 2005. Thời điểm vô hiệu của hợp đồng kinh tế số 038/HĐKT-14 là thời điểm xác lập hợp đồng, ngày 14-10-2014, chứ không phải là ngày ký kết hợp đồng kinh tế số 038/HĐKT, ngày 20-10-2014. Vì hợp đồng kinh tế số 038/HĐKT-14 vô hiệu kể từ khi giao kết 14-10-2014, nên các bên không phát sinh quyền, nghĩa vụ. Tất cả các thỏa thuận kế tiếp dựa trên hợp đồng kinh tế số 038/HĐKT-14 đều vô hiệu, vì hợp đồng hợp đồng kinh tế số 038/HĐKT-14, đã vô hiệu.
– Sau đó, Saigonbook yêu cầu tòa án xem xét tính kéo theo của sự vô hiệu đối với hợp đồng mua bán tài sản số 03.12.14/HĐMB-SG do lừa dối theo Điều 132 BLDS 2005 và giải quyết hậu quả hợp đồng hợp đồng vô hiệu theo Điều 137 BLDS 2005. Thời điểm vô hiệu đối với hợp đồng mua bán tài sản số 03.12.14/HĐMB-SG là ngày 27-12-2014, ngày xác lập hợp đồng trùng với ngày ký kết hợp đồng.
– Đối với hậu quả pháp lý, một lần nữa, Saigonbook khẳng định chỉ tranh chấp một phần hậu quả pháp lý, được tính đến thời điểm ngày 10-11-2015, theo như Đơn khởi kiện ngày 10-11-2015, và đã được Saigonbook đóng án phí. Saigonbook yêu cầu Tòa án giải quyết hậu quả pháp lý không vượt quá phạm vi Đơn khởi kiện ngày 10-11-2015, thời gian được tính đến ngày 10-11-2015.
B. Quá trình lừa dối của KMV và Sao Nam:
Trước khi xác lập hợp đồng kinh tế số 038/HĐKT mua máy in C1100, Saigonbook và Sao Nam đã ký hợp đồng 018/HĐK, mua bán in C1070P. Cả hai hợp đồng này đều bị lừa dối trước khi xác lập, với những hành vi và thủ đoạn giống nhau, có chỗ khác nhau, rất tinh vi, rất khó phát hiện. Vì đây là máy in kỹ thuật số công nghệ mới, độc quyền của Konica Minolta, đến từ Nhật Bản, nên Saigonbook thiếu thông tin. Các hành vi lừa dối về chủ thể, lừa dối về giá, lừa dối về xuất xứ, lừa dối về bảo hành đều có trước khi xác lập hợp đồng 018/HĐKT mua bán máy in C1070P và là nguyên nhân dẫn đến Saigonbook xác lập hợp đồng 018/HĐKT. Kế đến, các hành vi lừa dối về giá, lừa dối về xuất xứ, lừa dối về bảo hành, có từ trước khi xác lập hợp đồng 018/HĐKT, cũng là các hành vi dẫn đến xác lập hợp đồng 038/HĐKT mua bán máy in C1100. Vì thế, mặc dù máy C1070P đã được KMV và Sao Nam thu hồi, và không bị kiện trong vụ án này, nhưng các hành vi dẫn đến xác lập hợp đồng 018/HĐKT cũng phải được xem xét để đánh giá, vì đó cũng là nguyên nhân dẫn đến Saigonbook xác lập hợp đồng 038/HĐKT sau này.
1. Quá trình lừa dối của Sao Nam dẫn đến xác lập hợp đồng mua bán hai máy in C1070P và C1100:
Đầu tháng 8 năm 2014, tôi hẹn gặp bà Lưu Ngọc Thúy Vân, nhân viên tiếp thị của Công ty Sao Nam, tại nhà in của tôi, số 217/2 đường Nơ Trang Long, Phường 12, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi nói với bà Lưu Ngọc Thúy Vân rằng, tôi cần mua một chiếc máy in kỹ thuật số mới, của Konica Minolta, được sản xuất tại Nhật Bản, giá chừng một tỉ đồng trở lại. Vì không có thời gian tìm hiểu và khảo sát giá, nên tôi đưa ra hai điều kiện mua bán. Một là, máy phải mới 100%, chất lượng cao, được nhập khẩu từ Nhật Bản. Hai là, giá bán cho tôi, không được cao hơn giá bán cho các khách hàng khác. Nếu sau khi đã mua mà tôi phát hiện ra, giá bán cho tôi, lại cao hơn giá bán cho người khác thì tôi sẽ trả lại máy, đòi lại tiền. Lúc đó, tôi không tra cứu Điều 13, Điều 14 Luật cạnh tranh 2004, nhưng tôi hiểu là máy mới thì chỉ có một giá bán ra. Bà Lưu Ngọc Thúy Vân giải thích với tôi rằng: “Khi nào anh đặt cọc thì bên em mới báo cho Konica Minolta nhập khẩu, máy mới 100%. Còn giá thì anh khỏi lo. Đợt này khuyến mại, nên anh được hưởng giá ưu đãi, rẻ hơn các đối tác khác”. Nói rồi, bà Lưu Ngọc Thúy Vân giới thiệu cho tôi một số dòng máy in của hãng Konica Minolta, theo mức giá xấp xỉ một tỉ đồng.
Tôi chọn mua chiếc máy C1060 với giá 960.000.000 đ và chốt ngay hợp đồng. Sau khi đã chốt giá máy C1060, bà Lưu Ngọc Thúy Vân ra về và hứa, vài hôm nữa sẽ đem hợp đồng qua cho tôi ký. Chừng vài ngày sau, bà Lưu Ngọc Thúy Vân hẹn gặp lại tôi. Lúc đó, tôi nghĩ rằng lần gặp này là để bà Lưu Ngọc Thúy Vân đưa hợp đồng cho tôi ký. Nhưng không phải như vậy. Bà Lưu Ngọc Thúy Vân đến gặp tôi là để đổi hợp đồng, thay chiếc máy in C1060, bằng chiếc máy in C1070P. Sau này, tôi mới biết, tình tiết đột ngột đổi hợp đồng như thế này là vì Công ty TNHH Ca An trả lại chiếc máy in C1070P vì bị lỗi kỹ thuật, nên Sao Nam lừa đổi cho tôi chiếc máy in C1070P bị lỗi này. Hôm đó, bà Lưu Ngọc Thúy Vân không mang theo hợp đồng để tôi ký mà nói rằng: “Konica đang khuyến mại dòng máy in C1070P với nhiều tính năng vượt trội hơn các dòng máy trước đó. Đây là dòng máy mới nhất, chất lượng cao, màu sắc đều, ổn định. Em muốn tư vấn để anh Kim chọn dòng máy này, nhưng giá máy này cao hơn giá máy C1060 mà anh đã chọn hôm trước”. Tôi hỏi bà Lưu Ngọc Thúy Vân: “Cao hơn là bao nhiêu em?”. Bà Lưu Ngọc Thúy Vân trả lời: “Giá nét là 1.200.000.000đ, cộng thêm thuế VAT 10% là 120.000.000 đ nữa. Tổng cộng là 1.320.000.000đ. Tôi đồng ý mua máy C1070P. Sao Nam là bên soạn thảo hợp đồng. Ngày 15/8/2014, Saigonbook và Sao Nam ký hợp đồng số 018/HĐKT-14, mua bán máy in C1070P, với giá 1.320.000.000đ. Ngay sau khi ký hợp đồng, tôi chuyển cho Sao Nam 15% tiền đặt cọc, số tiền là 198.000.000 đồng. Ngay sau đó, tôi cho di dời sách, gấp rút sửa chữa tầng lửng tại Trung Tâm Sách Sài Gòn, số 476 Nguyễn Thị Minh Khai, để kịp có chỗ đặt chiếc máy in C1070P này. Chỉ riêng tiền sửa chữa, trang trí tầng lửng này, đã ngốn hết của tôi 300.000.000 đồng. Khi Sao Nam báo tin, chiếc máy in C1070P đã nhập khẩu vào Việt Nam và hẹn ngày bàn giao máy, thì tôi phân công em Nguyễn Công Bình đến làm việc tại Trung Tâm Sách Sài Gòn để tiếp nhận và vận hành in kỹ thuật số. Sao Nam bàn giao máy C1070P vào lúc hơn 12 giờ trưa ngày 28/8/2014. Lúc đó, tôi không có mặt. Ông Nguyễn Công Bình – nhân viên của tôi, đã thay tôi, nhận chiếc máy C1070P này. Nghe nhân viên Nguyễn Công Bình báo tin máy in C1070P đã được giao, theo thỏa thuận tại ĐIỀU III của hợp đồng 018/HĐKT-14, tôi chuyển ngay 726 triệu đồng tiền đợt 2 cho Sao Nam. Đến chiều, tôi đến Trung Tâm Sách Sài Gòn, thì đã thấy chiếc máy in C1070P đặt ở tầng lửng, nhưng không còn nguyên đai nguyên kiện. Tôi không nghĩ rằng, đây là chiếc máy cũ nên cũng không để ý đến chi tiết này. Mãi đến cuối tháng 01 năm 2015, tôi mới được ông Hoàng Văn Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Ca An cho biết là chiếc máy in C1070P của tôi đang sử dụng là chiếc máy in bị lỗi kỹ thuật, do chính ông trả lại cho Sao Nam. Chứng từ máy C1070P do Công ty TNHH Ca An trả lại theo hóa đơn số 0002011, được Sao Nam liệt kê tại số thự tự 181, trang 28, bộ tờ khai thuế mua vào quý 4 năm 2014, bút lục số 315.
