Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

2. Đường tới giám đốc thẩm

ĐƯỜNG TỚI GIÁM ĐỐC THẨM

Cấp phúc thẩm, với một hội đồng xét xử gồm ba thẩm phán, xét xử công khai, trực tiếp và bằng lời nói, mà họ còn ra bản án trái pháp luật như thế thì không có việc gì mà họ không dám làm, kể cả tử hình người vô tội. Tôi bị ám ảnh bởi bản án phúc thẩm số 1106/2016/KDTM-PT của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đến mức, cứ nghĩ rằng, cái máy C1100 không hoạt động được, nằm đó, như thân xác tôi bị tử hình oan, nằm đó thay tôi, suốt 6 năm qua. Tôi cứ nghĩ thượng đế đã giành cho tôi số phận lạ lùng này. Nếu một người bị tù oan thì họ phải ngồi tù sau song sắt; họ không có điều kiện như tôi, ở bên ngoài song sắt nhà tù, để kêu oan. Nếu một người không có mức học vấn như tôi, thì cũng khó đi tới cùng của vụ án này. Và quan trọng là tôi có đủ quyết tâm để dấn thân đòi công lý. Tuy nhiên, giám đốc thẩm vụ án này khó hơn hàng vạn lần các vụ án khác, vì nó liên quan đến thương hiệu của tập đoàn Konica Minolta Nhật Bản và số phận của một số luật sư, thẩm phán và kiểm sát viên, đã tham gia giải quyết vụ án này. Đó là điều mà tôi đã nhìn thấy trước khi dấn thân tìm đường tới giám đốc thẩm. Đầu tiên, tôi phải đánh giá được đối phương, những kẻ đã lộ diện và cả những kẻ còn giấu mặt.
Đường tới giám đốc thẩm vụ án này như Đường Tăng tới Tây Trúc thỉnh kinh. Nếu không có sự phù hộ của Trời Phật thì tôi cũng không thể tới được giám đốc thẩm. Như thế thì tác phẩm “Tái hiện vụ án Konica Minolta và Lẽ phải của sự báo thù”, cũng không được trọn vẹn. Khẳng định KMVSao Nam lừa dối, hơp đồng 038 và hợp đồng 03 vô hiệu do lừa dối, Quyết định giám đốc thẩm số 49/2020/KDTM-GĐT của TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh có hiệu lực pháp luật, đã cung cấp cho tôi một cơ sở pháp lý vững chắc để tôi giải quyết tiếp các vấn đề còn lại của vụ án này. ‘Đường tới giám đốc thẩm’, về mặt thời gian là dài nhất, kể từ 22/9/2016 là ngày bản án phúc thẩm số 1106/2016/KDTM-PT có hiệu lực, đến ngày 6/11/2020 là ngày Quyết định giám đốc thẩm số 49/2020/KDTM-GĐT có hiệu lực pháp luật, phá tan hiệu lực của bản án phúc thẩm, tổng cộng là 1.505 ngày. Các tình tiết, sự kiện, được thuật lại có ngày giờ và tài liệu chứng cứ đi kèm.
Trước khi chấp nhận thất bại, tôi thường tự hỏi mình là đã tận lực chưa. Nếu đã tận lực mà vẫn thất bại thì tôi không còn gì để ân hận, vì nó nằm ngoài khả năng của tôi. Hồi còn đi học, khi đối diện với một mối tình tan vỡ, tôi cũng tự hỏi mình là đã dấn thân và tận lực hay chưa. Nếu đã dấn thân và tận lực vì tình yêu mà vẫn thất bại thì tôi không còn gì để ân hận. Sau khi chia tay, tôi không bao giờ nuối tiếc về một mối tình cũ mà tôi đã từng dấn thân và tận lực. Nó là lý do để tôi mạnh mẽ đi về phía trước, trân trọng tình yêu mới hơn tình xưa nghĩa cũ. Duyên nợ là như vậy. Đối với những người hy sinh vì tổ quốc, tôi nghiêng mình kính phục sự dấn thân bằng mạng sống của họ cho đất nước này. Tôi tự thấy mình cũng cần phải dấn thân như thế, nếu như hoàn cảnh diễn ra đòi hỏi tôi phải hành động như thế. Nếu bổn phận của tôi là phải đối diện với hiểm nguy mà tôi bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát. Tôi phải tận lực và dấn thân tìm đường đến giám đốc thẩm để phá vỡ tính hiệu lực của bản án bất công do TAND Thành phố Hồ Chí Minh áp đặt lên chính doanh nghiệp của tôi. Đó là bổn phận của tôi đối với vụ án Konica Minolta.

TẬN LỰC VÀ DẤN THÂN NGAY TỪ ĐẦU

9 giờ 30 phút ngày 22/9/2016, phiên tòa phúc thẩm kết thúc. Tôi rời tòa án trong tâm trạng của một người thất bại, mặt mũi bơ phờ. Một bạn phóng viên nào đó, đã lén chụp tấm hình của tôi, đang ngồi dựa vào vách cửa sổ của tòa án, trông già nua và tội nghiệp. Tôi vẫn giữ vẻ mặt bình thản để các bạn của tôi không buồn. Tôi và Nguyễn Thành Ba vừa bước ra, chuẩn bị lấy xe ra về thì gặp Luật sư Tiến sĩ Lê Nết. Ngay lúc đó, tôi chào Lê NếtLê Nết cũng chào tôi. Bỗng nhiên, Lê Nết nói với tôi: “Em nghe nhiều người nói anh Kim giỏi lắm. Anh Nguyễn Đăng Trừng còn đề nghị để anh Kim làm Phó Chủ nhiệm đoàn luật sư kia mà”. Lúc đó, tôi không biết Lê Nết nói thật hay chọc mình, nhưng Nguyễn Thành Ba thì cho rằng Lê Nết khen tôi thật lòng. Đến nay, xem lại biên bản phiên tòa phúc thẩm ngày 24/8/2016, tôi cho rằng, về mặt chuyên môn thì có thể Lê Nết đã khen thực lòng.
Không đợi đến khi tuyên án, tôi đã biết trước kết quả phúc thẩm. Lúc đó, tôi chỉ có thể hành động được như thế. Tôi còn bận việc kinh doanh. Tôi chưa thể từ bỏ việc kinh doanh để theo vụ án này. Hơn nữa, lúc đó, công nghệ truyền thông chưa đạt đến mức như bây giờ. Vũ khí đấu tranh chỉ là những lá đơn, những bài báo thì cũng như những viên sỏi lia vào biển cả. Cao lắm, cũng chỉ có thể khấy động mặt hồ, bắn lên vài tia nước, rồi chìm vào quên lãng. Hàng chục ngàn đơn khiếu nại giám đốc thẩm mỗi năm, nhưng không có hồi âm hoặc trả lời “không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”, thì tôi đã biết. Tôi không ngây thơ đến mức, không biết vũ khí khiếu nại không còn tác dụng, nhất là khiếu nại giám đốc thẩm đối với vụ án này. Tôi phải tìm ra cách khác, nhưng cách gì thì cũng đòi hỏi tôi phải tận lực và dấn thân.
Sau phiên tòa ngày 22/9/2016, chừng mười ngày, tôi đến gặp cô thư ký Võ Thu Phương để đòi nhận bản án phúc thẩm. Tôi nghiên cứu cẩn thận bản án phúc thẩm số 1106/2016/KDTM-PT và các qui định có liên quan đến thủ tục giám đốc thẩm, rồi viết Đơn đề nghị giám đốc thẩm ngày 15/10/2016. Tôi gửi bốn đơn đề nghị giám đốc thẩm đến bốn nơi có thẩm quyền kháng nghị. Đó là Chánh án TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh; Viện trưởng VKSNDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh; Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC. Như vậy, ngay từ khi nhận được bản án phúc thẩm, tôi đã gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm.

KẾT QUẢ CỦA BỐN ĐƠN ĐỀ NGHỊ KHÁNG NGHỊ GIÁM ĐỐC THẨM

Sau khi gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm đến 4 nơi có thẩm quyền kháng nghị, tôi nhận được 3 văn bản trả lời như sau:
1. Ngày 24/10/2016, VKSNDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận và thông báo với nội dung “Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận được đơn của công ty gửi ngày 15/10/2016, đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án KDTM số 1106/2016/KDTM-PT ngày 22/9/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có hiệu lực pháp luật về việc: Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa. Căn cứ quy định của pháp luật, đơn đề nghị trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh thông báo để … biết”.
2. Ngày 17/11/2016, TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận và thông báo: “Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận được đơn của công ty đề ngày 15/10/2016 về việc đề nghị Chánh án tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 1106/2016/KDTM-PT ngày 22/9/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành xem xét đơn đề nghị của Công ty theo qui định của pháp luật”.
3. Ngày 30/11/2016, TANDTC chuyển đơn đến TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh và gửi văn bản chuyển đơn này để tôi biết.
Như vậy là, bốn lá đơn gửi đi, tôi nhận được ba văn bản trả lời. Tôi không nhận được văn bản trả lời của VKSNDTC và tôi cũng không hiểu vì sao họ lại không trả lời. Với ba văn bản trả lời như đã nêu trên thì còn hai nơi là, VKSNDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh và TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ “xem xét đơn đề nghị của Công ty theo qui định của pháp luật”.
Tôi dự báo gần như chắc chắn là, theo tiến trình bình thường, đơn của tôi, hoặc là bị vứt vào sọt rác, hoặc là sẽ được trả lời “không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”. Quả nhiên, tôi nhận được thông báo số 18/TB-VC3-V4 ngày 11/5/2017 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, trả lời là “không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”. Đọc trang 2 thông báo số 18/TB-VC3-V4 ngày 11/5/2017 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi nhận ra ngay là thông báo này do luật sư của KMV soạn thảo, vì chi tiết thư điện tử ngày 06/02/2015 là do luật sư của KMV bịa ra, để lập luận trong bản án phúc thẩm, nhưng không có trong hồ sơ vụ án. Trang 4 biên bản phiên tòa phúc thẩm ngày 24-8-2016 và ngày 22-9-2016, ghi nhận bị đơn có nộp 2 thư điện tử nhưng đây là ghi bịa đặt, chứ thực tế bị đơn không nộp và mục lục hồ sơ số 1106/KDTM-PT ngày 22/9/2016 không có bút lục nào là thư điện tử. TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh thì không trả lời kháng nghị hay không kháng nghị. Chuyện diễn ra đúng như dự đoán của tôi.

