Trước khi vụ án Trịnh Vĩnh Bình đưa ra xét xử phúc thẩm với nhiều đồn đoán và hy vọng được minh oan thì anh Trịnh Vĩnh Bình gặp tôi để được lắng nghe những phân tích, nhận định và tư vấn của tôi trước khi anh tham gia phiên tòa. Anh hy vọng mình sẽ được minh oan ở phiên tòa phúc thẩm vì anh không làm gì sai đến mức phải chịu 13 năm tù và đặc biệt, anh đang có nhiều người bênh vực, mà dấu hiệu rõ nhất của sự bênh vực này là anh được tại ngoại trong khi cấp sơ thẩm đã tuyên mức án của tội đại hình – trên 12 năm tù.
Tôi phân tích rồi dự báo ngược với hy vọng của anh Trịnh Vĩnh Bình. Anh rất chăm chú lắng nghe nhưng không tin những gì tôi dự báo. Thế rồi, Tòa án cấp phúc thẩm tuyên phạt anh Bình 11 năm tù giam nhưng không bắt giam ngay tại phiên tòa – một việc chưa hề có tiền lệ trước đó. Anh Bình lại gặp tôi cũng chỉ để nghe. Cái đêm anh Trịnh Vĩnh Bình rời Việt Nam – mà nhiều người gọi là trốn – Tôi, Hưng Hồng-Kông và anh đã đi ăn tối rồi chia tay nhau trong một quán ăn cuối đường Nguyễn Văn Trỗi.
Dưới cặp mắt nghiệp vụ của tôi thì anh Trịnh Vĩnh Bình không thể dễ dàng được tại ngoại và lại càng không thể trốn khỏi Việt Nam sau khi có bản án phúc thẩm. Đó là kịch bản mà cho đến hôm nay, phải đền 45 triệu đô la, chắc không ít người đã ngộ ra, đó là kịch bản tồi toàn tập.
Vụ án được thụ lý bởi cơ quan an ninh điều tra và bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay mà tòa án để cho anh Trịnh Vĩnh Bình lang thang – ngao du rồi rời Việt Nam, và không ai phải chịu trách nhiệm là một kịch bản “xua ong lấy mật” và “có tội nên người bỏ trốn” – quá lộ liễu. Tôi có viết bài “Công Lý Lang Thang” để phản ánh thực trạng vô lý và bất công này nhưng anh Nam Đồng – Tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM – không dám đăng báo.
Rồi một ngày, tôi nhận được điện thoại của anh Tony Penning – tự giới thiệu là bạn của anh Trịnh Vĩnh Bình – muốn gặp tôi để nghe phản biện và dự báo về một số giải pháp mà các anh ấy đang vận động chính phủ Hà Lan và các tập đoàn phân phối hàng Việt Nam tại châu Âu làm áp lực lên chính phủ Việt Nam để giải quyết vụ Trịnh Vĩnh Bình. Hai biện pháp làm tôi chú ý là chính phủ Hà Lan sẽ cắt viện trợ dự án tu bổ đê sông Hồng trị giá 5 triệu đô la và ngưng phân phối hàng Việt Nam xuất khẩu qua châu Âu. Một lần nữa, tôi phân tích tính không hiệu quả của các biện pháp này: Cấm vận, trừng phạt hay áp lực gì đi nữa thì chỉ làm khổ dân Việt Nam chứ không thể giải quyết được gì trong bối cảnh Việt Nam đang bị cô lập, quan chức Việt Nam không bị ràng buộc trách nhiệm và “trên bảo dưới không nghe”.
Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Các tài sản, tài khoản của chính phủ và doanh nghiệp quốc doanh Việt Nam đang lưu thông và tồn tại ngoài biên giới quốc gia. Anh Trịnh Vĩnh Bình sẽ dễ dàng đòi 37 triệu đô la theo phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế. Công lý lang thang, giang hồ xuyên thế kỷ đã có điểm dừng.
Từ vụ án Trịnh Vĩnh Bình, chúng ta sẽ phải nhận ra sự tụt hậu về pháp luật cũng phải trả giá rất đắt như sự tụt hậu ở các lĩnh vực khác. Trong bối cảnh hội nhập, Chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cạnh tranh về vốn, kỹ thuật – công nghệ, về quản lý mà còn phải cạnh tranh về pháp luật trên phạm vi giao thương toàn cầu. (Còn tiếp)
Bình luận