Sau ngày nhận máy, 28/8/2014, chừng vài ngày, trong lúc đang loay hoay với việc tính giá trang in để đưa máy vào hoạt động, thì ông Trần Minh Nhật – Trưởng phòng kinh doanh của Sao Nam đến gặp tôi tại Trung tâm sách Sài Gòn 474-476 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Trần Minh Nhật nói với tôi rằng: “Em thấy chỗ của anh Kim rất đẹp, có thể làm theo mô hình Printing Shop rất thuận lợi. Đây là mô hình rất phổ biến ở Nhật, châu Âu và Bắc Mỹ. Bên Indonesia, họ cũng có vài chỗ làm rồi và họ rất thành công. Nếu anh muốn làm thì em giới thiệu Konica tài trợ cho anh làm. Anh có thể đi Nhật để tham khảo mô hình này”. Nghe như thế, tôi mừng, vì tôi đang tìm cách đổi mới doanh nghiệp, đặc biệt là tôi đang tìm đối tác để khai thác cơ sở vật chất hiện có. Tôi tạm dừng công việc để dành thời gian trao đổi với ông Trần Minh Nhật. Tôi mời ông Trần Minh Nhật ra quán để vừa uống bia, vừa trao đổi công việc. Tại đây, ông Trần Minh Nhật nói sơ qua mô hình Printing Shop, tương tự cửa hàng, chỉ dùng để bán trang in. Cửa hàng có dịch vụ thiết kế, có đặt máy tính cho khách hàng tự thiết kế, tự in để kiểm tra, điều chỉnh màu sắc. Các đơn vị thiết kế nhận hàng in, như các đơn vị nhận hàng in trên đường Lý Thái Tổ, sẽ đến in chỗ mình, vì họ không thể trang bị máy in để chỉ in với số lượng ít. Các sinh viên trường Mỹ Thuật cũng có thể thiết kế, rồi đem đến chỗ mình in để test mẫu. Muốn vậy, mình phải đầu tư mua sắm nhiều loại máy in, đa dạng, để hỗ trợ in cho nhiều phân khúc và cũng để thay thế mỗi khi máy trục trặc, phải chờ sửa chữa. Tôi nghe rất có lý. Tôi đề nghị ông Trần Minh Nhật giới thiệu cho tôi gặp đại diện của Konica Minotla. Cho đến thời điểm đó, tôi cứ tưởng rằng, Konica Minolta chỉ mới đặt văn phòng đại diện, chứ họ chưa thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.
Chừng một ngày sau, ông Trần Minh Nhật đi cùng với ông Đỗ Giang Khánh đến gặp tôi tại tại Trung Tâm Sách Sài Gòn. Ông Đỗ Giang Khánh đưa cho tôi danh thiếp, với chức danh là Trưởng phòng tiếp thị của Công ty TNHH Konica Minolta Business Soloution Việt Nam (KMV). Nhưng rất tiếc là tôi đã để mất chiếc danh thiếp của ông Đỗ Giang Khánh, chỉ còn giữ lại email gửi thiết kế Printing Shop mà tôi đã nộp cho tòa tại biên bản ngày 25-8-2022. Sau khi tham quan Trung Tâm Sách Sài Gòn, ông Đỗ Giang Khánh nói với tôi rằng, chỗ của tôi là rất thích hợp với mô hình Printing Shop. Ông Đỗ Giang Khánh hứa, nếu tôi làm thì ông sẽ bàn với lãnh đạo KMV để hỗ trợ cho tôi. Đổi lại, tôi cho KMV treo bảng hiệu quảng cáo thương hiệu của họ tại mặt tiền Trung Tâm Sách Sài Gòn. Ông Đỗ Giang Khánh còn giải thích thêm rằng, thay vì trả tiền treo bảng quảng cáo, thì KMV sẽ giảm giá cho tôi. Nếu tôi làm Printing Shop, in được số lượng lớn thì KMV cũng có lợi hơn là bán rải rác, mỗi nơi một máy, không hiệu quả. Nghe rất có lý, lợi họ – lợi mình. Tôi đang tìm cách chuyển đổi doanh nghiệp, tìm cách khai thác cho hết công suất nhà in trong bối cảnh dung lượng thị trường sách đang bị thu hẹp. Nghe ông Đỗ Giang Khánh nói, tôi như người sắp chết đuối mà vớ phải cọc. Tôi đồng ý và đề nghị phía KMV giúp đỡ để tôi đầu tư làm theo đúng mô hình Printing Shop này.
Theo hẹn của ông Đỗ Giang Khánh, tôi đến văn phòng của KMV tại Lầu 8, Tòa nhà Bitexco, số 2 Đường Hải Triều, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Trần Vũ – Giám đốc kinh doanh của KMV và ông Đào Việt Linh, lúc đó là Trưởng phòng kinh doanh của KMV tiếp tôi và trao cho tôi danh thiếp của các ông. Cả hai danh thiếp này, tôi đã nộp cho tòa tại biên bản họp kiểm tra giao nộp tài liệu chứng cứ ngày 25/8/2022. Ông Trần Vũ giới thiệu cho tôi chiếc máy in Model C1085, đang trưng bày, với giá 1.750.000.000đ. Lúc này, tôi mới biết KMV đã thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam và được quyền bán hàng trực tiếp cho khách hàng tại thị trường Việt Nam. Tôi đề nghị ông Trần Vũ bán cho tôi chiếc máy in thế hệ mới nhất, cao cấp nhất, được sản xuất tại Nhật Bản, để tôi làm Printing Shop, chứ tôi không mua hàng đã qua trưng bày. Ông Trần Vũ và ông Đào Việt Linh giới thiệu cho tôi dòng máy in C1100 là thế hệ máy in mới nhất, được sản xuất năm 2014 tại Nhật Bản, mới bán qua thị trường châu Âu và Bắc Mỹ 9 chiếc, qua thị trường châu Á hai chiếc, Trung Quốc và Ấn Độ – mỗi nơi một chiếc, chưa có chiếc nào xuất bán qua thị trường Đông Nam Á. Nếu tôi mua thì đây sẽ là chiếc máy in đầu tiên, hiện đại nhất của Konica Minolta Nhật Bản xuất qua thị trường Đông Nam Á, và lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Chiếc máy in C1100 có giá 180 ngàn đô la Mỹ. Vì là người đầu tiên mua chiếc máy in này, giúp KMV quảng bá chiếc máy C1100 này vào thị trường Việt Nam, nên tôi được giảm giá đặc biệt 20%. Tôi đồng ý và đề nghị phía KMV soạn thảo hợp đồng. Ông Trần Vũ nói rằng hợp đồng bán máy sẽ giao cho Sao Nam, vì Sao Nam đã bán cho chúng tôi chiếc máy C1070P, dồn hai chiếc để Sao Nam chăm sóc bảo trì thì tiện lợi hơn, còn mực và vật tư thì sau này, KMV sẽ trực tiếp bán cho Saigonbook để bảo đảm giảm 20% so với giá thị trường. Tôi muốn mua hàng trực tiếp từ KMV chứ không muốn mua qua đơn vị trung gian, nên đề nghị được ký hợp đồng trực tiếp. Ngay lúc đó, ông Đào Việt Linh nói chen vào: “Sao Nam bán thì cũng như tụi em bán. Anh mua ở đâu thì giá cũng vậy. Nhưng vì Sao Nam đã bán cho anh máy C1070P rồi. Anh là mối của Sao Nam, do Sao Nam giới thiệu, nên tụi em không thể bán trực tiếp cho anh được, bán như thế là giành mối của đại lý. Sau này, tụi em sẽ trực tiếp bán mực và vật tư cho anh thì mới bảo đảm giá rẻ hơn hai mươi phần trăm chứ Sao Nam thì không có khả năng này”. Tôi nghe giải thích rất hợp lý nên đã đồng ý.
Ngày 04-09-2014, tôi nhận được bản thiết kế của Konica Minolta gửi từ Singapore, qua email của anh Đỗ Giang Khánh và email của anh Trần Minh Nhật. Sau đó, theo hướng dẫn của ông Đỗ Giang Khánh, tôi thuê người đo vẽ hiện trạng kích thước, chụp hình Trung Tâm Sách Sài Gòn để chuyển cho Konica Minolta thiết kế Printing Shop. Tôi gửi qua email của ông Đỗ Giang Khánh, để ông Đỗ Giang Khánh chuyển sang Singapore. Nhưng chờ mãi mà không thấy bản vẽ Printing Shop theo kích thước mà tôi đã gửi cho ông Đỗ Giang Khánh, nên tôi phải thuê người thiết kế Printing Shop, dựa trên mô hình mà tôi đã nhận được từ email ngày 4-9-2014 của ông Đỗ Giang Khánh.
Một thời gian sau thì ông Trần Kim Chung chuyển sang cho tôi một BẢNG CHÀO GIÁ số 128/CTV-14 máy in C1100, bút lục số 159, với giá máy C1100 là 3.873.000.000đ, chưa bao gồm thuế VAT. Giá này là tương đương với 180.000 đô la Mỹ (tỉ giá USD ngày 14-10-2014 là 21.522VND/USD), như đã thỏa thuận trước đó với ông Trần Vũ và ông Đào Việt Linh. Trong phiếu báo giá cũng đã ghi rõ “Giảm giá đặc biệt 20%”, đúng như đã thỏa thuận trước đó với những người đại diện của KMV. Tôi đề nghị Sao Nam soạn hợp đồng qua để tôi ký. Lúc đó, tôi rất tin tưởng vào sự hợp tác, làm ăn lâu dài với KMV và Sao Nam, nên khi Sao Nam đưa hợp đồng qua thì tôi chỉ đọc lướt qua, kiểm tra lại giá tiền và thời hạn thanh toán, rồi ký ngay. Để làm vui lòng đối tác, ngay sau khi ký hợp đồng, chừng mấy phút, tôi đã chuyển tiền đợt một cho Sao Nam. Hợp đồng 038 ký ngày 20/10/2014 thì Ủy nhiệm chi tiền đợt 1 cũng ký ngày 20/10/2014.
Trong thời gian chờ đợi máy in C1100 nhập khẩu từ Singapore, tôi ngừng bán sách, tháo dỡ kệ sách, sửa chữa Trung tâm Sách Sài Gòn thành Printing Shop để chờ chỗ lắp đặt những chiếc máy in kỹ thuật số hiện đại. Tôi đã chi hết 2.680.000.000đ cho việc sửa chữa đợt hai này. Trong thời gian sửa chữa, KMV cũng cử người đến khảo sát, thuê người làm bảng hiệu quảng cáo của họ. Theo lời ông Đỗ Giang Khánh thì KMV đã chi 99.000.000đ, thuê Công ty Huê Phong làm các bảng quảng cáo này. Ông Đỗ Giang Khánh cũng báo cho tôi biết là KMV đã quyết định tặng Saigonbook bộ UPS được nhập khẩu từ Mỹ, trị giá 7.000 USD, để ổn định dòng điện cho chiếc máy máy in C1100 này. Nhưng bộ UPS được nhập khẩu từ Mỹ nên về muộn, sẽ được giao sau.
Ngày 09 tháng 12 năm 2014, tôi nhận được Thông báo giao hàng hợp đồng 038/HĐKT-14, bút lục 134. Trong thông báo này, Sao Nam viện dẫn Điều III của hợp đồng 038, và nhắc chúng tôi số tiền phải thanh toán đợt hai này, là 1.875.011.160đ. Lúc này, tôi rơi vào thế kẹt. Số tiền dự trù để thanh toán cho Sao Nam, đã được dùng vào việc sửa chữa Printing Shop. Tôi đề nghị ông Trần Kim Chung cho tôi thanh toán trước một tỉ, số tiền còn thiếu, tôi sẽ thanh toán chậm chừng một tháng, nhưng ông Trần Kim Chung không đồng ý. Vì không được ông Trần Kim Chung cho nợ, nên tôi phải lùi ngày nhận bàn giao máy, chờ làm thủ tục vay tiền.