CHỌN TRẬN VÀ BÀY TRẬN

Trong một lần gặp nhau, sau phiên tòa phúc thẩm ngày 22/9/2016, bạn Phan Quang Phú nói với tôi: “Nghe kết quả của phúc thẩm, em và nhiều người kinh sợ thật. Anh giỏi đấy nhưng dù sao, anh cũng chỉ một mình đơn độc. Konica Minolta là một tập đoàn. Các bài báo của anh rồi cũng trôi và chìm dần”. Tôi cười. Tôi vẫn còn làm ăn với KMV qua Công ty STS, nên còn liên hệ và gặp gỡ Phan Quang Phú. Trước khi tôi khởi kiện, Phan Quang Phú đề nghị tôi đợi Tập đoàn Konica Minolta giải quyết. Phan Quang Phú cho tôi biết là tập đoàn Konica Minolta đã ba lần cử người qua Việt Nam, để bàn cách giải quyết vụ chiếc máy in C1100 này. Phan Quang Phú là người chứng kiến từ đầu vụ việc này. Phan Quang Phú biết tôi bị lừa và tôi đã thu thập đủ bằng chứng. Thế mà, tòa án cấp phúc thẩm xử như vậy. Phan Quang Phú và nhiều người kinh sợ tòa án Việt Nam là có lý do. Không ai nghĩ rằng, tôi sẽ lật ngươc được bản án phúc thẩm của vụ án này, nhưng tôi thì nghĩ khác. Vấn đề đối với tôi là phải đánh giá đúng đối thủ, dự báo đúng tình huống và tìm ra giải pháp hiệu quả.
Sau phiên tòa, tôi hỏi phóng viên Chính Kỳ: “Em có bị phê bình hay có ai đề nghị rút bài báo của em viết về vụ Konica Minolta không?”. Chính Kỳ trả lời là “không“. Tôi và Chính Kỳ đều thống nhất nhận định là vụ án này có sự dàn xếp rất mạnh, nhưng chưa đến mức tầm cỡ Ủy viên Bộ Chính trị. Đối với tôi thì Ủy viên Bộ Chính trị hay trời đất quỷ thần gì, thì tôi cũng không ngại chiến tranh. Tôi quyết định chọn trận đấu này vì nó chính nghĩa, có lợi cho nhiều người. Điều quan trọng là trận này, tuy có nhiều khó khăn, nhưng mà nó xứng tầm của tôi, khích lệ tôi ra trận.
Trước hết, tôi phải bày trận, cài đặt sẵn những tài liệu chứng cứ mà Sao Nam, KMV và tòa án không thể chối cãi. Điều quan trọng nhất, là làm sao phải tiếp tục cài đặt, củng cố tài liệu chứng minh chiếc máy in C1100 nằm đó, đã không hoạt động được từ trước khi khởi kiện, và tiếp tục không thể hoạt động được sau khi có bản án phúc thẩm. Đây chính là chi tiết có sức tố cáo mạnh mẽ nhất trước lương tri con người. Chánh án Nguyễn Hòa BìnhBộ Chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng không thể làm ngơ trước hiện tượng kỳ quái này, nếu nó được truyền thông ra phạm vi toàn cầu.
Ngày 15 tháng 10 năm 2016, tôi gửi văn bản số 15/2016-SG đến Sao NamKMV, “V/v đề nghị đưa máy C1100 vào hoạt động”. Văn bản gửi đi qua đường bưu điện phát chuyển nhanh có hồi báo. KMV đã không trả lời. Sao Nam trả lời bằng văn bản số 028/ADM-16 ngày 26/10/2016, trong đó có nội dung: “Để có phương án hỗ trợ tốt nhất cho Quý công ty, chúng tôi đã liên hệ với KMV để bàn bạc về vấn đề này. Tuy nhiên, hiện tại đang là thời điểm cuối quý nên KMV đang tập trung cho các công tác nội bộ nên họ đề nghị hoãn lại cho đến đầu tháng 11/2016″. Thế nhưng, đến tháng 11/2016, tôi cũng không nhận được phản hồi nào từ phía Sao NamKMV.  Tuy vậy, mục đích thu thập thêm bằng chứng sau phiên tòa phúc thẩm đã đạt được. Bằng văn bản trả lời số 028/ADM-16 ngày 26/10/2016, một lần nữa, Sao Nam thừa nhận máy C1100 không thể hoạt động và phải chờ bàn bạc với KMV để tìm giải pháp.

Một vấn đề quan trọng cần củng cố là vấn đề thiếu hợp đồng dịch vụ Click Charge thì dẫn đến máy không thể hoạt động được. Tôi gửi văn bản đề nghị Sao Nam báo giá và ký hợp đồng Click Charge để đưa máy vào hoạt động. Sau khi tôi đồng ý báo giá, Sao Nam đã soạn thảo hợp đồng chuyển qua để tôi ký, nhưng tôi đề nghị bên Sao Nam ký trước. Ông Trần Kim Chung đã ký vào hợp đồng Click Charge trước, rồi chuyển qua cho tôi. Hiện tôi lưu giữ hợp đồng này với chữ ký của ông Trần Kim Chung, để chứng minh rằng, hợp đồng này, lẽ ra, phải ký đồng thời với việc mua bán máy.
Để củng cố thêm chứng cứ, gia tăng áp lực, buộc TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh phải giám đốc thẩm, tôi đã thuê Thừa Phát Lại Quận 5 lập vi bằng. Ngày 26/4/2017, Thừa Phát Lại Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh đã lập vi bằng, ghi nhận hiện trạng máy in hỏi mật khẩu mỗi khi khởi động. Tôi đã gửi vi bằng này cho Chánh án TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh để thúc giục ông kháng nghị giám đốc thẩm.
Tôi củng cố thêm về tình trạng máy in không thể hoạt động được và cũng không thể bán cho ai được, bằng cách, bán hai chiếc máy in kỹ thuật số tương tự như của Sao Nam. Thủ tục bán là phải có sự đồng ý tiếp tục thực hiện hợp đồng làm dịch vụ Click Charge cho bên mua lại. Công ty STS, nay đổi tên thành Công ty Lefami, đã đồng ý bằng văn bản cho tôi được bán máy cho Công ty Oanh Trần, trong phạm vi bán kính mà họ đã khảo sát trước. Công ty Ricoh cũng có thư đồng ý làm dịch vụ Click Charge cho đơn vị mới. Như vậy, máy in C1100 mua của Sao Nam, là không thể hoạt động được và cũng không thể bán cho ai được, vì không có dịch vụ Click Charge.
Tất cả những tài liệu mà tôi đã thu thập củng cố thêm sau ngày có bản án phúc thẩm số 1106/2016/KDTM-PT ngày 22/9/2016 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh, đã được tôi nộp cho TAND Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/3/2021, để làm tài liệu chứng cứ cho phiên tòa phúc thẩm lần thứ hai. Các tài liệu này cũng được tôi sao gửi cho phía KMVSao Nam. Tại phiên tòa phúc thẩm lần thứ hai, đại diện Sao NamKMV thừa nhận là họ đã nhận được 19 tài liệu, tổng cộng 41 tờ, trong bảng liệt kê và họ không phản đối gì về các tài liệu này. Bản án phúc thẩm số 528/2021/KDTM-PT ngày 15/6/2016 của tòa án nhân dân Thảnh phố Hồ Chí Minh đã nhận định tại trang 12, dòng 3 từ dưới lên: “Đối với, những tài liệu do Saigonbook xuất trình bổ sung đã được Saigonbook thực hiện giao nộp đúng quy định nên được hội đồng xét xử chấp nhận là chứng cứ của vụ án”. Như vậy, tôi chọn con đường tiếp tục đấu tranh quyết liệt để có giám đốc thẩm. Tôi đã bày trận và cài thế để thu thập và củng cố thêm tài liệu chứng cứ. Tòa án đã chấp nhận các tài liệu do tôi thu thập và đã nộp là chứng cứ của vụ án.

NHỮNG ĐƠN THƯ VÁI LẠY TỨ PHƯƠNG

Tôi đã gửi đơn đề nghị ngăn chặn chạy án từ trước khi Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh thụ lý phúc thẩm lần đầu, nhưng vẫn không chặn được bản án bất công này. Sau khi có án phúc thẩm thì tình hình hầu như vô vọng. Đơn của tôi như gửi vào không trung, một đi không trở lại. Gửi đơn không được thì tôi nghĩ ra cách gửi thư. Và tôi nhận thức rằng, nếu không có truyền thông ồn ào, hoặc không có đơn thư đến cấp cao nhất của đất nước này, hoặc đến cấp cao nhất của Nhật Bản, thì vụ án Konica Minolta sẽ không được xem xét lại ở cấp giám đốc thẩm. Lúc này, tôi chưa biết làm truyền thông đa phương tiện, nên tạm thời dùng đơn thư, như gửi vào không trung để cầu may. Tôi nhìn chiếc máy không hoạt động được, nằm đó, như người mẹ yêu đứa con sắp bị tử hình oan ức, nhưng không làm gì được, phải vái lạy tứ phương. Tôi gửi thư đến:
1. Ngày 03/02/2017, đúng vào ngày thành lập Đảng, tôi gửi thư cho các Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam và Ban Chỉ đạo Cải Cách Tư Pháp Trung Ương, đề nghị ngăn chặn chạy án và chặn kháng nghị. Đồng thời, tôi cũng đề nghị cần có biện pháp ngăn chặn các Chánh án và các cựu thẩm phán hành nghề luật sư.
2. Ngày 03/02/2017, tôi gửi thư cho một số đại biểu quốc hội, đề nghị chất vấn ông Nguyễn Hòa Bình về vụ án Konica Minolta.
3. Ngày 14/02/2017, tôi gửi thư đến Ngài Umeda Kunio, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, tố cáo tập đoàn Konica Minolta Nhật Bản, đến Việt Nam, lừa tôi, lấy 158,558 USD, để lại chiếc máy in Trung Quốc, không hoạt động được. Thư được viết bằng tiếng Việt và kèm theo bảng tiếng Anh.
4. Ngày 14/02/2017, tôi gửi thư đến Ngài KAWAUE Junichi – Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh, tố cáo tập đoàn Konica Minolta Nhật Bản đến Việt Nam lừa tôi lấy 158,558 USD, để lại chiếc máy in Trung Quốc, không hoạt động được. Thư được viết bằng tiếng Việt và kèm theo bảng tiếng Anh.
5. Ngày 14/02/2017, tôi gửi thư đến Ngài Sinzo Abe – Thủ tướng Nhật Bản, tố cáo tập đoàn Konica Minolta Nhật Bản đến Việt Nam lừa tôi lấy 158,558 USD, để lại chiếc máy in Trung Quốc, không hoạt động được. Thư được viết bằng tiếng Việt và kèm theo bảng tiếng Anh.
6. Ngày 12/06/2017, tôi gửi thư đến Chánh án tối cao Nguyễn Hòa BìnhChánh án cấp cao Trần Văn Châu, kèm theo vi bằng của Thừa phát lại quận 5, xác định máy in C1100 không thể hoạt động được.
Tất cả các đơn thư của tôi, đều gửi theo đường bưu điện, phát chuyển nhanh, có hồi báo. Vì không nhận được hồi âm, nên tôi rút ra kết luận rằng, nếu vụ án này không được đưa ra công luận, thì sẽ không có công lý. Vì vậy, tôi dừng doanh nghiệp để học hỏi cách làm truyền thông đa phương tiện. Sau đó, tôi làm truyền thông bằng Video và viết web, gửi các đường link này cho các vị lãnh đạo tòa án cấp cao. Quả nhiên, bản án phúc thẩm số 1106/2016/KDTM-PT ngày 22/9/20216, của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã bị hủy vào ngày 6/11/2020, vì bản án này bị sai hoàn toàn. Công luận đã đi trước công lý.