Tôi gọi điện cho ông Trần Kim Chung, đề nghị giúp tôi làm thủ tục vay tiền bên ACBL. Bên ACBL đã liên hệ với bên Sao Nam và KMV để thẩm định giá và làm thủ tục cho vay. Họ sẽ giải ngân và thanh toán trực tiếp cho Sao Nam, chứ tôi không thể nhận được số tiền vay này. Sau khi định giá, ACBL thông báo cho tôi biết, hồ sơ của tôi đã được duyệt cho vay, thông báo cho vay với số tiền là 2.640.436.000đ, tương ứng với với 80% giá trị chiếc máy do KMV báo giá cho họ. KMV báo giá cho ACBL là 3.300.546.000 đ. Giá máy C1100 mà KMV báo cho ACBL, có lưu trong hồ sơ thẩm định giá, là trùng với phiếu báo giá cho Công ty Thẩm định giá Sài Gòn, bút lục số 144. Nhưng KMV và Sao Nam đã báo giá cho Saigonbook 180.000 USD, tương đương với 3.873.000.000 đồng. Còn báo giá cho ngân hàng chỉ 3.300.546.000đ. Họ đã lừa tôi một cách rất trắng trợn, nhưng lúc đó, tôi không phát hiện.
ACBL là bên soạn thảo hợp đồng cho thuê tài chính. Họ cũng là bên soạn thảo hợp đồng mua bán máy in C1100 để thay thế cho hợp đồng 038, mà tôi và Sao Nam đã ký ngày 20 tháng 10 năm 2014. Anh Huỳnh Tiến – người của ACBL, gọi điện hỏi tôi thông tin về xuất xứ máy vì hợp đồng 038 không ghi xuất xứ. Tôi nói với anh Huỳnh Tiến là máy có xuất xứ Nhật Bản. Lúc đó, tôi chưa nhận được máy, nhưng vì đã thỏa thuận mua máy xuất xứ Nhật Bản, nên tôi báo cho anh Huỳnh Tiến là máy có xuất xứ Nhật Bản. Tôi đã đề nghị anh Huỳnh Tiến gọi hỏi ông Trần Kim Chung về tất cả các thông tin cần thiết liên quan đến chiếc máy in này. Anh Huỳnh Tiến cho biết bộ phận thẩm định giá của ACBL đang làm việc với Sao Nam và KMV. Sau đó, ACBL đưa hợp đồng cho thuê tài chính và hợp đồng mua bán máy in qua để tôi ký cùng một lúc. Hợp đồng ghi rõ đối tượng mua bán là chiếc máy C1100 như hợp đồng 038, và bổ sung thêm phần xuất xứ Nhật Bản mà hợp đồng 038 còn để sót. Ba bên – ACBL, Saigonbook và Sao Nam – đã ký vào hợp đồng mua bán này. Tôi không biết máy C1100 này được sản xuất tại Trung Quốc. Nếu lúc đó mà ông Trần Kim Chung cung cấp thông tin xuất xứ Trung Quốc thì tôi sẽ không nhận hàng và ACBL cũng không thể định giá máy và cho vay với số tiền lớn như thế. Sự lừa dối xuất xứ của KMV và Sao Nam đối với tôi và một số khách hàng Việt Nam là hết sức tinh vi.
Ngày 27/12/2014, Ba bên – ACBL, Saigonbook và Sao Nam – ký hợp đồng thì trưa ngày 30/12/2014, KMV giao máy đến địa chỉ 474 – 476 Nguyễn Thị Minh Khai, có đại diện của ACBL, chúng tôi và đại diện của Sao Nam đón tiếp, nhận bàn giao máy. Sau khi giúp Sao Nam đưa máy lên lầu 1, tôi ký biên bản nhận bàn giao, rồi dẫn nhân viên đi ăn trưa. Máy còn nguyên đai nguyên kiện. Chúng tôi và đại diện ACBL chỉ ký, chứ không ai xem được chiếc máy còn ở trong thùng. Phải ngày hôm sau, Sao Nam mới cho người đến lắp đặt. Tôi ký khế ước nhận nợ số 02.03.12, bút lục 117, để ACBL thanh toán đợt hai cho Sao Nam và bố trí người hỗ trợ cho thợ của Sao Nam lắp đặt. Lúc này, tôi vẫn chưa biết chiếc máy C1070P đã mua trước đó là máy cũ. Tôi chỉ thấy hiện tượng khách than vãn về chất lượng của bài in trên máy C1070P, nên tôi càng hối thúc phía Sao Nam giúp tôi nhanh chóng đưa máy C1100 vào hoạt động. Tôi rất sốt ruột về tình trạng nhân viên chờ việc.
Máy vừa lắp đặt xong và in thử bằng những ống mực đi kèm theo máy thì anh Phạm Thanh Vũ – kỹ thuật của bên Sao Nam, nói cho tôi biết là anh Kim phải mua Click Charge thì máy này mới hoạt động được. Tôi hỏi anh Vũ “Click Charge là gì?” thì mới được giải thích Click Charge là hợp đồng mua bán trang in. Tôi gọi điện hỏi ông Trần Minh Nhật thì được báo là “Sao Nam bán 600 đồng/click charge, nhưng máy C1100 này, theo thỏa thuận là do KMV bán click charge, để hỗ trợ anh nên tụi em không bán được”. Tôi bèn gọi cho anh Đào Việt Linh và anh Trần Vũ đề nghị báo giá Click Charge để tôi ký hợp đồng mua.
Ngày 7/1/2015, anh Trần Vũ và anh Đào Việt Linh đến chỗ tôi, mang theo “BẢNG CHÀO GIÁ dịch vụ tính phí theo trang in”, bút lục 115. Xem bảng chào giá này, tôi thấy giá mỗi trang in A4 là 700 đồng, tức là 700 đồng/click charge, cao hơn giá mà ông Trần Minh Nhật đã báo với tôi, chỉ 600đồng/click charge. Tôi nghi ngờ có sự lừa dối. Ngay lúc đó, theo phản xạ bản năng, tôi đề nghị ông Trần Vũ ký xác nhận vào BẢNG CHÀO GIÁ để làm cơ sở ký hợp đồng. Ông Trần Vũ đã ký rồi ghi họ tên phía dưới, bên trái là tên và số điện thoại của ông Đào Việt Linh. Sự việc này cho thấy, họ không những nuốt lời hứa giúp tôi xây dựng Printing Shop mà còn định lừa bán giá Click Charge cao hơn giá của Sao Nam. Cũng có thể họ chào giá như thế để ép tôi mua của Sao Nam, nhằm xóa dấu vết của họ trong vụ bán chiếc máy C1100 này. Tôi chưa ký hợp đồng Click Charge với KMV, vì còn chờ kiểm tra lại giá thị trường. Lúc đó, tôi không biết là giá mực, vật tư tiêu hao cho các chiếc máy này là độc quyền của Konica Minolta. Hơn nữa, thời gian chờ nghiệm thu còn dài nên tôi chưa vội. Tạm thời, tôi mua mực và vật tư tiêu hao của Sao Nam theo từng hóa đơn. Họ kê bao nhiêu, tôi thanh toán bấy nhiêu chứ không thể đàm phán giá.
Sau khi hoàn thiện Printing Shop, có bảng hiệu quảng cáo của Konica Minolta, ông Đỗ Giang Khánh đã đưa một số người Nhật đến tham quan. Tôi đã đón tiếp họ một cách thân thiện, mong được hợp tác làm ăn lâu dài. Tôi đã sắm đồng phục cho nhân viên Printing Shop theo màu xanh đặc trưng của Konica Minolta. Mỗi khi có khách là người Nhật đến tham quan Printing Shop, tôi đều nhấc nhở nhân viên mặc đồng phục. Tôi đã tiếp một số người Nhật Bản làm việc cho tập đoàn Konica Minolta đến tham quan Printing Shop của tôi, nhưng bây giờ, tôi không còn lưu giữ đủ các danh thiếp của họ. Tôi chỉ ấn tượng nhất là một lần tiếp và chiêu đãi ông Makito Nakamura. Tôi còn lưu giữ danh thiếp của ông này, và đã nộp cho Tòa án quận 3 tại biên bản phiên họp ngày 25/8/2022.
Một lần, ông Trần Minh Nhật và ông Đỗ Giang Khánh đề nghị tôi đón tiếp ông Makito Nakamura, một lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn Konica Minolta Nhật Bản, phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tôi đã tiếp và chiêu đãi họ ở nhà hàng Hương Rừng, số 375A đường Nguyễn Trãi, Quận 1. Ông Đỗ Giang Khánh phiên dịch cho ông Makito Nakamura. Trong đoàn có sự hiện diện của cô Nguyễn Thị Huyền Vi, Giám đốc chi nhánh KMV tại Hà Nội. Hôm đó, tôi có mời ông Trần Minh Nhật và ông Trần Kim Chung cùng dự, các ông có hứa đến nhưng rồi các ông đã lánh mặt. Trong buổi tiệc vui vẻ hôm ấy, ông Trần Vũ còn nói rằng, chắc chắn mô hình Printing Shop của tôi sẽ thắng lợi, vì chỗ tôi gần các trường đại học, các khách hàng cần in các nhãn hàng cao cấp. Đặc biệt, ông Trần Vũ còn chỉ cho tôi nhóm khách hàng là các đơn vị thiết kế nhận hàng in trên đường Lý Thái Tổ. Tôi tự tin nói rằng, tôi là người có ưu thế về năng lực và điều kiện kinh doanh trên lĩnh vực in kỹ thuật số này và tôi rất quyết tâm. Nếu tôi làm không thành công thì lý do còn lại chỉ có thể là do phía KMV. Ông Trần Vũ nghe vậy còn nói thêm: “Anh Kim là người viết sách báo, nếu có chuyện gì không đúng thì sẽ bị anh nêu tên lên báo”. Mọi người cùng cười.
Tôi rất vui mừng khi Printing Shop đi vào hoạt động. Tôi quảng cáo trên trang web của Saigonbook với dòng chữ đầy tự tin của một người vừa được sở hữu chiếc máy in công nghệ mới, đẳng cấp mới. Nghe quảng cáo máy in C1100 “hiện đại nhất Đông Nam Á”, thì có một số khách hàng đến tham quan và đặt hàng in trên chiếc máy C1100 này. Anh Đặng Mai Diệu – Giám đốc Công ty in Sáng Tạo Trẻ và anh Huỳnh Văn Thành – Giám đốc Công ty in Song Tạo, cũng đến tham quan. Sau khi hỏi giá mua, anh Huỳnh Văn Thành nói rằng, giá máy không thể cao đến như thế. Có một khách hàng, sau khi xem xong máy, buột miệng thốt lên rằng: “Con C. ĐM, máy này có đéo gì đâu mà hiện đại nhất Đông Nam Á. Quảng cáo xạo, Thành phố này có đầy loại máy này”. Tôi gọi cho ông Trần Vũ, ông Đào Việt Linh, ông Trần Minh Nhật, đề nghị các ông ấy kiểm tra lại cho chính xác các thông tin để tôi viết quảng cáo. Nhưng tôi không nhận được câu trả trả lời. Tất cả bọn họ đều đã lánh mặt.
Cả hai máy in C1070P và C1100 ở tình trạng hoạt động cầm chừng vì giá máy cao, giá mực vật tư quá cao, không tìm được khách hàng. Chất lượng máy thì tầm thường chứ không như KMV và Sao Nam nói với tôi trước khi mua. Gần hết thời hạn ký nghiệm thu nhưng máy in C1100 cũng còn bị lỗi kỹ thuật, chưa thể ký nghiệm thu. Sao Nam gửi văn bản số 007/ADM-15, bút lục số 89, cam kết khắc phục lỗi và xin nghiệm thu. Tuy nhiên, lỗi này kéo dài, không khắc phục được cho đến ngày KMV và Sao Nam đồng ý thu hồi máy. Văn bản số 020/ADM-15 ngày 15/7/2015, bút lục số 90, Sao Nam đã ghi nhận tình trạng hai máy còn bị lỗi kỹ thuật.
Vì trước khi ký hợp đồng với Sao Nam, tôi được KMV cam kết giảm giá 20% đối với chiếc máy in C1100, vì tôi là người Việt Nam đầu tiên mua chiếc máy in này, nên tôi đi tìm bằng chứng giá máy in của những người mua sau tôi, để chứng minh sự lừa dối của KMV. Giữa tháng 7 năm 2015, tôi cử người vào vai khác nhau để thu thập các phiếu báo giá của KMV và các đại lý của họ, chủ yếu là đối với máy C1100. Phiếu báo giá số 97/CVT/14 ngày 16/7/2015, bút lục số 154, đại lý Sao Nam báo giá máy C1100 là 2.000.000.000 đồng, có cả báo giá dịch vụ Click Charge là 600VND/A4. Phiếu báo giá ngày 17/7/2015, bút lục 109, của Sao Nam An – Một đại lý được ủy quyền của KMV, báo giá máy C1100 là 3.870.000.000 đồng. Phiếu báo giá ngày 17/7/2015, bút lục 106, Công ty STS – Một đại lý được ủy quyền của KMV báo giá máy C1100 là 1.800.000.000 đồng. Phiếu báo giá ngày 20/7/2015, bút lục 142, Công ty STS báo giá máy C1100 là 1.700.000.000 đồng, Phiếu báo giá ngày 20/7/2015, bút lục 145, KMV báo giá máy in C1100 là 2.200.000.000 đồng.
Sau khi nắm được các phiếu báo giá gian dối của KMV và các đại lý được KMV ủy quyền báo giá, tôi gọi điện thoại cho ông Phan Quang Phú – Phó Giám đốc Công ty STS, để mua chiếc máy in C1100, với giá 1.700.000.000 đồng, như phiếu báo giá tại bút lục 142. Lúc này, ông Phan Quang Phú cho biết là nếu tôi chịu nhận chiếc máy C1100 mới 100%, nhưng dùng triển lãm ở hội chợ thì tôi được tặng kèm hai máy 654E và máy C654. Tôi đồng ý nhận máy đã qua triển lãm hội chợ, nhưng đề nghị ông Phan Quang Phú làm giá riêng cho từng máy rồi cộng lại, sao cho bằng với giá tổng cộng là 1.700.000.000 đồng. Ông Phan Quang Phú đã làm theo đề nghị của tôi, bớt cho tôi 20.000.000 đồng, làm giá riêng cho từng máy, rồi cộng lại cả ba máy là: 1.680.000.000 đồng, trong đó giá máy C1100 là 1.289.278.000 đồng. Sau khi thỏa thuận giá theo phiếu báo giá của ông Phan Quang Phú, tôi đề nghị ông Phan Quang Phú cho tôi xem máy trước khi đặt cọc. Trưa ngày 22/7/2015, ông Phan Quang Phú dẫn tôi đến kho xem máy in C1100. Sau khi chụp hình ảnh máy in C1100 làm bằng chứng, lúc 15 giờ 23 phút ngày 22/7/2015, tôi chuyển cho Công ty STS 100 triệu đồng tiền cọc. Mục đích của tôi khi đặt cọc mua chiếc máy này là để làm đối chứng, cáo buộc KMV và Sao Nam lừa dối về giá, nhằm buộc họ trả lại số tiền đã lừa lấy của tôi, chứ tôi không có ý định mua hai chiếc máy in C1100.
Vì bị lừa, đang ở trạng thái tức giận, nên ngay sau khi vừa chuyển 100 triệu đồng đặt cọc cho Công ty STS, chiều 22-7-2015, tôi gọi điện cho ông Đào Việt Linh, nói rằng tôi đã nắm được các chứng từ báo giá gian dối của KMV và Sao Nam đối với máy in C1100. Tôi đề nghị ông Đào Việt Linh gọi cho ông Trần Kim Chung, ông Trần Minh Nhật hẹn cuối giờ chiều gặp tôi ở quán Cánh Buồm số 8 Lê Ngô Cát để bàn cách giải quyết, nếu để chậm thì sẽ to chuyện. Khoảng 17 giờ ngày 22-7-2015, ông Đào Việt Linh và ông Trần Kim Chung gặp tôi ở Quán Cánh Buồm. Tại đây, tôi đưa cho ông Đào Việt Linh và ông Trần Kim Chung bản phô tô các phiếu báo giá của KMV và Sao Nam đối với máy in C1100 và so sánh với giá máy in C1100 tại Bảng chào giá số 128/CTV-14 mà trước đó, KMV đã báo cho tôi. Tôi nêu lý do, tôi là người đầu tiên mua máy này nên được giảm giá đặc biệt 20% thì người sau tôi phải mua cao hơn tôi 20% là ai? Đề nghị các ông chỉ ra cho tôi rõ, nếu không thì tôi không để cho các ông yên thân. Tôi cũng nói với ông Đào Việt Linh là tôi đã chụp hình chiếc máy C1100 của Công ty STS và đặt cọc mua để làm đối chứng. Ông Đào Việt Linh và ông Trần Kim Chung run sợ và đề nghị tôi giữ yên để các ông báo cáo với lãnh đạo của KMV giải quyết.
Ngày hôm sau, 23/7/2015, tôi gọi cho ông Phan Quang Phú, yêu cầu bổ sung vào khoản 4 Điều 08 hợp đồng hợp, bút lục 646: “Bên A là đại lý thương mại của Công ty TNHH KONICA MINOLTA BUSINESS SOLOUTIONS VIỆT NAM”, để sau này có chứng cứ so sánh, buộc tội Sao Nam che giấu tư cách đại lý thương mại. Để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh đòi lại tiền đã bị KMV và Sao Nam lừa, tối ngày 23/7/2015, tôi coi lại Phiếu báo giá số 128/CTV-14 và đối chiếu với hợp đồng 038 thì có sự khác nhau về thời gian bảo hành. Sáng hôm sau, 24/7/2015, tôi gọi điện hỏi ông Đào Việt Linh về thời hạn bảo hành thì ông Đào Việt Linh cho biết là nhà sản xuất Konica Minolta qui định bảo hành 36 tháng cho cả hai máy, máy C1100 và máy C1070P. Ông Đào Việt Linh nói rằng Sao Nam đã làm sai chính sách của Konica Minolta, để ông nói với Sao Nam điều chỉnh. Để tăng áp lực với Sao Nam và KMV trong việc đòi lại tiền, lúc 15 giờ 46 phút ngày 24/7/2015, tôi gửi email, bút lục 224, cảnh báo cho ông Trần Kim Chung, ông Trần Minh Nhật và ông Đào Việt Linh. Ông Trần Kim Chung gửi email xin lỗi và điều chỉnh bảo hành lên 36 tháng, là biện pháp khắc phục hậu quả, nhưng hành vi lừa dối bảo hành thì đã hoàn thành đối với cả hai máy C1070P và C1100.
Chiều ngày 24/7/2015, ông Đào Việt Linh và ông Trần Minh Nhật gặp tôi, báo cho tôi biết là KMV đã đồng ý thu hồi cả hai máy C1070P và máy C1100. Ông Đào Việt Linh dẫn theo ông Tống Khánh Trình – Giám đốc tài chính của KMV, để xác nhận rằng ông Tống Khánh Trình sẽ là người làm thủ tục tài chính để trả lại tiền cho tôi. Ngay lúc đó, ông Đào Việt Linh và ông Trần Minh Nhật nhờ tôi soạn một văn bản nêu rõ những căn cứ hủy hợp đồng để KMV làm cơ sở thu hồi máy. Ông Đào Việt Linh đề nghị tôi dịch ra tiếng Anh gửi đến Osafumi.kawamua – Tổng Giám đốc của Công ty Konica Minolta Châu Á – Singapore. Như vậy, văn bản ngày 27/7/2015 của Saigonbook “về căn cứ hủy hợp đồng” mà Sao Nam nộp cho Tòa án tại bút lục số 311-312 là được soạn sau khi đã được KMV đồng ý thu hồi máy, và soạn theo đề nghị của KMV và Sao Nam.