TÌM VŨ KHÍ ĐỂ ĐÒI CÔNG LÝ

1. Nhận diện nút chặn kháng nghị.
Khi đọc lập luận lý do không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm’ của VKSNDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi nhận ra ngay lời văn này là của phía Konica Minolta đã thể hiện ở bản án phúc thẩm. Trước khi Viện kiểm sát cấp cao trả lời “không có căn cứ kháng nghị”, tôi đã nhờ một bạn hỏi giá kháng nghị ở VKSNDCC đối với vụ án này, nhưng tôi hỏi là để dò biết tình hình chứ không có chủ trương chạy án. Tôi rất biết, đối với vụ án Konica Minolta, dùng tiền thì hại nhiều hơn lợi. Hơn nữa, kháng nghị của VKSND cũng sẽ rất dễ bị bác trước thế lực mafia đứng sau vụ án này. Tuy có gửi đơn đến VKSND, nhưng tôi không chờ đợi kháng nghị của VKSND.
Tôi tìm gặp ông Ngô Mạnh Cường, Trưởng phòng Giám đốc – Kiểm tra về Dân sự, Kinh doanh- Thương mại, và là người ký giấy xác nhận thụ lý đơn của tôi. Tôi gọi điện cho bạn Nguyễn Đắc Minh, lúc đó là Chánh văn phòng TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhờ Minh dẫn đến gặp ông Ngô Mạnh Cường. Tôi đến TANDCC, số 24 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, cầm theo bản chính Giấy xác nhận nhận đơn, có chữ ký của Ngô Mạnh Cường và Giấy Chứng Nhận Nhà Phân Phối Ủy Quyền, được chụp từ bút lục số 223 của hồ sơ vụ án. Vào văn phòng của Nguyễn Đắc Minh, tôi trình bày về tình hình giải quyết vụ án và dự báo sẽ bị chặn kháng nghị giám đốc thẩm. Nghe xong, Nguyễn Đắc Minh nói: “Anh lo gì. Em mà còn ngồi đây thì ai chặn được kháng nghị giám đốc thẩm vụ của anh”. Nói rồi, Nguyễn Đắc Minh dẫn tôi qua gặp Ngô Mạnh Cường. Tôi còn nhớ, lúc đó Ngô Mạnh Cường mặc quần xanh đen, áo sơ mi trắng, bỏ vào quần, trông rất trẻ trung. Nguyễn Đắc Minh đưa cho Ngô Mạnh Cường cả hai tờ giấy mà tôi cầm theo, rồi nói : “Giấy chứng nhận ủy quyền thế này mà nói không liên quan là vi phạm tố tụng”. Vừa nói, Nguyễn Đắc Minh vừa lấy bút gạch dưới nội dung ủy quyền có trong giấy Chứng Nhận Phân phối Ủy quyền và viết thêm bên dưới bốn chữ “Vi phạm tố tụng”. Ông Ngô Mạnh Cường lấy lại bản chính giấy xác nhận, có chữ ký của ông, và hứa với tôi là sẽ xem xét giải quyết, có gì thì ông sẽ báo cho Nguyễn Đắc Minh. Với quan hệ như thế và tôi cũng là người biết điều, thì bản án bất công này rất dễ kháng nghị giám đốc thẩm. Nếu không kháng nghị thì chí ít, tôi cũng nhận được trả lời là “Không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm” như VKSNDCC đã trả lời. Nhưng đằng này, Mafia chơi theo một chiến thuật khác, chứng tỏ họ rất hiểu vụ án này và rất hiểu tôi. Tất cả những gì họ làm, đều để lại dấu vết trong hồ sơ vụ án. Qua cuộc đấu tranh của tôi, tôi đoán là họ đã hiểu được phần nào sự phẫn nộ của tôi đối với vụ án này. Đầu tiên là họ không gửi bản án phúc thẩm cho Thi hành án quận 3, để tôi không phải nộp thêm 50% án phí, gây thêm sự phẫn nộ. Họ cũng không dám dùng bản án phúc thẩm để yêu cầu báo chí đính chính. Họ tránh ồn ào.

VKSNDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh đã trả lời không có căn cứ kháng nghị. Nếu TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng trả lời “không có căn cứ kháng nghị”, thì tôi sẽ dùng văn bản trả lời này để khiếu nại lên TANDTCVKSNDTC trong thời hạn 3 năm, theo qui định tại khoản 1 Điều 334 BLTTDS 2015. Với con người như tôi, thì họ biết là họ sẽ phải rất tốn kém, nếu muốn chặn kháng nghị ở Hà Nội. Hơn nữa, ông Ngô Mạnh Cường đã gặp tôi và chắc chắn ông đã nghe về vụ án này. Nếu trả lời “không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm”, mà chuyện to ra, thì cũng rắc rối cho người trả lời. Cho nên, tìm lý do ém nhẹm hồ sơ, không trả lời đơn, là thượng sách. Tôi dự đoán họ sẽ làm theo cách đó và quả nhiên, sau này kiểm tra lại, tôi cũng nhận thấy, họ đã làm theo cách đó. Từ khi gặp ông Ngô Mạnh Cường vào tháng 11/2016 đến ngày 20/5/2017, là ngày tôi gửi “ĐƠN ĐỀ NGHỊ KHÁNG NGHỊ (Lần 3, bổ sung vi bằng)”, tôi hoàn toàn không nhận được bất cứ hồi âm nào từ các lá đơn của tôi. Vì không nhận được trả lời “kháng nghị hay không kháng nghị” của TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh, nên tôi gửi đơn khiếu nại đến Chánh án Nguyễn Hòa Bình. TANDTC thông báo cho tôi là đã chuyển đơn đến TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết, nhưng tôi cũng không nhận được bất cứ thông tin nào. Tôi cần câu trả lời của ông Ngô Mạnh Cường qua bạn Nguyễn Đắc Minh, như ông Ngô Mạnh Cường đã hứa, nhưng tôi không nghe Nguyễn Đắc Minh nhắn nhủ gì. Dù giải quyết thế nào thì tôi cũng cần thông tin. Tôi gặp Nguyễn Đắc Minh để nhờ Nguyễn Đắc Minh hỏi lại Ngô Mạnh Cường về vụ việc của tôi. Nguyễn Đắc Minh không đưa ra giải pháp nào, chỉ khuyên tôi là “anh cứ chờ vì hồ sơ giám đốc thẩm nhiều quá, đọc không kịp”. Tôi hiểu rằng, chờ cho đến gần hết thời hạn kháng nghị 3 năm theo khoản 1 Điều 331 BLTTDS 2015, rồi họ mới trả lời “không có căn cứ kháng nghị”, thì lúc đó, tôi không còn thời gian để khiếu nại giám đốc thẩm ở cấp cao hơn. Vì thế, tôi quyết định dừng doanh nghiệp, học hỏi công nghệ truyền thông, thuyết trình vụ án, để đưa ra toàn dân xét xử. Tôi phải trực tiếp làm, vì không ai có thể nói thay tôi, bảo vệ cho tôi bằng chính tôi. Hơn nữa, tôi có đủ chuyên môn để vạch trần sự gian trá của các thẩm phán và luật sư. Tôi phải làm!
2. Dừng doanh nghiệp để đòi công lý
Tháng 10/2017, tôi dừng hoạt động Printing Shop và hoạt động mua bán sách tại 474-476 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Các máy móc thiết bị vừa mới mua đều phải bán nhanh để giao mặt bằng cho đơn vị thuê nên phải bán với giá rất rẻ. Sách và giấy in cũng được chuyển về nhà in, ở 217/2 đường Nơ Trang Long, Quận Bình Thạnh, để chờ thanh lý. Riêng ba chiếc máy in kỹ thuật số, mua của Konica Minolta qua đại lý STS, gồm máy C1100, C654, 654E, mua giá 1.680.000.000 đồng, được tôi bán lại cho Công ty Quảng Cáo Oanh Trần giá 580.000.000 đồng, với sự đồng ý tiếp tục làm dịch vụ Click Charge của Công ty STS.
Tháng 11/2017, tôi dừng hoạt động Công ty In 474. Toàn bộ máy móc, vật tư và sách vở đều phải bán nhanh trong vòng chưa đầy một tháng để lấy mặt bằng cho thuê, vì thế cũng phải bán với giá rất rẻ. Tôi chấp nhận mọi thiệt hại để dồn sức đòi công lý.
3. Tìm vũ khí để đòi công lý
Tôi bắt tay vào tìm cách học làm Video thuyết trình từ khi doanh nghiệp còn hoạt động. Tháng 8 năm 2017, tôi mua một máy quay phim Panasonic, giá 53 triệu đồng và một máy chụp hình Sony giá 36 triệu đồng. Mục đích đầu tiên là dùng để quay và chụp lại toàn cảnh doanh nghiệp trước khi “dừng doanh nghiệp – đòi công lý”. Sau là dùng vào việc học làm phim thuyết trình vụ án. Tuy nhiên, việc học tập của tôi bị kéo dài do tôi chưa ổn định kinh tế và đời sống gia đình.
Sau Tết Âm Lịch năm 2018, tôi bắt đầu tìm hiểu công nghệ truyền thông bằng Video. Vấn đề khó khăn nảy sinh là tôi không biết gì về “Nghệ thuật nói trước công chúng”, không biết viết kịch bản Video, không biết quay phim, thu âm, lồng tiếng, dựng phim. Đụng tới chỗ nào, tôi cũng thấy thiếu. Nếu phát âm không rõ thì thuyết trình sẽ không ai nghe. Nói mà người ta không nghe được thì truyền thông bị thất bại ngay từ khi mở miệng.
Tôi nói và thu âm xong, rồi nghe lại thì thấy dở ẹt. Tòa án thì nói thành tà án. Huyện Duy Xuyên thì nói thành huyện Di Xiên. Bác Hồ và bát phở thì phát âm giống nhau ở chữ bát = bác. Văn hóa nói là văng hóa. Văn nào cũng là văng, không sao phân biệt được. Cái bàn thì nói thành cái boàn. Từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ, vùng quê Quảng Nam đều phát âm như vậy. Nhưng nói để thu âm làm video, rồi phổ cập ra toàn quốc thì các vùng miền khác sẽ không nghe được. Người nghe không nghe được là trách nhiệm của người nói, nên tôi phải đi học để nói cho tròn vành rõ chữ.
Tôi tìm đến lớp Tiếng Nói của thầy Trần Nam Anh, để học cách lấy hơi bụng, nói diễn cảm và luyện nói từ sáng đến tối. Tôi học hai khóa, hết 10 tuần, mỗi tuần một ngày trên lớp và 6 ngày tự luyện. Sau đó, tôi thấy còn thiếu, tôi nhờ thầy đến nhà dạy kèm cho tôi một khóa nâng cao nữa. Nếu không học được trực tiếp từ thầy Trần Nam Anh thì tôi không hình dung được, tại sao người Việt mà phải đi học nói tiếng Việt. Ban đầu, khi mới thấy tôi vào học với các bạn trẻ, thầy Trần Nam Anh tỏ vẻ nghi ngờ. Tôi nói với thầy là tôi học để chuyển sang làm xuất bản Video, thay cho viết sách. Thầy khen tôi học chăm chỉ và khuyên các bạn trẻ noi gương học tập của tôi nhưng thầy không biết vì sao tôi lại học chăm chỉ như thế. Tôi chăm chỉ là vì tôi có mục đích rất rõ ràng.

Sau khi học thầy Trần Nam Anh, tôi đến trường đại học nghệ thuật sân khấu, ở đường Cống Quỳnh, để tìm thầy học thêm. Anh Lê Hùng – Phó Phòng Đào tạo của Trường, giới thiệu tôi vào học lớp dẫn chương trình của thầy Trần Trung Quang. Từ lớp học, tôi đã mời thầy Trần Trung Quang về nhà, dạy riêng cho tôi những vấn đề mà tôi cần. Tôi cần cái gì thì đặt vấn đề để thầy chỉ dạy cái đó. Học như thế, tôi rút ngắn được thời gian học tập và luyện nói trước ống kính máy quay phim.