Ngày 6-8-2015, ông Trần Kim Chung, ông Nguyễn Duy Kim và bà Mai Thị Thùy Dương đi cùng với Luật sư Bùi Quang Nghiêm đến trụ sở của Saigonbook để bàn thủ tục thu hồi máy. Băng ghi âm cuộc họp thu hồi máy ngày 6/8/2015, được Sao Nam nộp cho Tòa án, được liệt kê tại bút lục số 375, và Saigonbook nộp tại bút lục số 74, nhưng bị Thẩm phán Phù Quốc Tuấn và thư ký Bùi Nhật Vi Phượng loại ra khỏi hồ sơ vụ án sơ thẩm. Băng ghi âm ngày 6-8-2015, thể hiện ông Trần Kim Chung là bên được ủy quyền bán máy và được ủy quyền thu hồi máy. Tại phút thứ 2’33”, ông Trần Kim Chung nói: “Cái chuyện này tôi sẽ bàn với Konica, tức là sẽ bàn giao tay ba. Tôi sẽ giao cho Konica tại đây và họ sẽ phải có trách nhiệm thu hồi máy này. Ừm. Ok. Tại vì tôi không có đụng thêm bất cứ một cái chi phí nào của Sao Nam, kể cả nhân công, kể cả”. Tại phút thứ 38’04”, ông Trần Kim Chung nói: “Anh Kim à, anh Kim nè, tôi giải thích cho anh, có luật sư Nghiêm ở đây, tôi không có nói sai. Luật sư Nghiêm cũng đã có mặt trong cuộc họp giữa tôi với Konica. Tôi cũng đã đặt vấn đề đó mà Konica không chấp nhận. Nếu không phải là hàng bán trả lại thì Konica cũng không hạch toán được luôn”. Như vậy là, hai chiếc máy C1070P và C1100 đều là do KMV ủy quyền cho Sao Nam bán và ủy quyền cho Sao Nam thu hồi. Băng ghi âm ngày 6-8-2015 là phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác đã có trong hồ sơ vụ án.
Theo thỏa thuận cuộc họp ngày 6-8-2015, Sao Nam thu hồi máy C1070P vào ngày 8/8/2015, bút lục số 88, với lý do được các bên thỏa thuận ghi là “không phù hợp kinh doanh, mặc dù đã ký nghiệm thu“. Sau khi nhận được 1.320.000.000 đồng của Sao Nam, Saigonbook trả nợ cho ACBL và thanh lý hợp đồng cho thuê tài chính ngày 14-08-2015, bút lục 123, nắm quyền sở hữu máy in C1100 để trả lại máy cho Sao Nam như đã thỏa thuận, thể hiện tại băng ghi âm cuộc họp ngày 6-8-2015. Ngày 18-8-2015, ông Trần Kim Chung, ông Nguyễn Duy Kim và bà Mai Thị Thùy Dương đến trụ sở Saigonbook để làm thủ tục thu hồi máy in C1100 như đã thỏa thuận tại cuộc họp ngày 6-8-2015. Lần này, bất ngờ phía Sao Nam đói mua lại máy chứ không chịu làm thủ tục thu hồi. Lý do mà Sao Nam đưa ra là Sao Nam bán máy cho ACBL, chứ không bán máy cho Saigonbook. Băng ghi âm cuộc họp ngày 18-8-2015 cho thấy thiện chí, trung thực của Saigonbook trong việc trả lại máy in cho Sao Nam và KMV. Lúc đó, tôi cũng không hiểu lý do vì sao Sao Nam thu hồi máy in C1070P, nhưng lại khăng khăng đòi mua lại máy in C1100, nên đuổi ông Trần Kim Chung, ông Nguyễn Duy Kim và bà Mai Thị Thùy Dương về. Mãi đến cuối tháng 10/2015, ông Đào Việt Linh mới giải thích lý do phải mua lại máy in C1100 là vì máy in C1100 vừa ký nghiệm thu, mới quá, nên không tìm ra lý do thu hồi. Còn máy in C1070P thì lắp đặt đã lâu, lấy lý do bị lỗi kỹ thuật, nên thu hồi được. Ông Đào Việt Linh đề nghị Saigonbook bán lại máy in C1100 cho Sao Nam để giải quyết về mặt thủ tục. Lúc đó, Saigonbook đồng ý và đòi KMV xác nhận việc mua lại máy. Ngày 30-10-2015, Ông Đào Việt Linh gửi email, bút lục số 94, xác nhận KMV đã quyết định thu hồi máy bằng hình thức mua lại.
Băng ghi âm cuộc họp ngày 18-8-2015, cho thấy tôi rất tức giận trước thái độ ngoan cố của ông Trần Kim Chung và ông Nguyễn Duy Kim. Ngày 20/08/2015, bằng email, tôi gửi một tối hậu thư đến tất cả những người có liên quan, kể cả các luật sư của họ. Tôi giao cho nhân viên Saigonbook dịch thư ra tiếng Anh và gửi vào hộp thư của Tadasu Ichino, Osafumi Kawamura và Makito Nakamura. Trong thư, tôi nói rõ là tôi sẽ đợi họ đến 17 giờ ngày 23/08/2015. “Hãy trả lời cho tôi biết là các ông bà có thu hồi máy C1100 này hay không? Nếu không, tôi sẽ bắt đầu mở mặt trận truyền thông”. Họ đã im lặng. Tôi coi sự im lặng này là một thách thức. Lúc 9 giờ 13 phút, thứ hai, ngày 24/08/2015, tôi nhấn nút khai hỏa trận đánh truyền thông như đã nhiều lần cảnh báo cho họ trước đó. Tôi gửi các tài liệu thể hiện sự gian dối, nâng giá khống của KMV và các đại lý của họ cho báo chí. KMV đối phó bằng cách thuê Luật sư Tiến sĩ Lê Nết, gửi văn bản ngày 31/8/2015, bút lục số 76, để ngăn chặn báo chí đăng bài. Phối hợp với Lê Nết, ngày 7/9/2015, Sao Nam gửi văn bản số 026/ADM đến Saigonbook, “đề nghị rút và đính chính lại các thông tin không có căn cứ mà Saigonbook gửi cho các Cơ quan truyền thông”. Nhận được các văn bản của Lê Nết và Sao Nam, tôi rất tức giận, nên không chờ báo chí viết bài mà tự viết bài “Konica Minolta Coi Mặt Đặt Giá” để gửi các báo và kèm theo tài liệu chứng minh. Ngày 12/9/2015, báo Pháp luật Việt Nam của Bộ Tư pháp, báo Công lý của Tòa án nhân dân tối cao, báo Bảo Vệ Pháp Luật của Viện kiểm sát tối cao và một số báo khác đăng bài “Konica Minolta Coi Mặt Đặt Giá“. Sau bài báo “Konica Minolta Coi Mặt Đặt Giá”, quan hệ giữa Saigonbook với KMV, Sao Nam và luật sư Lê Nết căng thẳng. Sao Nam và KMV, dưới sự tư vấn của Luật sư tiến sĩ Lê Nết và Luật sư Bùi Quang Nghiêm, khăng khăng đòi mua lại máy và kèm theo điều kiện là Saigonbook phải đính chính và xin lỗi. Ngày 7/10/2015, Sao Nam gửi văn bản số 025/ADM-15, song ngữ Anh – Việt, đến Saigonbook, đề nghị mua lại máy với điều kiện là Saigonbook phải đính chính và xin lỗi. Đọc văn bản này của Sao Nam, lòng tôi bừng bừng căm giận. Tuy nhiên, tôi vẫn kiềm chế vì Printing Shop của tôi vẫn hoạt động với các máy in của Konica Minolta mua qua đại lý STS. Ông Phan Quang Phú và ông Đào Việt Linh tìm cách giải hòa, khuyên tôi đợi. Ngày 26/10/2015, ông Đào Việt Linh thông báo cho tôi biết là KMV đồng ý mua lại máy và bỏ điều kiện đính chính xin lỗi như đã nêu trong văn bản số 025/ADM-15 của Sao Nam. Bút lục số 94 thể hiện, ngày 30/10/2015, lúc 14 giờ 04 phút, ông Đào Việt Linh gửi email xác nhận KMV đã quyết định mua lại máy mà không có điều kiện đính chính, xin lỗi. Tôi đồng ý. Sau đó, ngày 02/11/2015, ông Trần Kim Chung gửi văn bản số 032/ADM-15, đề nghị giao kết hợp đồng mua bán máy in với nội dung: “KMV cam kết mua lại máy C1100 từ Sao Nam, sau khi Sao Nam mua lại máy từ Công ty TNHH Phát Hành Sách Sài Gòn (“Saigonbook”), đồng thời KMV đồng ý bỏ toàn bộ điều kiện do KMV đặt ra trong quá trình thương thảo mà Sao Nam đã phát hành văn bản số 027/ADM-15 ngày 05/10/2015“, nhưng đưa ra những điều kiện mới, trong đó có một cái bẫy để tôi ký vào văn bản xác nhận KMV và Sao Nam không lừa dối. Tôi không chấp nhận, nhưng vẫn hẹn gặp ông Đào Việt Linh để bàn cách tháo gỡ. Vào khoảng 17 giờ ngày 2/11/2015, tôi gặp ông Đào Việt Linh tại quán Cánh Buồm, số 8 Lê Ngô Cát, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, ông Đào Việt Linh đưa ra một tờ giấy đề nghị tôi ký xác nhận KMV và Sao Nam không lừa dối. Tôi không ký. Sau đó, tôi gọi điện cho phóng viên Phương Thảo, đề nghị Tòa soạn báo Pháp luật Việt Nam cho đăng bài “Nhận Diện Konica Minolta” vào lúc 18 giờ 37 phút ngày 02/11/2015. Sau đó, báo Công lý của Tòa án nhân dân tối cao đăng bài “Nhận Diện Konica Minolta” và lúc 13 giờ 39 phút ngày 10/11/2015; báo Bảo Vệ Pháp Luật của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đăng bài “Nhận Diện Konica Minolta”, lúc 11 giờ 17 phút ngày 11/11/2015. Sao Nam và KMV đề nghị mua lại máy bất thành và đến đây chấm dứt. Ngày 04/11/2015, Sao Nam gửi văn bản số 033/ADM-15 v/v Hủy đề nghị giao kết hợp đồng về việc mua bán máy in Konica Minolta Bizhub Press C1100 – Seri A5AW041000008″. Vì không thể bán máy lại cho Sao Nam theo đề nghị của họ, nên ngày 10-11-2015, Saigonbook gửi Đơn khởi kiện đến Tòa án Quận 3 để yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng 038 và hợp đồng 03 vô hiệu do lừa dối, với lỗi hoàn toàn thuộc về KMV và Sao Nam. Tại thời điểm ngày 10-11-2015, Saigonbook vẫn còn Printing Shop, vẫn còn làm ăn với KMV, nên chỉ đòi giải quyết một phần hậu quả pháp lý của hợp đồng 038 vô hiệu và đã đóng tiền tạm ứng án phí theo biên lai số 09951, bút lục số 01. Diễn biến của vụ kiện sau ngày 10-11-2015 đã thể hiện qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Saigonbook thấy không cần thiết phải trình bày lại chi tiết. Các lời khai mâu thuẫn của KMV và Sao Nam đã được Saigonbook chỉ ra tại Lời trình bày ngày 25/8/2022. Đề nghị Thẩm phán Nguyễn Thị Tình Duyên “Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án“, theo khoản 2d Điều 203 BLTTDS 2015.