Tôi học quay phim, dựng phim, chụp hình và làm kịch bản video. Tôi mua gần 100 khóa học online trên unica, kyna, edumall, westudy để tìm hiểu về cách truyền thông bằng đa phương tiện. Có những khóa, tôi chỉ nghe qua rồi bỏ vì thấy không cần thiết. Tôi lại tìm mua khóa học khác. Cứ thế, tôi tưởng tượng mình tìm vũ khí truyền thông để đòi công lý, cũng giống như ông Trần Đại Nghĩa qua Pháp tìm học vũ khí để chế súng Badoka. Học để tìm vũ khí phục vụ cho cuộc đấu tranh chính nghĩa thì phải học rất quyết liệt.
Tôi tự học thiết kế web để tự mình đưa bài viết và Video lên web, và quản trị nó. Ban đầu, tôi mua khóa học online trên trang DGTRAINING.VN của anh Phạm Tiến Hưng. Sau khi học online, tôi thấy còn lúng túng, chưa thể hoàn thiện được trang web. Tôi mang gói ra Hà Nội học 7 ngày liền, học từ sáng tới tối với thầy Phạm Tiến Hưng. Tôi cũng học Photoshop thần thánh của anh Phạm Tiến Hưng, được bán online trên trang kyna.vn. Tôi đã có thể tự mình xử lý hình ảnh, viết web, quay phim, dựng phim, viết bài và thuyết trình để đưa lên truyền thông.Phải mất hơn một năm học tập và rèn luyện, tôi mới hoàn thành được Video đầu tiên để đưa lên trang web https://luongvinhkim.vn, vạch trần “Bí ẩn của Vụ án Konica Minolta”.
Ngày 1/3/2019, Video hồi zero “Dừng Doanh Nghiệp – Đòi Công Lý” được đưa lên youtube và facebook. Sau đó, trang web https://luongvinhkim.vn/ cũng ra mắt và góp phần vào truyền thông vụ án Konica Minolta.

PHÁ NÚT CHẶN KHÁNG NGHỊ

1. Công phá bằng truyền thông Video
Ngày 1/3/2019, Video “Dừng Doanh Nghiệp – Đòi Công Lý”, được đưa lên facebook và youtube, gây chấn động dư luận. Video này được đưa nhiều lần trên trang Năm Lúa 5.0 và trang Facebook cá nhân của tôi. Tôi cũng đưa Video này lên youtube rồi kéo đường link qua facebook, qua web để phổ biến đến nhiều người. Chỉ chừng độ nửa tháng, đã có hơn một triệu lượt xem. Nhưng vì chưa có kinh nghiệm chống hacker nên video này đã bị Hacker xóa mất. Tôi phải đưa lại nhiều lần. Sau khi đưa video bằng tiếng Việt một thời gian, tôi chèn chú thích tiếng Anh và phát lên toàn cầu. Hiện Video này còn lưu trên trang Năm Lúa 5.0 với 1,1 triệu lượt xem, hơn 1.300 lượt chia sẻ và 469 bình luận với nhiều phẫn nộ.

Tôi tiếp tục thuyết trình vụ án bằng cách ngồi nói trước máy quay phim, thu âm qua chiếc điện thoại Iphone, rồi đưa vào phần mềm Adobe Premiere để dựng phim nhưng thấy khó trình bày các tài liệu chứng cứ. Tôi lại phải học PowerPoint để làm thuyết trình nhưng cũng không đạt yêu cầu, có lẽ vì tôi chưa hiểu hết công dụng, chức năng của PowerPoint.
Tôi đang lúng túng trong việc tìm phần mềm thích hợp để thuyết trình vụ án thì tôi gặp Phạm Duy Thanh, lúc đó đang là chủ công ty ANZEN Software. Khi biết tôi đang tìm kiếm phần mềm giúp thuyết trinh vụ án, Thanh giới thiệu cho tôi phần mềm VideoScribe. Tôi đã thuyết trình bằng phần mềm này thay cho phần mềm Adobe Premiere. Quả nhiên, rất rõ ràng và hiệu quả. Những ai quan tâm đến vụ án này, xem các thuyết trình của tôi bằng VideoScribe thì thấy rằng, Konica Minolta và Sao Nam đã lừa dối rất rõ ràng, với đầy đủ tài liệu chứng cứ. Sức tố cáo của các Video này là rất mãnh liệt. Konica Minolta, Sao Nam và các luật sư của họ bị lúng túng, phải im lặng. Bọn mafia cũng không dám ra mặt phản kháng. Tôi cũng chuyển các đường link video này đến Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh để họ biết.

2. Công phá trực diện tại tòa án nhân dân cấp cao
Sau hơn hai tháng phát hành các Video lên mạng toàn cầu, tôi vẫn chưa nhận được trả lời của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi không hiểu lý do. Chỉ còn bốn tháng nữa là hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm theo qui định tại khoản 1 Điều 331 BLTTDS 2015. Tôi nhiều lần đến phòng tiếp dân của Tòa án nhân dân cấp cao để hỏi, nhưng lần nào cũng được hẹn lại lần khác. Tôi yêu cầu trả lời đơn của tôi, dù trả lời không kháng nghị, để tôi còn kịp thời gian đi Hà Nội. Tôi đến tòa nhiều lần, lúc đó, phòng tiếp dân mới gọi hỏi lên trên. Có một cô nào đó, trả lời cuộc gọi của phòng tiếp dân, để phòng tiếp dân trả lời tôi rằng, hồ sơ do Viện kiểm sát cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mượn, chưa trả nên tòa án không có hồ sơ để xem xét, trả lời đơn. Tôi về nhà lục tìm văn bản trả lời “không có căn cứ kháng nghị” của Viện Kiểm sát, đem lên Tòa án nhân dân cấp cao, để chứng minh rằng, Viện kiểm sát không thể giữ hồ sơ vụ án này đến hơn hai năm như vậy. Cán bộ phòng tiếp dân cũng không biết trả lời ra sao. Họ lập biên bản ghi nhận ý kiến rồi chuyển lên trên. Sự việc, cứ thế kéo dài, có nguy cơ hết thời hạn xem xét kháng nghị.
Tôi đã hai lần gửi đơn đề nghị gặp lãnh đạo tòa án theo Luật Tiếp Công Dân, nhưng không nhận được trả lời. Tôi sốt ruột, phải gửi đơn lần thứ ba. Bất ngờ, tôi nhận được giấy mời số 1265/GM-TANDCC ngày 29/8/2019, do ông Chánh văn phòng Nguyễn Văn Thanh ký, mời tôi lúc 8 giờ ngày 13/9/2019, gặp lãnh đạo theo đơn đề nghị của tôi.
Theo giấy mời, đúng 8 giờ, ngày 13/09/2019, tôi đến Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bước vào phòng họp tiếp dân, tôi thấy có mấy người đợi sẵn. Tôi được bố trí ngồi vào phía dãy bàn bên trái của ghế chủ tọa. Đối diện tôi là một số cán bộ tiếp dân của tòa án. Một người đàn ông có dáng người tầm thước, khuôn mặt phúc hậu, ngồi ở ghế chủ tọa, bên cạnh có một người thư ký. Lúc đó, tôi không biết tên vị chủ tọa và cũng không biết tên ai trong số những người ngồi tiếp tôi. Hôm đó, có một số công dân chờ được tiếp nhưng tôi là người được tiếp đầu tiên. Sau đây là nguyên văn lời đối thoại trong buổi tiếp dân ngày 13/9/2019, giữa tôi với bộ phận tiếp dân của Tòa án, được trích từ băng ghi âm

:
Mở đầu buổi tiếp, vị chủ tọa định nói gì đó, nhưng dừng lại và chuyển sang hỏi tên tôi trước:
– Có lẽ là, Anh tên gì?
– Tôi tự giới thiệu, tôi tên là Lương Vĩnh Kim, Giám đốc công ty TNHH Phát Hành Sách Sài Gòn, còn gọi là Saigonbook, nguyên đơn trong vụ kiện dân sự.
– Chủ tọa: Anh cứ tiếp tục trình bày.
– Tôi nói: Thứ nhất là cho tôi hỏi. Tôi vừa nói đến đây thì chủ tọa nói chen ngang:
– Chủ tọa: Anh cứ trình bày chứ không hỏi.
– Không. Tôi hỏi các anh chứ không trình bày. Tôi chỉ yêu cầu mỗi việc là tại sao, tôi đã có đơn đề nghị kháng nghị, đã gần ba năm rồi mà các anh không trả lời tôi, kháng nghị hay không kháng nghị? Tôi trình bày là tại sao các anh không trả lời tôi về việc kháng nghị hay không kháng nghị. Các anh trả lời dùm tôi.
– Chủ tọa: Tôi trả lời anh bằng luật luôn. Trong thời gian ba năm mà chưa hết thời gian đó. Ở đây gần 10 ngàn cái đơn, anh ạ, chứ có phải một mình anh đâu. Do đó, trong thời gian ba năm, tòa cấp cao sẽ giải quyết trong thời gian này. Anh cứ lật luật ra mà xem.
– Tôi nói: Thưa anh, thời gian bây giờ đã đủ ba năm.
– Chủ tọa: Ba năm thì anh Kỳ xem sao và trả lời. Vừa nói, vị chủ tọa nhìn về phía người đàn ông trạc chừng 35 đến 40 tuổi, mà tôi đoán cỏ lẽ đó là ông Lê Huy Kỳ.
Tuy nhiên, người đàn ông này không lên tiếng mà có một cô gì đó, cho đến bây giờ, tôi cũng không rõ tên, đã lên tiếng:
– Vụ này xử phúc thẩm ngày 22/9/2016, đến nay thì còn mấy ngày nữa mới đủ ba năm. Nhưng mà cái vụ này là trước đây tòa án nhân dân cấp cao đã thụ lý, đã có văn bản gửi cho tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng mà Tòa án nhân dân Thành phố trả lời là, đã chuyển cho Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, nên tạm thời hồ sơ này bị gát lại, chờ đợi.
– Chủ tọa: Bây giờ trả lời luôn thế này, theo qui đinh của pháp luật, nếu viện kiểm sát cấp cao đã mượn hồ sơ rồi thì anh nên liên hệ với viện kiểm sát cấp cao để được trả lời, vì hồ sơ ở bên đó. Tòa án chúng tôi chỉ thụ lý và trả lời khi có hồ sơ.
– Tôi hỏi: Vậy là, hiện nay không có hồ sơ ở đây phải không cô?
– Cô gái trả lời: Không có hồ sơ ở đây ạ.
– Tôi nói: Tôi xin báo cho lãnh đạo tòa án nhân dân cấp cao biết rằng, viện kiểm sát cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã trả lời tôi, về việc không kháng nghị cách đây gần ba năm rồi. Như vậy là xong rồi.
– Cô gái lên tiếng: Đến nay, Chánh án tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn, mới đây, nếu Viện kiểm sát cấp cao đã trả lời đơn mà đương sự còn khiếu nại thì tòa án cấp cao sẽ tiếp tục mượn hồ sơ để giải quyết. Trường hợp của anh thì ở đây, chúng tôi sẽ tiếp tục mượn hồ sơ để giải quyết.
– Tôi nói to: Sau khi tôi nhận được trả lời không kháng nghị của Viện kiểm sát cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã nhiều lần tiếp tục gửi đơn cho ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình và gửi đơn cho ông Trần Văn Châu
– Chủ tọa: Theo tôi thì thế này, có lẽ anh nên khiêm tốn.
– Không. Tôi rất khiêm tốn. Không có gì là không khiêm tốn cả.

– Chủ tọa: Không. Anh nói hơi trịch thượng. Ở đây không phải là chỗ cãi nhau. Nếu không thì tôi sẽ mời anh ra ngoải.
– Thưa lãnh đạo và các anh chị, vì tôi sợ mọi người nghe không rõ nên nói hơi to tiếng.
– Chủ tọa: Đưa Micro lại gần cho anh ấy. Chủ tọa nhắc một cán bộ đưa Micro lại gần tôi.
– Tôi nói: Tôi xin lỗi anh. Tôi không có lời nào, không có câu chữ nào xúc phạm tới ai cả. Bây giờ các anh trả lời là không có hồ sơ ở đây. Tôi chỉ nói với các anh rằng, viện kiểm sát đã trả hồ sơ cách đây gần ba năm rồi, thì không có lý do gì mà bây giờ hồ sơ đó bị mất.
– Chủ tọa: Coi trao đổi lại với anh nầy, có gì giúp được cho người dân thì giúp.
– Cô gái nói: Trước đây, theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, một đương sự gửi đơn đến nhiều nơi, nơi nào gửi văn bản mượn hồ sơ trước, thì nơi đó, có trách nhiệm giải quyết và trả lời cho đương sự, nơi khác xếp lại hồ sơ. Nhưng mới đây nhất là năm 2019, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao qui định là, trong trường hợp, viện kiểm sát trả lời đơn mà đương sự vẫn còn tiếp tục khiếu nại, thì Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ mượn hồ sơ lên để xem tiếp, nếu như thời hạn khiếu nại vẫn còn. Trong trường hợp của anh, thời hạn là từ năm 2016, bây giờ sắp hết hạn. Cái đơn của anh có trước công văn hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao. Bây giờ anh tiếp tục làm đơn, để ở đây chúng tôi giải quyết trong thời gian sớm nhất.
– Tôi nói: Thôi được rồi. Tôi xin thưa với lãnh đạo tòa án thế này. Từ hồi tháng tư, tôi đã đến đây để yêu cầu trả lời đơn, kháng nghị hay không kháng nghị. Tôi hoàn toàn không nắm được tình hình hồ sơ không có ở đây, nên thành ra là tôi đánh giá, đây là vụ chạy án và ngăn chặn kháng nghị ở cấp giám đốc thẩm. Vì vậy, tôi đã có những bước chuẩn bị để giải quyết vụ án này. Tôi đề nghị với lãnh đạo là quan tâm đến vụ án này. Trách nhiệm của Tòa án cấp cao trong vụ án này là trách nhiệm về tố tụng, không cơ quan nào giải quyết thay được. Nếu Tòa án cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh không giải quyết thì tôi chưa thể khiếu nại lên cấp cao hơn. Cho nên, tôi đề nghị tòa án cấp cao giúp dùm tôi, trả lời cho tôi. Nếu có kháng nghị thì cho tôi bản kháng nghị, nếu không kháng nghị thì cho tôi văn bản trả lời vì sao không kháng nghị, cho hết trách nhiệm của cơ quan này thì tôi mới có thể đi gặp ông Nguyễn Hòa Bình.
– Người đàn ông, mà chủ tọa gọi tên là Kỳ, lên tiếng: Anh ra đây để tôi tiếp anh rồi tôi tham mưu cho lãnh đạo luôn. Tôi lấy tài liệu để chứng minh cho anh rõ luôn, sự việc này, tòa án nhận được đơn của anh, sau đó có làm cái xác nhận, thông báo sẽ xem xét, nói rõ luôn nghe, đây, giấy xác nhận ngày 17/11/2016. Sau đó, theo qui định của cơ quan, thì lãnh đạo phân công tôi trực tiếp xem xét giải quyết vụ án này. Tôi đã làm cái văn bản yêu cầu rút hồ sơ vào ngày 29/3/2017. Vào ngày 2/4/2017, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản trả lời là ngày 10/3/2017, tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát. Thì cái việc á.

– Tôi nói với anh Kỳ: Anh cho tôi coi.
– Anh Kỳ: Tôi cho anh coi để anh thỏa mãn chứ có gì đâu mà .
– Tôi nói: Tôi rất cám ơn tòa đã cho tôi biết thế này. Anh cho tôi chụp được không?
Anh Kỳ đã cho tôi chụp các văn bản này. Lúc đó, vị chủ tọa nhìn tôi chụp các văn bản do anh Kỳ đưa ra, rồi ông nói với tôi:
– Anh làm đơn gấp. Anh tiếp tục làm đơn gửi Tòa án nhân dân cấp cao ngay hôm nay và tôi phân công Kỳ, qua viện kiểm sát cấp cao, làm cái thủ tục để mượn hồ sơ, chuyển về đây, đừng để họ chuyển về dưới mất công.
Nghe chủ tọa nói như vậy, tôi rất vui mừng. Tôi nói:
– Vậy anh cho tôi liên hệ trực tiếp với anh Kỳ để tôi gửi đơn cho anh Kỳ có được không lãnh đạo?
– Đơn thì anh cứ gửi theo thủ tục. Có hai vấn đề, ở chỗ hành chính thì tôi sẽ báo cho anh Bình, chuyển đơn gấp cho phòng giám đốc kiểm tra để xem xét. Thứ hai là chỗ anh Kỳ, xem xét có giúp được gì cho dân thì giúp. Cái vụ này Kỳ xem thử chuyển hồ sơ về Thành phố chưa. Thế nhé, anh ra gặp anh Kỳ, có thể hôm nay anh làm cái đơn, anh Kỳ sẽ xem xét hồ sơ, nếu có đủ điều kiện là kháng nghị, thì chúng tôi ra kháng nghị thôi, không có gì.
– Tôi nói: Vụ án này tôi đã thuyết trình bằng Video, để trên một trang web, tôi có thể chuyển cho lãnh đạo tòa án để xem các Video thuyết trình đó.
– Chủ tọa: Khi nào mà có hồ sơ tại đây thì anh có thể cung cấp những vấn đề mà anh nói để tòa án tham khảo.
– Tôi nói: Nhưng mà có thể cung cấp cho anh Kỳ được không anh.
– Chủ tọa: Anh cứ đến phòng tiếp dân, đề nghị gặp anh Kỳ. Có phòng tiếp dân mà, không thể đi ngang được. Chỉ có một đầu vô và một đầu ra. Chúng tôi sẽ làm nhanh mà
– Tôi nói: Thôi. Bây giờ là tôi rất thỏa mãn về cái buổi tiếp dân này. Ban đầu thì tôi có hơi nói to tiếng, cho tôi xin lỗi. Tôi chỉ hơi to tiếng chứ tôi rất kính trọng và tôn trọng các anh chị, nhưng vì tôi quá bức xúc. Hoàn cảnh của tôi là một doanh nghiệp, tôi rất bức xúc với vụ án này và tôi đã giải tán cả hai doanh nghiệp. Đây là một vụ cực kỳ lớn. Tôi là một luật sư, một trí thức nên việc tôi nói là phải có cơ sở. Nếu không có vấn đề gì thì các anh cho tôi xin lỗi, mong các anh bỏ qua. Xin lỗi, anh cho tôi biết tên anh được không ạ?
– Chủ tọa: Tôi là Phạm Hồng Phong, Phó Chánh án, anh cứ lên google là có tên tôi. Tôi là đại biểu quốc hội, thông tin của tôi có ở trên đó.
– Ồ ! Anh là đại biểu quốc hội à.

Đến đây, anh Kỳ nói chen vào: “ Tôi có ý kiến và báo cáo với sếp luôn. Theo tinh thần chỉ đạo của sếp, thì tiếp tục giao vụ việc này cho em, để em thực hiện nhiệm vụ cho trọn vẹn. Để đưa vào thụ lý lại vụ án này, để tránh mất thời gian, để lãnh đạo còn tiếp nhiều người nữa, tôi sẽ tiếp anh tại phòng tiếp dân, để hướng dẫn anh làm lại cái đơn. Tạo điều kiện cho anh, làm được cái gì cho anh thì làm, vì án này cũng sắp hết thời hạn rồi.
Nghe xong, tôi hỏi lại anh Kỳ: “Thế chiều nay tôi đem đơn lên cho anh được không ạ?”
– Anh Kỳ nói: Thì bây giờ anh ra đây, tôi sẽ hướng dẫn cho anh viết đơn.
– Tôi đứng lên nói: Cám ơn tất cả các anh chị, cho tôi xin lỗi, vì lúc nảy, tôi hơi to tiếng. Tôi rất cám ơn các anh chị và tôi tin rằng, các anh chị sẽ xem kỹ vụ việc này.
– Chủ tọa: Anh cứ yên tâm. Nếu có thời gian tiếp dân thì tôi sẽ xuống gặp anh, và tạo điều kiện cho anh.
Tôi đi theo anh Lê Huy Kỳ ra phòng tiếp dân. Vừa ngồi xuống ghế, tôi nói với Lê Huy Kỳ:
– Hồi trước, anh có anh bạn tên là Minh, làm ở Viện kiểm sát, rồi qua đây làm chánh văn phòng. Đắc Minh đó.
– À, Nguyễn Đắc Minh!
– Anh đi với Nguyễn Đắc Minh tới gặp Cường, đưa cái giấy mà hồi nảy anh đưa đó. Rồi chỗ quen biết, Cường nói sẽ xem sớm, nhưng rồi không biết lý do, tại sao Cường lại im re luôn.
– Có hồ sơ đâu mà xem. Vừa nói, Kỳ vừa cười khà khà, thái độ rất là vui vẻ.
– Tôi nói: Giờ đơn thì anh viết nhanh thôi. Viết bây giờ cũng được. Anh lấy tờ giấy ra, anh viết rồi anh ký liền chứ có khó gì đâu. Giờ anh viết, anh nộp ngay ở đây chứ có gì đâu.
– Bây giờ zầy, cái đơn cũ nè, đúng không?
– Đúng rồi.
– Anh về, anh viết thêm vào câu này: “Tiếp tục đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm nhưng phía dưới anh đề thêm câu này: Vụ án này viện kiểm sát cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã trả lời đơn theo cái công văn số mấy đó, nhưng tôi không đồng ý. Anh biết sao không, để nó đưa vào nó thụ lý, khỏi phải thụ lý dạng đơn trùng. Anh kẹp thêm cho tôi cái phô tô đó thôi. Rồi. Xong. Đơn giản zậy thôi. Anh mang hoặc cho lính mang lên đây, ngay phòng tiếp dân này. Rồi tôi sẽ xuống, trực tiếp tôi ký nhận”.
– Tức là, tới nói gặp anh Kỳ luôn, đúng không?
– Ừ, đúng rồi.
– Có cần chuyển cho Kỳ các Video thuyết trình vụ án này không? Anh làm kỹ lắm, Kỳ xem xong hiểu liền, chỉ kiểm tra lại hồ sơ thôi.
– Khoan. Phải có hồ sơ, hồ siết mới được. Không có hồ sơ lấy cái gì mà làm.