2. Các hành vi lừa dối của KMV và Sao Nam lừa dối theo qui định tại Điều 132 BLDS 2005:
2.1. Hành vi lừa dối về chủ thể hợp đồng:
Văn bản số 11/2015 ngày 25/7/2015, bút lục 311, Saigonbook đã cáo buộc Sao Nam lừa dối về chủ thể – Che giấu tư cách đại lý thương mại để lừa dối về giá và lừa bảo hành. Hợp đồng nhà phân phối, bút lục 450, và Giấy chứng nhận phân phố ủy quyền, bút lục số 223, thể hiện Sao Nam là đại lý được Ủy quyền của KMV. Thế nhưng, trước khi xác lập hợp đồng 018 và hợp đồng 038, Sao Nam đều không báo cho Saigonbook biết quan hệ ủy quyền, được qui định tại Điều 584 khoản 2 BLDS 2005. Sao Nam đã không làm một việc mà pháp luật qui định phải làm là một hành vi lừa dối. Tại tòa, KMV chối bỏ tư cách là bên ủy quyền cho đại lý Sao Nam, cũng là sự lừa dối. Tuy nhiên, với hai hợp đồng bán máy C1070P và C1100, KMV và Sao Nam có thủ đoạn khác nhau trong việc lừa dối về chủ thể hợp đồng. Đối với máy C1070P, thì trước khi xác lập hợp đồng 018, Sao Nam không thông báo cho Saigonbook biết Sao Nam là bên được ủy quyền của KMV, không giao Giấy chứng nhận phân phối ủy quyền để che giấu tư cách đại lý thương mại được ủy quyền. Đối với máy C1100 thì Saigonbook đàm phán với KMV, mà cụ thể là đàm phán với ông Đào Việt Linh và ông Trần Vũ, sau đó KMV ủy quyền cho Sao Nam báo giá và ký kết hợp đồng. Tại thời điểm đang hợp tác làm Printing Shop, Saigonbook tin tưởng KMV và Sao Nam, nên không đặt vấn đề đòi giấy ủy quyền của KMV. Nhưng khi phát hiện ra bị lừa, phải mua với giá gấp ba lần giá do KMV bán ra, thì Saigonbook buộc ông Đào Việt Linh và ông Trần Kim Chung phải thu hồi máy, chứ không chỉ buộc riêng trách nhiệm của ông Trần Kim Chung. Băng ghi âm ngày 6/8/2015, bút lục 375, băng ghi âm ngày 18/8/2015, bút lục 375, Văn bản số 025 và Văn bản số 032 của ông Trần Kim Chung và các thư điện tử của ông Đào Việt Linh, chứng tỏ thu hồi máy là trách nhiệm của KMV, vì họ là bên trực tiếp đàm phán bán máy C1100 cho Saigonbook gắn liền với việc giúp xây dựng Printing Shop. Chỉ sau khi thu hồi máy bằng hình thức mua lại bất thành, thì ông Tadasu Ichino mới ủy quyền cho Luật sư tiến sĩ Lê Nết gửi văn bản, bút lục 76, để chối bỏ trách nhiệm, vì cho rằng KMV không biết gì vì không có quan hệ hợp đồng. Sự thật thì KMV có hợp đồng thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản và bằng hành vi cụ thể, theo qui định tại Điều 24 Luật thương mại. Thể hiện bằng lời nói thì đề nghị Tóa án triệu tập ông Đào Việt Linh, ông Trần Vũ, ông Đỗ Giàng Khánh, ông Trần Kim Chung để đối chất. Thể hiện bằng văn bản là biên bản nhận hàng ngày 19-3-2015, bút lục 112: KMV giao tặng bộ UPS cho Saigonbook chứ không phải Sao Nam giao. Thể hiện bằng hành vi thì đã có vi bằng hiện trạng Printing Shop, bút lục 392. Với sự thỏa thuận hai bên, KMV với Saigonbook, KMV đã chi 99 triệu đồng để thuê công ty Huê Phong làm các bảng hiệu, logo quảng cáo tại Printing Shop. Đề nghị Tòa án thu thập chứng từ chi từ KMV.
Vì KMV không ký vào hợp đồng và cũng không giao giấy ủy quyền, nên tôi không có cơ sở để kiện KMV ra tòa với tư cách bị đơn. Tôi chỉ kiện KMV ra tòa với tư cách là Người có quyền, nghĩa vụ liên quan, với bị đơn là Sao Nam. Tại tòa Sao Nam nộp Hợp Đồng Nhà Phân Phối thay cho hợp đồng mua bán với KMV. Từ Hợp Đồng Nhà Phân Phối do Sao Nam xuất trình, tôi yêu cầu tòa án buộc Sao Nam xuất trình Giấy Chứng Nhận Phân Phối Ủy Quyền. Các tài liệu này đã phản ánh đúng thực tế là KMV ủy quyền cho Sao Nam bán máy in cho Saigonbook nhưng tại tòa, KMV chối bỏ sự ủy quyền và chối luôn tư cách là bên giao Đại lý cho Sao Nam để trốn trách nhiệm và nghĩa vụ của bên giao đại lý ủy quyền. Tuy nhiên, việc chối tư cách bên giao đại lý ủy quyền diễn ra chậm, vì Luật sư tiến sĩ Lê Nết không hiểu quan hệ pháp luật của Đại lý Thương Mại theo qui định tại Mục 4 Chương V Luật Thương mại 2005. Trong văn bản gửi Ban Tuyên Giáo Trung Ương, ngày 23/11/2015, bút lục số 640, ngay từ trang 1, Lê Nết ghi nhận: “Sao Nam – Đại lý phân phối của KMV”. Tại biên bản hòa giải không thành ngày 28-12.2015, bút lục , Saigonbook viện dẫn Điều 170 Luật Thương mại 2005 để xác định KMV là chủ sở hữu máy in C1100, nhưng Luật sư tiến sĩ Lê Nết cũng không chối tư cách bên giao Đại lý của KMV, vì lúc đó, Luật sư tiến sĩ Lê Nết chưa nhận thức được ý nghĩa của Điều 170 Luật Thương mại 2005. Chỉ sau ngày 28-12-2015, các luật sư của KMV mới bắt đầu chú ý nghiên cứu Điều 170 Luật thương mại 2005, để rồi sau đó, họ chối dần tư cách bên giao Đại lý của KMV. Việc KMV chối tư cách bên giao đại lý cho Sao Nam lại mâu thuẫn với lời trình bày của KMV trong biên bản hòa giải không thành ngày 15-12-2015, bút lục 456. Trong biên bản hòa giải không thành ngày 15-12-2015, bút lục 456, KMV thừa nhận Sao Nam là đại lý của KMV và giải thích quan hệ giữa hai bên theo Điều 166 Luật Thương mại 2005. Tại trang 3, bút lục 466, biên bản hòa giải không thành ngày 15-01-2016, trong phần giải thích về bảo hành, Sao Nam thừa nhận họ là Đại lý được ủy quyền của KMV. Phiếu bảo hành máy in C1100, do KMV phát hành, cũng thể hiện rõ, Sao Nam là một đại lý ủy quyền của KMV thì việc lắp đặt, bảo trì, sửa chữa này mới được KMV bảo hành. Giữa Sao Nam và KMV không có hợp đồng mua bán theo qui định bắt buộc tại Điều 27 Luật Thương mại 2005 mà chỉ có Hợp Đồng Nhà Phân Phối, và Sao Nam đã được cấp Giấy chứng nhận đại lý theo qui định tại Điều III.5 của Hợp Đồng Nhà Phân Phối. Tài liệu thể hiện tư cách KMV là bên giao đại lý và là bên ủy quyền cho Sao Nam nhưng KMV chối bỏ tư cách này để trốn tránh trách nhiệm liên đới theo qui định tại Điều 173 khoản 5 Luật Thương mại 2005. Việc chối bỏ quan hệ đại lý như thế này cũng là hành vi lừa dối về chủ thể.
Có một điều rất đặc biệt là tôi đã nhận ra thủ đoạn che giấu quan hệ đại lý ủy quyền của KMV, nên khi hợp đồng mua máy C1100 với STS, tôi yêu cầu STS ghi vào Điều 08 khoản 4 của hợp đồng, ghi nhận STS cũng là đại lý của KMV. Tại tòa, KMV thừa nhận Sao Nam và STS đều là hai Nhà Phân Phối của họ, nhưng họ chối bỏ quan hệ đại lý để trốn tránh trách nhiệm đối với vụ kiện này. Nhưng lúc thảo luận thu hồi máy, ông Đào Việt Linh nói với tôi rằng, với sản phẩm máy in kỹ thuật số đặc thù này, KMV chỉ có thể bán trực tiếp hoặc bán qua một đại lý được ủy quyền, vì sau khi bán máy, còn phần dịch vụ Click Charge đi cùng. Nếu chỉ bán máy mà không có phần Click Charge thì khách hàng không thể in được vì phần này do Konica Minotla độc quyền.
Luật Thương mại 2005 không có điều khoản nào điều chỉnh quan hệ phân phối. Muốn áp dụng Luật Thương mại 2005, phải xác định đúng quan hệ giữa KMV với Sao Nam. Theo qui định tại Điều 3 Nghị định 23/2007/NĐ-CP của Chính phủ thì “Phân phối là các hoạt động bán buôn, bán lẻ, đại lý mua bán hàng hóa và nhượng quyền thương mại“. Quan hệ giữa KMV và Sao Nam chỉ thuộc một trong 4 dạng phân phối cụ thể này và phải xác định quan hệ phân phối cụ thể để áp dụng pháp luật. Đây là máy in nhập khẩu có giá trị cao, nếu mua bán thì phải có hợp đồng bằng văn bản theo qui định tại Điều 27 Luật Thương mại 2005. Giữa KMV và Sao Nam không có hợp đồng mua bán nên không thể áp dụng các qui định tại Chương II – Mua Bán Hàng Hóa, mà chỉ có thể áp dụng các qui định tại Chương V – Trung Gian Thương Mại, mà cụ thể là, phải áp dụng các qui định từ Điều 166 đến Điều 177 Luật Thương mại 2005.
Sản phẩm máy in kỹ thuật số công nghiệp này sản phẩm đặc thù, không thể mua đứt bạn đoạn như lời khai của chối tội của KMV và Sao Nam. Thực tế, hợp đồng 038 ký ngày 20/10/2014, giữa Sao Nam với Saigonbook thì lúc đó Sao Nam chưa có quyền sở hữu máy, chưa nhìn thấy máy, chưa mua máy của KMV thì Sao Nam mua đứt là mua vào lúc nào để có quyền sở hữu?
2.2. Hành vi lừa dối về giá:
Khi mua máy C1070P thì tôi chưa biết đến KMV nhưng khi mua máy C1100 thì tôi đã đàm phán trực tiếp với phía KMV. Tôi đòi trực tiếp ký hợp đồng với KMV để loại bỏ phí hoa hồng đại lý. Lúc đó, ông Đào Việt Linh nói với tôi rằng “Anh ký hợp đồng với tụi em hay ký hợp đồng với đại lý thì giá cũng như nhau. Sao Nam với tụi em là một”. Và KMV ủy quyền cho Sao Nam báo giá và ký hợp đồng sau khi thương lượng. Hợp Đồng Nhà Phân Phối mà Sao Nam nộp cho tòa cũng thể hiện Điều II.2 là “Giá của sản phẩm Konica Minolta tại thị trường Việt Nam do bên A ban hành và được thống nhất sử dụng trên toàn quốc“, nhưng giá máy C1100 mà Sao Nam đã bán cho Saigonbook gấp 3 lần giá máy C1100 mà tôi đã mai phục mua của STS. So sánh giá máy C1100 tại các phiếu báo giá của KMV, cùng các đại lý do KMV ủy quyền báo giá, sẽ thấy hành vi lừa giá là phương cách kinh doanh của họ: Ngày 16/7/2015 Sao Nam báo giá máy C1100 là 2.000.000.000 đồng. Ngày 20/7/2015 KMV báo giá máy C1100 là 2.200.000.000 đồng nhưng ngày 23/7/2015 KMV báo giá máy C1100 là 3.300.546.000 đồng. Chỉ cách nhau 3 ngày mà giá máy C1100 chênh lệch hơn 1,1 tỉ đồng. Thế nhưng, Tadasu Ichino lại ủy quyền cho Lê Nết gửi Văn bản trả lời Saigonbook và báo chí Việt Nam là “KMV nhập khẩu thiết bị, máy móc chất lượng cao vào Việt Nam vào các thời điểm khác nhau và với giá cả khác nhau”. Giải thích của Lê Nết, một lần nữa cho thấy, sự dối trá là bản chất ngoan cố Tadasu Ichino, Lê Nết và đồng bọn. Ngày 17/7/2015 KMV ủy quyền cho Sao-Nam An báo giá máy C1100 là 3.870.000.000 đồng; Ngày 17/7/2015, KMV ủy quyền cho STS báo giá máy C1100 là 1.800.000.000 đồng.Ngày 20/7/2015, KMV ủy quyền cho STS báo giá máy C1100 là 1.700.000.000 đồng. Ngày 20/7/2015, KMV ủy quyền cho STS báo giá máy C1100 là 1.289.278.000 đồng.Ngày 24/7/2015, KMV ủy quyền cho STS báo giá máy C1100 là 1.900.000.000 đồng. Ngày 27/7/2015, KMV ủy quyền cho STS – chi nhánh Hà Nội báo giá máy C1100 là 1.900.000.000 đồng. Theo lời đại diện của KMV, ông Đào Việt Linh và ông Trần Vũ, Saigonbook là người đầu tiên mua máy C1100 để xậy dựng Printing Shop, gắn liền với thương hiệu của Konica Minolta, nên tôi được giảm giá đặc biệt 20% như đã thể hiện trên Bảng Chào giá số 128, nhưng tôi phải mua máy C1100 với giá 3.409.211.000 đồng. Chính nhờ thu thập được các phiếu báo giá của KMV và mua thêm máy C1100 từ STS để làm bằng chứng, nên KMV và Sao Nam phải chấp nhận thu hồi máy với đề nghị phải giữ bí mật cho họ. Văn bản ngày 25/7/2015 của Saigonbook, gửi qua email hệ thống công ty cho các ông Osafumi Kawamura, ông Tadasu Ichino, ông Đào Việt Linh, Trần Kim Chung, Trần Văn Nhật và bà Lưu Ngọc Thúy Vân, tuyên bố hủy hợp đồng vì bị KMV và Sao Nam lừa dối. Tại thời điểm 25/7/2015, chúng tôi chỉ phát hiện hai hành vi lừa dối là Lừa dối về tư cách ký hợp đồng, tức là lừa về chủ thể, và hành vi lừa dối về giá. KMV và Sao Nam đã thừa nhận các hành vi lừa dối này bằng hành vi thu hồi máy và đã thu hồi máy C1070P. Vấn đề chỉ còn tranh cãi ở chỗ là KMV và Sao Nam đề nghị mua lại máy C1100 vì họ cho rằng họ bán cho ACBL chứ không bán cho Saigonbook. Theo qui định tại Điều 92 khoản 2BLTTDS 2015 thì các hành vi lừa dối của KMV và Sao Nam mà Saigonbook nêu trong văn bản ngày 25-7-2015 là những hành vi lừa dối đã được KMV và Sao Nam thừa nhận nên Saigonbook không phải chứng minh nữa.
KMV và Sao Nam đã không công khai thông tin về giá theo qui định tại Điều 6 khoản 2 Luật Giá 2012 và không Niêm yết giá theo qui định tại Điều 12 khoản 5 Luật Giá 2012. Nếu KMV hoặc các đại lý của họ niêm yết giá theo qui định của Luật Giá thì tại mỗi thời điểm, tại một địa điểm xác định, thì mỗi hàng hóa chỉ có giá duy nhất và họ không thể “bán cao hơn giá niêm yết’ theo qui định tại Điều 12 khoản 5 Luật Giá. KMV và các đại lý của họ đã cố ý không làm một việc mà pháp luật buộc phải làm cũng là một hành vi lừa dối.Tôi cố ý mua máy mới 100%, vì nghĩ rằng máy mới thì chỉ có một giá. Tại lần gặp đầu tiên với bà Lưu Ngọc Thúy Vân là “Em không được bán cho anh đắt hơn các đối tác khác, Nếu anh phát hiện ra bán giá cao hơn các đối tác khác là anh trả lại máy“. Không một người kinh doanh nào có thể tự nguyện mua máy với giá cao hơn các đối tác khác, vì mua như thế thì không thể kinh doanh. Kinh doanh là mục đích của Saigonbook mà Sao Nam và KMV đã biết. Vì thế, sau khi Saigonbook thu thập các phiếu báo giá chứng minh cho sự lừa dối về giá thì KMV và Sao Nam thừa nhận là “không phù hợp với kinh doanh” và thu hồi máy. Trước khi báo giá và ký hợp đồng mua máy C1100, ông Đào Việt Linh cũng nói là giá thì KMV hay đại lý đều bán giá như nhau. Lời của ông Đào Việt Linh là phù hợp với Điều II.2 Hợp đồng nhà phân phối tại bút lục số 450. Máy in C1100 là sản phẩm độc quyền của Konica Minolta nên Konica Minolta cũng không được bán giá khác nhau tại thị trường Việt Nam, vì Điều 13, 14 Luật Cạnh Tranh 2004 cấm “áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng”.
2.3 Lừa khuyến mại:
Hành vi báo giảm giá đặc biệt 20% và tặng bộ UPS là hành vi lừa khuyến mại. Vì Saigonbook hiểu giảm giá và tặng quà là khuyến mại nên mới giao kết hợp đồng. Nhưng Sao Nam và KMV cho rằng giảm giá và tặng bộ UPS không phải là khuyến mại thì đó là sự lừa dối, vì giảm giá và tặng quà là một hình thức khuyến mại được qui định tại Điều 92 Luật Thương mại 2005.
2.4. Lừa về bảo hành: Sao Nam dùng thủ đoạn che giấu tư cách đại lý thương mại, không giao phiếu bảo hành theo qui định tại Điều II.4 hợp đồng nhà phân phối, bút lục 450, để lừa bảo hành đối với cả hai hợp đồng, hợp đồng 018 và hợp đồng 038. Hành vi lừa dối đã hoàn thành kể từ khi giao kết hợp đồng. Việc điều chỉnh bảo hành của Sao Nam sau khi đã bị Saigonbook phát hiện chỉ là biện pháp khắc phục hậu quả. Việc điều chỉnh này không làm thay đổi bản chất của hành vi lừa dối đã hoàn thành từ khi xác lập hợp đồng. Khách hàng phải được hưởng bảo hành theo phiếu bảo hành của nhà sản xuất, với hai thông số, chứ không phải theo thỏa thuận với đơn vị Trung gian thương mại như Sao Nam. Việc Sao Nam ghi bảo hành theo thời gian và bỏ qua thông số bảo hành theo 9 triệu bản in đã là một sự lừa dối.
2.5. Lừa về dịch vụ Click Charge: Trước khi xác lập hợp đồng 018 ngày 15-8-2014 và hợp đồng 038 ngày 20-10-2014, Sao Nam và KMV không thông báo gì về hợp đồng dịch vụ Click Charge. Bút lục số 115 thể hiện, ngày 7/1/2015, ông Trần Vũ và ông Đào Việt Linh mới chào giá dịch vụ Click Charge. Nghĩa là, trước khi xác lập các hợp đồng 038, Saigonbook không biết về dịch vụ Click Charge. Hậu quả là Saigonbook không có giá đầu vào của trang in nên không thể tính được giá bán ra cho khách hàng. Sau ngày 18-8-2015, Saigonbook cũng không thể đưa máy in vào hoạt động vì không có mật khẩu mở máy, không có mực, vật tư phụ tùng thay thế, nên máy không hoạt động được. Sau khi có bản án phúc thẩm số 1106/2016/KDTM-PT ngày 22/9/2016 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh, Saigonbook gửi văn bản số 15/2015-SG cho Sao Nam và KMV. bút lục số 1149, đề nghị đưa máy vào hoạt động, nhưng KMV không trả lời, còn Sao Nam thì gửi văn bản số 028/ADM-16, bút lục số 1148, thông báo là phải chờ thống nhất với KMV. Sau nhiều thương lượng, năn nỉ và tốn kém tiền phục hồi, Saigonbook nhận được Hợp đồng Click Charge ngày 15/02/2017, bút lục số 1145, của Sao Nam, với giá cao hơn giá thị trường và những điều kiện khắc nghiệt, không thể kinh doanh. Đến đây thì Saigonbook quyết định “Dừng Doanh Nghiệp – Đòi Công Lý”.