– Thôi được rồi, để anh về làm đơn.
– Anh nói anh quen với anh Minh, mà anh để sự việc cho đến giờ này là lỗi của anh á. Anh em ai lại không có những quan hệ.
– Tôi ngày xưa, tôi làm ở Viện kiểm sát mà.
– Làm ở Viện kiểm sát gì mà để Viện kiểm sát trả lời đơn. Vừa nói Kỳ vừa trề môi, có ý chê tôi.
– Tôi là luật sư mà. Riêng vụ này thì tôi không cần quen biết ai cả. Vụ này đã đến thế này thì tôi sẽ có cách của tôi, chứ không nhất thiết là Viện kiểm sát có kháng nghị hay không kháng nghị. Đó là chuyện của họ. Tòa có kháng nghị hay không là chuyện của tòa. Mỗi người cứ làm theo trách nhiệm của mình, tôi làm theo trách nhiệm của tôi, để sau này, ai sai thì người đó chịu trách nhiệm. Thế thôi. Dù tôi quen Minh hay quen ai thì tôi cũng không cần thiết phải nhờ vả gì cả.
– Thì thôi, cứ theo qui định mà làm. Thật ra, vụ này, trong hồ sơ này đã có văn bản mượn hồ sơ rồi.
– Nhưng mà Kỳ, cho anh xin số diện thoại của Kỳ được không? Để có gì anh liên hệ trực tiếp với em để giải quyết công việc cho nhanh, chứ mời tới mời lui mất thời gian lắm. Mình cứ làm cho khách quan vô tư. Nếu đúng phải kháng nghị thì Tòa cấp cao kháng nghị, còn nếu không có căn cứ kháng nghị, thì em cứ đề xuất trả lời đơn. Chỉ cần đúng thôi.
– Được thôi. Có gì đâu không được. Tôi sẽ làm hết mình vụ này cho anh. Tôi sẽ xem kỹ, được hay không, tôi sẽ trình lãnh đạo. Nhưng mà phải có hồ sơ nghe, không có hồ sơ, tôi cũng bó tay á.
Tôi ngồi nán lại, kể cho Kỳ nghe câu chuyện Printing Shop của tôi. Kỳ nói là Kỳ biết tôi từ lâu, nhưng khi hỏi biết vào dịp nào thì Kỳ không trả lời. Tôi vui vẻ chia tay Kỳ ra về. Vừa về đến nhà, tôi mở máy tính, lục lại đơn cũ, sửa vài chỗ theo dặn dò của Kỳ, rồi in ra. Ngay chiều ngày 13/9/2019, tôi quay lại tòa án, gửi hai đơn có nội dung giống nhau. Một đơn gửi trao tay cho Lê Huy Kỳ và một đơn gửi cho phòng tiếp dân để lấy biên nhận. Thẩm tra viên Lê Huy Kỳ đã thụ lý lại đơn đề nghị kháng nghị của tôi.
Như vậy, sau ba năm gửi đơn đòi kháng nghị, tôi quay về điểm xuất phát. Đơn ngày 15 tháng 10 năm 2016 của Saigonbook, đã bị xóa khỏi sổ thụ lý với lý do “hồ sơ bị viện kiểm sát mượn”. Họ đã chặn kháng nghị của tôi theo một thủ thuật rất tinh vi.

5. Thủ thuật chặn kháng nghị ở TANDCC
Theo điều 8.2, Qui chế giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị thông báo đối với bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại Tòa án nhân dân, ban hành kèm theo quyết định 625/QĐ-CA ngày 06/9/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì: “Trường hợp Tòa án, viện kiểm sát cùng có đơn yêu cầu chuyển hồ sơ vụ việc thì tòa án đang quản lý hồ sơ phải chuyển hồ sơ đến cơ quan có yêu cầu trước và thông báo đến cơ quan yêu cầu sau”. Với qui định này thì Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã báo cho Tòa án nhân dân cấp cao là đúng qui chế. Nhưng không có qui định nào cho phép Tòa án nhân dân cấp cao ầm thầm xóa thụ lý đơn của Saigonbook. Nếu không có hồ sơ là lý do không kháng nghị thì phải trả lời cho Saigonbook lý do này. Lúc đó, chắc chắn chúng tôi sẽ khiếu nại vì lý do đó không có trong qui định của BLTTDS 2015. Nếu để đơn còn lưu trong hệ thống mà quá hạn thì lãnh đạo tòa án hoặc thanh tra tòa án sẽ phát hiện. Họ đã cố tình xóa đơn khỏi hệ thống để tránh bị phát hiện và vin vào điều 8.2 của qui chế để trốn trách nhiệm. Họ hoàn toàn có thể gửi văn bản cho Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để mượn hồ sơ lần thứ hai, sau khi viện kiểm sát đã trả hồ sơ. Là người làm việc lâu năm ở ngành tòa án, chắc chắn các cán bộ tòa án này phải biết Viện kiểm sát sẽ phải trả hồ sơ về tòa án, chậm nhất là vào khoảng thời gian nào.
Từ tháng 5/2017 đến ngày 13/9/2019, tôi gửi nhiều đơn đề nghị kháng nghị, trong đó có đơn bổ sung vi bằng của Thừa Phát Lại Quận 5, theo thủ tục bưu điện phát chuyển nhanh có hồi báo. Tòa án nhân dân cấp cao đã ký nhận các đơn này, rồi họ làm gì, cho đến nay, không thấy trả lời. Phải có người được phân công thụ lý đơn, theo dõi vụ Saigonbook, và các đơn này đã được chuyển cho họ, nhưng họ đã vứt vào sọt rác. Họ không trả lời thì tôi không có văn bản để khiếu nại lên cấp cao hơn.
Suốt từ năm 2017 đến 2019, tôi gửi nhiều đơn khiếu nại đến Chánh án tòa án nhân tối cao, 48 Lý Thường Kiệt Hà Nội, nhưng đều được thông báo là chuyển cho Tòa án nhân dân cấp cao giải quyết. Tòa án nhân dân cấp cao không trả lời. Tôi đợi suốt ba năm, hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm theo qui định tại điều 331.1. May mà tôi kịp đấu tranh, đưa vào thụ lý đơn đề nghị kháng nghị theo qui định tại điều 331.2, nếu không, vụ án sẽ bí về mặt tố tụng. Chặn kháng nghị theo cách này phải là người rất có nghề giếm hồ sơ.
Sau khi có kháng nghị, tôi hỏi thi hành án quận 3, mới biết rằng bản án phúc thẩm không được gửi cho Thi hành án quận 3 để thu án phí. Tôi nhận ra lý do họ giếm hồ sơ, là vì, họ biết bản án này sai hoàn toàn, không thể trả lời “không có căn cứ kháng nghị”. Họ sợ trách nhiệm về sau. Quyết định kháng nghị và quyết định giám đốc thẩm, cho thấy, người thụ lý vụ án này đã hiểu rõ hồ sơ, đến mức, quyết định giám đốc thẩm đã không bị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phản đối, mặc dù, khi có giám đốc thẩm, tôi đòi bắt thẩm phán Nguyễn Thu Chinh.

MỘT NĂM TRƯỚC NGÀY CÓ KHÁNG NGHỊ

Vụ án được thụ lý lại ngày 13/9/2019, kháng nghị giám đốc thẩm ngày 22/9/2020, thời gian là 374 ngày. Cuộc đấu tranh cũng hết sức giằng co, gay go và quyết liệt. Con đường đến giám đốc thẩm là đầy vật cản và hiểm nguy. Tôi như người bị tử hình oan, hồn hiện về hành hạ ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình, Ban lãnh đạo TANDCC và cả ngành TAND Việt Nam. Khi nhận đơn vào ngày 13/9/2019, anh Lê Huy Kỳ có hứa hẹn xem xét nhanh và kỹ hồ sơ, để trình lãnh đạo, nhưng vụ việc vẫn cứ kéo dài và không có hồi âm.
– Ngày 15/10/2019, tôi tiếp tục gửi lá đơn đề nghị kháng nghị, có đường link thuyết trình vụ án bằng VideoScribe. Tôi gọi điện hỏi thì anh Kỳ cho biết rằng Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ cho tòa án cấp cao và anh đang xem.
– 15/10/2019, tôi gửi đơn đề nghị kháng nghị đến Chánh án TAND tối cao, kèm theo đơn có 1 USP chứa 12 Video thuyết trình vụ án.
– Ngày 24/10/2019, tôi viết thư riêng cho Chánh án Nguyễn Hòa Bình, đề nghị cho điều tra vụ chạy án xuất phát từ các luật sư, cựu thẩm phán Trần Văn Sự, Nguyễn Thị Kim Vinh và luật sư Lê Nết.
– Ngày 16/10/2019, tôi gửi đơn đến ông Lê Minh Trí, tố cáo “Tội ra bản án trái pháp luật” của hội đồng xét xử phúc thẩm TAND TP.HCM, kèm theo 1 USP có chứa các Video thuyết trình vụ án này.
– Ngày 16/10/2019, tôi gửi đơn tố cáo đến Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đề nghị ông chỉ đạo cho ông Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho điều tra vụ chạy án từ các cựu thẩm phán Trần Văn SựNguyễn Thị Kim Vinh, dẫn đến các Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh, Bùi Ngọc Anh và Nguyễn Thị Lang đã ra bản án trái pháp luật. Kèm theo đơn có 1 USP chứa 12 Video thuyết trình vụ án.
Cuộc đấu tranh đòi kháng nghị giám đốc thẩm năm 2019, tuy chưa có kết quả nhưng cũng gây sự ồn ào, làm cho bọn mafia chùn bước. Ông Lê Huy Kỳ không dám trả lời đơn. Tôi gửi đường link các VideoScribe thuyết trình vụ án đến cho ông Lê Huy Kỳ, ông Trần Văn Châu và ông Phạm Hồng Phong, nhưng chưa có kết quả. Sang đầu năm 2020, dịch Covid-19 xảy ra, cuộc đấu tranh đòi kháng nghị của tôi phải tạm dừng. Đến tháng 5/2020, tôi lại tiếp tục cuộc đấu tranh.
– Ngày 18/05/2020, tôi tiếp tục gửi đơn cho ông Trần Văn Châu đề nghị trả lời kháng nghị bản án phúc thẩm số 1106/22/09/2016 của TAND TP.HCM.
– Ngày 30/5/2020, tôi gửi đơn tố cáo đến ông Nguyễn Hòa Bình, tố cáo Ông Trân Văn Châu, Chánh án TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh chặn kháng nghị của tôi. Đơn này có gửi cho Bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội để giám sát. Đồng thời, tôi cũng gửi đơn tố cáo này cho ông Trần Văn Châu, ông Lê Huy Kỳ và các phó chánh án TANDCC để các ông biết là tôi đang tố các ông những nội dung gì.
– Ngày 25/6/2020, tôi gửi đơn yêu cầu gặp ông Nguyễn Hữu Trí – Phó Chánh án TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh, để hỏi về việc trả lời đơn đề nghị kháng nghị của tôi. Sở dĩ tôi đòi gặp ông Nguyễn Hữu Trí, vì lúc này tôi biết ông Nguyễn Hữu Trí được phân công theo dõi, giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại, trong đó có vụ án Konica Minolta.
– Ngày 29/6/2020, tôi gửi đơn Hiến Chiếc Máy In Cho Ngành Tòa án, để in tài tài liệu phục vụ đại hội Đảng của ngành tòa án. Đơn này gửi cho các ông Nguyễn Hòa Bình, ông Trần Văn Châu và các phó Chánh án TANDCC. Tôi cũng gửi cho ông Lê Huy Kỳ – Thẩm tra viên một bản để biết.
– Ngày 1/7/2020, tôi có đơn đề nghị gặp ông Nguyễn Hữu Trí để trực tiếp giải trình vụ án
– Ngày 15/7/2020, tôi gửi đơn yêu cầu gặp ông Nguyễn Hữu Trí (Lần 2), để hỏi về việc trả lời đơn đề nghị kháng nghị của tôi.
– Ngày 20/7/2020, tôi có đơn yêu cầu gặp ông Trần Văn Châu – Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao để hỏi “về việc dìm đơn, kéo dài việc trả lời, có kháng nghị hay không có kháng nghị”.
– Ngày 21/7/2020, tôi có đơn đề nghị gặp ông Phạm Hồng Phong, người đã tiếp tôi vào ngày 13/9/2019. Ông Phạm Hồng Phong vửa là Phó Chánh án, vừa là đại biểu quốc hội, nên tôi để nghị được gặp ông để hỏi về việc trả lời kết quả giải quyết đơn.
– Ngày 24/7/2020, tôi gửi đơn tố cáo đến Ban Lãnh Đạo TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh, tố cáo thủ đoạn ngăn chặn kháng nghị của ông Ngô Mạnh Cường. Đơn này được gửi cho từng người, Chánh án và các phó Chánh án, mỗi người một đơn, đề tên riêng và chức danh cụ thể.

Cùng với việc gửi đơn đòi kháng nghị và tố cáo ngăn chặn kháng nghị, tôi gọi điện thúc giục ông Lê Huy Kỳ trình vụ việc của tôi cho lãnh đạo để trả lời đơn hoặc kháng nghị. Bị tôi tra vấn nhiều lần, ông Lê Huy Kỳ cáu. Ông nói với tôi:
– Anh để từ từ tôi nghiên cứu giải quyết. Nếu trả lời đơn thì tôi đã trả lời rồi, vì không trả lời đơn được, nên tôi phải nghiên cứu lâu. Nếu anh thấy chậm thì anh cứ đề nghị lãnh đạo giao hồ sơ cho người khác giải quyết, chứ tôi có xơ múi gì của anh đâu mà anh hối tôi?.
– Không. Tôi không có quyền gì mà đề nghị lãnh đạo giao hồ sơ cho người khác. Nhiệm vụ của anh thì anh phải làm. Nếu anh không làm thì anh cứ báo cáo với lãnh đạo để chuyển cho ai thì tùy họ. Anh đã được phân công, tôi đề nghị anh làm đúng bổn phận của anh.
Có lần tôi lên phòng tiếp dân tòa án cấp cao đòi gặp lãnh đạo nhưng không gặp được, tôi đề nghị bộ phận tiếp dân cho tôi gặp anh Lê Huy Kỳ. Phòng tiếp dân gọi, anh Lê Huy Kỳ mang theo hồ sơ vụ án và tiếp tôi tại phòng tiếp dân. Chỉ vào đống hồ sơ dày cộm, anh nói: “Hồ sơ dày thế này, nghiên cứu cũng mất thời gian lắm. Anh để tôi nghiên cứu trình kháng nghị cho chắc chắn, chứ anh hối quá, tôi làm sai thì ai chịu trách nhiệm. Vụ này, tôi sẽ trình lãnh đạo kháng nghị, còn giải quyết thế nào thì còn nhiều người nữa, chứ không chỉ do tôi”. Nghe anh Lê Huy Kỳ nói như vậy, tôi có phần yên tâm, chờ đợi.
Ngày 25 tháng 07 năm 2020, tôi về Đà Nẵng để thăm quê và nghỉ ngơi. Bất ngờ, dịch Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng. Tôi ở lại Đà Nẵng, chờ hết phong tỏa, ngày 8/9/2020, tôi mới trờ về Sài Gòn. Trong thời gian 45 ngày bị kẹt ở Đà Nẵng, lúc nào tôi cũng nghĩ về vụ án Konica Minolta. Tôi gọi điện cho ông Lê Huy Kỳ để hỏi tình hình kháng nghị thì ông cho biết là ông đã làm xong nhiệm vụ của ông, đã trình lãnh đạo và đề nghị kháng nghị, còn kháng nghị hay không là quyền của lãnh đạo, ông không còn trách nhiệm nữa. Lúc này, tôi rất sốt ruột, muốn về Sài Gòn để đến tòa cấp cao hỏi kết quả, nhưng không thể đi được.
Ngày 27/7/2020, lúc 7 giờ 57 phút, từ Đà Nẵng, mới vừa nghe tin Covid-19, có thể bị phong tỏa, tôi sốt ruột, tôi gọi điện cho ông Nguyễn Hữu Trí – Phó Chánh án TAND cấp cao. Ở đâu dây bên kia, vừa có người lên tiếng thì tôi nói:
– Alo, xin lỗi anh Nguyễn Hữu Trí phải không?
– Đúng rồi anh.
– Xin anh cho tôi hai phút để trình bày. Tôi là Lương Vĩnh Kim trong vụ kiện Konica lừa bán máy in. Tôi có gửi đơn xin gặp anh mà không được trả lời.
– Anh gặp bộ phận tiếp dân chứ tôi không tiếp qua điện thoại
– Tôi đã đến bộ phận tiếp dân đăng ký nhiều lần mà vẫn không được gặp nên hôm nay mới phải gọi làm phiền anh.
– Tôi đã hướng dẫn anh rồi. Hôm nay tôi đi công tác.
Nói rồi, ông cúp máy.

Ngày 8/9/2020, tôi về đến Sài Gòn. Ngày 9/9/2020, tôi đến phòng tiếp dân Tòa án nhân dân cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh để hỏi kháng nghị. Tôi gửi 2 cái đơn, một đơn đề nghị gặp ông Nguyễn Hữu Trí, một đơn đề nghị gặp ông Phạm Hồng Phong. Gửi đơn, lấy biên nhận của bộ phận tiếp dân xong, tôi gọi điện cho ông Nguyễn Hữu Trí nhưng ông không nghe máy. Nhắn tin cũng không được ông trả lời. Sau đó, tôi gọi điện cho ông Phạm Hồng Phong, ông cũng không nghe máy. Tôi nhắn tin cho ông Phạm Hồng Phong, xin gặp ông để hỏi về kết quả giải quyết đơn mà ông đã phân công cho ông Lê Huy Kỳ. Gần trưa, ông Phạm Hồng Phong gọi lại cho tôi, nói rằng ông không phụ trách mảng này nhưng ông sẽ đôn đốc bộ phận giải quyết đơn để trả lời cho tôi
Sau ngày 9/9/2020, tôi như kẻ ăn vạ. Hầu như ngày nào tôi cũng đến Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh để đòi kháng nghị. Lúc gửi đơn, lúc gọi điện, lúc nhắn tin cho các vị lãnh đạo tòa cấp cao để đòi kháng nghị. Tôi viết một cái đơn xin phép biểu tình tại tòa án nhân dân cấp cao nhưng chưa gửi.
Tôi dẫn hai bạn của tôi là Nguyễn Thành Ba và Bùi Anh Tâm đến tòa ngồi đợi tôi ở căn tin tòa án để tôi đi khảo sát địa điểm biểu tình. Tôi nói với Nguyễn Thành Ba và Bùi Anh Tâm là chỉ đi theo để coi thôi. Tôi không muốn bạn tôi phải liên lụy vì tôi nhưng các bạn của tôi rất ủng hộ tôi trong cuộc đấu tranh chính nghĩa này. Họ đi để chia sẻ với tôi nỗi bức xúc trước bản án bất công này.
Bất ngờ, bạn tôi, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mận – nguyên là Phó giám đốc học viện Tòa án, lúc này đã nghỉ hưu, đến thăm tôi. Tôi kể chuyện về vụ án và cuốc đấu tranh của tôi, hiện đang chờ TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị. Tôi nhờ Nguyễn Thanh Mận đến tòa cấp cao hỏi dùm kết quả và tôi cũng dặn Mận là chỉ hỏi thôi chứ không nhờ vả hoặc tác động gì. Tôi không muốn nhờ vả ai và cũng không muốn ai can thiệp, nhưng tôi cần thông tin để “biết người biết ta”. Những thông tin mà tôi nhận được từ Nguyễn Thanh Mận cũng giống như ông Lê Huy Kỳ nói với tôi là, hồ sơ đã trình lên bàn của ông Nguyễn Hữu Trí nhưng ông Trí chưa ký kháng nghị.

Ngày 21/9/2020, tôi trực tiếp gửi đơn (lần thứ 4), ở phòng tiếp dân, đề nghị được gặp ông Nguyễn Hữu Trí để hỏi về việc kháng nghị hay không kháng nghị và lưu ý ông cảnh giác với bọn chạy án ở chỗ ông Ngô Mạnh Cường – Trưởng phòng GĐ-KT để dìm đơn hoặc tác động để chặn kháng nghị. Gửi đơn xong, tôi nhắn tin cho ông Trí biết. Cùng ngày 21/9/2020, tôi gửi đơn cho ông Phạm Hồng Phong (lần 4), đề nghị được gặp ông để hỏi kết quả giải quyết đơn. Gửi đơn xong, tôi cũng nhắn tin cho ông biết. Đến gần trưa thì ông Phong gọi lại cho tôi nói rằng, ông không phụ trách mảng này và ông cũng đã nhắc nhở phòng giám đốc – kiểm tra trả lời cho tôi. Có gì thì tôi liên hệ với ông Nguyễn Hữu Trí – người phụ trách mảng này, chứ đừng liên hệ với ông nữa.
Ngày 22/9/2020, tôi lại đến phòng tiếp dân TANDCC gửi đơn (lần thứ 5) đề nghị gặp ông Nguyễn Hữu Trí, ông Phạm Hồng Phong hoặc ông Lê Huy Kỳ. Tôi nói to tiếng, ồn ào. Phòng tiếp dân gọi điện cho ông Lê Huy Kỳ ra gặp tôi. Bất ngờ, ông Lê Huy Kỳ báo cho tôi biết là đã có kháng nghị. Ông bảo tôi chờ để ký nhận kháng nghị luôn.
Gần trưa ngày 22/9/2020, tôi nhận được kháng nghị số 50/2020/KN-KDTM ngày 22 tháng 09 năm 2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh với ba nội dung:
1. Kháng nghị đối với bản án phúc thẩm số 1106/2016/KDTM-PT ngày 22/9/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án “Tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hóa” giữa Nguyên đơn là Công ty TNHH Phát Hành Sách Sài Gòn với bị đơn là Công ty TNHH Thương mại – Tư vấn – Kỹ thuật Sao Nam và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam, Công ty TNHH MTV Cho thuê tài chính ngân hàng Á Châu.
2. Đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm nói trên, Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lại theo qui định của pháp luật.
3. Tạm đình chỉ thi hành Bản án phúc thẩm nói trên cho đến khi có Quyết định giám đốc thẩm.
Nhận được quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tôi rất vui mừng nhưng khi đọc xong quyết định kháng nghị thì tôi thấy nó còn sai ở chỗ nhận định của kháng nghị đối với hợp đồng 038. Ngay lúc đó, tôi nói với anh Lê Huy Kỳ: “Anh sẽ khiếu nại để kháng nghị bổ sung, để xem xét tính hiệu lực của hợp đồng 038”. Lê Huy Kỳ nói với tôi: “Thôi cha, có kháng nghị là người ta mừng rồi, ông còn đòi kháng nghị bổ sung nữa, ai mà làm”. Tôi cảm ơn Lê Huy Kỳ và nói: “Một ngày nào đó, khi xong việc, anh sẽ gặp và cám ơn em. Lúc này, đang còn công việc, cứ để làm khách quan vô tư, anh không dám gặp ai”.
Tôi ra về và thầm nghĩ rằng, có quyết định kháng nghị là đủ cơ sở để tôi công khai hóa vụ án này trên trang của tôi. Còn giám đốc thẩm là một bước đấu tranh gian nan nữa. Làm không khéo thì bọn mafia này sẽ chạy “rút kháng nghị giám đốc thẩm”. Tôi phải lường trước các thủ đoạn mà bọn chạy án có thể làm để có đối sách. Tuy có tính toán đến tình huống “rút kháng nghị giám đốc thẩm”, nhưng tôi cho rằng, chạy rút kháng nghị của Chánh án tòa án nhân dân cấp cao là vô cùng khó. Nếu xảy ra tình huống rút kháng nghị thì tòa án cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng không thể yên với tôi.