2.6. Lừa xuất xứ: Vì trước khi mua máy C1070P, tôi đã nói với bà Lưu Ngọc Thúy Vân là tôi mua máy mới được nhập khẩu từ Nhật Bản. Tôi cũng không nghĩ rằng máy in kỹ thuật số này được sản xuất tại Trung Quốc. Sau khi biết tôi đòi mua máy mới, được sản xuất từ Nhật Bản và chấp nhận giá cao, Sao Nam đã lờ đi thông tin xuất xứ từ hợp đồng 018. Sau khi “Dừng doanh nghiệp – Đòi Công Lý”, tôi mới thu thập các hợp đồng từ Công ty In Sáng Tạo Trẻ, bút lục số 1135, bút lục số 1133, thì mới biết là trước đó Sao Nam đã đưa thông tin xuất xứ vào hợp đồng, nhưng đến khi soạn hợp đồng với Saigonbook thì bỏ thông tin xuất xứ ra khỏi hợp đồng 018 ngày 15-8-2014. Trước khi báo giá máy in C1100, ông Trần Vũ, ông Đào Việt Linh và ông Đỗ Giang Khánh đều nói rằng máy in C1100 được sản xuất tại Nhật Bản, mới xuất qua Châu Âu và Bắc Mỹ 9 chiếc, qua châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ, mỗi nơi một chiếc. Họ dự kiến đưa vào thị trường Việt Nam vào quý 4 năm 2014, như lời khai của ông Trần Kim Chung tại bút lục số 435. Khi soạn Bảng chào giá số 128 và soạn hợp đồng 038, ông Trần Kim Chung không đưa thông tin xuất xứ, nhưng khi làm việc với ACBL thì ông xác nhận xuất xứ Nhật Bản và ký tên vào hợp đồng 03, bút lục số 542, phụ lục hợp đồng 03, và biên bản bàn giao tài sản, bút lục số 336. Theo Điều 11 nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ thì “xuất xứ hàng hóa” là thông tin bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hóa là thông tin định danh của hàng hóa, như quyết định giám đốc thẩm số 49/2020/KDTM-GĐT ngày 6/11/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận định. Thiếu thông tin xuất xứ thì coi như hàng hóa chưa có nhãn, vì thế, đối tượng của hợp đồng 038 chưa xác định đầy đủ thông tin định danh. ACBL hỏi thông tin xuất xứ trước khi thẩm định giá, cho vay là thủ tục bắt buộc. Máy chưa nhập khẩu vào Việt Nam, chưa giao hàng thì thông tin xuất xứ chỉ có thể do bên bán cung cấp. Vì trước đó KMV và Sao Nam nói miệng là máy được sản xuất tại Nhật Bản, nên khi ACBL họ phải ký tên xác nhận máy có xuất xứ Nhật Bản. Nếu Sao Nam sửa thành máy xuất xứ Trung Quốc thì ACBL sẽ không cho vay với số tiền lớn và Saigonbook cũng sẽ không thể chấp nhận giáo cao như vậy. Mọi việc sẽ đổ bể. Đến ngày 22/7/2015, thì việc lừa giá đã bị lộ, nhưng lừa xuất xứ chưa bị lộ. Trong lúc chủ trương thu hồi máy để che giấu các hành vi gian dối về giá, để tránh bị phát hiện thêm, ngày 23/7/2015, KMV đã chỉ đạo cho ông Phan Quang Phú bỏ thông tin xuất xứ ra khỏi hợp đồng mua bán máy in C1100. Cho nên hợp đồng ngày 23/7/2015 giữa Công ty STS với Công ty Cổ phần In 474, bút lục số 641, là để trống cột xuất xứ. Saigonbook không phát hiện Sao Nam và KMV lừa xuất xứ, nên đơn khởi kiện ngày 10-11-2015, Saigonbook không nêu hành vi lừa xuất xứ. Trong lúc vụ kiện đang được Thẩm phán Phù Quốc Tuấn thụ lý, tối ngày 23-01-2016, tôi lục tìm tài liệu và săm soi bộ tờ khai nhập khẩu, bút lục 84. Bất ngờ, tôi phát hiện các chi tiết máy C1100 đều có Made in China, chỉ có chi tiết IC-602 là sản xuất tại Mỹ. Sáng ngày 26-01-2016, tôi đem bộ tờ khai nhập khẩu, bút lục số 84, cùng với văn bản chứng cứ mới và trình bày bổ sung, bút lục 408, nộp cho Thẩm phán Phù Quốc Tuấn. Sau khi xem bộ tờ khai nhập khẩu có các chi tiết máy sản xuất tại Trung Quốc vói lời trình bày bổ sung, Thẩm phán Phù Quốc Tuấn thốt lên rằng “Họ nó lừa anh như thế là quá đủ rồi còn gì“. Thẩm phán Phù Quốc Tuấn yêu cầu tôi lập vi bằng ghi nhận hiện trạng máy in có xuất xứ Trung Quốc để nộp cho tòa, vì bộ tờ khai nhập khẩu là chưa thể được coi là tài liệu chứng cứ về xuất xứ. Ngày 27/01/2016, Thừa Phát Lại Quận Gò Vấp đã lập Vi bằng, bút lục 403, ghi nhận hiện trạng máy có xuất xứ Trung Quốc. Tôi và ông Đồng Quốc Tuấn – Thừa phát lại Quận Gò Vấp, mở nắp máy, cúi sát người vào từng chi tiết, bút lục 398, mới đọc được những dòng chữ Made in China. Do tính chất nghiêm trọng của hành vi lừa xuất xứ, nên Thẩm phán Phù Quốc Tuấn nói với tôi rằng, Tòa án phải dời thời điểm dự định đưa vụ án ra xét xử, để báo cho Viện kiểm sát quận 3 và công khai tài liệu chứng cứ xuất xứ Trung Quốc và tiến hành hòa giải thêm một lần nữa. Thông tin về máy có xuất xứ Trung Quốc lộ ra, Thẩm phán Phù Quốc Tuấn kéo dài thời gian để cho phía KMV và Sao Nam tìm cách giải trình về bộ chứng từ nhập khẩu và xuất xứ Trung Quốc. Mãi đến ngày 01/3/2016, Thẩm phán Phù Quốc Tuấn mới tiến hành hòa giải, công khai tài liệu bộ hồ sơ nhập khẩu và vi bằng xuất xứ Trung Quốc. Tại biên bản hòa giải ngày 1/3/2016, bút lục 472, KMV chối việc cung cấp bộ tờ khai nhập khẩu có chữ ký của Tadasu Ichino, còn Sao Nam nhận bừa rằng họ đã cung cấp bộ tờ khai nhập khẩu cho Saigonbook vào tháng 02/2015 nhưng không nhớ ngày. Sao Nam khai rằng, “Khi bàn giao máy, Cty Sao Nam có hướng dẫn Saigonbook kiểm tra thân máy C1100. Và tại thân máy có ghi Made in China“. Đây là lời khai gian dối. Ai hướng dẫn và hướng dẫn như thế nào mà ba bên lại ký vào biên bản bàn giao máy có xuất xứ Nhật Bản, trong khi máy có xuất xứ Trung Quốc. Lời khai dối trá này của Sao Nam là mâu thuẫn với biên bản bàn giao máy có xuất xứ là Nhật Bản tai bút lục số 336. Trong biên bản bàn giao tài sản xuất xứ máy C1100 là Nhật Bản, bên cạnh chữ xuất xứ Nhật Bản, có chữ viết bằng bút mực của ông Phạm Nhật Vũ là nhân viên kỹ thuật của Sao Nam, nhưng ông Phạm Nhật Vũ không sửa chữa xuất xứ. Vì Sao Nam và KMV phối hợp khai dối, nên họ không biết vì lý do gì mà họ giao bộ tờ khai nhập khẩu có chữ ký của Tadasu Ichino. Tại trang 9 biên bản phiên tòa ngày 14/04/2016, bút lục 492, Sao Nam khai giao bộ tờ khai nhập khẩu này cho Saigonbook vào thời điểm tháng 12 năm 2014 cho phù hợp với thời gian bàn giao máy, nhưng đến trang 17 biên bản phiên tòa ngày 19/04/2016 thì Sao Nam lại khai giao bộ tờ khai nhập khẩu này vào tháng 02 năm 2015, mà giao vào tháng 02 năm 2015 là không khớp với thời gian bàn giao máy, nên không thể là chứng từ để kiểm tra xuất xứ. Chứng từ để kiểm tra xuất xứ phải là Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), như Công ty Ricoh, bút lục 1127 và Công ty Duplo, bút lục 1122, đã giao cho Saigonbook. Tập quán thương mại, được qui định tại Điều 13 Luật Thương mại 2005, là Giao giấy chứng nhận xuất xứ, chứ không ai giao bộ tờ khai nhập khẩu thay cho Giấy chứng nhận xuất xứ.
2.7. Lừa dối về chất lượng: Chiếc máy in C1100 chỉ là chiếc máy in tầm thường, chỉ in được các loại trang in với chất lượng trung bình hoặc khá. Chỉ có thể dùng để in Catalogue, tờ rơi, sách, tạp chí, chứ không in được những sản phẩm cao cấp cho các Studio hoặc làm Album ảnh cưới như Sao Nam và KMV quảng cáo khi chào giá 180.000USD. Văn bản xin nghiệm thu, bút lục 89, chứng tỏ máy in C1100 bị lỗi kỷ thuật chưa khắc phục được cho đến ngày nghiệm thu. Văn bản ngày 15/7/2015 của Sao Nam gửi Saigonbook, bút lục số 90, xác nhận cả hai máy in C1070P và máy in C1100, còn bị lỗi kỹ thuật nặng. Điều này chứng tỏ chiếc máy in C1100 là chiếc máy in kỹ thuật số tầm thường, chứ không hiện đại như họ quảng cáo.
7 hành vi phối hợp lừa dối của KMV và Sao Nam diễn ra trước khi xác lập hợp đồng 018 và hợp đồng 038. Mục đích của KMV và Sao Nam là để Saigonbook xác lập hợp đồng mua máy và Click Charge với giá cao. Hậu quả là Saigonbook không kinh doanh được, đã được Sao Nam và Saigonbook thống nhất ghi nhận tại Biên Bản Bán Hàng Trả Lại ngày 08/08/2015, bút lục số 88, mà kinh doanh là mục đích của Saigonbook khi giao kết hợp đồng. Không ai lại có thể tự nguyên giao kết hợp đồng trái với mục đích của họ. Vì bị lừa nên Saigonbook giao kết hợp đồng và cũng vì bị lừa rất nặng mà Saigonbook phải thu thập báo giá và mua máy C1100 đối chứng để trả lại máy cho KMV và Sao Nam. KMV và Sao Nam cho rằng Saigonbook tự nguyện giao kết hợp đồng là hoàn toàn sai và mâu thuẫn với mục đích của giao kết hợp đồng của Saigonbook. 7 hành vi lừa dối của Sao Nam và KMV có liên quan với nhau, nói lên bản chất làm ăn gian dối. Khi bị Saigonbook phát hiện thì KMV và Sao Nam vội vàng thu hồi máy để che giấu sự lừa dối, chứ không phải do thiện chí như lời khai của Sao Nam tại các phiên tòa.
Bình luận