KHÁNG NGHỊ GIÁM ĐỐC THẨM 

Nội dung của kháng nghị giám đốc thẩm đối với vụ án, cho thấy, người viết kháng nghị đã đọc kỹ hồ sơ vụ án, đánh giá các hành vi lừa dối là rõ ràng. Tuy nhiên, khi đến phần nhận định, đánh giá đối với hợp đồng 038 lại sai về chuyên môn pháp luật. Tại trang 5 kháng nghị giám đốc thẩm, dòng 16 từ trên xuống, viết: “3.1 – Đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty Phát hành sách về việc yêu cầu tuyên bố Hợp đồng kinh tế số 038 vô hiệu do lừa dối, thấy rằng: Như đã phân tích trên thì hợp đồng kinh tế số 038 đã được thay thế bằng Hợp đồng mua bán tài sản số 03 và phụ lục hợp đồng được ký kết giữa 03 bên là Công ty Cho thuê tài chính với Công ty Sao Nam và Công ty Phát Hành Sách nên hợp đồng kinh tế số 038 không còn giá trị pháp lý. vì vậy, tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm bác yêu cầu khởi kiện của Công ty Phát Hành Sách về vấn đề này là có căn cứ”.
Đọc đến nhận định này tôi mới nhận ra rằng các luật sư, các thẩm phán, các kiểm sát viên, thẩm tra viên và Phó Chánh án TAND cấp cao, tham gia giải quyết vụ án này, hoặc là cẩu thả hoặc là yếu chuyên môn pháp luật đến thậm tệ. Tại sao lại có thể sai chuyên môn pháp luật một cách rất cơ bản như vậy, là câu hỏi cứ ám ảnh trong đầu tôi. Sửa sai cho một học trò đã khó, tranh luận với một người không hiểu pháp luật mà lại có quyền lực là khó gấp vạn lần. Tôi đau khổ vô cùng, nhưng không thể nắm mắt cho qua, vì cho qua cái sai này thì hậu quả là toàn bộ vụ án bị giải quyết sai.
Yêu cầu tuyên hợp đồng 038 vô hiệu là mấu chốt của vụ kiện này. Các hành vi lừa dối của Sao NamKMV diễn ra trước khi ký kết hợp đồng 038, vì thế hợp đồng 038 phải bị vô hiệu theo điều 132 BLDS 2005, dù sau đó, hợp đồng 038 được thay thế hoặc thực hiện xong, hoặc bị các bên thỏa thuận hủy bỏ. Vô hiệu do lừa dối không đòi điều kiện là sau khi ký hợp đồng, các bên còn tiếp tục duy trì hợp đồng. Vấn đề chuyên môn pháp luật của tất cả các ông bà luật sư và thẩm phán trong vụ án này sẽ được tôi viết một phẩn riêng.
Sau kháng nghị giám đốc thẩm, tôi viết đơn đề nghị kháng nghị bổ sung đối với hợp đồng 038. Đến khi nhận được quyết định giám đốc thẩm, tôi thấy họ đã sửa sai theo đơn đề nghị của tôi. Quyết định giám đốc thẩm cho rằng “Tòa án cấp sơ thẩm không tuyên bố hợp đồng 038 vô hiệu là thiếu sót”. Điều này cho thấy, Tòa án cấp giám đốc thẩm vẫn sai ở phần kháng nghị nhưng đã sửa sai ở quyết định giám đốc thẩm.

TỪ QUYẾT ĐỊNH KHÁNG NGHỊ ĐẾN QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM

Ngày 23 tháng 9 năm 2020, chỉ một ngày sau khi nhận được kháng nghị giám đốc thẩm, tôi viết ký “CUỘC CHIẾN ĐÒI 10 TRIỆU USD”, đăng trên trang facebook cá nhân và lưu hành trên trang web https://luongvinhkim.vn/cuoc-chien-doi-10-trieu-usd. Tôi muốn công khai hóa sự thật, để bọn chạy án không còn cơ hội dấm dúi trong bóng tối, và các vị lãnh đạo tòa án cấp cao cũng sẽ cảnh giác với những lời trình tấu không đúng sự thật, hoặc không có căn cứ pháp luật.
– Ngày 5/10/2020, tôi viết đơn đề nghị kháng nghị bổ sung đối với hợp đồng 038. Trong đơn này, tôi nói rất rõ vì sao phải tuyên vô hiệu hợp đồng 038. Đồng thời, trong tháng 10 năm 2020, tôi cũng nhiều lần viết đơn thúc giục đưa vụ án ra xét xử giám đốc thẩm.
– Ngày 12/10/2020, tôi gửi đơn đến Ban Lãnh Đạo TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử giám đốc thẩm. Đơn này gửi cho ông Chánh án Trần Văn Châu, ông Phó Chánh án Nguyễn Hữu Trí và ông Phó Chánh án Phạm Hồng Phong.
– Ngày 22/10/2020, tôi lại gửi đơn đến các ông Trần Văn Châu, ông Nguyễn Hữu Trí, ông Phạm Hồng Phong, ông Ngô Mạnh Cường và ông Lê Huy Kỳ (gửi tên riêng từng người), đề nghị nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử giám đốc thẩm.
– Ngày 28/10/2020, tôi gửi đơn đến Chánh án Nguyễn Hòa Bình, đề nghị ông chỉ đạo ‘nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử giám đốc thẩm’. Đơn này, tôi cũng gửi cho một số đại biểu quốc hội để giám sát và chuẩn bị cho việc chất vấn ông Nguyễn Hòa Bình.
Đề phòng bọn chạy án sẽ chạy “rút kháng nghị”, tôi nhắn tin cho ông Trần Văn Châu để ông cảnh giác với trường hợp này. Nhận được tin nhắn của tôi, ông Trần Văn Châu nhắn lại cho tôi đúng 7 chữ: “Cám ơn anh, tôi sẽ lưu ý”. Nhận được tin nhắn của ông Chánh án Trần Văn Châu, tôi thấy nhẹ cả người. Như vậy là, lãnh đạo cao nhất của Tòa án cấp cao đã cảnh giác với bọn chạy án, cấp dưới ông không thể tung hoành.
– Ngày 3/11/2020, tôi gửi cho ông Trần Văn Châu một lá thư riêng, trình bày rõ thêm về hợp đồng 038, để ông lưu ý khi giải quyết giám đốc thẩm.

Sự tận lực đấu tranh của tôi đã có kết quả. Ngày 6/11/2020, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã ra quyết định giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm và sửa bản án sơ thẩm với nhận định: “Saigonbook khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố Hợp đồng kinh tế số 038, Hợp đồng mua bán tài sản số 03 vô hiệu do lừa dối là hoàn toàn có căn cứ”.

QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM NGÀY 6 THÁNG 11 NĂM 2020

Tôi nhận được quyết định giám đốc thẩm vào ngày 4/12/2020, chậm gần một tháng so với ngày ghi trong quyết định giám đốc thẩm. Có thể có nguyên nhân gì đó mà tôi chưa rõ. Tuy nhiên, tôi hài lòng với quyết định giám đốc thẩm này. Đối với tôi, tôi cần đúng và cần công lý, chứ tôi không cần chiến thắng mà không có công lý. Ban đầu, tôi cũng còn phân vân ở chỗ, hợp đồng 038 chưa được xem xét ở cấp sơ thẩm nên cần phải hủy cả sơ thẩm. Nhưng sau xem lại kỹ, thì thấy hợp đồng 038 đã được xem xét cả ở hai cấp và họ tuyên bác yêu cầu vô hiệu đối với hợp đồng 038. Như vậy, quyết định giám đốc thẩm hủy án phúc thẩm, và sửa án sơ thẩm là hoàn toàn chính xác về mặt tố tụng.
Đọc kháng nghị giám đốc thẩm và quyết định giám đốc thẩm đã đưa tôi tới một khẳng định là, người viết kháng nghị giám đốc thẩm và quyết định giám đốc thẩm, đã hiểu rõ sự lừa dối của Konica Minolta và Sao Nam, không thể từ chối giám đốc thẩm. Vì thế, họ không dám trả lời đơn là “Không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm”, như họ vẫn thường làm. Giải pháp của họ là xóa đơn khỏi sổ thụ lý và không trả lời đơn, kéo dài thời gian chờ cho hết thời hạn kháng nghị, để khỏi phải chịu trách nhiệm. Họ hiểu rõ tôi và họ biết tôi sẽ đi đến cùng vụ án này, nên họ né trách nhiệm. Bất cứ người nào trong nghề xét xử, đọc hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, đều có thể nhận ra đó là án chạy. Tôi nghĩ rằng, ông Thẩm tra viên Lê Huy Kỳ và ông Ngô Mạnh Cường – Trưởng phòng Giám đốc – Kiểm tra, có đủ kinh nhiệm và kiến thức để nhận ra hai bản án chạy này. Hai người bạn của tôi, đã từng trải qua công tác ở ngành tòa án, khi đọc xong bản án sơ thẩm của Thẩm phán Phù Quốc Tuấn thì thốt lên rằng “thằng này ăn hai đầu”, còn bản án phúc thẩm thì họ nói “như của luật sư Konica Minolta” viết ra.
Tôi cho rằng, chặn kháng nghị theo thủ thuật dìm đơn trong vụ án này, có thể chỉ là ở cấp thấp, là chỗ ông Ngô Mạnh Cường, ông Lê Huy Kỳ và bộ phận xử lý đơn. Bằng chứng là sau khi tiếp tôi, ông Phạm Hồng Phong đã bất ngờ biết được tình hình và đã chỉ đạo đưa vào thụ lý nhanh. Đến khi ông Trần Văn Châu và ông Nguyễn Hữu Trí biết rõ vụ việc thì các ông cũng đốc thúc giải quyết.
Quyết định giám đốc thẩm số 49/2020/KDTM-GĐT ngày 6/11/2020, đã chỉ ra những chỗ sai và yêu cầu sửa sai theo những tài liệu chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án. Quyết định này không có chỗ nào đề nghị tòa cấp dưới phải thu thập thêm tài liệu chứng cứ. Quyết định giám đốc thẩm là đường lối xét xử của ngành tòa án. Nếu quyết định giám đốc thẩm bị sai, các thẩm phán có án bị hủy, phải phản đối và giải trình. Thẩm phán thụ lý xét xử lại, phải báo cáo Chánh án tòa án Thành phố Hồ Chí Minh và Chánh án Thành phố Hồ Chí Minh phải báo cáo với Chánh án tối cao Nguyễn Hòa Bình, để kháng nghị quyết định giám đốc thẩm. Quyết định giám đốc thẩm không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự, mà còn ảnh hưởng đến việc xử lý các thẩm phán theo quyết định 120 của Chánh án TAND tối cao, nên không thể tùy tiện.
Việc Hội đồng xét xử, do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, đã xử khác với đường lối giám đốc thẩm, hủy án sơ thẩm để xét xử lại từ đầu, đúng hay sai, là vấn đề sẽ được làm sáng tỏ ở chương tiếp theo.

 

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar